Viết lúc 4AM – tạ tình

Bạn thân mến,

Dễ chừng cả tháng tôi không post một bài nào trên blog. Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi không được khỏe, hay luời, hay nổi cơn bốc dồng, như tự nhiên phá sập cả một căn nhà blog cũ (tranhoaithu.wordpress.com) khiên một số bạn gởi thư hỏi lý do.

Tôi đã bước qua tuổi thất thập được hai ngày. Cái tuổi mà khi ta nhận nó, ta phải tri ân, cảm tạ Trời Đất. Tôi đã thoát chết trong chiến tranh, trong tù tôi, trong chuyến đi vượt biển hãi hùng, để rồi, trở thanh một công dân Mỹ gốc Việt. Tôi đã từ bỏ bộ đồ rách vá của gã bán cà rem dạo, để trở thành một phần tử của  “cổ trắng” (white collar), với 25 năm làm việc cho AT&T và IBM. Đó quả là sự mầu nhiệm, hay nói có vẽ siêu hình hơn là phép lạ. Nó khiến tôi từ một tay khinh mạn du thủ, có thể nói là chẳng tin gì về tôn giáo, nay tin tưởng có Trời có Đất có một Đấng Quyền năng phò trợ.

Dễ chừng cả một tháng, tôi quên sửa sang, tu bổ căn nhà ảo này. Bởi phải lo chuẩn bị tạp chí giấy TQBT số chủ đề về Dương Nghiễm Mậu. Ôi thôi, việc là việc. Nào nhờ đánh máy, layout, trình bày, nào nhờ sửa lỗi chính tả. Hy vọng bạn sẽ nhận được trong tháng giêng .

Tôi viết tiếp.

Khi sưu tầm cuốn Địa Ngục Có Thật của DNM tôi đã chừa 6 hình ảnh của cuốn sách. Lý do, hình quá mờ. Giấy lại quá ố vàng, chạm có thể vỡ ra những mảnh vụn. Có một tấm hình mà tôi rất tiếc là tấm hình chụp con phố Trần Hưng Đạo Huế, với tấm biển quảng cáo cuốn phim Le Temps du Massacre (thời thảm sát) treo lủng lẳng vào ngày đầu năm Mậu Thân. Tiếc bởi vì nó nói lên một điềm dữ cho một tai ương khủng khiếp đổ xuống thành phố Huế. Ngày Tết, thiếu gì cuốn phim hay, yêu đời, giá trị để chiếu, tại sao rạp Hưng Đạo (và có lẽ Châu Tinh nữa) ở Huế lại  đi chiếu cái phim mang tựa đề “thời thảm sát” ?

Để rồi, sự thật là một địa ngục mở ra, có thật, với những huyệt đào chôn  dập hàng trăm xác, với những tay sát nhân lạnh lùng giết người như các tay súng trong cuốn phim…

Suốt ngày tôi tìm trên Net hình chụp phố Trần Hưng Đạo vào ngày Tết để có thể bỏ vào trong sách. Chưa bao giờ tôi xữ dụng cái từ massacre một cách miệt mài như thế.

Cứ nghĩ là cái thời ấy chỉ xãy ra ở Huế, nhưng nó lại xãy ra ở Mỹ này, cách nơi tôi ngụ khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Nó năm trên tuyến đường tôi đến thư viện Yale thuộc tiểu bang Connecticutt. Một đàng kẻ sát nhân là tập thể. Một đàng là cá nhân hanh dộng lẽ loi. Tuy nhiên massacre vẫn là một. Ghê tơm. Kinh hoàng. Tôi thẩn thờ, đau nhói ở ngực. Tại sao? Tại sao? Nhất là vào mùa Lễ Giáng Sinh này. Có lẽ không ai có thể hiểu lý do. Hung thủ tự sát. Mẹ hung thủ bị giết. 20 em bé từ 5-7 tuổi bị giết. 6 người lớn bị giết. Massacre. Tôi sợ  cái chữ này. Tôi không thể tiếp tục thêm, dù tôi đã tìm ra nó, không phải riêng rạp Hưng Đạo, mà còn ở rạp Châu Tinh, với tấm biển quang cáo cuốn phim. Tôi đã ghi địa chỉ tên Net trong phần nói về việc thực hiện cuốn bút ký, để ai muốn tìm hiểu thì tìm.

Bởi vì massacre đối với tôi không phải là một chữ nữa. Nó là một sự thật. Một nỗi đau không phải cho riêng những thân nhân, cho cộng đồng của Newtown, mà cho tất cả mọi người.

Đau lắm.

1. Nguyễn Bắc Sơn Trong thời chiến, thường thường có những nhà thơ được biết nhiều, do từ  sự phổ thơ của họ. Như Vũ Hữu Định qua Phố núi cao, hay Nguyễn Tất Nhiên qua Em hiền như Ma Soeur, Linh Phương qua Kỹ vật cho em,  Phạm văn Bình qua Mười hai tháng quân đi… hay Lê thị Ý với Ngày Mai đi nhận xác chồng… Qua Phạm Duy, thơ họ đã đi vào lòng người nhiều hơn, tên tuổi họ được nhắc nhở nhiều hơn.

Nhưng trường hợp Nguyễn Bắc Sơn là một ngoại lệ. Thơ ông không được phổ nhạc. Bài thơ Chiến Tranh VN và tôi, Thảo Khấu đầu tiên được đăng trên tuần báo Khởi Hành – cơ quan của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội- nhưng đã được truyền tụng mau chóng sau đó. Khỏi cần nhờ đến Phạm Duy hay một nhạc sĩ thời danh nào.

Vì sao?

Theo tôi, bởi chúng đã đáp ứng được phần nào tâm trạng của tuổi trẻ thời chiến chúng tôi bấy giờ..

Sau đây, chúng tôi xin cống hiến quí bạn một bài thơ khác, được chúng tôi sưu tầm trên Xuân Sóng Thần năm 1973  chẳng những nói về một người trẻ tuổi mang thân phận lưu đày trên quê hương mình trong thời chiến tranh, mà kỳ lạ thay, bây giờ đọc nó chúng ta cảm thấy như ông nói hộ cho mình – những người viễn xứ – hôm nay.

Ví dụ:

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

hay:

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

 

Sau đây là toàn bài  Trời Cố Xứ. Chúng tôi tin rằng tác giả sẽ không còn giữ, và người đọc ít ai nhớ hoặc biết.

Trời cố xứ

Gởi Thức, Hoàng và Tân

Trời mưa ờ Nha Trang làm tôi nhớ bạn đến rơi nước mắt

Khi thấy rượu tràn sôi vành ly

Hoa sứ đỏ rụng nhiều xui tôi nhớ ngày đi trọ học

Nhà em láng giềng cửa số mở đêm khuya

Tưởng tượng có người thanh niên ngồi im trong quán gió

Khi chuyến xe đò tách bến trong mưa

Chuyến xe chở người đàn bà mang áo khoác

Tóc dài như tóc của em xưa

Tôi sợ tình yêu như sợ nhìn về viễn kiếp

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

Biết đâu mẹ tôi không đang sơn xanh ngôi nhà, mở toang từng cánh cửa

Mong bóng tôi bỗng hiện cuối con đường

Nơi cổ thành kia tôi đã lớn khôn đã cười đã khóc

Đã đem lòng thương mến Cúc Hoa em

Đã sống âm thầm những năm bất khuất

Soi chiếu đời với những que diêm

Tưởng tượng giữa trưa có người thanh niên nghe tiếng con gà trống gáy

Nghĩ đời mình trôi dạt biết bao nhiêu

Máu tôi lẫn máu người du mục

Nhưng lòng tôi e gió thổi đìu hiu

Các con ơi, tưởng tượng ba mỗi ngày ôm theo nón sắt

Đứng chờ xe trước ngã ba đường

Phải lộn xòng theo gái giang hồ và những tay mỗ mật

Các con sẽ thấy lòng người đen bạc ở quê hương

Cổ thành kia ơi, cổ thành bạc bẽo

Đuổi xua người trai trẻ mến thương người

Vì sao người thành ra bãi rác

Thành ra nơi đĩ điếm chuột heo ruồi

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục

Đâu có người thương tiếc đám mây bay

Nguyễn Bắc Sơn

(trích từ báo Sóng Thần số Xuân năm 1973)

2. Sự mầu nhiệm của món quà

Trong hai tháng qua, tôi đến hai thành phố cận biển. Một bờ Tây: Bắc Cali. Và một bờ đông: Tampa Bay. Bờ Tây với những luống hoa hồng chảy suốt con đường từ San Jose lên phi trường Sacramento và bờ đông với xa lộ liên bang số 4,  gió biển đầy xe, những đồn điền cam vàng mênh mông bát ngát. Lâu quá không thấy lại Nha Trang, nên về nhìn biển cho đỡ nhớ. Ngồi dưới hiên của một căn nhà trên vịnh, nghe tiếng sóng vổ đều đều , thấy những áng mây trắng trôi trên nền trời xanh, lòng tự nhiên chùng lại. Ơi biển. Từ một đứa bé suốt ngày lêu lổng, đêm có khi nằm ngủ quên trên bờ cát, ngày thì mở tung lồng ngực no nê với biển xanh, với sóng ì ầm, với nắng lửa đến nổi tóc vàng cháy, da đen bóng, vậy mà bây giờ thành một ông già trầm tư. Tiếng sóng dội vào kè đá, mà lòng mình cũng dội lại vọng  âm. Từ một Nhatrang ngàn trùng.

Hai tháng với hai chuyến đi xa. Mỗi nơi có một niềm vui mời mọc. Mỗi nơi có những chai bia sủi bọt, những cốc cà phê nồng ấm bạn bè. Mỗi nơi có những lần bắt tay giã từ mà bịn rịn, những lần trở lại, ngồi trong phi cơ mà lòng thì bùi ngùi, để nhớ lại câu ca dao nào mà thấm thiá ra nỗi chia ly: Chẳng thà không biết thì thôi/Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn…

Có một người rất vui trong chuyến đi này. Đó là vợ tôi. Bởi nàng đã gặp được tác giả mà nàng hằng ái mộ. Làm sao ngờ được Trần Bích Tiên, tác giả bài thơ Nói với em lớp Sáu đang ngồi trong bàn tiệc ở thành phố miền Bắc Cali này… Và sau khi tôi kể với nàng là Trần Bích Tiên chính là nhà thơ Huệ Thu, người đang ngồi trước mặt em đấy, thì nàng sững sờ một lúc. Nàng thốt lên: Vậy cô là Trần Bích Tiên sao ? Bài thơ quá hay, cô ơi. Rồi nàng đọc lên: Này em lớp sáu này em nhỏ.Gặp em rồi không quên em đâu/Chiều nay hai đứa về qua phố/Rất tự nhiên mà mình quen nhau

….

Sách trên tay chị nghe chừng nặng

Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh?

Thôi nhé em về con phố dưới

Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên. (1)

Nàng đọc trơn tru, mạch lạc, không hề vấp váp. Đủ biết là nàng yêu thích bài thơ lớn lao như thế nào.

Vâng, tình độc giả là vậy. Một đằng dâng tặng cho đời những bông hoa. Một đằng nhận món quà miễn phí (hay quá rẽ, ví dụ giá tiền cuốn văn, tập thơ chẳng hạn) để làm đẹp hay để làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Và để đổi lại là sự cảm tạ và tri ân.

Riêng tôi, tôi cần phải cảm tạ Tô Vũ, Tuấn Khanh hay Trịnh Công Sơn-  những nhạc sĩ mà tôi ưa thích. Tôi nghe những sáng tác của họ biết bao nhiêu lần không chán. Trong cõi đêm yên lặng như một ngôi nhà mồ, lời nhạc của họ làm tôi mê đắm, để tóc bạc tôi trở lại màu xanh, để con tim già nua của tôi trở lại trẻ dại, để nỗi cô đơn của tôi được vuốt ve an ủi…Để kỹ niệm nở hoa giữa những tháng ngày hiu quạnh… Ngay cả khi tôi mất ngủ, chúng dỗ dành tôi như lời ca dao à ơi ngày còn bé dại để rồi tôi nhắm mắt đi vào trong giấc  ngủ lúc nào không hay…

Sự mầu nhiệm này chắc chắn  những thứ thuốc tiên cũng không thể mang lại. Thuốc có thể làm sạch máu, tăng cường sinh lực, mang người yếu thành mạnh nhưng làm sao thuốc có thể làm đẹp tâm hồn, làm trái tim ta hạnh phúc ? Như vợ tôi, hạnh phúc được đọc một bài thơ hay, và thêm một nỗi hạnh phúc nữa là có dịp bày tỏ lòng cám ơn của mình đến với tác giả  đã mình hằng mến mộ.

Xin được cám ơn những người đã cho ta những món quà vô giá.

3. Nhớ về đồng đội

Trong đêm xứ người, nói gì về những người muôn năm cũ. Hai đứa chúng tôi như rưng rưng để nhớ về những đồng đội cũ của mình.  Tôi hỏi anh Hòa về những gì anh biết về đại đội 405 thám kích. Bộ quân sử không nói về 405. (Nếu có, chỉ ba giòng trong trận đánh năm Mậu Thân). Quân đội miền Nam cũng chẳng bao giờ nhắc đến một 405. Nó vô danh. Nó đánh giặc không phi pháo dọn đường, không được yểm trợ tối đa như những lực lượng tổng trừ bị. Nó là những tổ 3 người, những toán 4 người, mang trên vai những ba lô  với mười mấy ngày lương khô xâm nhập trong lòng mật khu. Thế giới của nó là những cánh rừng thâm u, những ngôi làng sâu trong rừng, những con đường mòn xâm nhập của địch. Nó không cần ai biết. Nó buồn như thế đó. Lạc loài như thế đó. Nó lầm lì như thế đó. Nhưng tại sao, anh và tôi lại phải giữ gìn như giữ gìn những gì trân quí nhất ?

Viên cựu đại đội trưởng 405 TK nhắc lại một Y Đao như một con sóc rừng. “… Y nhanh lẹ không thể tưởng. Người y, khi mang ba lô 17 ngày lương thực, không thấy người, chỉ thấy cái ba lô. Còn hạ sĩ Nùng Lương văn Tướng, ông ta nói tiếng Việt vẫn còn lắp bắp, mặt lúc nào cũng lầm lì.

Ông ta còn có biệt danh là ông Tướng giải phóng. Tại sao là giải phóng, Thư biết không ?.” “Thưa đại bàng, tôi không được biết”. Tôi trả lời. “Số là hôm ấy, toán ông bị phát giác. Lính Bắc hỏi : Ai đấy ? Ông Tướng lính quýnh trả lời: Biệt kích Giải phóng. Trời ơi, VC làm gì có biệt kích. Còn trung sĩ Tám, trung sĩ Khoái, trung sĩ Đặng, hạ sĩ Dự, hạ sĩ Lực, còn  chuẩn úy Bùi Toàn Hảo, chuẩn úy Âu Hoàng Minh, chuẩn úy Phan Thái Gia, chuẩn úy Nguyễn Thái Lâm …”

Anh kể như thuộc lòng. Đó là điều hiếm hoi cho một người đã trải qua rất nhiều đơn vị. Nó chứng tỏ đại đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ. Nó chứng tỏ, anh đã có một nơi để tự hào trong đời binh nghiệp của anh.

Rồi anh Hòa nhắc lại hạ sĩ Y Brep và hạ sĩ Ba. VC trồi lên đánh cận chiến. Hạ sĩ Y Brep quạt Thopmson bảo vệ anh, hạ sĩ  Ba xô anh xuống hố. Và kết quả, Hạ sĩ Ba chết, và Y Brep bị mù một con mắt.

Tôi lắng nghe tiếng anh nghẹn lại. Vâng, tôi cũng vậy. Anh nói rằng, anh chưa bao giờ thấy đơn vị nào mà tất cả đều cùng một lượt xung phong lên đồi cỏ tranh, đứng thẳng mà tiến lên. Anh chưa bao giờ thấy một đại đội lại đánh tan tành một tiểu đoàn… Vâng, anh kể lại thời của anh từ 1963 đến 1964, và tôi kể lại thời của tôi từ 1967 đến 1971. Anh làm tôi nhớ lại hạ sĩ Đông mang máy truyền tin. Đông cũng cõng tôi mà chạy dưới bao lằn đạn. Và ông Y Suk đã cứu tôi thế nào trên đỉnh Kỳ Sơn.

Đêm nay, quê người, và hơn 30 năm xa cách cho hai cánh diều hâu bỏ đàn bỏ tổ. Những giọt lệ bỗng nhiên lại thêm một lần chảy lạnh cả tâm hồn. Người sống nhớ về người đã chết. Người may mắn nhớ về người không may mắn. Nguồn cội từ một mái nhà được phanh ra, để cùng nhau tự hào và cũng để cùng nhau mà khóc thầm. Những con người, không bao giờ nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống, cam phận. Có ai còn nghĩ đến họ. Nghĩ đến một người như hạ sĩ Ba chịu hứng đạn thù để cứu một đại đội trưởng , để anh còn sống, để anh được cơ hội nhận hai lần thăng cấp tại mặt trận chỉ trong vòng hai tháng từ một ông tướng khó nhất là tướng Đỗ Cao Trí để tự hào là một sĩ quan được thăng cấp nhanh nhất trong quân đội miền Nam !

“Thư à, lon mình không phải do tướng Đỗ cao Trí gắn mà là do hạ sĩ Y Brep, hạ sĩ Ba gắn…”

Tôi cũng vậy. Bởi vì, ngòi viết của tôi chưa bao giờ có một nhân vật như Y Brep trên trang giấy. Và tôi cũng chưa bao giờ mời ông Tướng giải phóng, trung đội phó của tôi một cốc rượu, một lon bia. Ông ta anh hùng như thế, dẫn toán vào mật khu, hù lính Bắc quân, thế mà mỗi ngày vẫn chào tay tôi, trình diện tôi, giúp đỡ tôi, nâng bước chân tôi lên trên những bãi chiến trường sôi bỏng. Thế mà tôi không có cả một lời. Và dù có viết, thì đám kiểm duyệt ở Sài Gòn lại bôi đen chữ Tướng trong những đoạn tôi chỉ thị người trung đội phó tên Tướng này trong lúc hành quân hay làm ăn. Họ viện dẫn tôi chơi xỏ một ông tướng nào đó. Vâng, tôi đã vô tình quên họ, những người lính của trung đội tôi như Y Đao, Nay Lat,Y Suk, như Nha, Vọng, Tròn, Hường, Nai, Lợi, Ký, Mễ, Ưng Luông. Tôi chỉ bận tâm đến bản thân tôi. Tôi chỉ tìm mọi cơ hội để được thăng quan tiến chức, hay để được thoát khỏi địa ngục trong lúc họ vẫn tiếp tục cùng chiếc poncho, hay lon cơm gạo sấy, coi đơn vị là mái nhà vĩnh viễn của mình mà không một lời ta thán.

______________

(1) Toàn bài thơ được đi trên TQBT số 35 chủ đề Trường Xưa

%d bloggers like this: