Tản mạn của Trần Hoài Thư
Trong Sông Sương Mù, tác giã đã vẽ nên ba nhân vật, ba mẫu người khác nhau. Một là người lính ở bên kia sông, tức là VC. Hai là người lính bên này sông là quốc gia. Và một đứa bé gái tâm hồn còn non nớt, chưa đủ trí khôn để đặt câu hỏi về chiến tranh. Ba nhân vật đều xuất hiện trong lớp sương mù, có nghĩa là hình ảnh và hành động của họ cũng lờ mờ ở suốt cả truyện. Nhưng ở đoạn cuối, sông sương mù đã biến thành sông máu, và sự thật phô diễn dưới ánh mặt trời. Xác người đàn ông phơi thây bên bờ sông vì bị giết khi ông ta tìm cách qua sông để đánh đồn hay để hướng dẫn pháo của phe ông rót vào khu vực. Ông không có chút gì cảm tính, nhân hậu, lòng thiện trừ sự lợi dụng – lợi dụng ngay cả con bé – khi hỏi quẹt diêm. Và kết quả, là căn nhà của bé Phượng bị trúng pháo, hai đứa em nó bị chết thảm.
Nếu ta dọc kỷ, ta sẽ thấy có một sự khác biệt giữa hai người khác chiến tuyến.Khác biệt ở tấm lòng nhân bản, từ tâm.
Truyện viết về một đứa bé gái tên là Phượng. Mỗi ngày nó phải ra bến sông để giặt quần áo cho các em. Dòng sông sương mù trắng ngần:
…Dòng sông yên tĩnh trắng ngần sương mù nhìn xa như một dải lụa. Những giọt sương còn rơi tóc tách thật nhỏ và êm đềm từ những ngọn lá cao xuống các tàu lá thấp. Bé Phượng bước xuống bến sông đặt nắm áo quần dơ trên một tảng đá, rồi khom mình đưa tay khoát nước. Nước lạnh quá làm nó rụt tay về, nhưng rồi lại nhúng xuống, lần này sâu hơn và nó mỉm cười nhìn theo sóng nước phía sau bàn tay di động…
Một ngày nó gặp một người đàn ông lạ. Ông ta đợi đò, và trong lúc chờ đợi, ông đốt thuốc. Nhưng hộp quẹt đã hết diêm. Bây giờ ông mới tìm đến con bé, nói như ra lệnh:
– Bác cần một que diêm.
(…)
Ngày hôm sau, con bé lại ra bến sông. Nó không quên mang theo hộp diêm cho người đàn ông lạ. “Trời vẫn như mọi hôm, đầy sương mù và dòng sông vẫn là dải lụa trắng bát ngát”.
Con bé buồn vì không thấy người đàn ông đã hỏi nó xin que diêm. “Trong sự yên tĩnh đang có của buổi sớm, bỗng con bé nghe tiếng đạn réo qua đầu rồi tiếp theo những tiếng nổ dữ dội chung quanh. Bé Phượng nằm ngay xuống một kẽ đá, cố thu mình thật nhỏ. Tảng đá còn ướt đẫm sương. Hơi lạnh từ đất tỏa lên thấm qua lớp vải áo làm nó run cầm cập.”
Sau khi tiếng súng thôi nổ, bây giờ mới xuất hiện người đàn ông thứ hai. Ông này là lính miền Nam. Ông nói:
– Thôi đừng giặt nữa cháu à…
Con bé hớt hải quay lại. Người lính bước xuống những bậc cấp bằng đá. Nó nhận ra người lính có vẻ quen thuộc, hình như là bạn của cha. Người lính nói:
– Giặt chiếu làm gì sớm thế ?
Con bé ngửa mặt lên nhìn người đàn ông:
– Mẹ cháu bảo nhà chỉ còn một chiếc mà tụi em đái dầm…
Người lính cười buồn:
– Thôi vứt chiếu đi, theo chú về nhà…
Con bé tần ngần mở to mắt nhìn người lính:
– Mẹ cháu dặn…
Người lính quay mặt đi:
– Chú biết rồi, nhưng bây giờ không cần thiết nữa.
Con bé hớt hải và nước mắt nó bắt đầu chảy nhanh xuống má.
– Nhưng còn các em cháu…
Người lính nói chậm rãi:
– Cháu dại quá. Cháu nhớ loạt đạn pháo kích vừa rồi chứ? Thôi về nhà chú đi…
Bé Phượng ngồi thụp xuống đưa hai bàn tay bưng mặt khóc thét lên. Trong khi người lính kéo thấp mũ lưỡi trai xuống và khịt khịt mũi.
Đấy, trái tim của người lính miền Nam là thế đó.
Ông ta mang từ tâm vô lượng đến với con bé bất hạnh. Ông đã mang nó về nhà ông trong lúc mẽ nó ở xa chưa về kịp. Ông đã giúp cho con bé nhìn lại giòng sông sương mù mà nó ưa thích:
Mỗi buổi chiều người lính thường dẫn con bé ra sông chơi, nhưng nó có vẻ thích đến đó vào buổi sáng hơn. Buổi sáng thì người lính dậy muộn, hơn nữa cũng không mấy khi anh được ở nhà ban đêm. Bé Phượng sau ngày hai em chết không có dịp để nhìn sông sương mù, không còn dịp để nhớ lại hình ảnh kẻ lạ mà nó gặp buổi sáng nào trên bến nước.
***
Đó là lý do tại sao bút hiệu LQ với toàn bộ ba tác phẩm được xuất bản trước 1975 (Cát Vàng, Sông Sương Mù, Những Cơn mưa mùa đông) đã bị nhà nước liệt vào danh sách 56 tác giả có tác phẩm bị cấm chỉ lưu hành vì nội dung phản động trong đợt I của chiến dịch truy diệt văn học miền Nam, được nhật báo Sài gòn giải phóng “ưu ái” đăng vào ngày 1-11-1975:
(chụp lại từ microfilm báo Saigon Giải phóng ngày 1-11-1975. Tư liệu của tạp chí Thư Quán Bản Thảo)
______
(1) trích từ Sông Sương Mù, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1973