Binh đoàn Ấn Độ

Sáng tác sau năm 1975 của Trần Hoài Thư
(trích Hành Trình của Một Cổ Trắng, tái bản nhiều lần)

Hắn là hiện thân của tay xâm lược. Mỗi ngày hắn kể cho ông về một hai nơi gọi hắn. Mà thật sự khả năng của hắn không thể siêu đẳng để kẻ đưa người rước như vậy. Bằng chứng hắn phải học từ ông. Nhưng trên trường đời, hắn là kẻ thắng thế. Hắn mang tin dữ. Hắn là tai ách. Hắn đến đâu, dân IT bản xứ cuốn gói chạy dài…



…Ấn Ðộ tràn lan. Ấn Ðộ xâm lăng. Ấn Ðộ ngạo nghễ. Cả ngôi lầu chỉ thấy hầu hết là Ấn Ðộ. Da đen ngâm. Giọng nói nhanh khó nghe. Phát âm chữ l thành chữ n. Thỉnh thoảng có anh chàng đội mũ, râu rậm hầu như che cả miệng hay một nàng còn in dấu son đỏ giữa vầng trán. Ngôn ngữ khác lạ cũng bắt đầu thay thế tiếng Anh, tiếng Mỹ, nghe quen thuộc trên hành lang, trong thang máy hay ngoài bãi đậu xe… Ấn Ðộ đại thắng mùa xuân, mùa hè, mùa thu mùa đông. Không cần bão nổi lên rồi mà ngôi lầu, phòng, ban, nhóm phải treo cờ trắng. Ðể từng đàn từng lũ dân cổ trắng bản xứ âm thầm rời bỏ chỗ dung thân mà ra đi chẳng cần kiện cáo, khiếu nại mất công.

Cuộc xâm thực màu da này không biết xuất hiện lúc nào. Riêng nhóm ông, chỉ ba năm mà đã có ba chàng và một nàng gốc Ấn có mặt. Họ có mặt một vài tháng, lâu nhất là một năm rồi sau đó họ bỏ đi, chẳng để lại một dấu vết.

Trừ những tay consultant  Ấn làm việc ở Mỹ lâu năm lão luyện tinh ranh như những cáo già, đa số những người mới nhập cư này đều trẻ, đến Mỹ theo diện visa “cổ trắng ngoại quốc” (H1-B) qua trung gian của những công ty hay văn phòng chuyên môn sống nhờ bằng bán buôn chất xám và mồ hôi.

Ông Nguyễn đã có một thời gian dài làm việc chung với những chàng “thợ khách” này. Theo ông nhận xét, họ rất cần cù, chịu khó học hỏi, lại dễ sai bảo. Họ bán chất xám của họ để đổi lại giấc mơ Mỹ quốc. Ðể đổi lại, họ bị lợi dụng, nhiều khi bị bóc lột. Những ngày đầu của họ tại đất Mỹ, họ cũng bị nhét bốn năm người vào chung một phòng, thiếu thốn tiện nghi. Họ cũng phải tự lực vươn lên giữa cõi người xa lạ. Họ bị thua thiệt đủ mọi phương diện. Họ không dám tiêu xài, không đủ tiền để mua xe mới. Ba bốn người hùn nhau mua một chiếc cũ để đi chung. Cuộc đời của họ tuỳ thuộc vào chủ mướn. Chủ ở đây không phải là công ty mà họ thực sự làm việc, mà là cơ quan hay tổ hợp trực tiếp làm giấy tờ giúp họ qua Mỹ theo diện H1-B visa, tức là diện nhập cảnh những chuyên viên hay trí thức nước ngoài. Họ được quyền ở Mỹ 3 năm, sau đó nếu muốn ở lại thêm, họ được quyền triển hạn thêm 3 năm nữa, nhưng với điều kiện có một công ty chịu bảo trợ.

Họ không thể thoát khỏi sợi dây thòng lọng trong suốt thời gian ở Mỹ. Họ phải tự kiếm việc, nhưng lương tiền không trực tiếp đến với họ mà qua bao nhiêu cửa. Từ công ty có hợp đồng làm ăn với hãng cần người đến những văn phòng agency chuyên về dịch vụ H1-B. Ðể cuối cùng, khi đến tay người “thợ khách” này chỉ còn lại số đồng lương rẻ mạt.

Có nên xem sự có mặt của họ đồng nghĩa với tai ách hay không?

Theo ông, không thể trách họ, mà trách chính sách. Chính sách khuyến khích mướn chuyên viên và những người trí thức từ nước ngoài vào Mỹ. Con số này không phải là không nhỏ. Phải nói đến cả triệu từ trước đến nay. Ông không phải là chuyên viên thống kê, nhưng theo một tài liệu ông đọc được, nội năm 2001 có đến trên 360.000 người nạp đơn xin tái hạn thêm 3 năm. Với con số tái hạn kinh khủng như vậy, thì số lượng chuyên viên và trí thức ngoại quốc nhập cảnh theo diện H1-B từ trước đến nay có thể lên đến cả triệu, không phải là không có lý.

Không biết con số cả triệu người ấy, có bao nhiêu kẻ bị tống xuất về nước. Người ta đoán là không nhiều, vì qua 6 năm ở Mỹ, đám cổ trắng ngoại quốc này sẽ có đủ tiêu chuẩn để được nhà nước ban lượng khoan hồng cho định cư vĩnh viễn như các sắc dân khác.

Từ con số một triệu ấy, bao nhiêu việc làm bị mất, bao nhiêu người cổ trắng bản xứ phải ra đi. Bao nhiêu mơ ước bị tan vỡ. Từ con số một triệu ấy, bao nhiêu nghiệp vụ consultant, contractor dưới tên Patel, ví dụ, được thành lập nhan nhản. Họ cạnh tranh nhau. Họ hạ giá cả lương bổng thị trường. Họ có thể ký hợp đồng ngắn hạn hai ba ngày đến dài hạn cả năm. Họ luôn luôn trang bị cell phonelaptop bên cạnh để sẵn sàng trả lời những cuộc phỏng vấn từ xa hay sẵn sàng đi bất cứ nơi nào. Họ rất khôn ngoan lão luyện trong miệng môi. Bởi nghề họ là cả một chuỗi dài từ phỏng vấn này đến phỏng vấn khác.

Ông Nguyễn biết một tay consultant loại H1-B. Hắn ở Mỹ đã năm năm, và hy vọng được thẻ xanh năm tới, để mang cả gia đình từ Ấn Ðộ qua Mỹ. Không thể tưởng tượng là cứ hai tuần hắn bay đi bay về tuyến đường San Jose CA và Newark NJ. Hắn kể là hắn đã làm consultant cho trên ba chục công ty. Toàn là những công ty có tầm vóc.

Khi ngồi chung một phòng, ông phải bị nhức đầu bởi tiếng chuông điện thoại reng liên hồi từ khách hàng muốn mướn hắn. Hắn tha hồ nói về cái tôi của mình. Cái tôi nhiều khi khoác lác.

Bằng cớ là hắn chưa bao giờ có kinh nghiệm về Business Warehouse, luôn luôn năn nỉ ông hướng dẫn giùm, xin ông cung cấp những tài liệu để hắn học hỏi, tuy vậy, rõ ràng, bên tai ông, ông nghe hắn nói là hắn có kinh nghiệm về lãnh vực này, về những công trình hắn đã thâu đạt ở một vài công ty.

Ông hỏi hắn, mày nói như vậy, lỡ họ bắt mày làm thì sao?

Hắn cười, vuốt bộ râu rậm dày che hết cả miệng mồm như một pháp sư:

“Nói láo để làm sao chúng nó tin là cả một nghệ thuật. Nói láo phải có căn cơ. Thí dụ mình có kinh nghiệm một năm, mình khai ba, bốn năm. Hay mình khai mình hoàn thành một dự án vĩ đại mặc dù trên thực tế, cả một nhóm ba bốn người cùng làm, mình chỉ đóng góp một phần. Ai mà biết được… ”

“Nhưng còn BW (Business Warehouse)? Mày nhờ tao chỉ mà?”

“Tôi phải nói vậy để chứng tỏ tôi biết nhiều. Ðó cũng là một nghệ thuật thành công. Thực sự tôi biết công ty ấy không bao giờ có BW… Chỉ những công ty lớn mới dám chơi BW”.

“Tao phục mày sát đất. Mày nên đổi nghề là vừa. Bỏ nghề này để làm nghề dạy phỏng vấn đi…”

Hắn cười khoái chí.

“Phải. Có ngày tôi sẽ mở một khoá dạy làm cách gì để thành công khi đi phỏng vấn”.

“Phải thêm. Nếu không thành công không nhận thù lao”.

“Ðúng. Hoan hô ông Nguyễn”.

“Nhớ ghi tên tao đấy”.

Hắn là hiện thân của tay xâm lược. Mỗi ngày hắn kể cho ông về một hai nơi gọi hắn. Mà thật sự khả năng của hắn không thể siêu đẳng để kẻ đưa người rước như vậy. Bằng chứng hắn phải học từ ông. Nhưng trên trường đời, hắn là kẻ thắng thế. Hắn mang tin dữ. Hắn là tai ách. Hắn đến đâu, dân IT bản xứ cuốn gói chạy dài…

Ðôi mắt hắn sắc như đôi mắt diều hâu. Hắn kể những gì mà hắn cảm thấy vinh quang.

“Công ty ở Netherland chịu trả cho tôi 150 ngàn đô la nếu tôi đồng ý. Nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đến tương lai của đám con tôi…”

Hay:

“Công ty ở Denver mới gọi cho biết sẽ bao ăn bao ở bao khách sạn nếu tôi đồng ý làm việc với họ… Tôi đang suy nghĩ.”

Suốt ngày, hắn lên Internet để theo dõi hãng máy bay nào hạ giá…

Có lần hắn năn nỉ ông đừng báo cáo với bà manager là công việc của hắn đã hoàn tất.

“Ông thông cảm giùm tôi. Tôi hết sức cám ơn. Nếu ông mà báo cáo thì tôi sẽ rời khỏi nơi đây sớm. Chúng mình đều cùng hoàn cảnh với nhau…”

Khi ông hỏi hắn về lợi tức lương bổng hắn nhận như thế nào:

“Giả dụ hãng này trả $90 một giờ, thì tất cả số tiền này đều đến mày hay qua những ai?”

“Không. Trước hết tấm check với tiền công $90 một giờ được gởi thẳng đến hãng thầu mẹ – tức là hãng ký hợp đồng với công ty. Sau đó hãng thầu này ký check với tiền công $70 để trả cho văn phòng H1-B. Cuối cùng là tấm check khoảng $50 một giờ mới đến tôi. Họ ăn $40″.

****

Riêng toán ông, việc mướn dân Ấn Ðộ bắt đầu vào tháng 7 năm 2001.

Chàng đầu tiên tên là Bali.

Hắn khoảng 25 tuổi. Mới qua Mỹ chưa đầy một tuần lễ. Biết Cobol và C. Bà Rita nói với ông như vậy.

Hợp đồng sẽ kéo dài khoảng ba tháng để giúp ông trong một dự án lớn.

Mặc dù mang danh nghĩa là contractor, được mướn để giúp đỡ nhóm, nhưng thực tế, ông phải tốn nhiều thì giờ để huấn luyện hắn.

Ðể rồi khi hắn hiểu biết thành thục về công việc, thì hắn lại ra đi sau khi học được một số kinh nghiệm để bỏ vào resumé.

Kể từ hôm ấy, nhóm của ông không còn mướn người làm nhân viên chính thức nữa. Trái lại, chỉ mướn Ấn Ðộ với tính cách tạm thời. Ông không phải là chuyên viên để nghiên cứu về tình trạng xâm thực màu da, và chất xám, nhưng ông biết, tình trạng này sẽ làm cho những đứa như ông không còn đất sống nữa.

Lúc này có một công việc để bám trụ là may lắm. Chỉ có những kẻ rất cần thiết mới còn hy vọng sống sót.

Riêng ông, ông vẫn còn sống còn sau những mùa giông bão. Những đồng nghiệp của ông đã lần lượt bỏ ông mà đi. Có kẻ tìm được một chỗ tốt. Có kẻ nghe nói đã nhận giấy sa thải. Có kẻ tự nhiên một ngày không thấy mặt. Còn kẻ ở lại thì tiếp tục chờ đợi đến phiên.

Không còn thời huy hoàng như ngày xưa nữa. Muốn trau dồi nghề nghiệp bằng cách xin đi tu nghiệp cũng bị bác. Cấp trên viện cớ ngân khoản thiếu hụt hay không có người thay thế. Nếu có một sự ưu ái ân cần mà công ty dành cho nhân viên là sự khuyến khích họ đi kiếm việc khác.

Mỗi ngày họ nhận những bản tin cần người, tuyển người qua e-mail. Nhưng thực tế, khó mà được lọt vào vòng sơ kết.

Ai cũng biết lúc này là lúc khó khăn nhất.

Người ta đổ thừa cho biến cố 11 tháng 9.

Trong khi đó, mỗi ngày thêm những gương mặt lạ đến từ phương xa.

Họ chiếm lấy ngôi lầu.

%d bloggers like this: