Viết lúc 4AM: Ngày chờ bão Sandy

Chưa bao giờ các đài truyền hình Mỹ lại nói nhiều về trận bão Sandy như lúc này. Và cũng chưa bao giờ  New York và New Jersey lại được nhắc nhở như lúc này. Họ ví Sandy như  Frankenstorm vì bão xãy ra đúng vào mùa lễ Halloween, hay superstorm… để nói lên sự khủng khiếp về cường lực của bão. Có một vài nơi gần bờ biển đã được lệnh di tản…

Vậy đó. Không lo thì cũng phải lo.  Nhà tôi đã đi mua nước, đen pin, cherrios dự trử. Còn tôi, lo nhất là hàng kệ sách đặt dưới hầm nhà. 8 cái máy in vừa màu vừa đen trắng, 4 cái computer loại desktop với hệ thống network chằng chịt cable, rồi máy cắt, máy xén, máy ép phim laminate … Không lo sức gió mà lo lụt. Lỡ nước ào vào thì sao…

Bởi vậy, lại khuân lại vác, lại di chuyển. Con thì xa, bạn bè thì cũng thật xa, chỉ có gần, kế cận nhất là cái máy truyền hình với những lời cảnh dữ. Tôi không thể thờ ơ, buông xuôi. Tôi yêu chữ nghĩa, thích văn chương,  tự hào với những sách vở, tạp chí Thư Quán Bản Thảo mà tôi đã bỏ ra bao nhiêu ngày s9êm gian khổ, công sức… Tôi không thể để cho những chiếc mấy in kia phải bị chìm lỉm, hư hại được. Chúng là ưu tiên hàng đầu. Chúng phải được bảo vệ tối đa,

Bởi vậy, tôi thào hết những cơ phận mà tôi có thể tháo được. Từ từ khuân từng chiếc một. Lên cao nhé, an ổn nhé. Mi đã theo ta suốt bao nhiêu năm, ta không thể bỏ mi được, trừ khi mi bỏ ta.

Lâi thêm cái máng xối đầy ngập lá mà tôi đã hứa  với nhà tôi phải dọn sạch. Lá làm nước nghẻn, trước sau gì cũng phải bị hư, nếu không kịp thời…

Vậy đó, ai bào tuổi già thong dong, vui vầy cùng con cháu. Có ở trong trường hợp tôi, mới hiểu là trái ngược.

Sáng bật dậy, pha ly cà phê, rồi ngồi trước máy, chuẩn bị cho một bài post Viết lúc 4AM lên Blog của mình. Riết rồi cũng quen. Để tập cho trí nhớ có dịp họat động trở lại. Để trái tim được vài giây phút chạnh lòng khi nghĩ đến tình yêu, tình bạn, đến một vài người chưa bao giờ thấy mặt nhau mà ngỡ như thiên thu tiền kiếp… Để những ngón tay gõ lại trên những nốt dương cầm chữ nghĩa…

Rồi sau đó, layout một cuốn sách, chụp một tranh bìa, chuẩn bị cho một tác phẩm khác được ra đời. Nhất là vào lúc tạp chí TQBT phát hành thì càng bận bịu hơn bao giờ. 4 cái máy in thi nhau nhả nhạc, đồng tấu cho một nhịp xuất quân. Chạy lên hầm, xuống hầm, bỏ thêm giấy vào khay, xem lại trang giấy mực có bị phai, để thay ống mực khác. Rồi binding, rồi cắt, dồi dán, rồi ép… Vậy mà vui, vui vô cùng…

Nhất là mình tìm ra một sáng kiến giúp mình làm tốt hơn cho cuốn sách, hay dễ dàng hơn cho công việc đòi hỏi nhiều người nhúng tay.

Như cái sáng kiến mà nhiều câu hỏi đã đặt ra trên những diễn đàn về in ấn bằng máy in màu laser (color laser printer), (không phải là inkjet) mà không ai có thể giúp giải quyết được.

(Tôi sẽ tặng biếu quà văn nghệ xứng đángcho bạn nào giúp giải quyết vấn nạn này)

Câu hỏi là: Làm cách gì để in mà không chừa lề  khi ta dùng máy in color laser (How to print borderlessly by color laser printer).

Google trên net, có người đề nghị nên dùng loại máy Oki.  Hiện tại tôi có 4 chiếc máy hiệu này . Chúng chẳng giúp gì cho câu hỏi mà từ trước đến nay vẫn chưa có câu trả lời: No way since it is a color laser printer. Vô phương, bởi lẽ máy  là máy laser. Ngay cả ta dùng WORD cho margin bằng zero thì cuối cùng, trang giáy in màu vẫn chừa bốn cái lề bốn phía !

Nhưng  bạn ạ, tôi đã nghĩ ra, nhờ toán học. Và tôi đã ghi nhanh, vội vã, qua bài post chưa hoàn chỉnh dưới hình thức  Privacy cách đây vài ngày, như bạn đã thấy.

2. Đấy là niềm vui trí tuệ. Nếu ông già đánh cá trong tác phẩm The old man and the sea của Hemingway vui vì đã thắng được con cá mập, dù cuối cùng nó chỉ còn lại bộ xương, thì tôi vui gấp trăm lần hơn vì, tôi đã thắng, và vinh quang này (cho tôi) đã giúp tôi một cách thiết thật nhất. Trong cái bóng mờ mờ của ngọn đèn dưới hầm, tôi cũng đã chiến đấu, hai tay, hai chân, cái đầu, cái mình, và rất chậm, chậm, lưng có khi còm xuống, hai đầu gối có khi run rẩy. Bão rồi sẽ đến, sẽ tàn phá, sẽ lên cơn cuồng nộ, nhưng tôi đã chuẩn bị hết rồi.
Chuẩn bị trong một nỗi dửng dưng.
Tôi đã quá quen với những chuẩn bị này, trước 1975.

%d