Suốt 16 năm, với 74 số báo, đây là lần đầu tôi đi một bài thơ tình ở trang bìa sau của tạp chí thư quán bản thảo số 74:
Bài thơ nhan đề “Thư cho anh” của Lý thị Kim Xương, đăng trên nguyệt san Tình Thương số 13 tháng 1-1965.
Theo một người trong nhóm chủ trương cho biết tác giả sáng tác bài thơ này lúc cô ta mới 17 tuổi học lớp Đệ Nhị tại trường Thoại NGọc Hầu ở Long Xuyên:
“…Nói về thơ, một lần toà soạn nhận một bài thơ lời lẽ giản dị như nói chuyện của một cô 17 tuổi. Cô là hoa khôi học lớp đệ nhị ở một trường tỉnh, trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên. Cô gửi về toà báo bài thơ mang tựa “Thư Cho Anh”. Bài thơ gồm 5 đoạn gửi cho người yêu đang học Y khoa trên Sài Gòn, chắc còn ở năm đầu mải lo học vì sợ sortie latérale nên lơ là với nàng. Chúng tôi quá thú vị đọc bài thơ này và xúm nhau bàn loạn cào cào. Cho đến hôm nay tôi còn nhớ nguyên bài đó nên chép lại ra đây với lời bàn sau đó:
THƯ CHO ANH
Anh nghĩ gì khi người ta nói yêu em
Khi trời mưa người ta đưa em đến trường
Người ta bảo người ta thường hay khóc
Vì em nhìn người ta quá dửng dưng
Chủ nhật khi em đi dự lễ
Anh nghĩ gì khi người ta lại gần ет
Người ta quỳ bên em đọc kinh khe khẽ
Em nghe người ta đọc tên em
Người ta yêu em anh có buồn không?
Nhỡ một mai em gọi người ta bằng chồng
Anh có còn yêu em không nhỉ
Chết! Người ta đang nhìn em ngoài song
Mai nhớ về thăm em nghe anh
Để người ta hiểu em không sống một mình
Người ta có yêu thì yêu hai đứa
Yêu em và yêu anh
Đừng giận người ta nghe anh
Khi trời mưa người ta đưa em đến trường
Vì không có anh nên em xin phép
Để người ta tạm đón đưa em thay anh
Cô nữ sinh này tên Lý thị KX…
(Đỗ Hữu Tước – Tình thương ngày tháng cũ . Tập San Y Sĩ số 184 tháng 1-2010)
Sự thật bài thơ chỉ có 4 đoạn, như sau:
LÝ THỊ KIM XƯƠNG
thư cho anh
Về NG. NG. TH
S.V.Y.K
Anh nghĩ gì khi người ta nói yêu em?
Khi trời mưa người ta đưa em đến trường?
người ta bảo người ta thường hay khóc
vì em nhìn người ta quá dửng dưng.
Chủ nhật người ta đi xem lễ
anh nghĩ gì khi người ta ngồi gần em?
người ta đọc kinh khe khẽ
em nghe người ta đọc tên em.
Mai nhớ về thăm em nghe anh!
cho người ta hiểu em không sống một mình
nếu người ta yêu thì phải yêu hai đứa.
(yêu em và yêu anh).
Người ta yêu em anh có buồn không?
nhỡ một mai em gọi người ta bằng chồng
anh có còn yêu em không nhỉ?
(chết ! – người ta đang nhìn em ngoài song)
LÝ THỊ KIM XƯƠNG
(bức số 2 trong “Những bức thư không gửi”)
(NS Tình Thương số 13 tháng 1-1965)
Rõ ràng đây là một chuyện lạ, hiếm thấy xãy ra trong sinh hoạt văn chương nghệ thuật. Một người yêu mến bài thơ đến độ phải học thuộc lòng, và mãi nửa thế kỷ sau, bài thơ vẫn in đậm trong trí nhớ của ông!
Nếu bảo tác giả bài thơ đó là Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương v.v… thì khỏi cần bàn, nhưng ở đây, tác giả là một nữ sinh 17 tuổi, rất ít xuất hiện trên thi đàn bấy giờ !
Điều này chứng tỏ về giá trị của bài thơ.
Giá trị ỡ chỗ nào ?
Thứ nhất là ý thơ rất lạ, rất mới.
Thứ hai, mặc dù bài thơ không cần niêm luật nhưng đọc chúng ta cứ nghĩ nó là một bài thơ có vần có điệu:
Chủ nhật người ta đi xem lễ
anh nghĩ gì khi người ta ngồi gần em?
người ta đọc kinh khe khẽ
em nghe người ta đọc tên em.
Nhà thơ đã đưa ra một ý nghĩ rất mới mẽ và ngộ nghĩnh khó bắt gặp ở bất cứ bài thơ tình nào từ trước đến nay:
Mai nhớ về thăm em nghe anh! (7 chữ)
cho người ta hiểu em không sống một mình (9 chữ)
nếu người ta yêu thì phải yêu hai đứa.(9 chữ)
(yêu em và yêu anh). (5 chữ)
Bài thơ với những giòng dài ngắn bất thường, nhưng khi đọc ta cứ nghĩ như đọc một bài thơ có vần, có điệu. Chữ dùng dãn dị, không màu mè, làm dáng, không xữ dụng những từ “nổ”, “cao siêu”, nhưng nó chứa cả một bể trời kỳ diệu của tình yêu đôi lứa. Dù ở tuổi nào, nó vân sống, vẫn làm rung động trái tim.
anh nghĩ gì khi người ta ngồi gần em?
người ta đọc kinh khe khẽ
em nghe người ta đọc tên em.
Nhà văn Hồ Đình Nghiêm nhận xét về tính cách vượt thời gian của bài thơ này như sau:
“Tôi đồng tình với anh Trần Hoài Thư “Thư Cho Anh” là một bài thơ hay. Cũng mang thắc mắc cái rung động dễ thẩm thấu kia sao ít người biết đến? Bạn tìm gì trong một bài thơ? Điều gì khiến bạn nhớ tới bài thơ đó? Tôi vẫn luôn nghĩ tới sự đơn giản của lòng thành, chữ dùng không cầu kỳ, mộc mạc của tuổi học trò và sau cùng, đọc xong nó rót vào lòng bạn để tạo ra một âm hưởng của sóng, dẫu lăn tăn. Cô học trò Lý Thị Kim Xương (vô danh?) đã làm được điều đó. Người học sinh lớp đệ Nhị vô tình tạo ra (mối tình đầu) rất đỗi đáng yêu. Tôi liên tưởng tới một cơn nắng ấm là vì vậy. Cám ơn người mang tên đẹp rất nữ tính, từ xa xưa vừa mang về cho tôi chút bồi hồi rungđộng mới. Cám ơn anh Trần Hoài Thư, một bút hiệu đẹp khác đã bỏ công vực dậy bao điều khuất tất tàn phai.
Hôm nay thứ bảy, ngày mai chủ nhật. Tôi xin được làm “người ta” để đi xem lễ, cầu chúa cho tôi được ngồi kề bên “em” để gọi thầm nàng thơ dù người ta không sống một mình. Chết! Trời thôi mưa làm sao tôi đưa em đến trường? Người ta có vì tôi mà làm thơ không nhỉ? Dẫu không tôi cũng xin chúc người: Cuối tuần vui vẻ. Tôi yêu người và tôi ghét tôi. Tôi đi lối ni luôn có ma quỷ chận đầu. Người buồn có khi cảnh không xía phần, cảnh vui vẻ suốt!
(Hồ Đình Nghiêm . Cuối tuần vui vẽ)
(nguồn: Blog Tranthinguyetmai.wordpress.com)
Tôi phải thêm bài thơ này vào Bộ Thơ miền Nam trong thời chiến và thơ Tình Miền Nam. Thêm vào có nghĩa là tái bản. Xin được cám ơn nhà thơ Lý thị Kim Xương đã giúp tôi một cái “job” rất thơm.
Ta ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay !