Theo em (69)

Tôi đã giải quyết được cái chuyện “giao lưu” giữa tôi và Y.  Chỉ cần cái chuông cửa điện không dây (wireless door bell), là Y. có thể gọi tôi dễ dàng, cũng như tôi có thể biết khi nào Y. cần đến tôi. Trước đây một người bạn tặng tôi một hệ thống chuông cảnh báo cho con trẻ  nằm trong nôi,  giúp cha hoặc mẹ không có mặt thường trực biết được tình trạng của đứa con họ. Nhưng dụng cụ này quá  bất tiện vì  cứ phát ra tiếng kêu liên tu bất tận,  như những  âm thanh trong phòng cấp cứu khiến tôikhông thể nào ngủ  được. Sau đó, tôi dẹp đi, và  đề nghị  Y. mỗi lần cần đến tôi  giúp thì cứ gọi hay la  lớn. Phương pháp “manual”  này càng làm khổ cho tôi hơn.  Ví dụ, khi Y. xem TV, tiếng la trên truyền hình, cũng khiến tôi tức tốc từ  phòng làm việc của tôi dưới hầm nhà chạy lên, hay khi viết lách, nhưng  đôi tay cứ  như căng ra, lắng nghe tiếng động từ trên nhà, để đầu óc tâm trí không còn tập trung vào chữ nghĩa nữa.
Bây giờ, tôi đã có thể ngồi an tâm trước máy computer, hay  có thể in ấn, cắt xén hay binding… hay giặt dũ quần áo mà không bị chi phối bởi những tiếng động phát ra từ trên nhà nữa. Thay vì gắn đồ bấm ngoài cửa nhà, thì   để bên giường Y. Thay vì cái chuông để ở phòng khách thì bây giờ để dưới basement.

Việc này giúp tôi rất lớn trong việc tìm niềm vui cho mình. Đã gần bốn tháng nay, xác tôi như bị ép lại, thần trí như bị căng thẳng muốn nổ bùng, dù nước mắt không còn chảy nữa, nhưng nỗi đau xót lẫn thương hại đã luôn luôn làm tim tôi muốn nhói. Như lúc cầm lấy cánh tay trái, không thể cục cựa, như lúc nâng chân trái để Y. dễ dàng tập đi, như khi thấy Y. nhắm mắt cùng cơn đau để cố tập tành, hay thấy chính mình – một kẻ ham họat động, ham đi chơi, ham bạn bè- giờ lại bị thúc thủ trong căn phòng đầy thuốc men, với chiếc xe lăn để cạnh…

Tôi không thể ép thêm cái thân thể đã quá tiều tụy này nữa. Y. cần đến tôi, luôn luôn cần đến tôi. NẾu mà tôi ngả xuống thì không còn có ai chăm sóc Y. Không phải dễ dàng gì để dìu một người bệnh từ trên giường xuống nền nhà, rồi vào nhà vệ sinh, trong khi người bệnh không thể kéo quần xuống  cho mỗi lần làm vệ sinh cá nhân. Không thể dễ dàng tắm rửa người bệnh… hay giúp người bệnh xúc miệng đánh răng khi người bệnh chỉ còn có một tay làm việc. Và cũng không dễ dàng gì khi nằm trên giường bênh cạnh giường người bệnh, để nghe tiếng rên, hay những cơn ho như xé cả buồng phổi… Đó là lý do tôi thoái thác những tấm lòng mà các bạn bè bằng hữu đã có nhả ý tình nguyện chia sẻ với gánh nặng của tôi…Ngay cả người physical therapy cũng còn chịu thua vì không thể cầm lấy cánh tay trái của Y. khi cánh tay ấy đau nhức, để tập cách xuống giường một mình.

Vâng, tôi không thể ép xác nữa. Và cái chuông điện này đã giúp tôi rất nhiều. Bằng chứng là hôm qua, tôi có thể in được 4 tập Văn số về Võ Hồng trước 1975. 4 tập dành cho bốn người bạn thiết thân.

Tôi cũng đang chuẩn bị bài vở cho TQBT số 56. Một bài rất hay là Chung quanh cây Sâm của Lê Quí Đôn của Trần văn Tích và một bài nhận định về văn chương thời chiến của Nguyễn Mộng Giác trên Bách Khoa. Tôi có ý cho chủ đề số tới là Van chương đo thì hay là văn chương ngoài vòng đai, và sẽ cố tập trung sưu tập những bài vở liên quan.

Tôi cảm thấy rất yêu đời, lúc này… 1AM, Y. kêu dau nhức ở  chân trái, và tôi đã cho Y. uống nửa viên Baclofen rồi thoa bóp chân bị nạn. Sau đó tôi ngủ đến  gần 5 AM. Xuống hầm nhà, xếp lại đống quần áo phơi hai ba ngày chưa xếp. Rồi ngồi trước máy. Và gõ.

Gõ về cái chuông điện. Gõ về niềm vui khi thấy mình mạnh khỏe, bình an. Gõ về 4 tập in lại từ một số báo Văn cũ chủ đề về Võ HỒng. Gõ về sự thành tựu, chứ không phải sự ước mơ.

Có phải vậy không ?

 

%d bloggers like this: