TQBT 59 “Tưởng niệm Phùng Thăng” đã được phát hành

. Tôi đang in những tập cuối cùng để dứt điểm. Kỳ báo này sẽ không để   lên mạng, hay phổ biến cho bất cứ một ai qua những file unicode. Tôi ao ước người đọc sẽ thấy cái công trình khổ nhọc trăm bề của chúng tôi. Nó không phải dễ dàng như click vào mouse hay zoom in zoom out. Trái lại người đọc sẽ mở ra từng trang giấy để thấy giá trị của việc làm này. 

Vì vậy, Xin đừng luân lý giáo khoa thư  chúng tôi về lý do tại sao không upload lên mạng.

(Muốn có  báo xin gởi thư về chúng tôi. Nếu ngại phải mang nợ thì kèm tem, kèm tiền. Nhưng hãy để chúng tôi có được cái quyền từ chối để chứng tỏ có tiền nhiều khi mua TQBT cũng không được ! Nếu ở trong nước thì chờ có ai quen về VN, nhờ họ mang về  dùm. Mỗi năm hàng trăm ngàn người về mà.)

Lúc này tôi chỉ làm việc riêng như in ấn, viết lách vào sau nửa đêm về sáng.Lúc ấy rảnh rổi, tâm trí thoải mái, làm việc rất thoải mái. Ban ngày xem như không thể làm việc riêng vì phải lo chăm sóc người bệnh như giúp Y. làm vệ sinh cá nhân, nấu ăn, đi chợ, viết bill, tập tành physical therapy cho Y, giặt giũ, đẩy xe rảo quanh nhà… cho Y uống thuốc, giúp Y bước xuống giường hay lên giường ….

Với  số báo kỳ này, bề dày là 280 trang, thì hai trăm trang đều dành cho PT. Đó là một chuyện lạ lùng khi tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ làm nổi. Sao mà làm được khi tôi là một primary caregiver phải tất bật với những công việc phải chăm sóc một người bạn đời bị bán thân bất toại, tôi  không thể rời nhà hơn một tiếng đồng hồ,  khi mà PT ra đi chẳng để lại dấu vết. Hay chẳng ai bận tâm nhắc nhở. Nếu có nhắc thì hầu hết dành cho Phùng Khánh.   Ngay cả những tác phẩm mà PT để lại cho đời cũng xem như mõi mắt trông tìm như Buồn Nôn, Những Ruồi, Sói Đồng Hoang…  Vậy mà bây giờ tôi có đủ. Có cả chứng liệu  Koh Tang. Có cả Thổ Chu. Có cả hồi ký của ông đại sứ… Có cả cảnh hai mẹ con bị trói chặt… Có cả học trò viết về cô giáo dạy Triết lúc cô mới 23 tuổi, mà bây giờ, cứ nhắc đến một mùi hương kỳ lạ, và một màu áo đen không bao giờ quên, hay có cả những Kẻ Lạ Ở Thiên đường, một tác phẩm mà chưa ai nhắc, khi PT quyết tâm dịch, dù sau những ê chề bởi những trang phê bình hằn học chê bai về cuốn “Những Ruồi”… Có cả thơ Trần Xuân Kiêm làm cho Phùng Thăng với thi tập Tình Không.  Vâng, tôi đã có đủ.

Đó không phải là do một nguồn ẩn lực huyền diệu nào đó  ?

Ví dụ cuốn Kẻ Lạ Ở Thiên Đường của Simone Weil do PT dịch. Người thân của PT cho biết bản thảo đã bị thất lạc sau năm Mậu Thân. Tìm trên Net, không có dấu vết.
Tìm qua các thư mục trên mạng của Yale, Havard, Cornell hay Quốc Hội Hoa Kỳ: cũng không. Tìm ở thư viện Saigon ha nội có tầm cở quốc gia cũng không. Vậy mà tôi lại tìm ra nó – tại một thư viện tỉnh. Mới biết là PT tự chọn đề tựa này cho một tập dịch 6 lá thư của Simone Weil gởi cho một linh mục để bàn luận về ý nghĩ địa ngục thật và thiên đàng tưởng tượng…

Và qua anh ĐC cùng đôi bạn trẻ ở quê nhà sốt sắng giúp đỡ, tôi mới biết là tác phẩm này đã được An Tiêm xb vào năm 1973 !

KẺ LẠ Ở THIÊN ĐƯỜNG được chọn làm tên chung cho bản dịch sáu bức thư gởi cho linh mục Perrin và năm bài trần thuyết về năm đề tài tôn giáo. Qua toàn thể văn phẩm, tâm hồn Simone Weil vẫn là một tâm hồn quằn quại cô đơn nhưng rất sáng suốt trong công cuộc đi tìm một Quê Hương tâm linh đích thực cho mình. Chính sự sáng suốt ấy đã đưa Simone Weil đến chỗ khước từ thiên đường hữu hạn để chọn hỏa ngục vô biên vì quá xót thương và muốn chia sớt những lầm than của trần thế. Trong nguyện ước của nàng, như có vọng âm những lời phát nguyện của các vị bồ tát Phật giáo từ muôn nghìn thế kỷ. Trên thiên đường hữu hạn ấy, nếu được chọn, Sìmone Weil sẽ vẫn mãi mãi là một kẻ xa lạ lạc loài, vì nàng không ước muốn. Nàng chỉ ước muốn Thiên Đường chính thực, Quê Hương tâm linh bình đẳng cho tất cả Loài Người.

**

.

Cám ơn ĐC về bài thơ  tháng ba. Bài thơ tôi được đọc trong Cào Lá Ngoài Sân Đêm do Thư Ấn Quán xb cách đây khoảng một tháng. Hay quá nên tôi đi vào trang đầu. Và cũng vì hay nên phải làm cái gì đó để trân trọng. Tôi in thêm một phụ bản màu Thanh Tâm Tuyền do ĐC vẽ, như bài thơ đã cảm tác nhân ngày giỗ của TTT.

tháng ba

 nhớ ngày giỗ Thanh Tâm Tuyền

 tháng ba hoa đã vàng quanh giậu
rừng mưa sương ướt cỏ lên mầm
xanh non lá cũng vừa reo dậy
trên nhánh khô buồn gió cuối đông

 chim hót vào xuân tiếng hót trong
con chim màu đỏ gạch tươi hồng
tôi trông nó tuần nay mới thấy
lại nhảy vờn thoắt hiện thoắt dông

 Kiệt Tấn ơi con vịt vàng của bạn
chết bên đường bạn khóc rống năm xưa
tôi: con sóc vừa nhảy tơn mới đó
mà sát na xe đã cán tươi rồi

 tôi buồn quá sao mà kỳ lạ rứa
bỗng khi không động đất chết bao người
có cô Nhật Michiko yêu Sơn lắm
nay Sơn mất rồi mất đã mười năm…

 và tháng ba hoa đã vàng thương nhớ
sáng nay đi vòng mấy bận rừng sau.

Virginia, March 22, 2011

Đinh Cường

(Trích Cào Lá Ngoài Sân Đêm – thơ Đinh Cường
Thư Ấn Quán xuất bản tháng 1-2014)

%d bloggers like this: