Theo em (79) – vài ý nghĩ

 

Thế là Y. đã về nhà được ba ngày. Tôi lại trở lại nhiệm vụ cũ. Bà Dee, người giúp đở Y. do sở Xả Hội cử đến, cũng bắt đầu trở lại. Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục Y. nên gắng ăn thức ăn Mỹ. Bởi vì nơi này làm sao tìm được một nhà hàng VN, và tôi thì quá tệ trong việc nấu ăn.

Bà Dee sáng hôm qua nấu cho Y. Oatmeal. Y khen bà ta nấu ngon, khác với tôi. Tôi rất vui. Ít ra Y. cũng chịu nghe.

THú thật, đến bây giờ, tôi mới hiểi là tuổi già ở đây sướng hơn ai mà cũng buồn tủi hơn ai. Sướng là được những chương trình trợ cấp khi cần thiết. Nếu không có ai săn sóc thì có nursing home. Khi bệnh họan thì có xe hú còi chở vào bệnh viện tận tình chửa trị và tận tình lấy tiền của chánh phủ. Nhưng buồn hơn ai hết. Nhất là những người đến từ các quốc gia khác. Chúng tôi không thể hòa nhập vào giòng chung của đại đa số người bản xứ. Miệng lưởi câm. Nhưng nỗi buồn không cầm chút nào. Con cái thì không có bên cạnh. Thân nhân thì mãi tận VN. Bạn bè thì ở nhiều bên Cali, Houston. Chứ ở đây thì như Chu Pao, Tân Cảnh, Dakto, Daksuk… Hai vợ chồng già phải nương tựa nhau mà sống. Bây giờ vợ không may thì chống phải  gồng lấy khối đá tảng trên vai… Bệnh họan làm người bệnh đôi khi cau có, gắt gỏng, không biết ai để trút, trừ chồng. Nhờ vậy, tôi học được tính nhẩn nhục. Như học được từ mấy năm trong trại khổ sai.

Nhưng có khi chịu không nổi, phải nói. Như chuyện này:

Tuần rồi, một bài đọc sách được đưa lên mạng.  Bài viết có nhan đề:

“BẢO NINH, NGƯỜI LÀM LỄ BỎ MẢ CHO GIAI ĐOẠN THƠ VĂN MINH HỌA”. Người đọc là Đổ Trường.

Qua bài viết, có một đọan ngắn tác giả  đề cập đến vai trò thám kích QLVNCH:

Cách nay vừa tròn hai mươi năm (1993), tôi có về Hà Nội, gặp được ông em họ vừa ở tù ra vì can tội là lính thám kích, quân đội VNCH. Tôi có đưa cho hắn cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh. Đọc xong, hắn bảo, ông Bảo Ninh viết hoàn toàn sai về người lính VNCH.  Như câu chuyện bốn người lính thám kích bị bắt, tác giả viết một cách không đúng sự thật. Từ cách mô tả hành động đến thuật lại những mẩu đối thoại của những người lính thám kích này.

Lính thám kích được chọn, hầu hết còn trẻ, gan dạ và có bản lãnh. Họ không thể nào quá hèn hạ, van xin như Bảo Ninh kể. Nếu có xin tha đi nữa, thì cách nói và những lời nói ấy, nhất định không phải của họ. Điều này hắn khẳng định không thể có. Người lính thám kích đã được giáo dục về nhân cách, ngay sau khi đã được tuyển chọn. Trong nhiệm vụ đặc biệt, những toán thám kích cần phải tránh nổ súng, tránh bị phát hiện, trừ trường hợp, tự vệ, bất khả kháng. Cho nên, không thể có trường hợp phát hiện, bắt ba cô gái, rồi dẫn đi nhởn nhơ như vậy, để nhóm của Kiên tóm được. Hơn nữa, trong trường hợp đã bị bắt, trước sự sống chết, không thằng nào ngu xuẩn, nói giọng trêu cợt:Ba nhỏ đó trình quý anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi… Mấy nhỏ la khóc quá trời..

Hắn cũng cho rằng, cuốn truyện còn nhiều cảnh tưởng tượng quá mức, như trường hợp, một đám lính, làm thịt con xà niêng, nhưng sau khi cạo lông mới phát hiện ra đó là một người đàn bà.

Tôi viết lại lời hắn theo trí nhớ của mình. Và còn nhiều lời nặng nề khác của hắn về Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhưng tôi xin phép không chép ra đây. Hắn ra người thiên cổ đã lâu. Vài dòng như một chút tưởng niệm đến hắn và các những người lính cả hai miền Nam-Bắc đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua. Tôi là người sinh sau đẻ muộn, rất may mắn không phải tham gia trận chiến thê thảm này. Bài này, tôi chỉ đề cấp đến sự thật khốc liệt của chiến tranh, ở những tình tiết có ở trên trang sách của Bảo Ninh và nghệ thuật viết truyện của ông, qua suy nghĩ cá nhân. Do vậy, khi đọc các bác đặt quan niệm chính trị, ra ngoài bài viết này.

Là một người cựu  thám kích, tôi phải cám ơn người viết.  Không những ông đã nói dùm cho người bạn ông, mà còn nói dùm chochúng tôi.

Nói thật, tôi đã quá quen với những lời sỉ nhục, chủii rủa suốt bốn năm trong trại tù, thì những gì mà BN viết về người lính thám báo, thì cũng xem như những lời từ những tên quản giáo vô học, những tên chăn trâu, đầu óc chứa đầy máu me rắn rít. Quen, nhưng trong tâm trí thì khinh mạn.

Làm sao mà không khinh mạn cho được, khi:

Thì đi, đột kích trong lòng địch
Chụm tiếp nồi cơm hộ Bắc quân
Cơm nóng thầy trò ăn đỡ đói
Ha hả cười, cơm của nhân dân

Trung đội cả tuần đêm không ngủ
Lương khô đã hết, chờ trực thăng
Hành quân một tháng trên An Lão
Một tháng trời mưa thúi chiến trường

Pháo chụp người gào khan cả họng
Máy sôi tắt nghẹn chờ phi tuần
Miểng thép đâm xiên, thằng bạn gục
Hỏa châu vàng thoi thóp triền sơn

Địch vây xiết chặt bộ tiền phương
Quân băng đường máu về Bồng Sơn
Qua kênh, sương muối mờ tre bụi
Thánh giá chơ vơ nóc giáo đường

Nước nguồn đổ xuống ngày binh lửa
Những xác nào đã thúi hôm qua
Ai bạn ai thù sao quá thảm
Trên một dòng cuồn cuộn oan gia

Con sông chia cắt bờ bi hận
Cột khói còn lưu luyến chiến trường
Có ai chạy loạn bơi xuồng kể
Một thước đi, xác ngập thước đường

Cây cầu sắt bắt qua tử địa
Bên kia sông ta chiếm rừng dừa
Đêm bỗng nghe quạ bầy động ổ
Gọi ran trời kinh động sao khuya

Lũ quạ trốn đi từ dạo ấy
Để giờ đây kêu động rừng phong
Quạ gọi bầy tháng năm tháng bảy
Sao ta gọi bầy thăm thẳm mù tăm

Trung đội ta những thằng giữ đất
Từ Qui Nhơn, Phù Cát, Phù Ly
Ra Tam Quan qua rừng An Lão
Từ Kỳ Sơn, Phước Lý An Khê

Đồng đội ta những người đã chết
Những Vọng, Nga, Nai, Bình Lò Heo
Những Chấn, Hảo, Sơn, Tài Xóc Dĩa
Đàn diều hâu thảm thiết khóc òa

Lịch sử cũng vô tình thế đó
Người qua sông không nhớ con đò
Những người chết không còn nhắm mắt
Người sống giờ như những hồn ma

****

Hôm nay xem như tập thơ đầu tay của Nguyễn Đức Sơn đã được đánh máy xong. Dày 38 trang. Nhờ OCR Google thì cũng đỡ vất vả phải đánh máy lại. Cho size chữ 14, nhan đề dùng lại chữ của tác giả. Đọc lại thấy lại tuổi trẻ của mình. Ôi tuổi trẻ của thời băng đồng băng đồng… Tuổi trẻ mà nước mắt máu nhiều hơn cơn mơ… Tuổi trẻ chỉ biết rượu d8àn bà và súng đạn. Nhưng đổi lại, là nỗi cao ngạo. Như Nguyễn Đức Sơn của tác phẩm Bài Tình Đầu này.

Chính cao ngạo mới đốt lửa trái tim mình, để đôi chân đứng thẳng. Nhớ lại những lần về phố, tìm một quán cà phê, đuôi chân, mù rừng chụp trán, bên lưng quần lận cây súng lục, và khói thuốc vây bủa mấy tiếng đồng hồ. Mặc khách vào khách ra. Mặc nét lo âu của cô chủ quán. Cứ viết. Viết say mê. Viết như chưa bao giờ được viết. Rồi trao lại cho người quen, nhờ gởi về Saigon, cho Văn, Bách Khoa, Khởi Hành…

Rõ ràng là một nỗi cao ngạo buồn bã. Như NDS với những giòng chữ trên trang bìa tập thơ:

copyright, 1962, 1965, by Nguyễn Đức Sơn. All rights reserved, including the right to reproduce this book, or portions thereof, in any form, except for the conclusion of very brief quotations in a review. For information address the author 536/23 Trương Minh Giảng street, Saigon, Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, cấm thêm mọi hình thức ngâm nga – kể cả và nhất là loại thi nhạc giao du dị hợm của bọn xuẩn trí vô tài bất tướng đội lốt văn nghệ bàn tròn nuôi miệng – và cách sắp xếp nháy theo tập thơ này, trừ đối với những kẻ vô liêm, bất luận già hay trẻ, đực hay cái.

Và với tôi – THT- một tay mang kính cận thị nặng, có bằng cấp đại học, giáo sư đệ nhị cấp, một nhà văn lại đi binh chủng dữ dằn ngu hiểm nhất của QLVNCH là thám kích. Chẳng phải vì lý tưởng. Nhưng vì cao ngạo.

Giờ đây, nghĩ lại phải giựt mình cho sự rồ dại ngông cuồng của mình. Có được gì? Có ích gì? Hay là bốn bức tường soi hai cái bóng già thui thủi cô độc. Hay là cả một miền Nam bỏ lại đàng sau, hay là cửa ngỏ vào Qui Nhơn chỉ là một dấu ấn xa xót nhất vì máu mình đổ xuống vĩa đường  quá vô ích.

Có phải vậy không ?

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading