Văn liệu lịch sử chiến tranh VN: Nhật ký ngưng bắn

Lời tác giả/chủ blog: Nhật ký này được  viết vào tuần  ký kết hiệp định Ba Lê khi tôi là phóng viên chiến trường vùng 4. Bài  đăng trên tạp chí Văn Học  (trước 1975) , và được sưu tập đăng  lại trong  tập truyện Mặc Niệm Chiến Tranh, do Thư Ấn Quán xuất bản tại Hoa Kỳ 1999. (THT)

 

 

Nhật ký ngưng bắn

Ngày 24-1-1973.

Tin Mừng.

Tôi vui quá đi thôi. Đôi mắt tôi chan chứa ánh mặt trời. Con tim tôi tràn ngập tình đôn hậu. Lồng ngực tôi bồi hồi. Tôi phải nhảy xuống sông, gột rửa hết những mùi tai ương đã bám nặng trên da trên tóc. Tôi phải lọc bỏ hết những hận thù, máu me, bụi trần, khói lửa. Tôi phải lọc lại bạch huyết cầu, hồng huyết cầu. Bởi vì, cuối cùng Tin Mừng đã đến. Những lời tuyên bố của các nhà lãnh tụ. Những hiệp định, nghị định. Chao ơi, tâm hồn tôi là cả trăm ngàn sợi dây đàn đang bật rung lên trong niềm rộn ràng, kích động nhất.

Trời hôm nay thật trong sáng. Hoa muồng vàng rộ cả một con đường thênh thang. Nắng sợi lung linh trên những mái ngói đỏ. Hồn phố đã thoát khỏi một cơn đau bầm và hôm nay đã trở thành một thiếu phụ rực rỡ.  Những ngày qua nàng đã trải qua cơn bệnh liệt giường. Má nàng xanh xao. Viền mi của nàng ủ rũ. Đôi môi nàng khô héo nụ cười. Vú ngực nàng khô cạn. Mái tóc nàng xơ xác muộn phiền. Nhưng hôm nay, người thiếu phụ của thành phố tôi đã hồi sinh. Tóc đã xanh. Ngực tràn trề sửa. Má ửng hồng. Nụ cười đã nở. Nàng chào đón tôi bằng bầu trời thật xanh, và mặt đất đầy hoa lá.

 

Có phải không những cậu em tôi, những người học trò cũ của tôi. Sẽ không còn những nỗi buồn xé gan xé ruột của Nguyễn Tất Nhiên: Ta hỏng Tú Tài, Ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc…

Có phải không, những người mẹ, người vợ, người yêu từ Nam ra Bắc… đang mòn mỏi chờ đợi hai tiếng hoà bình.

Có phải không, những người mang áo trận, quanh năm suốt tháng lặn ngụp trong đầm lầy hay trên núi rừng sơn dã. Sắp từ giã vũ khí, chiến trường. Sắp bỏ qua lệnh lạc. Sắp vẫy tay vĩnh biệt khói súng, tiếng nổ, poncho ôm xác bạn bè, quan tài bịt kẽm. Sắp trả lại những đêm địa ngục, những ngày tử sinh.

Và riêng con tôi. Con sẽ lớn lên cùng tuổi thơ bát ngát cánh diều, để no nê cùng trời xanh và mây trắng. Con sẽ không còn hỏi giờ này ba ở đâu nữa.

 

Ôi, hôm nay tôi vui quá đi thôi. Dù hôm nay là ngày 24. Dù chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn. Dù những sửa soạn quân đội vẫn còn âm thầm. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Tôi nói thầm. Hôm nay bên kia bờ Đại Tây Dương người ta sắp đặt bút ký vào thoả ước ngưng bắn, tái lập hòa bình.

 

Ngày 25-1-1973.

Sáng nay tôi đang có mặt trong thế giới bệnh viện.

Tôi đã đi qua những hành lang dài. Tôi đã bước vào từng khu bệnh xá. Những người vừa từ giã chiến trường đang soi bóng mình như những hồn ma ủ rũ.  Những khúc băng trắng hếu, những chiếc xe lăn, những cặp nạng, những đôi mắt vô hồn. Một người thương binh cụt chân đang ve vuốt khúc thịt thừa. Một người thương binh cụt tay đang đốt thuốc nhìn lên trần nhà. Mùi ê te lẫn mùi máu tanh nồng nặc cả một thinh không. Tôi muốn đến bên người thương binh nói rằng anh có vui không khi chỉ còn ba ngày nữa là hòa bình rồi. Mơ ước của anh sau hòa bình là gì. Nhưng tôi không can đảm. Bởi tôi thấy ở đôi mắt kia là cả một biển ngậm ngùi. Tôi không biết anh còn niềm tin để tiếp tục trong những ngày còn lại. Lại có tiếng còi cứu thương rúc lên. Thương binh, người chết lại được đưa vào.

Người người nhốn nháo. Tôi cố xô đuổi ý tưởng đen tối. Trước cổng bệnh viện, một đàn bồ câu đang đậu bỗng vụt bay lên hốt hoảng, vì một trực thăng cứu thương đang sắp đáp xuống bãi đáp trong quân y viện.

 

Ngày 26-1-1973.

Chỉ còn một ngày một đêm nữa là lệnh ngưng bắn được ban hành. Lệnh cấm trại vẫn còn được áp dụng triệt để. Những dự mưu hung bạo vẫn còn đè nặng trên xứ sở rách nát tang thương.

Buổi chiều những trận đánh kinh hồn bay về từ tần số xa. Những nổ lực cuối cùng của phe lâm chiến. Không biết ai nằm xuống vào giờ thứ hai mươi lăm.

Có tin một đồn binh ở Vĩnh Bình bị lọt vào tay địch. Địch đã bắt người mẹ của viên thiếu úy làm con tin. Một là giao nạp đồn. Hai là bà mẹ anh ta bị giết. Cả đêm tiếng loa bắt vào đồn. Và cuối cùng, viên thiếu úy cùng những người lính thuộc cấp đã bỏ đồn rồi tháo thân chạy về quận. Anh ta bị giữ chờ ngày ra toà án binh.

Trời ơi, cả sách vở chiến thuật, chiến lược được viết bởi những danh tướng lẫy lừng, chắc cũng không bao giờ dạy về cái chiến thuật tàn bạo dã man nhất như cái lối giữ con tin như thế này. Chỉ có ở miền Nam này, chỉ có bọn người không còn nghĩ gì đến trẻ em, đàn bà, ông già bà lão, chỉ biết dùng họ làm những con mồi, đẩy họ vào chỗ chết. Chỉ có một nơi, mà những người dân vô tội lại bị lôi kéo vào trận chiến.

Tôi tự hỏi ông quan tòa sẽ nghĩ gì khi nếu mẹ ông cũng bị giữ làm con tin như trường hợp của người đồn trưởng kia ?

 

Chiều 27-1-1973.

Bây giờ lại đến lượt tôi lên đường vào giờ thứ 25. Lệnh đã bắt tôi bằng mọi giá phải đến một nơi cách 70 cây số để dự kiến một trận đánh tại con đường huyết mạch miền Tây. Năm giờ chiều, tôi chạy xe về báo tin má. Chiều nay đừng để phần cơm cho con. Má ngạc nhiên: Con đi đâu? Tôi muốn nói với bà là con đến một nơi mà người ta đang nổ lực làm chủ.

Sáu giờ chiều. Con đường tráng nhựa thênh thang, vắng ngắt. Không có cả một chiếc xe đò quen thuộc. Chắc ai cũng sợ trở thành nạn nhân của giờ 25 chăng. Chỉ còn có tôi bên cạnh người tài xế trong khi bên đường từng chiếc phản lực đang nhào lộn đổ xuống những trận mưa bom. Những cụm khói đen ngút trời bốc lên mây. Những tiếng nổ dữ dội không mệt. Sáu giờ chiều. Giữa lúc bạn tôi tìm cách trở về nhà sum họp, thì tôi lại ra đi. ến một nơi  của tai ách.

 

Đêm 27-1-1973.

Đêm cuối cùng là đêm sấm động. Cơ chừng đêm nay người ta cố trút hết những gì của chiến tranh còn sót lại. Bom ì ầm. Hỏa tiển rền rỉ. Pháo dội liên tu. Hỏa châu bừng vỡ không nguôi. Những chớp lửa loé lên bất tận. Đêm như con bệnh lên cơn, gào thét, đứt đoạn.  Đêm như hội hoa đăng của tử thần để ngày mai sau 8 giờ sáng, chúng sẽ rút lui vào bóng tối miên viễn. Tôi nằm giữa một nơi xa lạ. Không pháo đài. Không đồng đội.

Đôi lúc, một tràng đạn nổi lên rất gần, như bên cạnh con hẻm sát căn nhà trọ. Đêm bây giờ đêm quá âu lo. Lời ca Trịnh Công Sơn trở thành sự thật não nùng. Tôi trở dậy lêu bêu trong đêm. Cánh cửa sổ mở ra, tôi thấy lại muôn vàn chớp lửa san sát in rõ giữa nền trời tối kịt. Có tiếng lá khô xào xạt. Sương đã giăng đầy. Lại một vài trái sáng nữa được bắn lên, thảng thốt òa vỡ. Tôi tự biết đêm nay có những người xem như là đêm dài nhất. Đêm của giờ thứ 25.

 

Tám giờ sáng ngày 28-1-1973.

Cuối cùng, cái gì đến đã đến. Còi hụ đã rúc lên lên rồi. Tiếng còi đầy xúc động. Nó vút lên như một tiếng khóc òa của một người mẹ già thấy lại đứa con bị mất tích trở về. Nó như trăm ngàn sợi dây đàn đồng một lúc bật dậy mà người nhạc sĩ trong một giây khắc xuất thần đã bấm được cung bậc. Nó reo lên như niềm hân hoan của một người từ lâu chưa biết hạnh phúc là gì. Lại có cả tiếng chuông chùa và nhà thờ nữa.  Những hồi chuông rộn ràng trong một thinh không trong sáng và gây lạnh. Tôi muốn làm một cái gì đó để diễn tả nỗi vui mừng quá kỳ diệu này. Tôi muốn nhào ra ngoài đường để khiêu vũ, để gào thét cùng cơn vui cuồng dại.

Nhưng cớ sao tôi lại cố nuốt nỗi tái tê. Mọi nhà vẫn còn đóng cửa. Đường sá vẫn vắng ngắt. Cây cầu sắt với người lính gác ngồi bất động. Tôi bắt đầu lên xe chạy đi. Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…Hôm nay là ngày hòa bình rồi, cớ sao mắt tôi lại tràn ngập màu đen ảm đạm.

Tám giờ hơn. Đạn bỗng nhiên nổ lên dữ đội. Tôi đã nhảy ra khỏi xe, hớt hãi tìm chỗ ẩn. Trước mắt tôi là lửa ngọn, bên tai tôi là tiếng nổ lớn nhỏ vang rền. Và người người đã bồng bế nhau từ phía trong đồng ra ngoài lộ. Một người đàn ông vừa chạy vừa bò về hướng tôi. Tôi đưa ống kính lên nhắm vào gã để chụp. Nhưng gã đã chúi đầu xuống, lạy tôi: Bẩm quan, con là dân, con vô tội. Tôi sững sốt hỏi: Cái gì thế? Gã tiếp tục lạy tôi:

Con vô tội. Đừng bắn con. Thì ra gã tưởng cái ống kính mà tôi nhắm vào gã chính là khẩu súng!

 

Tôi phải kể sự thật về buổi sáng hòa bình ngưng bắn này. Tôi đang ở giữa tiếng tiếng nổ và đám người chạy loạn. Tôi đã biết giấc mơ của tôi là giấc mơ phũ phàng.

Dưới chân tôi, cơ chừng có năm xác chết, mình mẩy be bết đất bùn, mặt mày toát loát quái dị. Trên miệng của một xác chết, ai đã chơi đặt một điếu thuốc. Tôi lợm miệng và gai ốc muốn nổi. Đối với những xác này, tôi có một tài liệu để chứng tỏ tôi đã thi hành lệnh. Nhưng tôi không can đảm chụp. Đến khi người tài xế nhắc: “Chụp đi chứ. Chụp để về trình” thì tôi nhắm mắt, chụp bừa.

Đó là việc làm của một tên phóng viên mặt trận sáng nay. Khi đưa ống kính lên, tôi đã nhắm mắt. Tôi nhắm mắt trước những xác chết quái dị, không còn hình dạng con người. Hàm răng trắng nhô giữa những mảnh thịt xương, tóc tai bê bết bùn. Cuối cùng họ nằm đấy, trong khi những kẻ ở đằng sau họ, trong bưng biền kia, trong vùng biên giới kia, vẫn còn sống, tiếp tục xúi dục những người khác. Những tên phù thủy ấy, rõ ràng, chúng được sinh ra để kích động người khác, bắn thế, giết thế và chết thế cho chúng…

Tôi nhắm mắt bởi vì tôi không quen với xác chết.  Tôi cũng nhắm mắt trước người dân quê đã lạy tôi bởi vì y ngỡ tôi đang bắn y. Tôi cũng nhắm mắt trước cảnh những người đàn bà con nít đang bồng bế nhau vừa chạy loạn vừa quay lại nhìn làng xóm của mình.

 

Tôi muốn nôn. Đằng sau những cành mai đang rộ bông vàng rực như báo hiệu một mùa xuân sắp kề. Có hai đứa bé đang nhìn xác chết. Trong xe lam thêm một bó nylong bọc thây người. Tôi sợ nhìn cảnh tượng. Tôi muốn trở về nhà. Thì ra, cuối cùng đất nước tôi, miền Nam của tôi, cũng vẫn chưa bị buông tha bởi lũ diều hâu kên kên…

 

Trở lại nhà, vừa mở cánh cổng thì vợ tôi đã chạy ra ôm tôi mừng mừng tủi tủi. Trong nhà đang xôn xao bàn tán. Vào 8 giờ sáng ngày ngưng bắn hiệu lực, một quả hỏa tiển của phe bên kia đã rót vào sau nhà chưa đầy 20 thước. Mấy đứa cháu bị sức ép làm chảy cả máu miệng máu mũi. Phía sau, mái nhà hàng xóm bị trốc lốc. Cả một bờ thành bị sập. May mắn trong khu không có ai chết.

Văn Học, 1973

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading