Những nhà thơ nam dùng bút hiệu nữ trong thời chiến mà tôi được biết (1) : Nguyễn thị Thùy Mỵ

1, NGUYỄN THỊ THÙY MỴ

tên thật Đặng Hòa, nguyên là chủ nhiệm và chủ trương tạp chí  Nhìn Mặt ở Qui Nhơn vào khoảng năm 1968-1970. Tôi có  rất  nhiều kỷ niệm với anh, bởi lẽ chúng tôi cùng chủ trương tờ Nhìn Mặt. Anh là một người rất tài hoa . Dù mộtcánh tay bị phế tật, (tôi không nhớ cánh tay nào)  nhưng  anh vẫn chứng tỏ như một ngừoi rất năng động và tài giỏi. Chỉ một tay mà anh lái xe hơi, hay honda như phóng hết tốc độ. Không tốt nghiệp sư phạm hay một bằng cấp cao, nhưng anh lại là một giáo sư triết. Anh ra báo văn học, anh lại mở quán văn nghệ, tổ chức những đêm thơ nhạc trong lòng một thành phố giới nghiêm. Tôi và anh cùng chủ trương tờ Nhìn Mặt. Mấy số d0ầu khổ tabloid, sau đó là khổ giấy nhỏ như Bách Khoa. Mỗi lần dưỡng quân, tôi hay về căn gác của nhà anh nằm ngay hông chợ Qui Nhơn để qua đêm, cùng nhau đọc bài vở, hay cùng nhau đèo honda đi cà phê, thuốc lá hay nhậu nhẹt. Sau này, anh sa vào con đường nghiện ngập. Có lần, khi về phép thăm anh, nhìn anh gầy yếu đôi mắt trủng sâu, má hóp, tôi giận quá nhào đến, và đấm anh, đấm vào cả tôi,  năn nỉ anh nên bỏ. Nhưng tôi đã bất lực.
Anh có  hai  bài thơ  được ký dưới bút hiệu là Nguyễn thị THùy Mỵ, đăng trên tạp chí Văn:

1. Cho chồng đã chết , cho con  Văn số 94 năm 1967
2. Thơ cho Y Uyên số 129 năm 1972

Có lẽ ít ai biết được tác giả của bài thơ là phái nam.  Một số người xem việc dùng bút hiệu nữ như một trò chơi, muốn tạo một hiện tượng lạ trong văn chương. Nhưng nếu đọc bài này, tôi nghĩ, chính ở sự cần gởi gấm. Giả dụ, nếu mà anh dùng bút hiệu Đặng Hòa, thì sẽ không bao giờ có được mộtbài thơ tự do quá sức bi thiết như vậy. Bởi vì lời kêu của người nữ bao giờ cũng đau hơn người nam, nhất là người ấy là người tình, người vợ. Thời nào cũng vậy,  thành phần bất hạnh vẫn là thành phần ở phía sau. Tiếng khóc của người vợ lính thú trên đèo Cù Mông dù u oán cách mấy cũng ít ai nghe đến. Chúng ta chỉ nghe nhiều đến chiến trận, người tham dự, cái chết, sự hãi hùng do bom đạn gây nên.  Đôi chân trần tươm máu của người phụ nữ khi bồng con lặn lội thăm chồng ở tiền đồn heo hút, hay những vầng tang trắng, cũng ít khi được văn chương đứng về một phía, mà ngược lại chỉ trao những nhánh hoa giả như qua Chinh Phụ Ngâm. Chàng trong Chinh Phụ NGâm được khoác bằng áo chàng đỏ tựa ráng pha… Làm sao tìm được một hình ảnh “chàng” như qua bài thơ bi thiết tận cùng, đứt ruột xé lòng như   sau đây.

thơ cho y uyên

Thơ Nguyễn thị Thùy Mỵ

trong ý tưởng lạ về chàng
trong tim tôi có
một giọt máu tình cờ
chảy hoài trên thánh giá

giọt máu hình như đen
ứa qua chiều say khướt 

phải rồi có máu đen
phải rồi có máu đen
có chim sẻ hót lúc bình minh
có quạ đen đậu trên nóc nhà
có tình nhân hộc máu mồm
có quốc kỳ việt nam phủ trên quan tài
phải rồi có y uyên
phải rồi có y uyên

 chiều ngừng thổi bong bóng
địa cầu quanh chúng ta
trong vú tôi căng sữa
có dấu tay chàng
có một trẻ thơ.

(nguồn: Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản 2009)

@THT

%d bloggers like this: