Có lẽ tôi sẽ không còn tiếp tục nhật ký này nữa. Tôi đã đưối sức. Tôi không thể làm gì hơn để cứu Y. ra khỏi địa ngục. Đêm qua, Y. trắng mắt vì bà lão cùng phòng cứ nói chuyện với người chết, dù y tá và phụ nurse đã nhiều lần dọa dẩm, nạt nộ. Rồi một lúc nào đó Y. cảm thấy đau nhói ở ngực, khó thở. Y. kêu cứu. Y tá báo động, cố tìm một chỗ trống khác cho Y. lánh tạm. Nhưng tất cả phòng đều đầy. Y tá hoảng hốt, nói là phải gọi tôi vào gấp. Họ sợ Y. có mệnh hệ gì không. Nhưng Y. khi nghe nói gọi chồng, thì tự nhiên cơn đau nhói khó thở chợt biến mất, Y. nói với họ là đã khỏe lại. Họ khỏi cần gọi tôi nữa.
Như vậy, ai còn biện hộ cho sự tốt đẹp của nursing home không. Nursing home là nhà dành cho người già, mà bệnh tình họ xem như bất trị, hay những người lớn tuổi mà thân nhân cần có một chỗ để thay mặt họ chăm sóc. Nó không thể là một trung tâm rehab để bắt người bình thường ở chung phòng với người bị bệnh tâm thần hay bệnh già… Trường hợp may mắn là người già ấy không bị bệnh tâm thần, không phá phách, không la gào tru tréo, không nói với người chết, hay không đòi về nhà, để bắt người bệnh stroke phải trắng mắt, phải chịu chung hình phạt như Y.
Như vậy, chỉ có cách là xin dời sang phòng khác. Và Y. đã dời đến lần thứ ba. Giờ là hết cách. Không còn phòng trống nữa để mà dời. Mà nếu có một chỗ trống nữa thì liệu có khá hơn không, hay là tệ hơn trước ?
Tôi là người không bệnh mà còn muốn bể cả cái đầu, khi ngồi bên Y. để nghe bà lão nằm giường bên cạnh lảm nhảm một mình. Bà nói bất tận. Nói với người chết, với con cháu, với những nhân vật vô hình. Bà không chịu thay quần áo bệnh nhân, đòi phải mặc quần áo đẹp để về nhà. Trong khi ấy cá thân hình bà bị nhớp nháp bởi phân và nước tiểu. Tôi muốn ọe mữa vì cái mùi thúi tha kinh tởm ấy.
NHư vậy mà Y. con mèo của tôi như Maica của cháu QT đã phải chịu đựng từ ngày này sang ngày khác.
Như vậy chỉ còn một cách là mang người bệnh về nhà để tự săn sóc và nhờ vào chương trình home care (săn sóc tại gia) của Medicare.
Nhưng mà chuyện mang về không phải là chuyện dản dị. Biết bao nhiêu thủ tục giấy tờ để xin home care, giường bệnh, xe lăn, walker…
Nói thì dễ, nhưng thật tế thì không dản dị như mình tưởng. Bao nhiêu việc phải làm.
Có người sẽ thắc mắc tại sao tôi không chịu chuẩn bị ?
Vâng, tôi đã chuẩn bị tất cả. Trừ những gì mà nguời ta nói là medicare sẽ giúp sau khi xuất viện như giường, xe lăn, xe đẩy v.v…
Cái đầu gối của tôi vẫn còn sưng vù vì sự chuẩn bị này.
Tôi đã gặp bà Social worker phụ trách để nói rõ chuyện xãy ra hồi đêm và nhờ bà ta giúp cứu Y. Nhưng mà bà ta cũng lắc đầu. Bà nói phải nhẩn nại. Nơi này là vậy. Bà nhà đã đổi chổ ba lần rồi. Không còn chỗ nào cho bà nữa, ngoài trừ private room, nhưng private room cũng đã đầy.
Bây giờ, cách cuối cùng là xin Y. được về nhà càng sớm càng tốt. TRong lúc chờ đợi, tạm thời gắng an ủi Y. Tìm mọi cách để giảm độ nghe bằng cách khuyên Y. dùng headphone khi nghe nhạc. Và nhờ earplug (đồ nhét tai để tránh âm thanh) có bán ở cửa tiệm pharmacy. Riêng về mùi thúi thì dùng dầu thơm xịt quanh.
Đáng lẽ tôi đã viết những thảm kịch này trong những bài trước đây. Nhưng tôi không muốn người đọc, nhất là những bạn bè thân hữu của Y. phải vì bài viết mà lo âu. Và Y. cũng muốn như vậy. Qua điện thoại với bạn bè, Y. luôn luôn kể về sự tiến triển chứ không bao giờ than thân trách phận. Chúng tôi muốn mang màu xanh để thay vào màu xám ảm đạm. Bây giờ, tôi không thể che dấu được nữa. Phải nói hết. Nói về cái bất lực mà một thằng chồng phải nhìn vợ mình chịu đựng hằng đêm. Có nghĩa lý gì khi cứ theo em để thiên hạ đọc, hả. Có ích gì khi mang bài học cho kẻ khác mà chính mình là nạn nhân. Mình đâu phải là bậc vĩ đại, một vị chân tu, để chịu tự chấp nhận khổ nạn cho người khác. Những lần miệt mài bắt Y. đưa chân lên, chân xuống, bóp những ngón tay, hay xoa bóp bằng lọai dầu mà Y. cứ xem là thần dược có giúp gì khi đầu óc muốn nổ tung. Nhất là hồi đêm khuya, y tá trực muốn gọi tôi vào vì sợ Y bị mệnh hệ gì chăng?
Trời ơi. Tôi phải làm gì. Người ta nói hãy cầu nguyện. Dễ quá má. Cứ nhắm mắt. Cứ thầm thì. Cứ van vái. Dễ quá mà. Không có việc làm gì dễ hơn là việc cầu nguyện. Một phút dành cho người đã khuất những anh linh tử sỉ. Và một phút bắt đầu. Để rồi nhắm mắt im lặng. Không đòi hỏi một sự tốn công, tốn sức suy nghĩ. Như tôi bây giờ. Tôi mất niềm tin chăng. Dĩ nhiên. Nhưng mà tôi vẫn chiến đấu. Ngày xưa, tôi mang đôi kính dày nặng độ làm lính thám kích, chuyên đột nhập mật khu, chuyên đi đầu, hung hăng con bọ xít, lý tưởng kiểu anh hùng rơm, thì bây giờ tôi trở thành một lão già mềm mỏng, dịu dàng, đút đồ ăn cho vợ, chăm sóc vợ, năng khăn sửa túi cho vợ, ngay cả lúc vợ đi cầu cũng vẫn đứng trực bên cạnh sợ vợ bị té ngả. Đừng thương hại tôi. Cứ xem như một cái job thơm nhất mà tôi được làm và hãnh diện được làm, dù trước đây, luôn luôn mang cà vạt áo ôm hành trình của một cổ trắng lương tiền hậu hỉnh, 80, 90 đô la một giờ.
***
Hôm nay tôi đã làm một chuyện khá táo bạo. Khi đẩy xe đến nhà khách, tôi bảo Y, đứng dậy tập bước. Công việc này đòi hỏi phải hai người. Tôi học điều này ở bệnh viện JFK trước khi Y. được chuyển đến đây. Tay phải Y. vịn vào cái thanh vịn bắt ở hông vách. Chân phải (chân không bị ảnh hưởng) thì đứng làm trụ. TỪ từ nương theo thanh vịn, mà bước. Đáng lẽ đàng sau luôn luôn có người đẩy xe đến gần, phòng người bệnh bị té mà đở vào xe. Nhưng không có người, tôi đành bỏ chiếc xe càng xa vị trí. Nhưng mà không sao. Y. đứng và vịn rất vững, để tôi có thể bỏ Y vài mươi giây hầu chạy và mang xe lăn đến bên Y. Y. vui. Y. khoe đó ông thấy không, tôi có thể đi được mà. Cứ từ từ mà tập trước sau gì mình cũng đi được mà ông. Còn tôi vui vì niềm tự tin đến với tôi, là tôi có thể tự mình giúp Y. trong công việc đầy gay go cam khổ. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm được. Nếu một ngày nào không xa, Y. trở lại nhà, được bước trên nền gạch bông quen thuộc. Chứ ở đây, thì biết đến bao giờ ? Càng ở lâu, thì họ càng lấy tiền nhiều của chánh phủ. Có phải vậy không ?
Bạn thấy không. Luôn luôn ở cuối bài viết của tôi là sự hy vọng, là nghị lực. Có nghĩa là tôi vẫn còn tiếp tục chiến đấu, lưng vẫn thẳng, như một thời chơi với Sao Vàng Bình Định:
Thì đi đột kích trong lòng địch
Chụm tiếp nồi cơm hộ Bắc quân
Cơm nóng thầy trò ăn đở đói
Ha hả cười cơm của nhân dân…