truyện Trần Hoài Thư
Trước đây, khi nghe những chuyện liên quan về những người cổ trắng, ông không tin.. Ông cho đó là trường hợp cá nhân, cá biệt, không phải là trường hợp chung. Bây giờ thì ông tin. Bởi chính ông là người trong cuộc. Ông đang thấy những nhát kéo tàn bạo mà tay xếp đã cố cắt ngang cắt dọc thẻ trả nợ của ông.. Ông thấm thía được thế nào là ngày cuối của một kẻ mang cà vạt, vắt óc, vắt não để đổi lại cơm áo.
Hôm ấy cơn bão tuyết đã hoành hành cả miền Đông. Các chương trình thường lệ trên TV phải ngưng lại để nhường cho những bản tin về thời tiết, về những thông cáo trường học đóng cửa, về đường sá lưu thông ngập lụt một vùng tuyết trải thảm, có nơi cao đến 2 feet. Đài cho hay trận bão mùa đông này là trận bão tuyết của thế kỷ.
Trận bão đã bắt đầu thổi qua vùng tối hôm qua, giờ vẫn còn vần vũ. Vợ chồng ông ra ngoài lối dành đậu xe driveway để xúc tuyết, cào tuyết và dọn bãi. Tuyết lên đến đầu gối. Xuổng xúc hoài vẫn không thể dọn sạch. Trời lạnh dưới độ đông. Hai bàn tay tê cứng. Ông thở mệt lả. Nhưng phải gắng. Biết bao nhiêu kẻ đã rủ nhau về sở thất nghiệp. Lúc này còn có một công việc để bám vào là mừng.
Nghĩ đến điều đó, ông càng cám ơn bà Rita, xếp cũ của ông. Bà ta đã cứu ông sau khi cả nhóm bà bị dẹp tiệm, trong khi lệnh cảnh cáo sẽ có một cuộc layoff tập thể rất gần.
Bà rời nhóm để lại những thuộc cấp sững sờ, chơ vơ không ai coi sóc. Rồi mạnh ai nấy tìm, mạnh ai nấy chạy. Con Elizabeth được một tay cựu nhóm trưởng cách đây 10 năm ra tay cứu. Hai tay khác được bổ đến một nhóm để giúp đỡ khách hàng quốc tế. Còn ông thì được bà Rita thương tình bốc đi.
“Tôi tin là Tân sẽ gánh vác được công việc.”
Bà nói, trong khi ông không thể hình dung ra được công việc mình sắp gánh.
“Tôi sẽ cố gắng”.
“Tôi biết. Tôi biết…”
I know… I know… Bà hay nói vậy để chứng tỏ là bà đã có quyết định đúng.
“Ông phải gặp Maddu trước khi hắn rời nhóm. Ông là người thế hắn”.
Maddu gốc Ấn Độ. Hắn bị rời khỏi nhóm vì chính sách mới của công ty không cho phép một consultant làm việc lâu năm tại một bộ phận quan yếu.
Ông nghe lời bà Rita, mang giấy viết đến phòng Maddu. Đến chừng thấy gương mặt lạnh lùng của hắn, ông mới hiểu. Phải, chính ông là kẻ đến chiếm đoạt công ăn việc làm của hắn, là kẻ thừa sai mang điềm dữ cho hắn, làm hắn phải mất lương $90 một giờ. Hắn đã tỏ thái độ bất mãn ấy bằng lời nói là bạc im lặng là vàng. Ông ngồi bên cạnh. Năm phút chờ đợi, ông nổi tự ái:
“Bà Rita kêu tao đến đây. Mày biết không?”
“Tôi đang bận”.
“Nếu bận thì tao về phòng”.
Lần thứ hai, ông lại đến. Hắn vẫn im lặng. Ông không còn cầm được cơn nóng nữa. Ông đưa tay tắt máy computer của hắn:
“Tao muốn nói chuyện với mày”.
“Chuyện gì?”
Tên Ấn độ thách thức.
“Về việc mày có chỉ tao hay không ?”
“Chỉ cái gì ?”
“Về công việc của mày. Mày nên nhớ là tao làm cho hãng chớ không phải đi ăn xin mày…”
Ông ngừng rồi tiếp tục thét lên:
“Mày nên nhớ, việc mày bị đuổi không phải là do tao, mày biết không?
Hắn vẫn im.
Điện thoại trên bàn hắn reng. Hắn chụp và nói bằng ngôn ngữ xứ hắn.
“F. ”
Ông chửi thề rồi bước ra khỏi phòng hắn.
Ông đến phòng bà Rita.
“Tôi không thể làm việc với thằng Maddu”. Ông nói với bà.
“Vì sao?”
Ông trình bày lại những gì mà ông đã gặp.
“Để tôi gọi hắn”.
Nhưng bà cũng chịu thua. Hắn đâu có cần điểm tốt. Hắn cũng đâu cần tiền thất nghiệp. Hắn muốn người ta biết tay hắn. Được. Các người đuổi ta. Ta sẽ cho các người biết tay.
Như vậy, ông nhận lấy phần hành, không, cái oan nghiệp cũng nên, từ một một con cáo già. Ông muốn từ bỏ tất cả, vất hết những hệ lụy áo cơm, rũ hết bụi đời. Năm nay ông 59 tuổi. Ở quê hương ông, với tuổi này, có lẽ ông mang bộ đồ bà ba, xách dù đi rong chơi. Có phải?
Kể từ hôm ấy, ông không còn đến phòng của thằng mất dạy ấy nữa. Ông phải mua sách vở, đọc tài liệu, tự tìm tòi học hỏi. Ông nghiền ngẫm từng chương. Ông tự huấn luyện lấy ông. Càng tức thằng Ấn độ consultant, ông càng quyết tâm. Ông là ông thầy và cũng là học trò. Ông tự ra đề và tự tìm lời giải.
Những ngày đầu, ông đã về nhà quá khuya, và đến hãng quá sớm. Càng nhớ đến thằng Maddu, với chiếc đầu sói, với môi mỏng, với cặp mắt như lúc nào cũng cúi xuống, càng hận và càng dốc lòng học. Không hiểu thì ráng hiểu, cố mà hiểu. Kiến thức là của chung, ông nghĩ vậy, chỉ tại mình không chịu tìm tòi mà thôi.
Nhiệm vụ mới của ông hoàn toàn chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm nghề nghiệp mà từ trước đến nay ông đã thu góp. Càng ngày ngành điện toán càng đẻ ra nhiều nghề. Chẳng hạn như ngành an ninh nhu liệu này. Nó cũng là một ứng dụng của kỹ thuật điện toán, nhưng là một ứng dụng về thẩm quyền an ninh. (Software security). Công việc của ông là phân bố thẩm quyền cho thích hợp và chính xác tùy theo vai trò và phần hành của người sử dụng.
Ông đã vượt qua những chướng ngại ghê gớm nhất. Từ chỗ không biết bây giờ trở thành biết, và trở thành thân quen là cả một hành trình cam khổ. Business warehouse hay BW không phải dễ dàng như một language hay một database… Nó là một tập hợp những ứng dụng qua nhiều cửa, từ UNIX qua PC, từ EXEL qua ABAP/4 để biến thành những kết quả mà người gọi là workbook. Nó rất cần cho những người cấp cao của công ty khi muốn tiên đoán nhu cầu trên thị trường để có những quyết định hệ trọng… Và cũng vì khách hàng là những ông bà cấp cao nhất, nên việc làm phải nhanh chóng, phải đúng, phải chính xác.
Ông mừng lắm. Mỗi ngày ông nhận những lời cảm ơn qua email. Ít ra trong nỗi buồn tẻ áo cơm cơm áo vẫn còn nẩy sinh niềm vui. Ông nghĩ mình đã chiến đấu và chiến thắng. Bà Rita không còn bận tâm gì đến những lời khiếu nại, bởi việc làm êm đẹp quá lấy gì mà khiếu nại.
Ông cũng cảm tạ Ơn Trên. Đời ông gặp may này qua may khác. Giữa lúc thiên hạ bị cơn hồng thủy kinh tế cuốn mất việc làm, giữa lúc mỗi ngày những tin layoff hàng ngàn người được nhắc nhở trên TV, giữa lúc một việc làm kiếm được quả là trúng số, thì ông còn có một chỗ để nương nhò. Đó có phải là Ơn điển không?
Nhưng không ai có thể tin một ngày nhóm ông bị dẹp. Nó không bị dẹp vì hãng thấy nó không cần thiết hay bị lỗ lã. Trái lại nó rất cần. Nhưng bị dẹp bởi vì nó bị bán cho xứ Ấn mịt mù.
Lý do thật giản dị. Bởi vì nơi đó (Ấn) trúng hợp đồng với giá rẻ mạt.
Cùng một công ty nhưng hai đơn vị chơi nhau.
Trong trận chiến này, rõ ràng phe Mỹ đại bại.
***
Một ngày, cả bọn được lệnh bỏ việc đến phòng họp khẩn cấp. Qua viễn liên, Mặt Trời của IT sẽ nói chuyện về số phận của tổ chức.
Ông chào mọi người. Sau một màn ca ngợi đám IT thuộc quyền về những cống hiến của họ, ông bắt đầu nói về số phận. Ông cho biết công ty mà chúng ta đang giúp không muốn tái hạn hợp đồng với chúng ta nữa mà muốn ký hợp đồng với một bộ phận khác ở Ấn độ. Ông yêu cầu mọi người nên cố gắng làm hết sức mình để cuộc chuyển tiếp được hoàn thành tốt đẹp.
Cuối cùng, ông hỏi có ai nêu câu hỏi gì không.
Im lặng. Từ trong máy khuếch đại, giọng của một người đàn bà vang lên: Có ai có câu hỏi thì xin bấm số nút điện thoại số 1.
Vẫn không ai có câu hỏi.
Mà hỏi làm gì. Khi biết rõ số phận của mình đã bị đặt ở cuối đường cùng. Hết binh đoàn H1-B xâm nhập tấn công đám cổ trắng ở Mỹ, ngỡ chút hy vọng mong manh còn sót lại, thì bây giờ lại đến màn xuất khẩu việc làm cổ trắng qua xứ khác. Bây giờ thì hết cách chạy. Hết cách thoát. Bốn phía bị vây bủa. Chỉ còn cách là đầu hàng, đưa hai tay chịu trói.
Bởi vậy, tất cả im lặng. Và ông Mặt Trời rào đón câu cuối cùng. Có gì tôi sẽ thông báo cho quí anh em. Cám ơn anh em đã bỏ thì giờ. Chúc một ngày vui.
oOo
Tháng giêng 2003. Thêm một cơn bão mùa đông để lại vùng đông bắc một bãi chiến trường.
Trận bão bắt đầu từ Washington DC, rồi hướng lên phía Bắc dọc theo các vùng nằm bên bờ Đại Tây Dương.
Có đài nói là trận bão tuyết của thế kỷ. Ông không nghĩ vậy. Ông đã chứng kiến những cơn bão mùa đông dữ dội hơn, nhưng ông công nhận, chưa bao giờ vùng ảnh hưởng của trận bão lại lớn rộng như vậy. Từ Washington D.C lên Delaware, PA, NJ, CT và MA.
Sáng chưa mở mắt mà đài đã liên tiếp tường trình các tin tức về thời tiết. Các trường học đã được lệnh đóng cửa. Người đi làm công lại một phen ao ước được một phép lạ hãng đóng cửa vì lý do thời tiết. Nhưng cuối cùng ai nấy vẫn cầm xẻng ra xúc tuyết, cào tuyết, mở lối ra rồi rồ máy xe, mở đèn, theo đoàn xe nối đuôi chạy thật chậm trên những con đường mà hai bên lề là những ụ tuyết do những chiếc xe dọn ủi làm việc không ngưng nghỉ. Để đến một nơi có lẽ chẳng ai thích thú chút nào, nhưng cũng phải đến. Vì cơm áo. Nơi đó người ta biến thành tớ, thành kẻ làm công. Nơi đó người ta đặt số phận mình vào bàn tay của kẻ khác. Nơi đó, người ta xem là mái nhà thứ hai. Người ta trang hoàng, treo tranh ảnh, chưng hình con cái vợ chồng… Nơi đó, có lẽ trong kệ ngăn, có những cuốn sổ tay nhật ký, hay những lá thư bí mật mà chỉ một mình hắn biết. Nơi đó, hắn ngồi đến rách đáy quần, làm sao hắn lại có thể quên cho được. Con người có phải hơn con vật ở chỗ cái tình hay thua con vật ở chỗ cái tình?
Sáng nay, ông lại có mặt. Tuần trước, xếp Dahu gọi ông cho biết, ngày thứ ba này, ông phải có mặt để bắt đầu huấn luyện đám chuyên viên đến từ Ấn Độ. Xếp gốc Ấn này hình như hiểu được phản ứng của kẻ bị đàn áp nên đã chu đáo bắt mỗi người trong nhóm phải làm tờ trình huấn luyện và gởi đến xếp. Xếp khoảng 40 tuổi nguyên là nhóm trưởng của một nhóm khác, được tạm thời xử lý thường vụ nhóm của ông sau khi bà Rita đã nhảy qua một bộ phận khác. Theo ông nhận xét, trong hàng ngũ cấp manager, nếu manager là Mỹ chánh gốc thì không khí và điều kiện làm việc tương đối thoải mái dễ chịu hơn nếu tay manager này đến từ các nước khác. Nhận xét này khi ông làm việc suốt 18 năm, qua nhiều manager khác nhau. Chỉ có manager Mỹ mới giúp đỡ nhân viên, ít khe khắt, không nịnh trên nộ dưới. Như bà Rita chẳng hạn. Còn tay xếp Dahu thì trái ngược. Hắn làm mọi cách để làm vừa lòng cấp trên mà không cần đếm xỉa gì đến thuộc cấp.
Ông đến hãng khi tuyết vẫn còn vần vũ. Lại nhấn nút thang máy. Lại lên lầu tư. Lại thẻ ra vào điện tử. Rồi cửa phòng mở. Hôm nay, cả một ngôi lầu vắng ngắt. Thằng Sanjy làm việc ở nhà. Ông lên máy, xem e-mail. Bản dự thảo huấn luyện đám Ấn Độ được chuyển đến những người trong nhóm để thi hành. Trời ơi, tủi thân cho đám IT cổ trắng ở Mỹ này. Có bao giờ họ được huấn luyện chu đáo, được kẻ đưa người đón như thế này đâu. Trái lại chỉ là một hai khoá học tu nghiệp, rồi nghề dạy nghề. Hay phải tự mình tìm cách để mà tồn tại. Không có cảnh chỉ một người được bốn kẻ thay phiên huấn luyện. Rồi mỗi ngày thứ năm, cả nhóm phải báo cáo chi tiết lên cấp trên. Rõ ràng đám khách này là cha mẹ.
Tuyết vẫn tiếp tục vần vũ. Nhìn ra ngoài ông thấy tuyết đã đầy phủ các xe cộ trên bãi đậu. Tình trạng như thế này, phải về trước khi tình trạng lưu thông trở nên tồi tệ. Ông gởi e mail cho Dahu thông báo là ông về. Trong thời gian còn lại ông sẽ làm việc tại nhà. I will work from home. My home phone is…..
Sau đó ông nhận e-mail của Dahu, không phải gởi riêng ông mà cho tất cả nhóm. Hắn cho biết kể từ đây không ai được quyền làm việc theo kiểu home office nữa. Phải có mặt tại hãng để huấn luyện đám Ấn. Cuối cùng hắn hy vọng mọi người sẽ nhận thức được tầm quan trọng của công tác huấn luyện này mà thượng cấp đã giao cho hắn…
oOo
“Ông Nguyễn à. Mình đừng nên tỏ thái độ bây giờ không tốt đâu.” Baji khuyên khi ông đòi lên gặp ông Ree, xếp của Dahu.
“Sao vậy ?”
“Lúc này mình đi kiếm việc làm, mình phải cần manager phê tốt hay cho ý kiến tốt. Nhưng tôi hứa với ông một điều, trước khi rời đây tôi sẽ lên gặp ông Ree để nói cho ông biết. Hắn không thể đối xử với nhân viên một cách không professionally như vậy. Home office là chính sách chung của hãng. Hơn nữa, tiểu bang đã ban lệnh báo động, đóng cửa công sở, cảnh cáo không ra ngoài đường nếu không cần thiết. Ông biết không, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ để dọn tuyết. Nếu tôi bị heart attack thì ai chịu trách nhiệm? Tôi hứa với ông, nếu kiếm việc được tôi sẽ gặp ông Ree…”
Baji nói, bất mãn và chịu đựng. Phải, lúc này hắn, kẻ bị đuổi, phải nương nhờ vào lời phê của Dahu. Khi bản resumé được gởi đi, luôn luôn có yêu cầu điện thoại của manager. Ôi thân phận cổ trắng IT!!
Ngay buổi chiều hôm ấy ông nhận một cú điện thoại của xếp. Xếp nói sẽ hướng dẫn người mới đến để gặp ông khoảng 30 phút nữa. Có bận gì không. Ông Nguyễn trả lời tôi không bận rồi gác ống điện thoại xuống. Ngoài trời tuyết rơi. Trận bão tuyết đã thật sự đến nơi này trước khi thổi dạt ra biển Đại Tây Dương. Cả một thinh không vần vũ bông tuyết như những mảng bông gòn. Có nên phẫn nộ không. Có nên trả thù không. Những đám bông tuyết vẫn bay bay, vẫn tiếp tục rơi xuống. Cả một thinh không đầy bông tuyết, và đất đai, bãi đậu xe, những chiếc xe, mái nhà, hàng cây… tất cả đều phủ một màu trắng. Ông cảm thấy nỗi hư vô xen lẫn cái phù du của đời người. Ông chẳng có gì để giận hờn hay trách cứ. Xã hội này là vậy. Muốn tồn tại phải chiến đấu. Ông đã chiến đấu quá nhiều. Gần mười năm trong lửa đạn bề bề, mấy năm trong tù tội, và bao năm ở đất người. Chiến đấu không mỏi mệt. Chiến đấu trong khi nỗi buồn của kẻ xa hương thì chất ngất. Bây giờ thì mệt mỏi rồi. Như cả một đất trời mênh mông tang trắng.
Phải. Đời thì thật ngạc nhiên. Mọi điều đều có thể xảy ra dưới ánh mặt trời. Ngay giữa lúc ông nghĩ là mình có một chỗ an toàn để bám trụ, một công việc vững bền để chờ ngày về hưu, bởi vì công việc của ông là công việc tối cần, phần hành của ông lại khó hiếm để có người thay thế, nhưng bây giờ, như thế đó. Trận bão tuyết cứ xảy ra vào cuối tháng giêng, như năm ngoái, năm kia. Chỉ có khác chăng là năm ngoái, cơn bão đã được lên hàng cơn bão của thế kỷ. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc hành trình cay đắng lắm, tủi nhục lắm, gian khổ lắm, nhưng cũng thật hãnh diện lắm. Nó bắt đầu bằng một tên Maddu cáo già đến từ Ấn Độ, và bây giờ, cũng vẫn trận bão tuyết, lại thêm một lần vần vũ cùng những tay Ấn độ khác.
Không, họ cũng như ông chỉ là những con ngựa con trâu kéo cày. Người ta sai bảo và họ chỉ biết tuân lệnh.
Ông thấy họ. Ông đứng dậy bắt tay. Có phải họ là kẻ thù của ông hay không. Ông chỉ thấy những ánh mắt còn tỏa nét lo âu, và rụt rè phảng phất. Hai người trẻ, cỡ 25, 26 tuổi là cùng. Chắc họ tốt nghiệp đại học. Ông mời họ ngồi, nhưng họ vẫn đứng.
Ông thù ghét thằng Maddu vì hắn đã làm ông muốn điên khùng trong những ngày đầu tiên.
Vâng, ông không thể trở thành một tên Maddu thứ hai, hèn hạ, đê tiện mà ông đã từng nguyền rủa.
Tự nhiên lòng ông cảm thấy bình an kỳ lạ.
oOo
Mười một giờ sáng ngày 30 tháng 4 ông Nguyễn có mặt ở hãng.
Ông mở khóa, mở lại đèn. Phòng trống. Bàn kệ trống. Những chiếc ghế dựa cũng trống. Máy điện thoại có ai để message. Ông cũng chẳng buồn mở ra nghe. Ông có cảm giác mình thoát nợ, có phải? Có nên mừng là từ đây, trí não mình sẽ không còn nóng bừng với những email, điện thoại, những tin đồn, những hệ lụy dây dưa… Có nên mừng là từ đây, cái màn ảnh computer không còn thấy bóng ông mỗi ngày tám tiếng… Thoát. Thoát rồi. Cho dù cuộc ra đi này chẳng lấy gì vẻ vang. Khi người ta xem ông là một là một kẻ không còn năng lực sản xuất, không ích lợi gì cho tổ chức nữa. Có nghĩa là ông bị laid-off.
11 giờ 30 ông có mặt tại phòng Dahu.
Dahu bắt đầu hỏi cung:
“Ông còn thiếu nợ hãng không?”
“Không.”
“Ông còn làm chủ những tài sản của hãng không?”
“Có. Một computer cách đây 10 năm.”
“Xin ông mang trả lại cho.”
“Trời ơi, tao phải trả cái máy vất không ai thèm lượm ?”
Dahu cười không nói.
“May mà tao còn giữ. Nếu không tao không biết làm sao để trả nợ.”
Ông Nguyễn cay đắng nói.
“Ông còn giữ thẻ thiếu chịu của hãng không?”
“Có.”
Ông Nguyễn lục bóp lấy thẻ Diner Club trao cho thằng xếp. Hắn lấy kéo cắt ngang cắt dọc tấm plastic.
Dahu nói mình sắp hoàn tất thủ tục rồi. Bây giờ ông có thể trao chìa khóa phòng, thẻ nhân viên và ký giấy tờ cam kết.
“Cam kết gì?”
“Cam kết không được rủ người của công ty nếu ông lập một công ty mới. Không được sử dụng “tài sản xám” của công ty như sáng chế phát minh.”
Ông ký mà chẳng cần đọc. Đọc gì nữa. Sợi dây đã tròng vào cổ, cái búa đã giáng xuống đầu rồi, cần gì mà coi, mà phải cẩn thận.
Dahu bây giờ vui lắm. Hắn thở phào:
– Mình đã xong tất cả giấy tờ. Bây giờ ông có thể ra về. Ông cần tôi đưa ông hay không.
– Tao biết đường xuống lầu khỏi cần thẻ điện tử. Vả lại tao cần phải vào phòng vệ sinh.
Dahu đứng dậy, bắt tay rồi nói:
– Good luck.
Khi bước vào nhà vệ sinh, ông gặp thằng Mike. Xem hắn ốm và già thấy rõ. Đáng lẽ hôm nay cũng là ngày chót của hắn. Nhưng nhờ tài chạy chọt, hắn được ở nán thêm một tháng nữa. Cứ mỗi lần gặp ông, hắn ném đôi mắt thảm sầu: “Sao, mọi sự OK không ông Nguyễn?” Hôm nay cũng câu hỏi ấy, để ông Nguyễn phải la lên: “Hết OK rồi. Hôm nay là ngày chót của tao.” Hắn nói sorry. Ông hỏi lại hắn: “Còn mày thế nào? Kiếm được việc chưa?” Mike trả lời buồn bã: “Thật khó tìm việc trong thời buổi này. Tôi lo lắm, ông Nguyễn. Tôi còn nhà phải trả. Tôi còn cần bảo hiểm y tế. Con gái tôi mới 8 tuổi. Nó mới được đưa vào bệnh viện để giải phẫu tai. Vợ tôi thì không đi làm việc… Cả nhà chỉ nhờ vào tôi.”
Mike kể lể.
Sao mà khủng khiếp đến như vậy. Trước đây, khi nghe những chuyện liên quan về những người cổ trắng, ông không tin. Ông cho đó là trường hợp cá nhân, cá biệt, không phải là trường hợp chung. Bây giờ thì ông tin. Bởi chính ông là người trong cuộc. Ông đang thấy những nhát kéo tàn bạo mà tay xếp đã cố cắt ngang cắt dọc thẻ trả nợ của ông. Ông thấm thía được thế nào là ngày cuối của một kẻ mang cà vạt, vắt óc, vắt não để đổi lại cơm áo. Thật là bất công. Trong khi có những kẻ không thủy không chung, nhưng lúc nhảy qua chỗ khác vì job thơm hơn, thì cả bọn còn lại phải đóng tiền dẫn nhau đến nhà hàng, rồi chủ, xếp nói lời chúc mừng không quên cám ơn những gì hắn đã đóng góp. Còn những kẻ bị sa cơ thì lại bị đối xử như tên tội đồ hay kẻ di dân bất hợp pháp, không một chút tình thân. May mắn thì được thông báo trước để chuẩn bị tinh thần, để xin việc khác, để dành thì giờ gởi resume, tiếp tục kiếm tìm vô vọng giữa lúc binh đoàn Ấn Độ ngày mỗi xâm nhập vào tận hang cùng ngõ hẻm… Còn nếu không may mắn thì bị an ninh hộ tống ra khỏi cửa không kịp ngoái cổ lại từ giã đồng nghiệp của mình.
oOo
Như vậy, ông Nguyễn là kẻ được may mắn. Ông phải cám ơn hãng của ông. Có phải vậy không?
Trần Hoài Thư
Tháng 7, 2003
Lời ghi thêm của người viết: Trong bài văn này, chúng tôi đã dùng nhiều từ ngoại quốc liên quan đến lãnh vực chuyên môn. Chúng tôi đã cố tìm chữ Việt tương xứng nhưng chịu thua. Nếu được quí bạn cho ý kiến trước khi sách được tái bản, tác giả vô cùng cám ơn.
Trân trọng.
tranhoaithu@yahoo.com