Theo em (16)

Hôm nay tôi không sống và viết, nhưng có mặt và viết, như một người phóng viên. Tôi viết về một nursing home, nơi  tôi theo Y. đến cách đây một tuần.

Tôi đang có mặt tại một cõi  cõi tàn tạ, úa héo, tuyệt vọng.  Ở một ông lão nằm chờ chết, mắt nhắm nghiền, và đứa con gái, đầu áp trên mặt của cha, bàn tay nắm lấy bàn tay cha, và đọc kinh liên miên. Ở một bà già mất trí cứ chấp tay sau đít, vừa đi vừa lẩm nhẩm. Ở một ông già tóc bạc phơ, ngồi trên xe lăn, cố gắng đẩy chiếc xe đi bằng đôi chân yếu lả. Và ở cái bóng tôi, đang buồn bã nhìn ra ngoài cửa kính của viện, với cái sân rộng, những dãy ghế bàn bằng sắt màu đen chơ vơ trống trải, cùng hai cây sồi trơ trụi đen đua, in trên một nền trời xám trắng của mùa đông, cùng những đám tuyết chưa tan vữa hết.

Cái bóng tôi. Tưởng tượng một ngày tôi sẽ.

Tôi sợ một ngày bị đưa vào Nursing home, và có lẽ có rất nhiều người như tôi, như Y. Nhưng no way, no choice. Bởi vậy, ông Phạm Duy khôn lắm. Ông không cần lý tưởng, chẳng cần tiết tháo, khí phách, mà người ta đã dùng để công kích ông. Ông cần cho bản thân ông trước hết. Như một bà Mỹ phụ trách viện đã nói với tôi: You have to take care yourself first, khi tôi kể về những nỗi buồn tôi mang từ ngày có mặt bên Y…

Vâng. Ông khôn lắm. Ông tự chọn con đường ông đi.  Có nghĩa là khi ông gọi, sẽ có người dạ ngay, khi ông thèm ăn, sẽ có người hầu cạnh ngay. Ông cần ai đẩy xe đi chơi, sẽ có người đẩy ngay. Điều này không thể có ở đây, bởi nursing home, tức là viện dưỡng lão, là cõi bị bỏ rơi, là ngôi nhà mồ tập thể dành cho kẻ còn sống. Muốn cần một người giúp đi vệ sinh thì phải đợi 10, 15 phút, có khi cả tiếng đồng hồ. Cả mình mẩy  ướt nhèm nước tiểu.  Khi ăn, thì khó lắm mới có kẻ đứng hầu, đút, hay gắp dùm. Người phụ trách còn có bao nhiêu người để phục vụ, chạy ngược chạy xuôi…

Vậy mà chánh phủ (medicare) hay bảo hiểm tư (nếu không có medicare) phải trả mỗi ngày có lẽ trên 300 đô la cho viện dưỡng lão.

Tôi biết được điều này, khi tôi ký cả một xấp giấy tờ, nhân danh chồng người bệnh, tôi trao quyền chăm sóc và quyền được nhận tiền chi phí cho viện dưỡng lão. Có nghĩa là họ sẽ thay mặt tôi, và người bệnh lấy tiền của chánh phủ.

Với số tiền trên $300 một ngày nếu về VN thì sướng như vua. Và đó có lẽ là lý do, người người, nhà nhà  trở về quê hương để gởi tấm thân tàn, bỏ quên những chuyện cũ, chuyện mới, bỏ qua những tiết tháo, khí phách, những thề thốt…

Ôi sức mạnh của đô la !

%d bloggers like this: