20 năm văn học miền Nam: về hướng mặt trời lặn…

 

Văn học miền Nam là của chung. Nó được bồi dựng không phải bởi chỉ Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, hay Tô Thùy Yên hay Mai Thảo, hay Võ Phiến hay Bình Nguyên Lộc. hay Nhã Ca… . Nó không thể phân biệt bóng lớn bóng nhỏ. Nó như là một cây đa, sống được nhờ ngàn vạn rễ. Rễ nào cũng quan trọng.

.
Từ cây đa ở gần cầu Lại Giang, mục tiêu chúng tôi  bằng mọi giá phải chíêm, để ngườii lính thi sỹ phải ghi lại, sau một đêm vượt sông âm thầm để đột kích một chốt súng nặng của địch:

Cây đa ngàn rễ đâm lòng đất
Như tấm lòng người với Bồng Sơn
Đa bám làng tôi đi bám đất
Đất với làng thương quá quê hương

Cây đa bấy giờ trơ trọi , những thiổ thần thì hoang lạnh lư nhang, không còn là một nơi trú ẩn của lũ sáo núi, hay chỗ dừng chân của những ngưiời đi chợ xa. Đó là cây đa mà trong văn Võ Phiến tôi đọc, và tôi tự hỏi: Không biết ông có bao giờ nghĩ đến máu và mồ hôi của chúng tôi phải đổ để chiếm lại nó không.

Nhưng mà đối với cây đa văn học, thì chúng tôi đã bị đẩy vào phía mặt trời lặn. Nơi ấy, đâu có mặt trời ẹể nương  tựa, để được nằm nhà, để được ung duing viết văn làm thơ và tán gái… Nơi ấy, mặt trời thì khuất, chỉ có bóng tối vì phải luôn luôn ẩn trú dưới hầm, hay phải bơ vơ trong những khu rừng già không thấy ánh mặt trời.

Chúng tôi chẳng có một niềm hy vọng, bởi núi rừng thì hung hiểm, đường lộ thì chông mìn…. Bởi hành quân ứng chiến thì miệt mài. Bởi đêm ngày chỉ nghe ì ầm tiếng nổ, khi thì lớn, khi thì nhỏ, có khi cả một tiếng đồng hồ từ những trận ném bom trải thảm của B52…. Và chúng tôi chỉ còn biết nương tựa vào thơ văn, vào văn chương chữ nghĩa như là niềm cứu rổi..

soldiers-writing-letterswarletters_film_landingE_AUS_000030

Bởi nếu không viết thì chúng tôi sống bằng gì bây giờ ?

Bởi viết là một nhu cầu. Ngay cả bất cứ ngưiời lính bình thường, cũng tìm niềm vui qua giấy và viết. Viết để mang nỗi nhớ nhung về người thân, và để vổ về an ủi ngưiời yêu, người mẹ xa cách. Viết để dặn dò. Ngay cả người lính không biết chữ cũng nhờ “ông thầy” viết dùm để mai có trực thăng đến và mang về  hậu cứ để nơi đây chuyển dùm.

Và suốt cả 13 năm, những bài văn/bài thơ viết trong hoàn cảnh, và điều kiện như thế đã tràn ngập trên các tạp chí như Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Thời Tập, Bách KHoa, Vấn Đề, Văn Học,  Trình Bày v.v… Thử lật bất cứ một tạp chí nào cũng thấy bút hiệu của chúng tôi. Chúng tôi không có nhóm. Chúng tôi không đầu quân vào một ban chủ trương. Chúng tôi chỉ biết viết. Và Viết. Sống để viết.

Rõ ràng chúng tôi đã mang  văn học chiến tranh về SG. Chúng tôi đã bồi dựng nó, giúp các tờ báo ấy được thêm độc gỉa, sống vững, sống mạnh.

Một ví dụ là tuần báo Khởi Hành. Đây là một tuần báo văn học duy nhất của miền Nam, có số lượng phát hành khủng khiếp. Có khi lên đến 10 ngàn số. Mà hầu hết ngưiời viết cũng như người dọc là quân nhân.

Có khi bài chưa lên khuôn, hay bài chưa kịp thấy, thì tác giả tử trận. Đó là trường hợp nhà văn Dõan Dân. Mơ ước của anh là thấy đứa con tinh thần thứ hai “Bàn tay cho Yến” được ra đời, thì anh tử trận trước khi tác phẩm hoàn thành. Mà nếu giả dụ anh có thấy  đứa con của anh, chắc gì anh vui. Bởi nhan đề mà anh chọn là “Bàn Tay cho Yến” đã bị  đổi lại thành “Tiếng gọi thầm” ! và cái truyện BTCY cũng bị rút ra khỏi tác phẩm !. (Xin đọc tạp chí Văn số đặc biệt về Dõan Dân, thời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm thơ ký tòa soạn)

Vâng, ngày chiến tranh, người lính viết văn: anh luôn luôn ở về hướng mặt trời lặn.. Thường thường lúc mặt trời lặn là lúc đẹp nhất. Triền đồi cỏ tranh một màu vàng kim, và cuối trời hực lên một màu dỏ lửa. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, để rồi bóng đêm lại chụp xuống, và anh lại bắt đầu bằng những bất trấc mới, để thần kinh anh như điên khùng, vì trăm ngàn quả pháo, hay tiếng nổ của bom yểm trợ, hay những biển người cuồng điên ngoài kia phòng tuyến…,..

Có người may mắn. Có người không may mắn. Như Nguyễn Phương Loan,  một người thi sỹ miền Nam. Anh tử trận trên căn cứ Hỏa Lực 6 ở Pleime. Cái chết của anh đã được kể lại bằng một bài văn đầy nước mắt của  nhà văn Kinh Dương Vương được đăng trên gio_o.com. Chúng tôi xin trích đọan, dưới đây, để bạn thấy chúng tôi đã sống và viết như thế nào:

Giữa mùa thu:

Tôi được tin anh đã trở lại chiến trường Pleime, nơi đó anh bị thương. Một mảnh thép đã len vào thân thể anh, nằm trong phổi khiến máu anh chảy ra nhiều cùng với những chiếc bong bóng màu hồng. Việc tản thương chậm chạp và anh đã bất tỉnh. Anh vào nằm bệnh viện và qua một cuộc giải phẫu.

Người bạn anh nhờ mang sách về cho tôi kể chuyện:

Buổi sáng, anh tỉnh dậy sau cơn mê man suốt đêm. Anh đã ngồi lên được và anh hút thuốc – thú vui duy nhất của anh đó mà. Buổi trưa anh cảm thấy mệt nhiều. Anh đã nói với người bạn nhờ nhắn lại cho gia đình tôi biết, nếu anh mệnh hệ nào. Đúng nửa đêm hôm đó…

… Bạn tôi, người bạn thi sĩ mà tâm hồn cao thượng và hiền hòa như lá cây đã vĩnh viễn từ biệt cuộc đời.

Có linh hồn không? Và linh hồn anh đã bay về đâu? Hẳn là linh hồn anh đã nhập vào những nụ xanh của một mùa xuân vĩnh cửu. Hay đến cư ngụ nơi một vì sao, trong ánh trăng vô thủy vô chung, hay đang bay lượn trên những tầng thanh khí? Ở đó, anh không còn là thi sĩ nữa, anh chính là thơ. Một bài thơ vô thanh vô sắc mà con người chỉ có thể nhận ra bằng linh cảm, với xúc động bàng hoàng. Một bài thơ đẫm lệ âm u.

Từ nay, trên thế gian, không nơi đâu tôi có thể tìm thấy bạn tôi, với nụ cười hiền hòa và đôi mắt như mắt một con nghé tơ nữa. Cuộc đời chúng tôi đã bị chia cách bởi một vực thẳm huyền bí mang tên Tử biệt. Chúng tôi có bị chia cách thật không? – Không – Tôi muốn tin như thế cho đến ngày tôi bước vào thế giới của anh và cuộc đời chúng tôi được nối kết lại – anh vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống của tôi.

Tôi lần dở những trang sách anh tặng tôi vào đầu mùa thu. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài nét chữ của anh. Hẳn những dấu tay anh mà tôi không trông thấy còn in lại trên những trang sách? Những trang sách giữ lại một cách vô tình hơi hướm của anh? Tôi đọc lại bức thư cuối cùng. Những nét chữ run rẩy vì cơn sốt rét rừng giờ đây run rẩy trong tâm hồn tôi.

Sáng nay, một buổi sáng xanh có nắng trong nhuộm rực rỡ khu rừng nơi dừng quân, tôi nhớ đến bạn tôi. Tôi muốn nghĩ rằng ở một nơi nào đó anh vẫn còn đang sống. Trong ánh nắng vàng trong vắt của bình minh kia anh đang cười và trên những chiếc lá xanh kia anh đang viết những câu thơ lục bát bằng ngòi viết tâm hồn anh và mực nắng ban mai. Anh đang nhớ đến người con gái anh yêu, gia đình anh, bè bạn và đời sống.

Nhưng không, mặc cho sự phỉnh phờ của cơn mơ mộng, trong tận cùng tâm trí tôi có một nơi bóng tối không chịu rời xa – dù chỉ một chút bóng tối nhỏ nhoi – từ đó một tín hiệu âm u liên tục đánh đi và tâm hồn tôi luôn tiếp nhận, rằng: “Bạn anh đã chết! Bạn anh đã chết! Đã. . . chết!”

( Kinh Dương Vương: bài thơ cho bạn tôi, nguồn: Gio_o.com)

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading