Xin được cám ơn cô. Ít ra cô cũng hiểu tại sao cô lại có được ngày hôm nay. Ít ra cô cũng biết là nhờ tấm lòng của người lính miền Nam ấy.
Lời chủ blog: Một thân hữu vừa chuyển bài viết: “Em bé trên đại lộ kinh hoàng”, kể lại câu chuyện thương tâm về một em bé trên đại lộ kinh hoàng cũng như lòng nhân bản của người lính VNCH . Chính nhờ vậy, em bé ấy, bây giờ, đã trở thành một trung tá của quân đội Hoa kỳ, để cuối cùng cô đi tìm lại người ân nhân đã cứu cô. Câu chuyện như một cơn mơ đầy nước mắt.
(Bài này kể cả những hình ảnh liên quan được phổ biến rộng rãi trên Mạng, xin search Google “Em bé trên đại lộ kinh hoàng” là có ngay)
Xin được cám ơn cô. Ít ra cô cũng hiểu tại sao cô lại có được ngày hôm nay. Ít ra cô cũng biết là nhờ tấm lòng của người lính miền Nam ấy.
Chứ không phải tấm lòng của Nick Ut khi chụp tấm hình “Embé Napalm”. Ông ta chỉ lợi dụng tấm hình, dùng tấm hình để mua lấy danh vọng. Ông đâu màng giúp nạn nhân bất hạnh kia vào cô nhi viện, hay vào bệnh viện, hay nhận làm con nuôi.
Nhưng chính những người lính vô danh kia mới CÓ TRÁI TIM. Họ là kẻ thật sự băng bó nạn nhân, tìm cách mang về hậu cứ để từ đây gởi đến cô nhi viện. Như truyện ngắn dưới đây.
Đây là một trong số hàng trăm truyện ngắn tôi viết trong thời gian làm trung đội trưởng thám kích tại Bình Định, Phú Yên, Pleiku, Kontum…
Chất liệu được dùng là vàng ròng chứ không phải nằm nhà mà phóng tác.
KHUNG CỬA NHỎ
Đối với những người lính đang ngồi chờ lệnh qua cầu để chiếm ngôi làng trước mặt, lúc này họ chỉ mong sao cho những quả đạn pháo mà người sĩ quan đề lô gọi rót xuống mục tiêu càng nhiều càng tốt..
Ở đầu làng, những ngôi nhà tranh bốc lửa. Khói tỏa ngập trời. Gió Nam thổi, khiến khói mỗi lúc mỗi dạt về quân ta. Mắt mỗi người lính trở nên cay xè, khó chịu vô tả. Hơi nóng bay tỏa theo gió, quất xối xả vào da thịt họ những trận mưa lửa, như thể muốn làm chảy cả mỡ người. Lửa, lửa ngut ngàn, lửa reo mừng cùng trời đất. Lửa bén từ nhà này sang nhà khác, lẫn cả âm thanh gãy đổ và cả tiếng nổ từ một vài trái lựu đạn nào đó của địch cất dấu đâu đó trong làng. Đạn trái phá đã dứt. Tiếng súng địch cũng im bặt luôn. Tuy nhiên, tiếng súng của quân ta vẫn tiếp tục nổ ròn. Những khẩu súng chỉa về hướng làng, về các nơi khả nghi, các đọt cây, các lùm bụi, và những tràng nổ dòn tan từ những khẩu M16 cùng với những tiếng nổ của đạn phóng lựu rầm trời. Tất cả tạo thành một tấu khúc cuồng nhiệt, hăm hở…
Những tổ được phân tán lục soát khắp làng như đàn chó sói. Họ được lịnh bắt giữ mọi người dân còn sót lại trong vùng binh lửa. Họ phải quăng lựu đạn khói xuống những hầm. Họ ào ào đuổi theo lũ gia súc, và không quên hái luôn cả những chùm ớt nặng trĩu, đỏ thắm. Họ la hét rầm trời, đạp tông những cánh cửa còn sót lại, và bắn bừa lên những trần vách khả nghi. Nơi đây, họ có quyền hạn như một vị chúa tể, và cũng nơi đây, bạn bè đồng đội họ đã đổ máu, ngã gục. Họ ào ào trong biển lửa, chạy băng băng trên những đống tro tàn. Thỉnh thoảng, những cột gỗ, sườn nhà đổ xuống, khi họ vụt qua tạo nên những tiếng động khô khan. Lửa đã giúp họ say máu, cuồng nhiệt.
Một tổ đã tiến sâu vào làng. Những người lính khinh binh và tiên sát đã phải dò dẫm từng bước một khi tìm cách vượt qua một hàng rào tre rậm. Trung đội Thiếu úy Mẫn báo cáo, vừa tìm thấy những trái lựu đạn gài ở dưới mỗi cành cây trên đường tiến quân. Viên sĩ quan trung đội trưởng luôn luôn dục đám binh sĩ của chàng phải cẩn thận hết sức. Chàng hét luôn miệng. Coi chừng ăn lựu đạn bây giờ. Coi chừng hầm chông đó… Tìm cách chui qua đi. Đầu máy, ông đại đội trưởng luôn luôn gắt, với một giọng hết sức nóng nẩy. Ráng lục soát thật kỹ. Bắn hết cả đám cho tôi…
Tại một ngôi nhà đã cháy chỉ còn lại những cột kèo trơ trọi, và ở trước sân là một cây dừa bị đạn đại bác bắn trúng, ngã sóng soải trên hầm đất, tổ tiền sát đã tìm thấy một đứa bé gái còn sống sót. Quả là một sự mầu nhiệm. Gương mặt nó bám đầy bùn, và khói than nhưng đôi mắt nó tròn vo như hai hòn bi. Mái tóc bông bê tơi tả rủ xuống một gương mặt đầy sợ hãi tột cùng. Con bé mếu máo tiếng còn tiếng mất:
– Mẹ con đã chết rồi. Con lạy các ông tha con.
Thiếu úy Tân vừa gọi, em bé lại đây. Đừng sợ, vừa bước tới. Con bé chạy lùi, vấp phải gốc cây bưởi, té quị. Hai bàn tay nhỏ nhắn, úp vào mặt, chỉ còn lộ một đôi mắt đầy khiếp đảm và ràn rụa lệ. Nước mắt chảy dài trên gò má con bé. Nó đứng dậy và Tân thấy được bả vai con bé đẫm máu. Giọng con bé trở nên nghẹn ngào.
– Mẹ con chết nằm ngoài kia. Các ông tha cho con.
– Không, các anh không làm hại em đâu. Các anh không giết mẹ em đâu. Lại đây anh băng vết thương cho, em bé.
– Con sợ.
– Này, máu chảy ra nhiều. Anh cầm máu cho.
– Con sợ. Mẹ con chết rồi.
Rồi con bé khóc ngất. Mẹ ơi, mẹ ơi. Mẹ bỏ con.
Những người lính lúc trước hung dữ bao nhiêu, giờ đây như những con chiên buồn bã bấy nhiêu. Tiếng khóc nức nở vang lên như từng nhát dao xối xả vào con tim mỗi người, từng nỗi đau đớn tuyệt đỉnh. Một cơn gió thổi qua, mang theo hơi nóng và hơi khói đến với mọi người. Hướng, người lính truyền tin bỗng nhiên nhỏ lệ. Hắn cúi đầu xuống và đôi vai run lên. Hắn quên lửng những lời đối thoại, hỏi han, lệch lạc trong máy. Hắn quay lại nhìn Thiếu úy Tân:
– Nó bị thương.Chắc bị trúng đạn pháo kích, ông.
Tân bỏ khẩu súng xuống đất, gọi:
– Em bé lại đây. Anh băng vết thương cho. Bọn anh đến cứu em mà. Lại đây, em bé.
Nhưng con bé không lại. Nó bước từng bước khập khễnh, dễ chừng như muốn chạy. Nó đến bên thi thể một người đàn bà, nằm trên miệng hầm, sau ngôi nhà bếp. Nó úp mặt vào thi thể của mẹ nó, rồi gào lên: mẹ, mẹ.
Hạ sĩ nhất Tám nói rầu rầu với Thiếu-úy Tân.
– Để tôi đem con nhỏ này về nuôi. Hoàn cảnh nó đau lòng quá. Thú thật với Thiếu-úy, tôi đi đánh giặc già đời, nhưng đây là lần dầu, tôi thấy một cảnh não lòng như vậy. Và ông ta bước đến bên cạnh con bé, vỗ về đầu nó.
– Này em bé, đưa vai đây, tôi băng cho.
Con bé cố thụt lùi lại. Trên đôi mặt vẫn còn in dấu khiếp hãi tột cùng.
Đằng sau, Thiếu-úy Tân nói bằng một giọng nghẹn ngào.
– Chắc cảnh này sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Ông Tám, lỗi này do ai gây ra?
– Tôi nghĩ, là do chiến tranh.
– Ừ, cái gì cũng đổ thừa cho chiến tranh, cho trận mạc, cho bom cho đạn. Chứ không phải là do lòng dạ người chứa toàn hận thù tranh giành một cách phi lý? Chứ không phải đầu óc trí não của con người, chỉ tràn ngập máu me ? Người ta nói ao ước hòa bình, nhưng thực sự con người có ưa gì hòa bình đâu.
– Tôi hiểu, Thiếu-úy. Họ phải về đây, nhìn thấy cảnh này, họ mới thấy được thế nào là thảm cảnh của chiến tranh. Nhưng lỗi không phải tại mình, Thiếu-úy.
– Làm sao con bé này biết được lỗi của địch. Làm sao nó hiểu rõ ai giết mẹ nó. Địch thì trăm mưu ngàn kế. Địch thì lươn lẹo đủ bề. Làm sao con bé hiểu địch lợi dụng dân, lợi dụng đồng bào mộc mạc, lợi dụng em bé ngây thơ. Làm sao nó hiểu được hai người lính của chúng ta đã bị địch ẩn núp trong làng này bắn chết? Nó còn nhỏ quá mà. Nó chỉ thấy canon của chúng ta, đại bác của chúng ta. Nó chỉ nhìn trực thăng chúng ta nả hỏa tiễn xuống, và chúng ta ào ào vào như một đám thú dữ. Ông Tám à. Ông không thể mang nó về nuôi được đâu. Nó xem chúng ta là kẻ đã giết chết mẹ nó. Bằng cớ là chúng ta đã ở đây và nó đã không cho chúng ta săn sóc.
– Tôi hiểu, Thiếu-úy.
– Chúng ta không thể gây thiện cảm vào trí óc ngây thơ của một đứa trẻ, khi nó chưa đủ tuổi để nhận thức. Nhìn con bé này, tôi nhớ đứa em gái của tôi. Ngày xưa, tôi cũng bồng em tôi, chạy loạn, cũng đã từng dỗ dành nó khi nó khóc thét khi người ta đánh nhau. Em tôi cũng có gương mặt hao hao như thế, đôi mắt tròn vo như thế… Ngày mẹ tôi bị mật thám Tây bắt giam, tôi vẫn hay bồng nó về nhà lao. Mẹ tôi đưa vú từ trong song sắt nhà lao để nó bú. Tội nghiệp con nhỏ em tôi, nó bú những giòng sữa khốn cùng của mẹ tôi. Tôi không thể quên được, chiếc vú tóp lại, và mẹ tôi phải cắn răng bóp mạnh, để sữa chảy, mà mắt bà thì đầy nước mắt. Bên giờ đến lượt con bé này. . . .
– Tôi định dỗ dành nó, và đem nó về làm con nuôi. Vợ chồng tôi hiếm muộn. Có nó, bà xã tôi sẽ vui biết bao.
– Tôi cũng mong có một đứa em gái. Em tôi bây giờ dễ chừng 16, 17 tuổi. Nó là em cùng mẹ khác cha. Nó theo cha nó.
Viên Thiếu-úy cúi đầu hỏi nhỏ người lính truyền tin.
– Có lệnh gì không?
– Ông đại đội trưởng bảo mình lục soát xong ở yên vị trí, ăn cơm, thiếu úy.
– À tôi sẽ mang nó về cô nhi viện, nơi ngày thơ ấu, tôi đã sống và đã lớn lên. Nơi đó, con bé sẽ có bè bạn, sẽ đỡ tủi thân hơn. Nơi đó, không có đôi mắt cay nghiệt của con người; mà có đôi mắt dịu dàng, bao dung của Thượng-đế.
Đôi mắt chàng nhắm lại.
– Rồi nó lớn lên, nó sẽ hiểu.
(KH số 100)