Không còn là giờ giấc

Dạo này hầu như tôi không còn biết gì về giờ giấc. Bởi những công việc cứ hối thúc, cứ làm tôi cuống cuồng. Từ việc chăm sóc Y.  đến việc in ấn, rồi lo cho tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Xin đừng thương hại hay tội nghiệp dùm tôi. Tôi chọn mà. Tôi không thích ai rủ lòng từ bi từ độ. Hãy để cho tôi được sống theo ý của mình.

Sáng nay xem như dứt điểm bài vở cho tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề Hiện Tượng Nhà văn nữ miền Nam. Kỳ báo này số trang tăng lên khủng khiếp. Từ số 60 với 260 trang nay số trang đã vọt  lên 320 trang. Dĩ nhiên là cực, vất vả hơn bao giờ. Và cũng tốn tiền tốn sức hơn bao giờ. Nhưng mà, không sao. Nếu cứ nghĩ đến những trở ngại thì chẳng bao giờ xong việc. Bằng chứng là tạp chí TQBT đã bước vào năm thứ 14, và những số đầu chỉ 110-130 trang nay đã thành 320 trang. Bằng chứng là chỉ có một mình tôi – một lão giá tóc bạc phơ, hai năm tóc tai dài tận ót, vẫn một mình một cõi tung hoành. Vẫn chọn bài, vẫn sưu tầm bài vở, vẫn layout, vẫn đóng, dán, cắt, và tự tay bỏ vào phong bì dán tem gởi đi… Nếu mà nghĩ đến những trở ngại vơ vẩn thì chắc tôi cũng phải bỏ cuộc từ lâu.

Hôm nay, bài của chị Thái Kim Lan đến như niềm mong mõi. Mừng lắm. Cám ơn chị đã bỏ công bỏ sức để giữ lời hứa.  Tạp chí TQBT là tạp chí nói lên một hiện tượng văn học mà hình như các nhà phê bình nhận định đều thờ ơ. Đó là  hai chị em dịch giả Phùng Khánh Phùng Thăng. TRong  bài Nghĩ về hiện tượng văn chương nữ thời chiến, tôi viết như sau:

Họ đã chứng tỏ không phải văn chương nữ giới của những năm 66,67,68 chỉ là “táo bạo”, “những kẻ đói đang ăn ngốn ngấu. ” (Nguyễn Nhật Duật)  hay chỉ là những tác phẩm “thiếu lớn tư tưởng” (Mặc Đổ) như nhận định cũa một số nhà văn nam trong cuộc thảo luận bàn tròn của tạp chí Văn năm 1972. Mà trái lại những dịch phẩm của họ  giúp cho người đọc tìm được  lời giải, một đốm lửa tỏa sáng tâm linh, một bè phao giữa bể máu và lệ của chiến tranh  khi mà chiến tranh đã làm con người mất niềm tin, không tương lai, sống buông thả, cuồng loạn, khi mà xã hội đầy gái điếm, bar Mỹ , và đồng đô la đỏ.

 Ảnh hưởng của hai dịch phẩm không phải chỉ hôm qua, mà mãi đến bây giờ. 

Một nhà văn nổi tiếng khi chết đi, để lại ít nhiều những thương tiếc vào lòng độc giả hâm mộ là điều dĩ nhiên  Nhưng hình như với hai tên tuổi Phùng Khánh và Phùng Thằng thì có rất ít người nhắc đến, nói gì làm một số báo chủ đề hay tưởng niệm họ. Nếu có chỉ là với ni sư Trí Hải, chứ không phải nữ dịch giả Phùng Khánh khi bà chưa xuất gia, dùng tên thật của mình đến với cõi văn chương. 

Cho dù cuộc đời của họ mang đoạn kết quá chừng thảm khốc để chúng ta phải xót thương nhỏ nước mắt gấp trăm ngàn lần !  Phùng Khánh tức sư bà Trí Hải sau này, thì bị chết trong một tai nạn xe cộ tại Phan Thiết, khi một chiếc xe chở gạo cán đè bẹp lên chiếc xe hành hương vào năm 2003. Và Phùng Thăng và con gái Tiểu Phượng 9 tuổi thì bị quân Pol Pot cáp duồn, trói cột hai mẹ con lại, và  đập búa vỡ sọ, rồi chôn dưới gốc dừa vào tháng 5-1975 (Xin đọc TQBT số 59 chủ đề Phùng Thăng).
Một con vật bị xe cán vỡ sọ vỡ óc ta còn tội nghiệp thay, huống hồ đây là hai người phụ nữ. Mà là hai người đã có công mang cái đẹp vào văn chương, mang tư tưởng của Phật giáo vào chữ nghĩa sách vở  miền Nam. Một người biến “chúng con khổ nguyện xin cứu khổ”  thành hành động  dưới tấm áo tu hành (Phùng Khánh). Một người mà vào năm 22 tuổi đã dịch Buồn Nôn, của J. Paul Sartre, 24 tuổi đã dịch “những ruồi” của J. Paul Sartre và  vào năm 1973, đã dịch tác phẩm “Kẻ lạ ở thiên đường” của Simone Weil  – một nữ triết gia người Pháp, đã “ khước từ thiên đường hữu hạn để chọn hỏa ngục vô biên vì quá xót thương và muốn chia sớt những lầm than của trần thế …” (8 bis)

Sự đóng góp  ấy  về đạo, về đời, về văn chương về dịch thuật và về cả nỗi đau đớn  vô biên, về cái hình phạt kinh hoàng dã man nhất mà họ phải gánh chịu, lẽ nào chúng ta lại quên ? 

Không, chúng tôi không quên được. Bằng chứng là chúng tôi viết ra đây, như là tấm lòng của chúng tôi đối với những tài hoa tôn nữ bên giòng sông Vỹ Dạ ngày nào.

Có điều, sức người có hạn, chúng tôi không thể viết nhiều về họ trong khi tài liệu về họ thì quá ít ỏi, khan hiếm.

Đó là lý do tại sao tôi rất mừng khi nhận bài “Phùng Khánh và Phùng Thăng: Lộ trình suy tư triết học – Phác họa hiện tượng luận tình yêu” 

Một lần nữa xin thành thật cám ơn chị TKL.

***

320 trang. Vậy mà một số bài vở của bạn bè phải đành gát lại. Những truyện mới viết còn nóng hổi của Lưu Thủy Hương, Trần thị NGH, Nguyễn thị Mỹ Thanh, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Âu Hồng… Những thân hữu ấy có lý do để chọn lựa TQBT mà trao đứa con tinh thần của họ. Không phải là trao theo cái kiểu submit to ALL mà, nói như nhà văn Trần thị NGH, là tha đứa con không cha của mình gởi đến nhà giữ trẻ Hợp Lưu, Văn, và Thu Quán Bản Thảo. Nay thì hai tờ đầu đã an giấc ngàn thu, chỉ còn lại TQBT là nhà giữ trẻ để chị gởi gấm con mình…

320 trang. Một con số diệu kỳ. Đối với kẻ triệu phú đi nữa cũng chưa chắc thực hiện được. Làm sao mà họ có thể có được tấm lòng như  của  Thái Kim Lan, Trần thị NGH, Nguyễn thị Mỹ Thanh, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Lệ Uyên ? Có tiền có thể in cả ngàn trang, giấy tốt, bìa láng, trang hoàng rực rỡ, họa sĩ tài danh trình bày, nhưng chắc gì người đọc được tìm những điều gì hay ho, hữu ích ?

Có phải vậy không?….

%d