Bỗng nhiên nỗi buồn tư nhiên như đỏ lên con mắt. Quạnh hiu hay hiu quạnh bây chừ ?. Bạn bè. Đồng đội. Những người quen hôm qua.Bao nhiêu người đã ra đi. Bao nhiêu người còn lại. Có người mới vài năm đây có mặt. Thì đang đang nằm trong phòng cấp cứu hồi sinh.Có người còn giọng nói bên tai. Bây giờ giọng nói đã trở thành kỷ niệm
Thế hệ chiến tranh sao mà buồn quá đổi.
Bỗng nhớ đến câu thơ của Charles Schwidersk về những người bạn lính thám kích của ông:
I have built a house within my heart where all of my Highland Scouts live.
Each one has a permanent room though all of the windows are draped in black and the tenants are never coming back.
(For my scouts)
Ông chỉ sống với họ lúc họ hành quân. Hết hành quân ông trở về bản doanh dành cho cố vấn. Vậy mà ông còn mang theo Highland scouts “thám kích” chúng tôi vào trong ngôi nhà của trái tim mình. Để còn nghe họ cười, nói, và không bao giờ trở lại.
Tôi cũng vậy. Khác với ông, tôi sống với họ suốt gần bốn năm. Bốn năm ở một đơn vị nổi tiếng là nguy hiểm, chuyên môn đi đầu, chết đầu, với những chuyến đi cảm tử, vậy mà còn sống sót đến bây giờ, thì kể là chuyện lạ.
Nhất là đơn vị ấy lại là đơn vị đã sản sinh ra một Hồ văn Hòa, người sĩ quan được thăng cấp nhanh nhất trong QLVNCH. Chỉ hai tháng lên hai cấp, do chính tướng Đỗ Cao Trí gắn ngay tại mặt trận sau khi đơn vị nhổ xong những bụi gai “khó nuốt”..
Đơn vị đó là đại đội 405 thám kích sư đoàn 22 BB, mà HVH là đại đội trưởng. Anh đã được bốc thẳng về binh chủng Biệt Động Quân để giữ chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 35 BĐQ. Tiểu đoàn này được nổi tiếng trong trận giải tỏa Chợ Lớn vào dịp Mậu Thân.
Có lần anh kể với tôi, cái khăn choàng cổ mà tiểu đoàn 35 BĐQ mang chính là khăn choàng cổ của đại đội 405 thám kích.
Từ người cựu chiến binh Hoa Kỳ xây ngôi nhà nhiều phòng cho những người bạn thám kích chúng tôi, đến một Hồ văn Hòa, mang cái khăn choàng cổ một bên là màu đen và một bên là màu đỏ của đại đội cũ. và tôi, mang vào trong suốt những tác phẩm văn chương của mình… Những điều ấy chứng tỏ chúng tôi có một mái nhà chung, để mà nương tựa trong lúc cô đơn, trong lúc tuyệt vọng, trong lúc cảm thấy nghị lực không còn đủ sức để chống chọi với cuộc đời…
Những ngày quân về những ngày quân đi
Ba ngọn tháp Chàm mái nhà nương tựa
Ba ngọn đỉnh trời không đèn không lửa
Gạch lớp rêu phong, lạnh khí âm Hời
Trong lòng tháp chàm, trú ngụ bầy dơi
Chiều hôm dơi bay sà trên doanh trại
Lòng trống hoang tàn, khóc thương triều đại
Phòng tuyến dưới chân lớp lớp kẽm rào
Những ngày quân về những ngày quân đi
Bình Định quê em hang hầm vô kể
Buổi sáng xuống đồi, thân nhân đứng tiễn
Buổi tối mang thây người bạn đi về
Những ngày quân về những ngày quân đi
Ba lô hành quân, mấy ngày lương thực
Thị trấn bên đường, ngọn đèn mờ nhạt
Thèm lắm chao ơi, mái ấm gia đình
Những ngày quân về những ngày quân đi
Nặng trĩu trên vai, ba lô súng đạn
Con tàu ì ầm bay về mặt trận
Ứng trực phi trường chờ đợi chuyển quân
Những ngày quân về những ngày quân đi
Hôm qua dẫn đường, hôm nay hộ tống
Ngày qua An Khê đêm về Tuy Phước
Tiếp cứu quận đường bị mất hồi khuya
Những ngày quân về những ngày quân đi
Em qua Gò Bồi đừng về An Cữu
Trận đánh hôm qua xóm làng đỏ lửa
Chỉ còn chú gà trưa gáy lẻ loi
Những ngày quân về những ngày quân đi
Anh lội mỗi chiều lao vào địa phủ
Có đêm trăng sao, có đêm mưa lũ
Mả rạch kênh bờ, anh ở qua đêm
Những ngày quân về những ngày quân đi
Hôm nay Bồng Sơn mai về Phước Lý
Anh đứng trên hầm địch chôn đạn pháo
Vui mừng đêm nay, thành phố bình yên
Những ngày quân về những ngày quân đi
Bình Định Nho Lâm Tân Dân Phù Cũ
Mẹ về thăm quê, đợi con giải tỏa
Giữ những con đường không có mìn chông
Những ngày quân về những ngày quân đi
Qua những làng thôn hoang tàn đổ nát
Bình Định quê em đau thương tang tóc
Biết đến khi nào thấy được mùa xuân
Những ngày quân về những ngày quân đi
Bên này Gò Bồi, bên kia chợ Huyện
Em gắng bơi thuyền đến phiên chợ kịp
Anh gởi mua giùm một ít trầu cau
Để anh làm quà thưa với mẹ cha…
(Trần Hoài Thư, trích từ tập thơ Ô Cửa)
Như những ngày tháng bây giờ.
Tôi không cần những danh ngôn như người lính già không bao giờ chết, họ chỉ… gì gì đấy không cân nhờ, cần biết, mà nhớ biết để làm gì. Hay anh không chết đâu anh… Bây giờ, tôi chỉ cần hai chân tôi đứng thẳng, lửa luôn luôn bốc trong lòng, để máu của thám kích vẫn còn luân lưu trong người.
Tôi cần để sức mạnh làm hai cánh tay tôi phải cắt những chồng giấy, những cuốn sách dày cộm…để mỗi tuần là một cuốn sách mới, mỗi ba tháng là một số báo mới…
Sức mạnh ấy không phải đến từ những danh ngôn những lời nói những biểu ngữ trang hoàng, mà từ mái nhà mà chúng tôi đã nương tựa trong một thời máu lửab hãi hung.