Viết lúc 4AM – Cuối cùng, tôi đã gặp các đứa con thất tán

Cuối cùng sau hơn hai mươi năm, tôi mới có thể thấy lại những đứa con thất lạc của mình. Không phải tại quê nhà mà tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Về Thành. Ngựa Nản Chân Bon. Sông Sâu Cũng Lội. Khu Chiến. Nụ Hoa Vàng của Ngày Tình Si. Cánh Diều Trên Đồng Cỏ. Những số Văn chủ đề Những Cây Bút Trẻ, Phượng Trong Thành Nội. Những tên tác giả nằm bên nhau. Trang giấy cũ mốc, vàng sậm. Chữ nghĩa chi chít. Để mỗi lần đọc lại tên, là mỗi lần nhớ bạn bè, bằng hữu…

Vâng, hãy cho tôi trở về cùng những ngày tháng cũ. Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương toé máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của cả một thế hệ chiến tranh. Nó là văn chương mà yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, chứ không phải từ cửa miệng đầu môi của những lãnh tụ, đồ tể hay từ những môi miệng tuyên truyền tâm lý chiến. Đó là văn chương đích thật, bởi vì từng hơi thở, từng giọt lệ, từng cay đắng, thù hận, từng nỗi buồn rầu già trước tuổi đã cấy đã hằn theo từng chữ. Chúng tôi tự hào đã nói tất cả những gì chúng tôi muốn nói, muốn nghĩ, muốn tra vấn. Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc  mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên. Chúng tôi viết cuống cuồng, viết hối hả, viết như sợ sẽ không còn được dịp để viết được nữa. Trời ơi, văn chương như thế ư. Văn chương gì mà bi thiết như vậy. Văn chương gì mà không có bàn để kê giấy, không có nhạc êm dịu để mà lắng đọng tâm hồn, không có bàn máy đánh chữ, ống vố để mà làm nên cung cách. Văn chương gì mà một cuốn vở, chục trang giấy trắng nhét vào túi áo trận, và xung quanh là lửa, là bất trắc.
Văn chương gì mà rờn rợn tử sinh:

…Một hai ba lộn nhào co quắp
Còn lại vẫn ào lên, ào lên
Đừng bò !  đừng bò !
Trung đội phó hét cuồng điên
Cỏ tranh bắt mồi cháy mạnh
Gió tạt khói mù
Bốn bề khói rợp
Xé cay cặp mắt nổ tròng
Khắp bốn bề gào thét xung phong !
(trích Qua sông mùa mận chín, thơ THT)
Trong cõi lặng yên đầy cảm động, tôi đọc lại từng bài của mình và  của bằng hữu cũ. Những chữ nghĩa của một thời. Những thiết thân không rời, mà mình đã vô tình ruồng bỏ. Quả tội nghiệp cho những đứa con tinh thần của tôi. Bấy lâu chúng sống hẩm hiu, nương nhờ vào lòng thương yêu của dân tộc người, thế mà tôi lại không biết. Tim tôi phải oà vỡ những niềm cảm tạ.
Trang sách cũ. Một thời nào yêu dấu được mang đi qua từng hàng từng chữ. Tôi đang nhìn lại thời ấy, và đang đọc lại thời ấy. Cái thời mà văn chương nâng tôi đi, trong khi chiến tranh, cái chết kéo nặng tôi xuống. Cái thời mà chỉ nghe đến tên mà bạn bè ngỡ như thân dấu lắm. Cái thời viết có người đọc, có niềm vui và an ủi. Cái thời trang bản thảo nhòa nhạt bởi mồ hôi và mưa, và cả lệ máu.  Cái thời  mà  mỗi  đầu tháng, là mỗi lần  gặp lại nỗi nôn nao khi thấy những giòng, những hàng chữ của mình in trên trang giấy và bay đến mọi người hay nỗi háo hức nhận một tạp chí từ Saigon theo trực thăng ra tiền đồn, hay mặt trận còn nóng hổi.

Như vậy, cuối cùng, là những trang bản buồn đến chảy nước mắt này. Chúng may mắn được nương tựa nơi xứ người. Cũng như tôi, may mắn có mặt để có ngày tìm lại những đứa con bị thất tán. Còn những người không được may mắn thì sao? Trời ơi, cả một thế hệ chưa đến độ phải quá trăm năm để trở thành hồn ma, mà sao bây giờ như thể hồn ma xiêu lạc ?!

%d bloggers like this: