Ở Nursing home này mỗi ngày nhìn những người phụ việc giúp đở bệnh nhân stroke hay những người già, tôi mới hiểu thêm về việc chăm sóc người bệnh không phải dễ dàng hay dản dị như tôi nghĩ. Chẳng hạn, khi cho người bệnh ăn, phải tìm cách kéo người bệnh lên phía đầu giường một tấc, sau đó mới bấm nút điện để phần trên của chiếc giường có thể trở thành một chiếc ghế dựa thoải mái và người bệnh có thể dễ dàng múc đồ ăn đưa vào miệng. Ngay cả việc kéo người bệnh cũng cả một vấn đề. Không phải bồng, hay ôm cả thân mà là cầm cái tấm plastic lót dưới lưng – hai người hai bên, cùng la one two three và cùng kéo một lượt. Đó là ở bệnh viện có nhiều người giúp. Còn ở nursing home thì chỉ có một người phụ làm việc này, chứ không phải hai người như ở bệnh viện.
Lần đầu tiên tôi thuyết phục Y. để tôi đẩy xe đi ra khỏi phòng. Xe qua những cửa phòng san sát. Bên trong là những phận đời buồn bả, trong một cõi ảm đạm, với chiếc máy truyền hình còn thấy hình ảnh, nhưng người xem thì đầu gục xuống, mắt nhắm nghiền như đứa con nít ba bốn tuổi ngủ gục trong chiếc xe đẩy. Xe qua những phòng với những ông lão, bà lão, nhìn ra ngoài, có lẽ chờ con chờ cháu hay chẳng chờ gì hết. Tôi vừa đẩy xe, vừa kể cho Y. nghe. Đây là nhà ăn. Đây là phòng tập rehab. Đây là beauty shop, phòng hớt, cắt tóc… Tôi như một người hướng dẫn một tour, một tour đúng vào ngày 26 Tết. Thay vì chợ Tết mà là chợ nursing home. Thay vì chợ hy vọng, xinh đẹp mà là chợ tuyệt vọng thê lương. . Nó buồn hơn cả một nghĩa trang. Nghĩa trang dù sao cũng có hoa có cỏ xanh, và những bia đá làm cảnh. Còn ở đây nó triển lảm phô bày tất cả bề trái bề phải của cái gọi là kiếp người. Khi chào đời bằng tiếng khóc. Nhưng khi sắp lìa đời, thì lệ đã khô, để thay vào đó, là nỗi héo úa tàn tạ vô sinh. Y. kêu ảm đạm quá. Y muốn trở vào phòng. Tự dưng tim tôi đau. Giờ này ở bên Cali, chợ Hoa, chợ Tết. GIờ này, ở khắp cả những nơi có người VN, người ta đang ra phố sắm sửa mừng xuân, hay sửa sọan lại bàn thờ, trang hoàng nhà cửa. Giờ này, những tấm thiệp chúc mừng năm mới được treo trên những nhánh mai vàng rực rở. Giờ này, lẽ ra, tôi và Y. sẽ đi xa, thăm bạn bè. Tôi đẩy xe, chậm chạp vì chân tôi không muốn bước nổi. Chúng như bị buộc vào một cái cùm sắt. Cái cùm định mệnh. Cái cùm tự dưng khóa vào tay, vào chân Y. và cả tôi.
Có phải ?
Tôi đẩy xe về lại phòng. Y bảo tôi đưa Y. lên giường. Tôi chần chừ. Đâu phải dễ dàng để chuyển một người bệnh từ xe lăn lên giường. Y. chỉ tôi cách thức. Lấy hai cái bàn đạp của xe lăn ra trước, để Y. có thể nhích hai chân ra, và đẩy xe sát cạnh giường. sau đó Y. tìm cách chống chân phải, đứng dậy. Nhưng mà Y. lại lão đảo. Tôi cố bồng Y. đặt ngay trên giường. Nhưng tôi cũng lão đảo theo. Y. bây giờ nằm ngang ở nửa phần chiếc giường phía dưới. hai chân còn ló ra khỏi thành giường. Chuông báo động reo lên khẩn cấp. Tôi không thể di chuyển Y. lên cao. May mắn lúc đó, một người đàn bà phụ việc đi ngang qua, thấy vậy, chạy vội vào. Bà ta chính là người có phần hành chăm sóc Y. Bà cảnh cáo tôi không được tự tiện làm như vậy. Nguy hiểm cho người bệnh. Cần gì thì phải nói với y tá trực. Tôi và bà cũng kéo cả thân hình Y. lên phía trên. Người phụ việc nói thêm: Ông phải nói với y tá trực. Tôi trả lời: Tôi có nói. Không ai đến. Bà giải bày: Rồi cũng sẽ có người đến. Trước sau cũng có người đến. Ông nghĩ xem, tôi còn phải lo bao nhiêu phòng, phải đút đồ ăn cho bệnh nhân, phải thay áo quần, phải dẫn họ đi cầu. Tôi không thể đến ngay khi bà cần. Vợ ông rất dễ thương. Nhưng tôi không thể đến ngay được. Ông có biết là tay trái của bà nhà bị problem không?
Tôi bị giảng moral, và tôi nhận ra lỗi của mình. Y. cũng hiểu là, việc đòi về nhà trong dịp Tết cũng chỉ là hoang tưởng. Nó chỉ là giấc mơ.
Giấc mơ tội nghiệp.