Bóng ma (hồi ức văn chương)

 

Những ngày đầu ở Sài Gòn năm 1966, tôi lang thang lếch thếch trên các vỉa hè, đôi chân mang đôi dép Nhật, tóc tai để dài…Tôi đã làm đủ nghề để kiếm sống. Có chiếc áo Nil France đẹp nhất cũng phải cầm thế mấy lần. Đêm nằm trên mui xe đò, nhìn lên bầu trời đêm của Sài Gòn, trên những hàng lầu cao, để mà nhớ Huế, nhớ quay quắt. Và đôi lúc không cầm được nỗi chán chường, tôi vét hết tiền, chui vào động giang hồ rẻ tiền gần đấy. Con nhỏ thấy tôi ngượng ngập thì cười lớn: “Cưng ơi, về học bài đi, mai thi hỏng đi lính thì đời tàn đó cưng…” Nhiều đêm không có chỗ ngủ, tôi phải lội bộ về trụ sở Tổng Hội Sinh viên ở đường Duy Tân cạnh nhà thờ Đức Bà, để qua đêm. Lúc bây giờ, trụ sở mở cửa suốt ngày đêm, và tôi đã lợi dụng những chiếc bàn dài để trống, để làm giường tạm sau khi tất cả các sinh viên rời khỏi trụ sở. Và cuối cùng, cũng nhờ những lần ngủ lại đêm như thế tôi mới khám phá căn phòng bỏ hoang ngay hông của trụ sở tổng hội. Và như vậy, lần đầu tiên tôi có một mái nhà, dù mái nhà dột nát, dù không có điện nước, dù cửa sổ lúc nào cũng đóng kín mít. Tôi chẳng khác một bóng ma. Tôi nhảy ra cửa sổ. Nhảy vào cửa sổ. Bóng tôi biến mất rồi xuất hiện. Tôi nằm lắng nghe tiếng chuông nhà thờ, và tiếng ve sầu rộn ràng cả một bầu trời Duy Tân. Tôi nằm trong bóng tối nhìn những vì sao qua những mảng trời trống trơn trên mái.

Căn phòng thật thảm hại. Nó đã bị những người thân chính quyền giận dữ đốt phá sau những lần biểu tình của sinh viên. Những cột kèo bị cháy đen, vách tường ám khói, nền nhà đầy tro, và mái nhà dột nát nhiều mảng. Khi trời mưa lớn, thì nền gạch ngập nước. Khi trời nắng, nền đầy những tia nắng dọi vào, chiếu trên những chiếc ghế chiếc bàn xiêu đổ hay bị cháy xém. Cám ơn hai phe biểu tình. Cám ơn những con tim sôi sục phấn khích, những cặp mắt giận dữ điên cuồng. Cám ơn lựu đạn cay, những ngọn lửa cuồng mê, những chiếc xe bị đốt, những vòng dây kẽm chặn ở đầu đường, cuối đường, để tôi có một nơi tá túc, để tôi kéo dài cuộc sống của một thằng con xứ Huế giữa một Sài Gòn xa lạ và vô tâm. Phải, thưa ba. Con đang sống giữa Sài Gòn này, bình an lắm, giàu sang hoa lệ lắm, bạn bè nhiều lắm, học hành cũng tấn tới lắm. Tôi đã gởi lá thư về Huế để kể với ba tôi như thế. Phải, tôi chẳng còn bao lâu nữa thì tốt nghiệp kỹ sư, giáo sư, bác sĩ, để mạ ba em phải ân hận, để em phải chặc lưỡi tiếc thầm…Cám ơn đời. Cám ơn tất cả. Cám ơn Dostoievki. Cám ơn người thanh niên trong Tội Ác và Hình Phạt. Tôi nghe hồi chuông từ nhà thờ Đức Bà, mà mắt mờ lệ. Rõ ràng, tôi đã dỗ dành tôi, an ủi tôi, nhưng đôi lúc tôi không thể kiềm chế được nỗi mềm yếu trong cõi tận cùng cô độc này, tôi tự hành hạ tôi  bằng  cơn thủ dâm đến mệt lã.

Nhưng rõ ràng, càng đói rách, lầm than, văn chương càng thêm nương tựa. Sách vở thì cũng phải vất đi, khi cứ đọc những trang báo ngày đầy những tin chiến sự. Những giờ tại giảng đường khoa học dài và buồn đến muốn khóc, khi cứ nghĩ đến tương lai. Và những buổi chiều mưa giông, mưa dầm dề cả quần áo, tóc tai,  đi bộ từ trường về trụ sở Tổng hội. Đôi chân mỏi nhừ. Qua bao nhiêu trạm cảnh sát quân cảnh, chạm trán với bao nhiêu toán tuần tra. Rõ ràng, tuổi trẻ của chúng tôi bấy giờ như những con mồi. Những con mồi ngon của những tay thợ săn từ hậu phương ra tiền tuyến. Trong vòng đai, những chiếc xe GMC chở đám người bị thộp cổ về trại nhập ngũ. Bên ngoài vòng đai,  những  họng súng của kẻ thù chờ chực sẵn… Thế hệ của chúng tôi là vậy.

Cũng nhờ ở trụ sở tổng hội sinh viên mà tôi có cơ hội tìm được một chân dạy kèm trẻ tại tư gia. Số là ở đây có một bộ phận phụ trách kiếm việc làm cho sinh viên. Tôi được người phụ trách cho biết có một gia đình cần tìm một người dạy kèm trẻ, ăn ở luôn tại nhà, để kèm một bé trai 8 tuổi. Mừng quá, tôi tìm đến nơi, và càng mừng hơn nữa là bà chủ ngôi biệt thự lại là người Huế. Chị có cảm tình ngay với tôi khi tôi giới thiệu tôi là sinh viên đến từ Huế, vì hoàn cảnh phải vào Saigon học tiếp. Tôi đã dấu lai lịch của tôi. Tôi đã dấu những ngày tháng mà tôi nổi lọan, thề bỏ Huế mà đi. Tôi đã dấu trong đầu óc tôi, ngay giờ phút đầu tiên, vẽ ra một người đàn bà quyền quí đầy quyến rũ khiến tim tôi rung động lạ thường. Tôi nhớ đến những nụ hoa hồng thắm đỏ bên ngoài khung cửa phòng, khi chị hướng dẫn tôi chỉ căn phòng tôi sắp tạm trú. Những bông rực rở như niềm vui của tôi khi nghe chị chấp nhận tôi làm gia sư.

Trong thời gian này, tôi đã viết được một số  truyện ngắn kể lại thời gian tôi giữ chức gia sư. Nhan truyện là Đêm Sao Mùa Hạ. Truyện có nghĩa là bịa. Bởi vì tôi bất lực, nên tôi phải bịa. Bởi vì tôi thèm khát nên tôi phải mơ tưởng. Ít ra để ru tôi cùng nỗi cô đơn tận cùng này.

Xin được đăng lại ở phần phụ lục.

Tôi cũng xin được đăng lại một bài viết của tôi trên tạp chí Văn học vào năm 1966 khi tôi rời bỏ đại học Huế  trốn vào Saigon. Bài văn này do một bạn trẻ trong nước sưu tầm được, đã đánh máy lại, gởi qua tôi như một quà tăng văn nghệ.  Xin được cám ơn.

Thư về MIỀN TRUNG ĐAU KHỔ

Con viết thư  này về xứ Mẹ trong tâm trạng của một đứa con xa quê với sự đau buồn, thương cảm. Con không dám gợi lại những hình ảnh con đã mến thương trong bao năm trời. Bao năm con đã quen mùi sữa mẹ, lồng ngực con đã tràn đầy hơi thở ca dao. Con không dám gợi lại hình ảnh mơ mộng, êm đềm của một dòng Hương giang trong hoàng hôn, sáu vành cầu trắng, con đường mười- tám chan hòa nắng ấm cũng như bướm hoa, hay những hình ảnh quyến rũ của miền cát trắng thẫm Hưng An, xứ dừa xanh biền biệt của Bình, Phú cũng như những cuộc sống thác loạn cuồng điên ở Đà Nẵng, Nha Trang khi màn đêm buông về…

Từ xưa tới nay, con chỉ sống bằng những hình-ảnh ấy. Mắt con chỉ thấy vẻ hào nhoáng, nếp trán con chưa nhăn để suy tư với lòng cuộc đời. Bom đạn chưa đánh thức con khỏi giấc ngủ bình yên, máu cũng chưa chảy trước mắt con. Đời con sẽ dệt bằng một bài thơ trữ tình, yêu đời như một buổi chiều chủ-nhật trên hè phố Huế…

Lạy xứ Mẹ, lạy quê hương yêu dấu của con. Hôm nay con phải viết, viết để an ổn cả lòng con, để cho tha nhân hiểu mà thương dùm cơn đau nhức của Mẹ, để cho người ta dẹp bỏ những nỗi tham hận, kiêu căng và lòng mẹ có thể an ổn chút nào trong trận chiến ô-nhục này.

Kính lạy xứ Mẹ,

Có một lần, cách đây không lâu, con xuôi về Nam. Mắt ngoái lại đằng sau, biết rằng con đã giã từ quê hương lần chót. Tim con bỗng nhói lên. Con nghĩ đến mái trường đại học sự căm hờn vô-vọng khi những sinh viên ngó mặt người Mẹ học đường. Người ta đã biến đổi hết rồi, người ta đã lấy hết niềm thông cảm ngàn đời của một ngôi trường. Những phòng dơ bẩn, những đứa con trai, con gái ở hỗn độn. Giờ phút quý báu, yêu  thương của học đường không còn nữa. Con chỉ biết kêu lên: Hãy trả những gì yêu quý về cho chúng tôi…

Nhưng bóng đen chúng nó đã phủ cả rồi. Bóng đen đã ngập tràn viện đại học..

Vì thế, con phải ra đi…

Lạy xứ Mẹ,

Xứ mẹ nghèo, nghèo lắm. Nghèo như vùng đất trắng bao la của xứ Quảng Tín, những rặng Thùy dương ngơ ngác với mặt trời. Nghèo như những đoàn người tỵ nạn Cộng sản lang thang trên vỉa hè Tam Kỳ, với hai bàn tay trắng. Nghèo như những cánh đồng, lúa mạ khô héo rồi, làm sao mà nẩy nở lên được. Mắt con còn gặp phải hình ảnh của một cụ già kiệt sức kéo chiếc cày thay trâu đằng sau, thằng bé lên mười giữ cán. Mắt con còn gặp những thây người chiến binh mệnh bạc ở Ba lòng, ở  Phước Châu…

Cả miền Trung ấy, mặt trời lúc nào cũng mọc, đồng cỏ đã úa tàn, cũng như những cơn mưa dầm dề rét buốt nhưng ruộng vườn đã chìm đắm trong bể nước mông mênh. Cả miền Trung lúc nào cũng thiên tai, cũng hạn hán hoành hành.

Tai con còn nghe tiếng mìn nổ kinh hồn ở Sa Huỳnh. Đầu xe G.M.C bị văng tung. Anh lính tài xế bị vỡ sọ, chết lập tức. Chất trắng chảy ra nhão nhẹt. Anh mới 20 tuổi. Lứa tuổi của bọn chúng con… Con không thể nào quên được ba phát súng trung liên do người lính già uất nghẹn chĩa mũi súng về phương Bắc  bấm cò.

Kính lạy xứ Mẹ đau khổ,

Con không biết nói làm sao để nói lên sự đau khổ hết được. Sự đau khổ ấy là nơi những em bé đói sữa, đói cơm, bị giam trên đèo Cù Mông cả ngày. Sự đau khổ ấy ở đôi mắt bà lão bảy mươi tuổi nằm gục trên đèo Nhông. Quá khứ, hiện tại, tương lai là đôi mắt sâu hóm, má nhăn nheo sạm đen và mái tóc màu bông tủi hờn đau khổ. Bà rên: Tôi khát nước quá, cho tôi miếng nước. Cụ đã bị VC bắt đi về Qui Nhơn để biểu tình ủng hộ H.Đ Nhân dân Cứu Quốc…

Một người con gái bị trúng gió, cả đoàn nhốn nháo: ai biết đánh gió? Ai biết đánh gió? Chẳng ai biết cả. Họ đi hai ngày đường bộ. VC bắt họ đi. Vc đã chiếm các thôn ấp dọc theo miền Trung, chẳng biết đâu quân đội chiếm lại chưa?

Những thảm cảnh xảy ra trên đường phố, đến tận học đường, từ thôn làng, đến tận thành thị. Những vụ đâm chém, xử tử, giết người không gớm tay. Những tòa án nhân dân. Rồi tai con luôn nghe tiếng Nam Mô, tiếng Lạy Chúa…Đến nước này Chúa, Phật cũng phải khóc cho một dân tộc nhỏ bé đau khổ này.

Hình ảnh của vị giáo sư, ngực xẹp lép, hai mươi năm hít toàn phấn bụi và trong phổi có lẽ chứa toàn vi trùng Kock, để đào tạo bao đứa con nên người, được dắt đi riễu trên đường phố.

Máu cứ chảy, máu cứ chảy. Máu thấm cả lòng đất Mẹ trong 80 năm Pháp đô hộ, trong bao nhiêu năm với bọn người cuồng tín chưa đủ sao, chúng cứ muốn cho máu chảy hoài vậy…

TRẦN HOÀI THƯ

( sinh viên Huế)

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading