Bên kia cầu (truyện )

truyện này lấy chất liệu từ chiến trường Bình Định, đăng trên tuần báo Khởi Hành trươc 1975, viết lại . Trích từ tập truyện Thế Hệ Chiến Tranh xuất bản tại Hoa Kỳ, tái bản 2004 (THT)

 TQBT 54 letter page 74_1

(tranh Đinh Cường dành riêng cho tạp chí TQBT )

Có lẽ đơn vị cực nhất là đơn vị trinh sát hay thám kích biệt lập. Đó là những đơn vị được sư đoàn dùng để tăng phái cho các đơn vị bạn. Chúng tôi thường nói với nhau chúng tôi là những đứa con ghẻ. Họ đưa chúng tôi đi trước. Họ bắt chúng tôi nhử địch. Họ đẩy chúng tôi vào giữa lòng cạm bẫy. Họ tận dụng chúng tôi tối đa. Chúng tôi bơ vơ mấy chục mạng, đội mũ rừng, không giáp sắt che thân. Chúng tôi cứ đến, cặp mắt láo liên, đôi tai nghe ngóng. Đôi giày bộ binh không phải đánh bóng mà mốc trắng, mà hả mõm. Mỗi bước đi mà mỗi bước tai ách. Ngày xưa, cái chết nhẹ như lông hồng bởi vì không có mìn, có bẫy, có chông, có lựu đạn gài. Ngày xưa tướng đánh tướng quân chơi quân. Ngày nay, cái chết thì xem như kiến cắn. Trời ơi, không thể tìm trong kho tàng chữ nghĩa cái ví von kỳ lạ này. Thế mà mấy ngài nhà văn nhà thơ nhà báo, nhà quan, nhà tướng cứ mang ba cái điển tích Tàu ra mà xài. Cái chết nhẹ tựa lông hồng. Mấy chục năm chiến tranh, không đủ để tìm ra một lời ví von hay sao, lại cứ xài đi xài lại ba cái điển tích Trung Hoa. Ôi kiến cắn. Danh từ này chắc không đến từ quan tướng, mà lại xuất phát từ mấy tay lính mang máy PRC25. Kiến cắn. Kiến chích. Kiến nào. Kiến càng. Kiến lửa. Nó bị kiến cắn ngủ thật rồi. Trí ơi, mày học trường nào mà ca dao tục ngữ đầy bụng. Mày vừa hút thuốc, vừa nghe hay báo cáo trong máy truyền tin. Mày bị tao đá đít nhiều lần vì không chịu mang súng, chỉ hai trái lựu đạn hộ thân. Bộ mày tưởng làm lính mang máy PRC25 là tà tà sao. Mày không biết bọn gà chết chuột nhắt luôn luôn tìm mày trước. Bởi mày là linh hồn của đơn vị. Mất mày có nghĩa là mất hết. Không còn liên lạc. Không còn xin yểm trợ. Không còn nghe lệnh lạc. Đại Bàng, Mặt Trời. Sơn Ca Họa Mi Quái Điểu Phi Long. Bắc Bình Sơn Tây Non Nước. Mất mày như tao mất cặp kính 7 độ của tao. Mày là con cưng. Mày còn theo sát tao hơn thằng ô đô tà lọt. Đôi khi mày còn kinh nghiệm hơn tao nữa. Tao suy tôn mày. Bởi mày theo nhiều ông chỉ huy khác, tài giỏi hơn tao, can đảm hơn tao. Mày rút kinh nghiệm từ mấy ổng, để truyền lại tao khi tao cần đến, nhắc tuồng tao khi tao quên. Mày tỉnh bơ khi tao bụng đánh lô tô. Mày cười lộ răng vàng lấy lòng tao nhờ tao viết thư tình tán gái. Mày không bao giờ thắc mắc thao thức suy tư tuổi trẻ tuổi già chiến tranh nội chiến. Mày còn xem được tọa độ, báo cáo mỗi đêm những chỗ làm ăn. Còn tao, tao chỉ hơn mầy cái bằng đại học, cái vỏ sĩ quan. Nhưng mấy con tính vi phân, tích phân, quang học ba động, xác xuất, cơ học, mấy ông Jean Paul Sartre, Albert Camus đâu có áp dụng gì trong cuộc chiến tranh chó má này. Mày cũng như ông Y Đao, ông Muôn, ông Tướng, chẳng cần học trường nào mà cũng biết cách chơi VC, mỗi lần vào mật khu là mỗi lần bọn chuột đồng nhảy lõm bõm, phóng nhào xuống ao xuống hồ, hay chưa kịp mặc quần mà chạy. Trí ơi, linh hồn của trung đội ba. Không ai ca mày thì tao ca mày. Tao vinh danh mày… Tao phải cám ơn mày. Cám ơn ông Tướng. Cám ơn tất cả. Cám ơn mà không thấy xấu hổ. Tao đọc mấy bút ký chiến trường, chỉ nói về quan, chứ ít khi nhắc về lính. Lính là kẻ bị sai, phải sinh ra để mà tuân lệnh cần gì mà nhắc. Mấy ổng tốt nghiệp trường sĩ quan, có học đàng hoàng, có bằng có cấp treo kính, phải phục là phải. Nhưng chắc gì trong một trăm ông, chín mươi chín ông hiểu được cách nghe tiếng súng, để khi nào bò, khi nào chạy, khi nào đứng, khi nào ngồi. Chắc gì mấy ổng biết cách tìm dấu mìn chông mà không cần máy dò máy hửi. Chắc gì mấy ổng học được cái mánh lới qua mặt đại đội trưởng, qua mặt luôn VC khi được lệnh đi tiền đồn. Chính mấy ông lính già, đánh giặc mấy chục năm mới là bậc thầy. Còn các quan trẻ như tao chỉ đáng làm học trò của các ông mà thôi.Bỏ qua đi Tám. Hôm nay tự nhiên nổi cơn độc thoại một mình. Hay là hôm nay, đất trời gây gây như mùa thu trăn trở, để lòng người phải trở trăn. Hay hôm nay, cuộc ra đi vào nơi gió cát lại không thấy gió cát, không nghe tiếng nổ, mà trái lại, mọi sự xãy ra bình an, vô sự, để ta trở về báo cáo địch sợ quá rút dù. Phải hôm nay, màu xanh bát ngát của những cánh đồng mạ non, xen lẫn cùng vài hố bom, hố đạn pháo binh, ta đi giữa đồng, chẳng phải lội nước, lội ruộng, dàn hàng ngang xung phong mà trái lại, ta nghe lòng trổi lên một niềm vui êm ả. Chỉ mong có bấy nhiêu. Vô sự. Một trăm thằng lính thì 99 người đều mong như vậy. Chỉ trừ mấy tay một là lên lon làm tướng, hai là chết, thì gạt sang bên. Nhưng dù không ham lên lon, mấy thằng lính nào lại được bình yên vô sự. Người ta bắt họ phải chứng tỏ họ là những kẻ yêu trai thời loạn, là này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi, chết để cho người khác được sống.
Hãnh diện đi chứ khi chết để người khác được sống. Cho lính kiểng, lính ma, lính thầy, lính cậu, cho đám con cháu con ông cháu cha du học nước ngoài được sống. Cho tỉnh trưởng, giám đốc, tổng cục trưởng, bộ trưởng, tổng trưởng, tổng thống sống dai, sống khoẻ để cứu độ dân lành.

Đừng kết tội tôi là tay bất mãn. Tôi đang nói thật. Bởi vì tôi phải có quyền nói. Tôi không dám kết tội ai hay vơ đủa cả nắm. Tôi đang đánh VC mà. Tôi hãnh diện là thanh niên thời loạn mà. Muốn kết tội tôi, xin làm ơn đi đánh giặc như tôi, để hiểu rõ hơn về tâm trạng của những tay lính đánh giặc thật sự. Phải đánh giặc thật sự, chứ đừng đánh giặc bằng mồm. Phải đặt mình ở vị trí của một thằng lính trơn, chứ đừng ở vị trí một tay sĩ quan.
Làm sĩ quan sướng lắm mà. Mấy ngài đóng quân, lính hầu lính hạ, căng võng, trải chăn. Nói gì đến mấy ngài, riêng cá nhân tôi, một tay trung đội trưởng cũng có một tà lọt, ô đô, mang balô, mang lương khô, mang quần áo, và làm kẻ cận vệ, nấu cơm, nấu nước, săn sóc như một kẻ hầu không công.
Đừng chụp mũ tôi tội nghiệp mà.
Bọn nó mà bắt tôi, chắc phải mang tôi ra lăng trì. Người ta nói huynh đệ chi binh, nhưng mày phải đứng xa mặt trời hàng bao cây số. Tiếng nói của mày phải qua hệ thống quân giai. Mày chỉ biết nhắm mắt. Nhắm mắt khi ông đơn vị trưởng lấy gạo bán, lấy xăng bán, mở câu lạc bộ bóc lột tận xương tủy của lính. Nhắm mắt khi xung quanh ông gái đẹp đầy đàn còn mày thui thủi một mình hát lính mà em. Người ta nhân danh mày nhưng người ta có bao giờ cởi chiếc áo bào đắp trên người lính bất hạnh như vua Trần Nhân Tôn đã từng. Phải không?
Tôi nói với ông Tướng, trung đội phó của tôi: ” Ông cho anh em dùng cơm, bố trí tại chỗ. Có lẽ chiều mình rút. ” Ông Tướng không đáp, vác súng chậm rãi bước rảo quanh các tổ trung đội. Tròn, tà lọt của tôi, gặp tôi cười: “Cô giáo làng xinh lắm, ông.” Tôi la lên: “Thế à. Để tao tới xem sao?” Phía đầu trường học, đám lính đứng ngó vào trong lớp. Tiếng đọc bài của đám học trò nhỏ vang lên theo nhịp thước, khiến tôi muốn ngất ngây cùng một niềm vui khó tả. Vâng, ít ra chúng tôi còn một chút gì để mà hãnh diện trong việc cầm súng của mình. Chứ cứ đánh hoài, để cuối cùng chỉ thấy những bãi mồ, những nhà tan cửa nát thì đánh để làm gì. Đừng cho tôi là ái quốc lãng mạng. Tôi sợ cái loại lãng mạng này lắm. Không có lãng mạng ở cuộc chiến tranh này. Những tay mơ tưởng đến cảnh làm người hùng, xin hoán chuyển dùm tôi, để tôi được nhờ. Xin cám ơn trước.

Bây giờ cả không gian đầy những lời học trò đọc bài, nhịp nhàng và tươi vui cùng nhịp thước mà cô giáo gõ đều trên bàn. Hãy vui đi các em. Cho dù, ngày mai, không biết ngôi trường còn vang lên bài hợp tấu thiên thần của các em nữa không. Và cô giáo làng của tôi ơi, chiếc áo vàng màu hoa quì nổi bật giữa một lớp học quê như một bông hoa đồng nội. Và tiếng nói của cô thật trong trẻo như tiếng chim mẹ nổi lên giữa những tiếng ríu rít của các chim con. Cô biết không, tôi cũng có một người yêu là cô giáo như cô. Nhưng nàng thì vô tâm tàn nhẫn. Nàng bắt tôi đội mưa dang nắng. Nàng bắt tôi uống rượu say mèm, hoang đàng phóng đãng. Cái lý do chính là nàng sợ làm cô phụ. Trời ơi, ai cũng sợ thì ai đi đánh giặc hở cô. Ai cũng không dám làm người tình không chân dung thì lũ chúng tôi trở thành những kẻ ế vợ hết. May mà có em đời còn dễ thương. Thôi thì cứ tưởng tượng để đời còn bông còn hoa, dù là hương thừa phấn thải…
Tôi nhìn vào lớp học. Nàng chừng như bắt gặp đôi mắt của tôi, nàng cúi đầu xuống. Kìa, nàng bặm môi, nàng cười, hay nàng làm dáng. Nàng lại gõ thuớc trên bàn, bắt học trò cùng đọc theo nàng một bài học thuộc lòng.
Có đôi cậu tinh nghịch, thúc cùi chỏ vào bạn bên cạnh mà miệng thì gào hét. Vâng, các em cứ vui đi nhé, cứ sống cho trọn vẹn tuổi học trò của các em đi nhé. Nắng đã lớn. Nhưng trời gây gây lạnh. Cánh đồng vàng bát ngát. Bên kia cầu hiện giữa màu xanh của dừa, tre là nóc giáo đường. Không có dấu hiệu gì để chứng tỏ là địch có mặt như tin tình báo đã cho biết. Trên đường đê vẫn thấy vài người đàn bà đội thúng mang gánh trở về. Không biết phòng nhì sư đoàn lấy tin tức ở đâu. Thôi, chẳng cần thắc mắc, bận tâm. Miễn là vô sự, càng tốt. Bình an được ngày nào hay ngày nấy, phải không, Ba Cận Thị ?
Bây giờ, chúng tôi lại bắt đầu zulu. Lệnh go, để chúng tôi có thể trở về nhà sớm. Trung đội một đi đầu, và trung đội tôi bọc chót. Không có gì đáng lo ngại trong vùng hành quân lục soát. Bình an được một ngày thì mừng rồi. Xem chuyến hành quân này mấy ngài ở Sư đoàn chấm lộn. Học trò đọc bài ê a. Dân làng đi chợ. Những cuộn khói bốc lên từ nhà dân. Yên tĩnh như một giấc mơ. Tiếng cười nói tiếp tục khuấy động cả một vùng. Thằng Hà thấy cô gái quê gánh thúng chuối xuất hiện ở trên con đường làng thì sa ngay vào tán tỉnh. Giọng hắn ngọt ngào: “Em mua chuối về cúng hả? ”
Cô gái không đáp, lấy nón che gương mặt trắng bầu bĩnh. Giọng Hà vẫn tiếp tục:
“Ngày nay rằm, em có ăn chay không?”
“Cái ông này vô duyên ” Cô gái chợt nói. Cả bọn lính cười rộ.
Một đứa la lên:
“Nó có vợ ba con rồi, em ơi”
Một giọng khác phụ vô:
“Đừng tin nó. Tin anh đây em. Anh không có vợ đây em”
Thằng Hà lại hỏi:
“Anh ăn thịt chó, chẳng hay ăn chay được không em?”
Cô gái bước đi vội vàng. Binh Hà vội chạy theo:
“Cho anh về nhà để anh cúng dùm cho”
“Cái ông này vô duyên”
Cô gái tránh được đám lính, vừa đi vừa chạy. Hai chiếc thúng lắc lư theo bước chân. Đám lính nhìn theo cười rộn rã, nhìn theo bóng cô khuất sau đám tre trước cổng làng, thì bỗng nhiên một tràng đạn nổi lên ở phía bên kia cầu. Tôi nghe rất rõ là tiếng rít của đạn cắt vào gió. Như một phản ứng tự nhiên, tôi hét lớn, bố trí, coi chừng địch phục kích. Không cần tôi hét, đám lính đã nhào xuống bờ mô cạnh con kinh tự lúc nào. Trí vừa nghe máy vừa chạy theo tôi. Hắn nói không ra hơi: Mày nói bị kiến cắn. Ngủ rồi à. Tôi hỏi nó: Đứa nào đó. Trí lắc đầu: Trung Một bị mất hai con rồi. Em hỏi đứa nào nó không nói. Tôi lom khom bò theo con mương. Đôi giày tôi lún trong bùn, cực khổ lắm mới rút lên được. Cổ họng tôi khô. Bầu trời vẫn ui ui. Phía bên kia cầu, nóc giáo đường vẫn hiện ra rất rõ. Không thấy cô gái gánh đôi thúng chuối nữa. Chẳng biết cô ta là địch hay là dân. Một thằng lính mới bổ sung đang ngồi một mình, run rẩy. Tôi đá vào đít nó: Đ M, tổ mày đâu mà mày ngồi đây. Ông Tướng đang nhìn tôi. Tôi nghe văng vẳng tiếng nói: Thằng Tám, thằng Tửu. Trí vẫn chạy đằng sau tôi. Tôi thở hổn hển. Không biết bên kia cầu địch đông hay ít, hay chỉ là vài tên du kích lẻ tẻ. Mồ hôi đã toát ri rỉ trên trán. Tôi vẫn chưa biết mình sẽ làm gì. Mọi sự đã diễn ra đến độ sững sờ. Mới đây, tiếng đọc bài rộn ràng, chiếc áo vàng hoa quì nổi bật giữa lớp quê, tiếng thước gõ nhịp vào bàn, và cả bọn chúng tôi đang chờ đợi lệnh rút quân, thì bây giờ bỗng nhiên hai đứa ngã lăn ra chết. Tôi đang chờ đợi. Cả bọn chờ đợi. Tiếng gọi trực thăng tải thương hối hả trong ống liên hợp. Lão thiếu tá từ Bộ chỉ huy hành quân đang la lối sao để cho lính chết. Sao không chịu xung phong. Tôi ra lệnh, phải xung kích bắt cho được thằng bắn, nghe rõ chưa trả lời. Giọng Mận van nài. Xin thẩm quyền gọi trực thăng. Hai đứa con tôi ngủ thật rồi. Phía đầu miếu, viên sĩ quan đề lô bắt đầu gọi pháo binh bắn vào phía làng bên kia cầu. Giọng hắn lớn: Bắc Bình Rạch Giá… Quả điều chỉnh…Đúng rồi… Cho một tràng hai mươi quả. Những tràng đạn vang rền, ầm ầm rung chuyển mặt đất. Những đốm lửa toé lên. Tiếng đạn cắt rít trong không gian. Chúng tôi nép người vào bờ mương nhìn cả khu xóm đang bốc lửa. Tôi không nghĩ gì cả. Lại thêm một vùng đất không được may mắn trên đất nước nhiễu nhương này. Bởi vì nó là nơi xuất phát cho tai họa. Chúng tôi không cần biết những người dân kia là VC hay là thường dân vô tội. Chúng tôi chẳng cần bận tâm đến những cơ nghiệp mà người dân đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Chúng tôi không thể nói với họ nếu không phải là VC thì chạy sang chúng tôi. Không thể mang trái tim bồ tát mà ra trận. Chúng tôi phải trả thù. Trả thù. Vâng. Hai mươi quả. Tiếp tục thêm hai mươi quả. Cứ rót xuống. Đ M, lũ chuột nhắt. Lũ chuột chỉ biết núp trong trường học, nhà thờ, lẫn lộn trong dân. Trận giặc gì mà chó đẻ, có một không hai trên quả địa cầu này. Một mặt chúng chơi trận địa chiến từ binh đoàn này sang binh đoàn khác. Mặt khác chúng hiện hồn như ma quỉ, chuyên chơi cái trò đánh lén đâm sau lưng. Chúng tạo ra trận địa để nhử chúng tôi vào. Chúng áp đặt sẵn thế trận để chào chúng tôi đến. Trời ạ. Đánh trận kiểu này chỉ có tàn bạo kiểu Mãnh Hổ Đại Hàn hay phải có bom đạn nguyên tử mới đánh nổi, chứ cái kiểu lùng và diệt địch, chắc còn lâu. Địch ở đâu mà lùng. Chúng là ma hiện hồn. Chỉ có quỉ mới trị chúng được. Phải vậy không?
Trí vẫn tiếp tục báo cáo và nhận lệnh bên tôi. Hắn nói Quái Điểu(danh hiệu của thiếu úy Mận) nói thiếu úy chuẩn bị xung phong qua cầu. Tôi chụp ống liên hợp nói: Hôm nay thằng Một trực, tại sao tôi phải đi đầu. “Nó bị hai con. Nó mất hết bình tĩnh rồi, nghe rõ trả lời” Tôi nói nghe rõ 5 trên 5, rồi trao ống liên hợp lại cho Trí. Tôi chửi thề, nhưng tôi không thể cãi lại lệnh. Tôi kêu ông Tướng và truyền lại lệnh. Ông Tướng thắc mắc. Hôm nay trung đội một trực mà thiếu úy. Tôi nói: Đây là lệnh, ông Tướng. Ông nhích miệng cười cay đắng. Vâng, tôi biết trong đầu óc ông đang nghĩ gì. Nhưng tôi không biết làm gì hơn. Kỷ luật là sức mạnh mà. Cãi lệnh là vào quân lao và ra toà án binh như chơi. .
Xác hai người lính đang nằm úp xuống ruộng, hai tay trải dài. Trí truyền tin nói đàng sau tôi: “Ông thầy, dám bọn nó đông lắm.” “Sao mày biết?” “Bởi vì không phải một thằng bắn, mà ít nhất trên hai thằng bắn một lần. Ông thầy không nghe cả một loạt tiếng nổ sao?” “Phải. Mày nói đúng.”
Trí, mày là thầy tao rồi. Tao cần phải học ở mày nhiều điều khác nữa. Rồi có ngày tao về nhà viết sách, tao sẽ vinh danh mày, thằng hạ sĩ truyền tin của trung đội. Thằng có chiếc răng vàng, sinh ra để mang máy mà chạy theo quan. Mày cứ yên tâm, hết hành quân tao cho mày phép miệng, rán đừng để quân cảnh thộp cổ mắc công tao phải ăn nói với đại đội trưởng.
Bây giờ nó nói:
Quái điểu nói Phi Long chuẩn bị xung phong sau khi gà cồ hết gáy.
Lại lệnh. Tiếng đạn pháo binh hú như ma đói lẫn cùng tiếng đạn M16 kêu dòn dã. Cứ mỗi lần đạn rót xuống đất là mỗi lần cả người chúng tôi lại dội lên. Giọng người sĩ quan đề lô tiếp tục: Được rồi, cho thêm nữa đi. Phía trung đội hai báo cáo bắt một tên đàn ông vừa đi qua cầu trứơc khi súng nổ. Tự nhiên lại nhớ đến cô gái gánh đôi thúng chuối. Không biết nàng có tránh được những trận mưa pháo binh hay không.
Tôi nói với ông Tướng chuẩn bị xung phong. Đàng sau tôi, lũ học trò đang nằm bẹp cạnh tường hay dưới những hố đất quanh trường. Tôi không thấy cô giáo ở đâu. Có thể cô đang nằm giữa lũ học trò của cô dưới gầm bàn cũng nên. Trời ơi, mới đó, cách chừng 15 phút, tôi đang mơ cùng màu áo hoa quì và những đôi mắt nai ngoan, bây giờ, màu áo hoa quì đang run rẩy cùng bầy vịt con vô tội. Chiến tranh. Người ta đổ thừa cho chiến tranh. Nhưng ai gây nên chiến tranh. Ai là thủ phạm. Bỗng ước ao một phép lạ, đằng vân túm cổ mấy tên đồ tể, hay nhốt mấy ngài lãnh tụ vào chung một phòng, để các ngài tha hồ đánh đấm, cho dân đỡ khổ.

Xác hai người tử trận được mang lên trực thăng. Người lính nào đó đã khóc. Cả bọn không ai bảo ai bỏ súng xuống. Hai diều hâu đã rời đàn. Người ta nói là họ sống mãi trong lòng dân tộc, tổ quốc, đồng bào. Những danh từ ấy xin dành cho mấy ngài lãnh tụ, hay guồng máy tâm lý chiến. Chuyện ấy còn về hỏi em. Em đá anh như bò đá. Em sợ anh như sợ cô hồn du đảng. Cả cha mẹ em nữa. Cứ tìm hoài, ước ao hoài rễ là bác sĩ kỹ sư luật sư giám đốc bằng cấp treo đầy nhà. Nhưng hai thằng Tám Tửu này chắc chắn phải sống trong tim óc chúng tôi. Bởi chúng tôi có bao nhiêu kỷ niệm. Bởi chúng là chúng tôi. Và chúng tôi là chúng. Chúng tôi đã nhường nhau để chết. Không than thở. Không kèn trống. Không mặc niệm chiêu hồn. Chỉ là hai chiếc poncho mà tay phụ phi công vất xuống, và chúng tôi mang hai xác đặt vào trong rồi kéo dây kéo. Nhưng không phải khi trực thăng cất cánh là hết. Người đi trước cảm thấy thiếu vắng một cái gì. Kẻ đi sau như bị đánh mất một người đi trước. Còn nữa. Chiếc ba lô chưa kịp mang về cho vợ vẫn còn để lại cho thằng còn sống. Chúng tôi cùng cúi đầu. Một phút, từ biệt hai người đồng đội. Chong chóng trực thăng quạt mạnh, cuốn lốc bụi mù, và hai chiếc poncho được hai người lính trung đội khiêng lên tàu.
Trời vẫn ui ui. Rã rời. Khẩu súng đâm nặng. Trong máy giọng lão thiếu tá vẫn chát chúa. Nhưng chẳng một ai bận tâm. Trung Một lại được lệnh yểm trợ cho trung đội tôi. Đạn vẫn tiếp tục nã qua bên kia cầu. Vào những nơi khả nghi. Và trước mắt những cuộn khói bốc lên từ những ngôi nhà bị cháy. Phía sau, cả ngôi trường như một ngôi nhà mồ. Tôi hét: Bắn hết hoả lực. Trung sĩ Muôn, gốc người Thái Mèo, tiếp tục rót M79 qua xóm. Hàng chục nòng súng thi nhau nhả đạn. Ông Tướng bỗng vụt đứng dậy, khoác tay ra lệnh. Trông ông chẳng khác một dũng tướng. Ông hét: Tổ Một đầu tiên. Chạy mau lên. Binh Hiện nhổm người dậy, vừa bắn M16 vừa chạy. Yên ổn. Hắn qua cầu, nhào xuống bờ ruộng. Sau đó lần lượt những người lính chạy tiếp theo như cơn lốc, giữa muôn ngàn tiếng nổ của M16, M79, và tiếng hét xung phong. Chúng tôi cứ vừa bắn vừa hét, vừa chạy vào ấp. Thuốc súng khét lẹt, tiếng nổ làm tôi say cuồng. Tôi cũng hô xung phong như những người lính của tôi. Tôi như một tên điên khùng, mắt muốn nổ tròng, cổ họng khan vì gào quá lớn.

oOo

Thằng Nha lôi cổ một ông lão từ dưới phản lên. Hắn chỉa nòng súng vào ngực ông lão, rồi gằn giọng:
“Ông nói cho tôi biết bọn nó ở đâu hả?”
Ông lão chấp hai tay vái:
“Bẩm các thầy, con thật tình không biết”
Tiếng của một đứa con nít khóc ré lên. Chúng tôi bắt đám dân ra ngồi ngoài sân nhà để hỏi cung. Đám người gồm ông già, bà cả, những đứa con gái, một bầy con nít và thêm một chú tiểu. Chú tiểu chắp tay:
“A Di Đà Phật. Tôi vô tội”
Tròn hét lên:
“Không A Di Đà Phật gì hết. Chú có biết là hai người bạn của tôi bị giết bởi những viên đạn từ nơi này bắn ra không. Chú có chỉ không? ”
Nó giả vờ lên đạn lách cách.
“A Di Đà Phật. Bần tăng không biết”
Tiếng súng lại nổ. Những người lính đã bắn xối xả lên nóc nhà, vào các ụ rơm, hoặc các bờ bụi quanh nhà. Còn tôi, không cầm được cơn phẫn nộ, hét:
“Đồng bào chỉ không. Bọn tôi bị chết cũng vì bọn nó. Bọn nó ở đây, núp ở đây để bắn bọn tôi, đồng bào biết không ?”
Và tôi chụp đầu một thằng bé, rút dao găm kê sát vào cổ nó:
“Mày chỉ không. Nẩu ở đâu hở?”
Thằng bé khóc ròng. Nó la tức tưởi:
“Con không biết. Con không biết”
“Không biết. Không biết hả? ” Tôi dằn đầu thằng bé xuống rồi tát mạnh vào má nó. Nó khóc thét lên. Những người đàn bà đang quì dưới chân tôi, lạy tôi.
“Bẩm quan, bẩm trung sĩ (?!), tha cho chúng con, chúng con vô tội”
Tôi bàng hoàng nhìn họ. Tôi bất lực. Tôi hụt hẩng. Xung phong bắt thằng bắn. Xin các ngài về đây để mà bắt VC. Làm sao tôi có thể biết tận trong tim đen của đám dân này. Làm sao tôi có thể biết ban đêm họ làm gì, và những cái bầu của đám đàn bà kia là của ai. Trường lính không dạy tôi về bài học khảo cung. Việc này chỉ dành cho công an, mật vụ. Nghề của chúng tôi là bắn, là đâm, là ném lựu đạn, là xung phong vào mục tiêu, là lục soát, tiếp viện, đột kích, nhảy diều hâu. Nghề của chúng tôi không phải điều tra thẩm vấn. Trời ơi. Tôi là gì, mà những bà lão, mấy con mụ đàn bà lại lạy tôi như lạy Chúa, lạy Phật. Còn thằng nhỏ, nó khóc tức tưởi, hai tay ôm đầu. Tại sao tôi lại tát tai nó chứ. Tại sao tôi không áp dụng bài học quân dân như cá nước. Cá nước. Chính nơi này là chỗ phát ra tiếng nổ, làm hai người đồng đội của tôi hy sinh. Như vậy mà cá với nước à. Tám, Tửu, hai đứa có linh thiêng thì cho bọn tao biết thằng nào cầm súng bắn mày. Tao bắt tao sẽ trả thù cho bọn mày. Chứ tao chịu thua rồi. Tao đầu hàng rồi.
Tôi bỏ đám dân bước ra đàng sau vườn. Mùi khét lẹt của thuốc súng vướng vít trong thinh không. Một đám người nữa ở đâu đó xuất hiện. Và bốn phía dân mỗi lúc một đông, hiện lên từ những ngôi nhà đổ nát, cháy ngọn. Con nít, bà lão ông lão, đàn bà con gái. Chỉ thấy một người đàn ông cụt giò. Hai con cưởng sổ lồng quanh quẩn bên hiên nhà. Một thằng nhảy tới chụp. Có tiếng gà kêu oác oác. Tôi hỏi như khóc: Có đồng bào nào bị lạc đạn không? Họ nhìn nhau thăm hỏi. Không. Tôi thấy lòng mình nửa buồn nửa vui. Tôi nói lớn: Đồng bào tất cả ra gò mả kia. Để ở đây bọn tôi lục soát.
Nhưng tôi đã quên lững cô gái quê gánh hai thúng chuối. Đến khi thấy thằng Hà tôi mới sực nhớ ra. Tôi cố rảo mắt nhìn đám dân. Không thấy cô nàng ở đâu. Hay cô ta là kẻ thù của tôi. Hay cô ta đã bị banh xác vì những trận mưa pháo thảm khốc kinh hoàng trên đường trở lại nhà?
Lòng tôi bây giờ ảm đạm như bầu trời mùa đông. Phải chi hai bên đánh nhau tơi bời, để một bên thắng, một bên thua, phân minh, rõ rệt. Nhưng ở đây chỉ là nước mắt, khi những người đáng tuổi nội ngoại hay mẹ cha tôi lại lạy tôi như mưa bấc. Thắng gì khi hai đứa con của đơn vị đã bị giết một cách vô lý mà chúng tôi vẫn không thể trả thù. Muốn trút cơn phẫn nộ lên đầu đám dân, muốn đốt hết nhà, đốt hết kho, muốn để lính bắt hết gà, hết vịt để trả thù, nhưng lương tâm không ổn. Trời ơi, trận chiến gì mà kỳ cục vậy. Dù có đại danh tướng như Napoleon cũng phải bó tay mà thôi.

Cuối cùng chúng tôi được lệnh rút quân. Chúng tôi trở lại cầu. Chúng tôi trở lại nơi hai thằng con bị kiến cắn. Mấy đứa con của trung đội Một bỗng nhiên chỉa súng lên trời bắn chỉ thiên loạn xạ. Không thể trách họ được. Họ tức giận điên cuồng bởi vì họ không thể trả thù cho bạn họ. Và họ chỉ biết trút hết nỗi phẫn uất này lên trời. Chỉ tội nghiệp đám dân lại một phen chạy tìm nơi trú ẩn.

ooo

Lệnh để lại một đứa con làm ăn đêm trên đường rút quân. Trung đội tôi lại được chỉ định. Tôi không thể cãi lệnh, nhưng tôi cũng không biết giải thích làm sao cho ông Tướng và những người lính thuộc quyền. Nhất là đối với những người lính gốc thiểu số. Họ là những người lính tuân hành kỷ luật hơn bất cứ một ai. Họ tuân lệnh tuyệt đối. Họ không bao giờ bê trể trong việc canh gác như đám lính Kinh. Họ chất phác và đầy tin cậy. Nhưng họ cũng cứng đầu hơn ai khi họ nghĩ rằng những lệnh lạc ban ra là không đúng. Mỗi năm, nếu không cho họ phép, họ vẫn tự ký phép để trở về cùng buôn bản của họ. Bởi vậy kỷ luật phải căn cứ trên sự công bằng. Trung đội trực phải đi đầu hay làm những nhiệm vụ đặc biệt. Tổ tiền thám phải đi trước. Ngay cả kích gác cũng phải phân minh rõ ràng. Hôm nay gác ca đầu, hôm sau gác ca tiếp. Kẻ bị kỷ luật, bỏ kích gác, phải xách lựu đạn đi nằm một mình xa chỗ kích cả trăm thước. Chính sự công bằng mới khiến lính tráng tuân hành kỷ luật. Bởi vì họ hiểu là người khác cũng như họ, cực khổ như họ. Họ không bao giờ than thở, bởi vì họ đã hiểu được bổn phận của họ. Họ để ngoài tai những mỹ từ yêu nước anh hùng trai chiến sĩ thanh niên thời loạn lạc. Trừ những người những người lính được Sư đoàn tuyển chọn về từ khắp các trung đoàn, một phần lớn là lính nằm trong quân lao hay những tay anh chị hay bị bắt đi quân dịch. Một tập thể hổn tạp như vậy, nếu không có sự công bằng thì chắc chắn khó chỉ huy. May mà tôi có ông Tướng. Ông cắt gác bằng cuốn sổ tay và một đoạn viết chì mòn lẵn luôn luôn mang theo bên mình. Chữ viết ông nguệch ngoạc như em bé mới tập đồ. Nhưng ông ra lệnh thì lính tráng không ai dám cãi. Bởi việc làm của ông phân minh.

Lần này tôi đổ thừa cho thiếu úy Mận: “ổng nói thằng Một bị mất hai đứa con”
“Như vậy trung đội Hai trực chứ không phải trung đội mình, thiếu uý”
“Vâng. Tôi hiểu. Nhưng đây là lệnh. Mình không thể cãi lại trung sĩ”
“Bọn nó than phiền”
Ông muốn nói đến đám lính trung đội. Tôi không biết phải nói với ông làm sao.
Lúc trời nhá nhem là chúng tôi nhào xuống con mương để ẩn mình. Cái chiến thuật nghi binh thời nào cũng đúng. Cứ để cho địch thấy mình rút đàng hoàng, rồi đợi đến nhá nhem hay tối hẳn, cho quân âm thầm trở lại vùng hành quân. Tôi thì thào cùng ông Tướng: Nói với anh em, tuyệt đối cấm hút thuốc. Trí nói không ra hơi, xin im lặng vô tuyến, sẽ báo cáo địa điểm phục kích sau. Máy sôi rồi tắt. Tắt rồi sôi. Một cơn gió lạ thổi qua và ai đó nói tao cá đêm nay trời mưa. Con mương nước xấp xỉ tới mắc cá và đôi giày tôi lại một phen ngâm nước. Có ai hiểu cái khốn khổ phải mang đôi tất ướt rồi khô, khô rồi ướt không. Có ai thấm thía được mùi thúi từ những đôi tất lâu ngày không thay đổi không? Cả bọn đứng dưới mương chờ đợi. Tôi thì cùng ông Tướng đi tìm địa điểm phục kích. Tôi lựa một gò mả giữa đồng. Ông Tướng dường như không vui với quyết định của tôi. Tôi đã quá quen với những gì ông muốn. Một nơi tương đối sạch sẽ, có thể là hiên nhà dân, có thể là khu miếu cổ, hay một ngôi nhà hoang. Ông muốn lính vô sự và bớt khổ cực. Còn tôi, tôi làm đúng theo sách vở. Tôi bất kể mả mới mả cũ, hay cái cảnh lính phải chịu đựng dưới trời mưa như thác. Với tôi, gò mả với những bia, thành bằng xi măng là những nơi phòng thủ và quan sát lý tưởng nhất. Nhất là tránh được đôi mắt đôi tai của đám dân nằm vùng.

Đêm nay cũng vậy. Khi trời tối hẳn, trung đội bắt đầu băng đồng tiến về gò mả. Lạnh. Trời lạnh rồi. Em yêu dấu. Em của đành đoạn, của vô tâm, muốn quên mà vẫn nhớ. Ai cho ta một giọt lệ để ta còn nếm được hạnh phúc bên cạnh nỗi cơ cực lầm than này. Và đêm. Cầu đêm nay bình an vô sự để ta còn về phố phá phách tiêu pha cho khỏi uổng phí đời trai. Một toán được phái đi nằm xa, còn lại ba tổ nằm rải quanh khu gò. Tròn trải poncho trên lớp đất thịt. Đất lồi lỏm. Cởi đôi giày, tháo tất, ngồi bên máy liên lạc về đại đội. Lấy khăn lau kính. Rồi áp chiếc khăn mà Quỳnh đã tặng vào môi. Chiếc khăn màu lam không thêu không thùa, trống trải như tấm lòng vô tâm của em.

oOo
Nửa đêm thì trời nổi cơn mưa. Đầu tiên là những trận sấm vang rền và những lằn chớp thi nhau cắt cả một bầu trời đen tối. Ông Tướng bước tới gọi: Thiếu úy, mình nên di chuyển vào trong xóm, tránh mưa. Tôi nói: “Được, trung sĩ cho lệnh tập trung rồi mình rút về trường học. Nhớ đừng làm ồn ào. Cho một toán đi trước để thám thính”.

Những chuyện gặp mưa bão như thế này, chúng tôi đã quá quen thuộc. Thường lúc này là lúc chúng tôi có những cuộc làm ăn tốt nhất. Bởi vì địch không bao giờ tin giữa đêm mưa gió nộ cuồng, không ai lại ngu si nằm ngoài đồng không heo hút cả đêm. Bởi thế, mấy chàng mấy nàng du kích, liên lạc viên, hay kinh tài thỉnh thoảng lại rơi vào ổ của chúng tôi. Và đám lính thi nhau chạy đến lục soát lấy những bó tiền hay những gói thuốc tây làm của riêng.
Nhưng lần này, tôi không muốn bắt trung đội phải cực khổ thêm nữa. Chiến tranh còn dài mà. Không phải một đêm là hết. Và địch thì quá nhiều, quá nhiều, không phải chỉ một đêm là thanh toán xong. Và giờ này người ta đang say sưa trong giấc ngủ. Và tôi cũng cần như họ. Tôi đã quá mệt. Mệt quá rồi. Tôi cần mấy tiếng đồng hồ còn lại để ngày mai tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng mà lãnh tụ hai miền cứ hô hào suốt mấy chục năm chiến tranh.

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading