Đối với tôi lúc này chẳng có đêm có ngày. Chiếc đồng hồ treo tường hết pin từ lâu với hai cây kim nằm yên một chỗ, như tôi bây giờ. Job của tôi vẫn là job toàn phần ứng trực 24/24. Ngày xưa mỗi lần đơn vị được lệnh ứng chiến, thì vài ngày sau, đơn vị được thưởng bằng một hai ngày dưỡng quân. Bây giờ chẳng có dưởng quân, chẳng có phép, chẳng có vacation suốt cả hai năm nay… Bây giờ tôi chỉ còn mấy cuốn sách để khuây khỏa, trong khi tai thì căng để nghe chuông Y. bấm bất cứ lúc nào…
Tôi đã trả lời trong bài phỏng vấn của Nguyễn thị Hải Hà tôi là nhà văn sống và Viết. Những ngày tháng qua tôi sống rất nhiều và viết cũng rất nhiều. Viết bằng computer và sống bằng sự suy nghĩ tích lũy trong đầu. Tôi không mong trở thành nhà văn nhà thơ lớn. Nhưng tôi biết tôi là nhà văn lớn. Lớn trong nỗi chịu đựng. Lớn trong cái thảm kịch. Lớn trong những hoàn cảnh tột cùng của đen tối nhưng cũng chói lọi rực rở. Lớn bằng những dâng tặng mà cuộc đời đã dành cho tôi. Tôi đã sống sót trong chiến tranh. Tôi đã sống sót trong tù tội. Tôi đã sống sót trong chuyến vượt biển kinh hoàng. Nhà văn Nguyễn thị Hải Hà không tin binh chủng thám kích nguy hiểm vì tôi chẳng hề hấn gì. Tôi đã giải thích bằng vết sẹo khắc trên lồng ngực lép của mình. Tôi đã giải thích giữa bãi trống tự nhiên có mô đá. Nhưng tôi quên nói là trận Kỳ Sơn, 6 sị quan có mặt nhưng 4 sĩ quan bỏ cuộc, còn tôi và đại đội trưởng thỉ bị thương… Đó là nỗi may mắn kỳ diệu. Và những may mắn này tiếp đến những may mắn khác. Để còn được viết. Viết trên giấy học trò. Viết trên bao thuốc lá. Viết trong quán ăn, viết trong đêm kích giặc… Viết trong tâm trạng của một người được sống sót chứ không phải là một tay mang áo hoa rừng, hoa cài thép súng
Đêm về sáng, tôi lò mò in lại hai tập truyện của mình đã hết từ lâu. Đó là truyện từ Văn, và truyện từ Bách Khoa.Làm trong nỗi mệt mỏi, chẳng có chút gì hứng thú như trước khi Y. bị stroke. Nhưng bạn đọc cần. Ít ra họ đã còn cho tôi những ân cần, giúp tôi biết được cuộc hành trình mình đi.
Đăng lại lời mở trong truyện từ Văn, như lời cám ơn:
Lời mở
Sau tập “Truyện từ Bách Khoa”, tập “Truyện từ Văn” ra đời, như là một phần ấn bản đặc biệt của tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề về tạp chí Văn trước 1975.
Để có tập truyện này, chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đến một số bạn hữu ở trong nước. Chẳng những quí bạn bỏ công sưu tầm mà còn giúp phần đánh máy bài vở. Chúng tôi cũng xin được cám ơn cô Trần thị Nguyệt Mai đã giúp xem lại lỗi chính tả và nhà thơ Thành Tôn đã không ngừng chia sẻ và cho những ý kiến rất hữu ích cho việc thực hiện dự án.
Hầu hết các truyện đều được ghi rõ số báo sưu tầm, chỉ có một ít truyện ghi là “không rõ”. Lý do là những trang truyện chụp lại mà thân hữu có nhã ý gởi tặng chúng tôi làm quà văn nghệ, không có ghi rõ xuất xứ.
Đọc lại để bồi hồi, để nhớ lại một thời sống và viết.
Dù câu văn có khi không trau chuốt. Dù mạch văn có khi không điềm tĩnh, trái lại hối hả, hụt hơi. Dù ý văn có khi si dại đến ngây ngô.
Nhưng đó là tuổi trẻ của chúng tôi. Một tuổi trẻ trong thời chiến: hoang mang, nhiều buồn hơn vui, buông thả, viết trong tâm trạng mỗi bài văn gởi về tòa soạn mang ám ảnh là bài văn cuối cùng. Viết trên ba-lô, trong hầm sâu, sau những chuyến hành quân, hay giữa đường bụi khói…
Ngày chúng tôi bắt đầu layout tập truyện này là ngày 30 tháng 4 năm 2012. Nó chứng tỏ rằng dù miền Nam đã bị xóa tên nhưng những di sản văn chương của miền Nam đã không bị xóa mất. Nó đang có mặt trước quý bạn để chúng tôi biết rằng chúng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại miền Nam.
Trân trọng
Trần Hoài Thư