văn chương “Đù mẹ” (bài 1)

 

Đù mẹ  là hai chữ cấm kỵ, trong văn chương nhất là trong thi ca.  Nó là tiếng chửi thề. Nhưng nó là một lợai thuốc thần dược để giảm cái tức, nỗi bất mãn, những nín câm của những con ngựa thồ kéo xe, của những con bò con trâu kéo cày trong trại khổ sai…. Chúng là đặc trưng của một lọai văn chương tự do, thể hiện trung thật nhất bản chất của con người. Nó không giả dối, đầu môi chót lưỡi. Nó không phải thể hiện sự vô luân, mất dạy, hay tính anh chị vô học, mà trái lại nó là một sự giải thoát. Những bài thơ được chúng tôi trích đăng trong Thơ Miền Nam trong thời chiến tập I do Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản dưới đây đã chứng tỏ điều này. Chửi thề vì chiến hữu mất. Chửi thề vì hận kẻ bạc tình. Chưi thề vì sự bất công. Chửi thề vì bất mãn. Chửi thề vì cứ hành quân mãi miết khi có những kẻ ở nhà ung dung viết văn làm thơ tán gái….. Chửi thề vì chẳng có ai để chia sẻ:

 

Trần Đắc Thắng

Khóc chiến hữu

      Khóc Trung sĩ Quý, Thành và Thiếu úy Tư

 

Đ.M. Tụi bây chết thật rồi
Ta nghe hồn chết giữa mưa rơi
Bao giờ bây lại ngồi uống rượu
Cùng kể nhau nghe những chuyện rời

Nhớ buổi theo ta đi  đánh giặc
Bây thề mãi mãi ở bên ta
Giờ đây, sao lại đi đâu hết
Bỏ mặc ta đau, mắt lệ nhòa

Bây khóc tình ta trong vắng lạnh
Còn ta đứng khóc với quê hương
Bỗng thấy lòng mình mùa đông xám
Thấy bây đi kích dưới mù sương

Từ đây bây đớn  đau một cõi
Còn ta đánh giặc giữa sa trường
Thương bây chiến hữu ta ngồi khóc
Đau đớn nào dâng với nhớ thương !

 

Phạm Quang Ngọc

 

Ly chiến sĩ

 

đ.m, sao mày không uống đi
mặt con gà chết thấy mà ghê
ngày mai xung trận còn hay mất
phú qúi, công danh, một tiếng khì

tao biết mày buồn, có phải không
được tin em bé sắp đi đoong
thằng này khờ quá, nghe tao phán:
một trái là xong, khỏi lấy chồng

đ.m, còn thằng ngựa chứng kia
uống đi rồi đón, má mày kìa
dăm ba ngày phép về du hí
cơm hẩm ăn hoài chửa-chán-chê

ê, thằng lính cận đấu văn chương
xếp bút, treo nghiên, bỏ mái trường
bàn luận anh hùng, gan cóc tía
Phạm Thái hề, ta cũng chẳng gờm

gươm mài chưa bén , mong chi nguyệt
kệ cứ say đi, mặc chuyện đời
ta chẳng màng đâu, gươm tráng sĩ
một đời lính trận đã phong ngôi

ai như lão trọc Tiêu Sơn ấy
ôm mộ Quỳnh Như khóc một đời
ta chẳng phí đâu giòng nước mắt
chẳng tình, chẳng nghĩa, một ly bôi !

ê, thằng gà chết, sao mày khóc ?
uổng phí hiên ngang cả một trời
lính trận hề chi ba lẻ tẻ
dẫu đời sương khói sắp xa khơi

ê, thằng mắt trắng, ngồi lơ láo
hãy uống cho say một trận cười!
mai lỡ xác thân vùi chiến địa
mà sầu hun hút vẫn chưa nguôi

 

Dã Nhân

 

Uống-rượu-với-duyên
ở Thạnh-phú-đông

 

Buổi sáng buồn tình ta uống rượu
Hình như có nắng ở trên cao
Bạn bè ngồi ghế chưa đông đủ
Không lẽ mời em thế chỗ sao ?

Làm cạn cốc này đi thằng bạn
Để lâu rượu nhạt uống không ngon
Ba năm trôi nổi miền quan ải
Không lẽ mày chưa đủ trí khôn ?

Ta biết mày buồn em lấy chồng
Thì coi như gió thổi trên sông
Tình đâu có đẹp bằng hiên quán
Rượu xé lòng vui Thạnh Phú đông.

Ta có thằng em đi đánh giặc
Bốn năm trấn thủ ở đồn xa
Lâu lâu về phép nâng tay rượu
Ngồi nói nhâm nhi với mẹ già

Những lúc ngồi buồn trên chiến đỉnh
Nắng lên ta thấy nhớ trong lòng
Người yêu tóc xõa tình lưu xứ
Biền biệt chiều xưa mưa trắng sông.

Ngồi hát hò đi bằng hữu cũ
Thời gian bỗng thấy lướt qua mau

Ngày xưa đi học ta nào biết
Chữ nghĩa đâu dùng để đánh nhau
Chinh chiến tạm quên đi thằng bạn
Mềm môi đù má cuộc đời chơi …

 

Linh Phương

 

Hành quân

 

Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ
Tóc tai dài thượt giống người rừng
Kinh kha vác súng qua Dịch Thủy
Thề chẳng trở về với tay không

Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ
Uống rượu say chửi đổng dài dài
Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ
“ Hận kẻ bạc tình “ trên cánh tay

Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

%d bloggers like this: