Thận trọng là một yếu tính trong khi sưu tập cũng như khi phê bình hay nhận định về một tác phầm hay một vấn đề văn học. Ngay cả một chữ in mờ, đọc không rõ, ta cũng còn khổ tâm. Bởi vì nếu đoán, thì chắc gì đoán đúng, mà trái lại, làm cả bài, cả câu trở nên mất hết ý nghĩa.
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như thế khi sưu tầm cho 5 tập thơ miền Nam. Ví dụ tôi cần tìm cho được những bài thơ của Phạm văn Bình, lý do là thơ ông quá hay, nhưng khi tìm được tên Phạm văn Bình rồi, thì đọc thấy có vẽ khác lạ. Đành phải bỏ. Và mãi ba, bốn năm sau, tôi mới biết được sự thật. Nếu như không thận trọng, không cân nhắc, không tìm tòi, không có chút kiến thức về thơ văn, thì có lẽ bộ thơ miền Nam này phải vất vào thùng rác rồi.
Vậy mà trong bài viết về tạp chí Sáng Tạo, tác giả Thụy Khuê, khi nhận xét về lối văn chương tự trào của ST, bà viết (nguyên văn):
… Lối tự trào này rải rác trong các tác phẩm của những người cùng thời với Sáng Tạo như Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Ngh, (1)
Sự thật, nhà văn Nhã Ca chỉ có một bài thơ duy nhất trong số 7 bộ mới (1961) – số cuối cùng dưới bút hiệu Trần Thy Nhã Ca. Còn Túy Hồng thì chỉ xuất hiện trên Bách Khoa từ năm 1964 với truyện dài đăng nhiều kỳ “Vết thương Dậy thì” . (sau khi ST đóng cửa vào năm 1961 đến ba năm) Riêng nhà văn Trần thị Ngh thì .truyện đầu tiên (Chủ Nhật) của bàị mới xuất hiện trên Vấn Đề do Mai Thảo và Vũ Khắc KHoan chủ trương . (Tạp chí Vấn Đề, số 39, phát hành tháng 10.1970)
Tôi nhớ khi tác phẩm đầu tiên của tôi “Ra Biển gọi thầm” được xuất bản ở hải ngọai, có một ông bạnlàm báo văn học khuyên tôi nên nhờ Thụy Khuê đọc và điểm sách dùm. Chứ đừng nhờ những kẻ vô danh tiểu tốt. Tôi chửi thề. Thằng THT này chưa bao giờ nhờ ai hết.
Đời vẫn vậy.
Khi mà chính máu của một chuẩn úy thám kích lai láng trên mặt đường ngay cây xăng ông Tề tại Qui Nhơn vào năm Mậu Thân Vậy mà, khi kể về trận tái chiếm Qui NHơn thì thiên hạ lại không tin, lại tin vào đại tá Phạm văn Sơn trưởng ban quân sử khi ông viết về trận đánh Qui Nhơn. Giữa đại tá và một chuẩn úy quèn, thì dĩ nhiên người ta vẫn tin Đại tá hơn..
Bởi vậy chúng ta vẫn thường thấy trên một số tác phẩm được đăng rất trang trọng những ý, những lời của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, để chứng tỏ tác phẩm của họ xứng đáng nên tìm đọc.
Có phải vậy không?
***
Có điều, dù chúng ta trách bà Thụy Khuê không thận trọng khi vơ ba nhà văn nữ trên cùng thời với Sáng Tạo, nhưng một câu hởi làm sao bà biết bà có lỗi khi chẳng ai nói ra cái lỗi của bà?
Cũng như trường hợp cá nhân tôi, nếu gỉa dụ tôi tin vào tờ Khởi Hành, đăng bài thơ Pháp Thân vào trong bộ Thơ Miên Nam thời chiến dưới tên tác giả Phạm văn Bình, thì làm sao tôi nhận ra cái lỗi của mình nếu như không có lời giải thích của nhà thơ Phạm văn Bình ?
_____
(1) Thụy Khuê: Cấu trúc thơ: Tạp chí Sáng Tạo. Bài viết được phổ biến rộng rãi trên Internet. Và tôi chỉ căn cứ vào tài liệu đọc được trên NET, không biết bà Thụy Khuê có sửa lại lỗi lầm này hay chưa?