Trần Hoài Thư
Khi anh đàn, người nghe im thinh thít. Không cả một tiếng ho, sợ tiếng động có thể làm vỡ tan những giọt âm thanh ngà ngọc. Mắt anh nhắm. Vầng trán nhăn. Dưới bếp lửa, má anh lỏm vào. Những ngón tay như rỉ máu trên dây đàn. Anh chơi hết bản này qua bản khác, liên miên bất tận. Mặc những mắt, những tai đang rình mò, nghe ngóng. Mà làm sao họ có thể buộc tội hay kết án anh hay bọn ông. Khi những âm thanh kia vô ngôn, không xanh, vàng, đỏ tím.
Tại sao ông ít nghe người ta nhắc đến tình tù tội mà cứ nhắc hoài đến tình đồng đội chiến hữu. Hay có cái gì không được ổn ở cái tình này. Có phải ?
Riêng ông, thì ông nhớ. Cái tình tù tội chứa trong đôi mắt, con tim chứ không phải qua đầu môi cửa miệng. Cái tình ấy đã dìu dẫn nhau, giữ gìn nhau khi thân phận người thua cuộc bị dìm xuống tận đáy vực thẩm. Những người học trò cũ giúp gánh dùm công việc cho người thầy của họ, chẳng hạn. Những ánh đuốc cháy bập bùng trong đêm, những tiếng la gọi ơi ới thầy ơi, thầy BK ơi, khi vị giáo sư đại học này, bị kiệt sức trên đường lao dịch…Trong con tim của những chàng cựu cấp úy vẫn nồng nàn tình đồng đội, chiến hữu xa xưa. Thuốc men không có, nhưng vẫn có một vài viên thuốc ân nhân từ bạn tù, giúp ông qua được những cơn nguy khốn.
… Rừng tràm âm u, chôn những thân phận không thấy mặt trời, nhưng chính càng trong đau khổ, người ta càng nhận chân được cội nguồn của một thứ tình cao đẹp lớn lao hơn.
Tình tù tội phát xuất từ con tim chân thật không phải từ cửa miệng đầu môi. Đã cay đắng rồi những mỹ từ em chỉ yêu anh binh nhì, những bổn phận, danh dự, trách nhiệm, những lời đao to búa lớn… Họ đã cao bay xa chạy rồi. Và một số vợ sĩ quan đã tàn nhẫn quay lưng. Nhưng cũng có những bông hoa qúi, qúi vô cùng trao về những người đàn bà chung thủy hay những người tình vẫn còn nghĩ đến những kẻ thất thế… Tình tù tội mới thật sự là tình chân thật, để em đầu tắt mặt tối cùng những vòng xe đạp lăn tai ương, mà nuôi con, tiện tần gởi về anh gói thuốc hay bịt cà phê. Hay những bạn bè đồng nghiệp của em, cũng nhín chút quà nhờ em mang về trong kỳ thăm nuôi thường lệ. Tình tù tội đã khiến cho những người bất hạnh càng gần nhau hơn. Dù kiểm thảo hàng đêm, dù bao nhiêu tai họa chập chùng, nhưng trong những đêm tối, ngồi trên sân trại, kẻ đàn kẻ hát, những cốc nước chè nhản lồng, hay cốc cà phê thăm nuôi, hay điếu thuốc lào chuyền nhau, cho long lanh thêm những vì sao, cho ấm thêm hơi lạnh của rừng, cho nồng thêm hương tràm hương cỏ…Đâu có gì phải sợ, khi Hải chỉ đàn những bản nhạc không lời. Không lời nhưng con tim đau nhói, nhưng đôi mắt nhắm nghiền, nhưng cõi lòng xao xuyến bồi hồi. Họ đâu có hiểu nghệ thuật là gì. Họ chỉ kết án nhạc vàng nhạc xanh, làm sao họ hiểu trong một tấu khúc cổ điển của Mozart, Strauss là xanh vàng vô tận. Họ đâu có biết khi Trường đọc bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan là mỗi đứa nhớ lại một thời mà kiêu hãnh, ít ra. Thơ kháng chiến mà. Một ngày lao dịch thì cũng xong. Một ngày vai mang nặng những bó củi, hay bè tràm, hay những cây đất sét thì cũng xong. Xong như phèn đã bắt đầu hòa vào nước, và nước màu xanh chua chát đã biến thành màu vàng đục, rồi những mạch nước bắt đầu rút phèn đi. Xong như một qui luật của con người từ trước đến bây giờ, từ khi xã hội hình thành. Được làm vua thua làm giặc. Nhưng tiếng hát lời ca kia, đêm quạnh lại những giọt cô đặc tân khổ kia, vẫn còn bất diệt.
Những đêm như thế anh em quay quần chia cho nhau những mảnh cơ hàn. Miếng đường thẻ, điếu thuốc Vàm Cỏ hay điếu thuốc lào. Những đêm như thế, lời nói dù thầm thì nhưng ấm áp làm sao. Đêm rừng tràm thường lạnh, vì xung quanh hơi nước, hơi đầm bốc lên, thấy loang loáng một màu trắng nhạt lấp lửng trên những hồ những rạch hay giòng kinh. Thỉnh thoảng có tiếng chim kêu như tận trong rừng vọng lại. Một nhúm lửa tràm được đốt, vỏ tràm khô dễ cháy, và mấy thằng ngồi quanh hơ sưởi đở lạnh. Tiếng lửa reo lách tách. Như vui cùng tấm tình chung của những kẻ bất hạnh.
Đêm rừng tràm, Hải nhắm nghiền đôi mắt. Cây đàn Tây Ban Cầm của anh, được chế tạo bởi ván thùng đạn pháo binh và dây đàn là dây điện thoại. Anh thuộc tổ lò rèn nên việc chế tạo không mấy khó khăn. Sau này, ông được dự nhiều buổi độc tấu Tây Ban Cầm của những người nhạc sĩ tài danh của thế giới, nhưng chưa bao giờ ông lại bị tiếng đàn của Hải làm mê thiếp đến như vậy. Có lẽ vì ở trong rùng tràm, thiếu thốn trăm bề nên tiếng đàn là cả một niềm cứu rỗi. Cũng có lẽ, người chơi đàn đã xuất thần. Khi anh đàn, người nghe im thinh thít. Không cả một tiếng ho, sợ tiếng động có thể làm vỡ tan những giọt âm thanh ngà ngọc. Mắt anh nhắm. Vầng trán nhăn. Dưới bếp lửa, má anh lỏm vào. Những ngón tay như rỉ máu trên dây đàn. Anh chơi hết bản này qua bản khác, liên miên bất tận. Mặc những mắt, những tai đang rình mò, nghe ngóng. Mà làm sao họ có thể buộc tội hay kết án anh hay bọn ông. Khi những âm thanh kia vô ngôn, không xanh, vàng, đỏ tím.
Không ngờ đêm ấy là đêm cuối cùng Hải cho bọn ông thưởng thức ngón đàn tài hoa. Hải đã vượt trại. Cây đàn anh bỏ lại cho tổ. Không biết ai giữ.
Sau đó anh bị bắt và bị bắn.
Hải nguyên là trung úy Hải quân.