Trên Net, đọc được bản tin về buổi tọa đàm về sự đóng góp của Nhà Ngữ học Lê Ngọc Trụ. Buổi tọa đàm này được diễn ra cách đây 3 năm (ngày 1-11-2014) do Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM ) tổ chức.
Đây là dịp nói lên sự ngưỡng phục của lớp trí thức trẻ dành cho một nhà ngữ học khả kính, trọn cuộc đời tận tụy với lảnh vực ngữ học Việt Nam.
Tuy nhiên, có một chi tiết không đúng sự thật khi PGS.TS Nguyễn Công Đức dùng nhà văn Bình Nguyên Lộc để ca ngợi Lê Ngọc Trụ. Chắc ở dưới suối vàng, ông Lê Ngọc Trụ cảm thấy chẳng vui chút nào:
PGS.TS. Nguyễn Công Đức cho rằng: “Giáo sư – học giả Lê Ngọc Trụ, bằng tinh thần làm việc cẩn trọng, miệt mài với một tri thức uyên bác do tự học mà có; những đóng góp của ông là không nhỏ.Song như nhà văn – nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc từng nhận xét về ông, đại ý: Lê Ngọc Trụ là một học giả uyên thâm, nhưng lại hết sức khiêm nhường. Có lẽ do đức tính như vậy, mà gần như chúng ta khó lòng tìm thấy những tuyên bố một cách hiển ngôn của ông về quan niệm đối với đối tượng nghiên cứu cũng như phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, biên soạn,…trong những công trình nổi tiếng của ông (Chánh tả Việt ngữ (tập I và II, tái bản thành một cuốn – Nxb. Trường Thi, 1960); Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb. Thanh Tân, 1960, tái bản 1971(Giải thưởng văn chương, bộ môn biên khả)); Tầm nguyên tự điển Việt Nam (Nxb. TP.HCM, 1993),…)”
Xin trích lại một đoạn trong bài viết “Thương xác với học giả Bình Nguyên Lộc” của Lê Ngọc Trụ, đăng trên Văn Hóa Tập San XXI (năm 1972), do Bộ Văn Hóa Giáo dục VNCH xb, qua đó, ông Lê Ngọc Trụ tỏ vẽ bất mãn bới tư cách của nhà văn BNL mà ông gọi là “thủ đoạn” khi “cô ý xuyên tạc” ông:
“Tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc Tô văn Tuấn mới biên sọan cuốn “Nguồn-gốc Mã-Lai của dân tộc Việt-Nam” do Bách Bộc xuất-bản (1971) dầy 894 trang.
Viết bộ sách này, ông đã tử-công-phu trót mười năm, từ 1960, để tham khảo các sách vở tài liệu về tiền-sử-học, nhân-chủng-học (đo chỉ-số sọ), và học hơn mười thứ tiếng để khảo về ngôn ngữ, sử liệu. Và căn cứ vào ba khoa học căn bản ấy, ông đã mạnh dạn chỉ trích tất cả những vị học giả bác học, Pháp, Na Uy, Việt, đã đi trước ông, để cố chứng minh sự hiểu biết của Ông về nguồn gốc Mã-Lai của dân tộc Việt Nam.
Luận điệu của ông có đúng hay sai, điều đó còn chờ những vị đã bị ông chỉ trích sẽ giải thích sau. Ở đây tôi chỉ xét qua những điều ông nói đến tôi, xuyên qua quyển “Việt-Ngữ chính-tả tự-vị” xuất bản năm 1960.
Đọc xong đọan ông chỉ trích tôi, tôi thấy ông không hiểu gì hết, hoặc ông hiểu một cách khác hơn người thường, về mục đích của tôi khi sọan cuốn tự-vị. Ông không hiểu hay cố ý xuyên tạc cũng nên, để làm nổi bậc sự xuyên tạc của ông, một thủ đọan mà nhà văn chân-chính không dùng đến. Muốn công kích ai, điều sơ dẳng là nên xem coi tôn chỉ của tác giả đã biên sọan quyển sách với những điều trình-bày có đúng với tôn chỉ ấy không.”