Đầu năm khai bút

Đêm qua tôi đi ngủ sớm, nên quên giao thừa. Hơn nữa, hơn bao giờ như lúc này tôi càn ngủ. Chiều hôm qua, tôi nói với Y. là dêm nay là đêm giao thừa, nhưng Y. không lộ vẽ gì để biểu lộ khi nghe tôi nói. Trước khi bị khổ nạn, Y. xem đêm giao thừa là đêm rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Y. đã thức đợi giao thừa về,  nấu chè, pha nước trà, dọn bánh mức, đặt lại những bình bông, và trầm mình trong lời kinh tiếng kệ và khói hương…

Bây giờ không còn nữa. Y. nằm miệt mài trên giường bệnh, và tôi thì miệt mài với những công việc như đi chợ nấu ăn, hay in ấn, rồi lên mạng viết Blog. Ít ra công việc giúp tôi quên đi thực tại. Thử tưởng tượng một lão già đã 75 tuổi (ta) phải sống hiu quạnh trong một căn nhà 4 phòng ngủ đầy ấp những hương niệm của người thân yêu từ chiếc găng tay, hộp trang điểm, chiếc áo cánh lụa ngà, chiếc quần tây, hay những chiếc bóp đầm, đến những tranh hình mà Y. mua va kêu tôi treo trên tường… Hãy tưởng tượng mỗi khi tôi giặt quần áo của Y. lấy về từ nursing home (bởi vì Y. muốn thế, và tôi phải chìu), sau khi giặt xong,  khi xếp từng chiếc áo chiếc áo, chiếc quần, tôi đã không cầm nước mắt. Nhớ đế hai câu thơ: Đập kính gương soi tìm lấy bóng, xếp tàn y lại giữ mùi hương. Bây giờ tôi cũng vậy, không phải chỉ một lần, nhưng hàng trăm, hàng ngàn lần. Mỗi lần là lòng lại rưng rưng… Hay mỗi ngày nhìn Y. không ăn, cả khay đồi ăn còn đầy, tôi như một kẻ không còn sức để chịu đựng nữa… Tôi không tự nguyện chọn, nhưng tình nghĩa đã chọn cho tôi và buộc tôi phài làm. Như trong chiến tranh, một giáo sư dạy đệ nhị cấp, mang kính cận thị nặng, bị buộc phải mang đôi giày trận, la bàn, bản đồ, chiếc mũ rừng để xâm nhập mật khu… Nói ra không ai tin. Nhưng đó là sự thật.
Trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, tôi phải làm gì để khỏi quị gục, để khỏi mang trái tim đau xé, để khỏi thấy căn nhà là một ngôi nhà mồ. Chỉ có cách là tạo cho mình một công việc làm. Chẳng hạn học cách nấu ăn. Hay in ấn..  Và tái bản hay xuát bản những tác phẩm. Cuối cùng là tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Một số người hỏi tôi, tại sao lại làm vậy, chẳng ích lợi gì, lại tốn công, tốn dức, tốn tiền… Tại sao tạp chí TQBT in ra để biếu không. Có bạn thương tình đề nghị biến tờ TQBT là tạp chí thương mãi, để giá tiền, và phát hành như các tạp chí giấy khác. Tôi nói cám ơn, nhưng 15 năm nay, không bán nhưng nó vẫn sống, và sống hùng sống mạnh…

Cám ơn Trời và Đất, và một vì sao cô độc trên bàu trời đen thẩm, đã hộ mạng ta, độ trì ta, bảo bọc ta… Để ta còn sức mạnh nơi đôi tay, và đôi chân… Dù Gout thỉnh thoảng cứ lên cơn hành hạ cho bỏ ghét.
Cám ơn bè bạn luôn luôn đứng bên cạnh ta, vui buồn với ta… Vâng, tấm lòng của những người làm văn nghệ miền Nam là thế. Một con ngựa đau, cả tàu nhịn cỏ…
Năm qua, bạn bè ơi, PVN  đã thể hiện được tình này. Và khi tiếng nói cất lên, là bốn bề đáp lại. Để thêm một lần chứng tỏ tạp chí TQBT không những là tạp chji1 văn học, nhưng nó còn là mái nhà tình nghĩa…
Đầu năm, một người bạn gởi về một bài viết về Thái Ngọc San, đăng ngày 27-1-2017 (đúng mồng một Tết bên VN) trên báo Lao Động. Chính Thái Ngọc San – một đảng viên CS –  đã nói về tấm lòng này không phải của cá nhân THT hay PVN khi hai đứa chúng tôi – mặc dù biết TNS có khuynh hướng thiên Cọng – nhưng vẫn đến thăm, POVN ơi, bạn nhớ không, bạn cho tiền, cho thuốc lá, còn tôi thì lấy cả chiếc áo đang mặc trên người để giúp TNS. Cái tình ấy chúng ta làm không phải vì chúng ta quận tử kiểu Tàu, nhưng chính là một đặc trưng của tấm lòng anh em bằng hữu – mãi đến bây giờ vẫn còn tồn tại. Xin mạn phép trích đăng (xin đừng nghĩ là tôi tự  đánh bóng mình đâu nhé).
Đối với tôi, đây là một món quà rất có ý nghĩa. Ý nghĩa ở chổ là một kẻ khác chiến tuyến với mình, lại còn nghĩ đến mình như một người bạn cũ, Thứ hai là nó thể hiện lòng nhân bản của người lính miền Nam nói riêng và anh em cầm bút miền Nam nói chung.

….Có lần vui chuyện, nghe tôi nói vừa đọc truyện ngắn thời kỳ đầu của nhà văn Trần Hoài Thư – Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang, anh San bảo tôi Trần Hoài Thư vốn là giáo sư toán, nhập ngũ, bên cạnh văn chương, có một tiểu sử sĩ quan “đáng gờm”: Trung đội trưởng thám kích, phóng viên chiến trường, ba lần bị thương, sau qua Mỹ lấy bằng thạc sĩ toán…

Rồi anh cười khắc khắc “có lần tau chửi hắn là lính đánh thuê, rứa mà hắn không giận lâu”. Anh San mất mười năm tôi mới tình cờ gặp trên internet một phát biểu liên quan của nhà văn Trần Hoài Thư, đại ý những người cầm bút trẻ trong thời chiến ở miền Nam thường có tình thân thiết, bất chấp chuyện khác lý tưởng, với ví dụ sinh động: “Như Thái Ngọc San chửi tôi là lính đánh thuê, nhưng khi Thái Ngọc San đào ngũ bị bắt, tôi và Phạm Văn Nhàn vẫn đến trại trưng binh ở Ghềnh Ráng để thăm nuôi…”. Với những gì như thế, tôi hiểu vì sao Thái Ngọc San thời trai trẻ đã có những câu thơ hào sảng: Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi/ Dù mỗi thằng đi mỗi hướng/ Và tôi vẫn tin rằng/ Không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm (Về những con đường khô cây).
(
Vĩnh Quyền – Thái Ngọc San và bầy phượng hoàng lỗi hẹn  từ nguồn: http: //laodong.com.vn)
Cuối cùng của bài khai bút đầu năm, xin được vô vàn cám ơn trí tuệ, để ta tận dụng tối đa. để mỗi ngày là niềm vui mọc cánh, như từng cuốn tạp chí Văn hoa nguyệt san ra đời dưới bàn tay ta  chỉ trong vòng 1 tháng miệt mài, biến những cuốn chữ nhòa giấy vàng ố như sắp vỡ từng mảnh vụn, để trở thành những cuốn sách.Để làm gì. Để  giữ gìn di sản văn chương miền Nam  và để chứng tỏ về một món ân nghĩa đối với cuộc đời mình. Hai tay, hai chân mình vẫn còn đủ sức mạnh :

vhns-1                    vhns-s0-2-cu
Văn Hóa NS số 1 tháng 5-1952                VHNS số  2 tháng 6-1952 (Bộ cũ)
(bộ cũ)
vhns-so-1-moi       vhns-so-2-bo-moi
VHNS số 1 thang 4 – 1955 (Bộ mới) VHNS số 2 tháng 5-1955 (Bộ mới)

vhns-so-3-moivhns-nguyen-du
VHNS số 3 tháng 6-1955 (Bộ mới) VHNS chu de Nguyen Du tháng 11-1965

vhns-6-1965    vhns-thang-5-1965
VHNS tháng 6-1965                              VHNS tháng 5-1965

vhns-thang-1-1965       vhns-tsng-12-1965
VHNS tháng 1-1965 (Xuân Ất Tỵ)   VHNS tháng 12-1965

%d bloggers like this: