Tôi vừa đánh máy xong những bức thư của một người lính gởi về cho người vợ đăng trên 2 số báo của tạp chí Văn Học (số 41 ngày 1-7-65 và số42 ngày 15-7, 1965) phát hành cách đây đúng nửa thế kỹ. Chỉ trong một tuần lễ, vậy mà 20 trang được đánh xong. Không phải là tôi đánh máy giỏi. Tôi chỉ gõ bằng một ngón cho mỗi bàn tay. Nhưng là vì tôi đã tìm được từ những bức thư ấy cả một niềm hăm hở say mê kỳ lạ.
Thật vậy, thật là một hình phạt khi ta phải đánh máy những bài mà ta cảm thấy nhạt nhẻo, không hứng đọc chút nào. Và tôi đã bỏ nửa chừng hai bài như vậy, mặc dù tên tuổi tác giả rất quen thuộc. Tôi không thể làm trái ý hai ngón tay trỏ của tôi. Chúng không muốn tiếp tục. Chúng muốn nằm vạ.
Vậy mà với những bức thư này, chúng lại nồng nhiệt làm việc.
Không phải riêng cá nhân tôi mà ngay cả nhà văn Thế Uyên. Đây là cảm nghĩ của ông:
“Trong thời gian gần đây, tôi hay viết về quân đội, về những khía cạnh của khuôn mặt đẫm mồ hôi, bụi và bùn của người lính bộ binh. Nhưng đã nhiều lần, dù đã nỗ lực khai thác tất cả khả năng của ngòi bút, đã xử dụng tất cả những kỹ thuật viết văn thông dụng, tôi vẫn thäy bất lực, thông thể diễn tả được tính cách sống động, hào hùng và bi thảm của cuộc chiến tranh đang tiếp diễn bên ngoài các cửa ở các đô thị.
Tôi bất lực như thế nên khi tình cờ được đọc một tập thơ của một giáo sư tại ngũ gửi về cho vợ ở hậu phương, tôi nhận thấy có lẽ tôi không nên làm gì hơn là mang những giòng chữ của người lính ấy tới người đọc. Tôi mong rằng người đọc đừng nên quan niệm những giòng chữ dưới đây là truyện dài truyện ngắn, hồi ký tự sự, tùy bút tạp bút… bởi vì chúng không phải là tất cả những thứ ấy, bởi vì chúng đích thực ra là con người trong cuộc chiến tranh này.
Đây là một đoạn cuối của những bức thư:
…Trung đội phó vừa bước vào lều cho biết có tiếng chó bắt đầu cắn dữ dội. Anh nhìn qua khe vách, trời tối đen vì vẫn chưa có trăng. Đại đội trưởng đã cho lệnh tắt hết đèn nhưng anh vẫn muốn viết thật nhiều cho em bởi vì không hiểu sao hôm nay, từ lúc đánh mất chiếc khăn quàng xé ở vạt áo dài của em trong lúc rút quân vào đồn, anh thấy nhớ em kỳ lạ. Nhớ theo một thứ tình cảm buồn buồn. Bây giờ anh hiểu nỗi buồn của em ngày ấy khi em đánh mất chiếc nhẩn đính hôn anh đeo vào ngón tay em một ngày đã lâu. Đại đội trưởng vừa cho lệnh báo động và đang gọi anh khe khẻ ngoài cửa lều phía sau lưng. Anh hôn em thật nhiều trước khi gấp tờ thư vào túi áo để xách súng ra ngoài. Trời vẫn tối đen. Đêm nay có trăng nhưng là trăng lên muộn. Hôn em một lần nữa.
Và cái ai tín được bỏ vào ở cuối bài: