Phạm văn Nhàn: Thư Quán Bản Thảo bước qua năm thứ 11, nghĩ về một người bạn.

Từ trái sang phải: Phạm Ngọc Lư - Trần Hoài Thư - Nguyễn Lệ Uyên - Phạm văn Nhàn (chụp tại Tuy Hòa 1969 (?))

Thư Quán Bản Thảo mới đó đã bước qua năm thứ 11. 11 năm có phải là thời gian đủ dài để độc giả nhớ đến một tờ báo văn học, mà trên tiêu chỉ của tờ báo đã ghi. 11 năm hiện diện trên văn đàn hải ngoại vẫn còn tồn tại, dù có lúc “định kỳ” có khi “bất định kỳ”.

Định kỳ hay bất định kỳ chỉ là thời gian đến tay độc giả chậm một chút. Chứ không bỏ cuộc chơi “ chữ nghĩa” mà đã qua 11 năm vẫn còn “trụ” được; mặc dù tình hình kinh tế có “khó khăn” . Tiền giấy, tiền mực, rồi cước phí gởi bưu điện. Nhất là tiền cước phí, hầu như năm nào cũng tăng. Giấy mực xem như việc phải có đủ để hoàn thành một tạp chí theo mong muốn, nhưng cước phí bưu điện cũng đã làm cho nhiều tạp chí phải “suy nghĩ”, trong đó có Thư Quán Bản Thảo. Do đó chủ trương của anh Trần Hoài Thư, cũng đã nói lại nhiều lần trên tờ báo là: độc giả nào còn yêu mến TQBT xin gởi ủng hộ tem theo giá cước hiện hành của bưu điện, để chúng tôi gởi báo đến tận nhà. Và như thế TQBT không bán, chỉ yêu cầu độc giả ủng hộ “cước phí bưu điện” mà thôi.

Tuy vậy, cũng có vài độc giả “lờ đi”. Xem như chúng tôi, những người làm “văn học nghệ thuật” này phải có bổn phận gởi báo tới cho họ. Đối với số độc giả này, chúng tôi buộc phải suy nghĩ và xét lại.

Một tạp chí hoàn toàn văn học mà “tâm huyết” của chúng tôi đã và phải làm cho bằng được là: làm sống lại một nền văn học đích thực của một miền Nam, chỉ mới có 20 năm thôi, kề từ ngày đất nước qua phân (1954 đến 1975) nền văn học miền nam như thế nào, các bạn cũng đã biết. Không những chỉ có những tờ báo lớn phát hành ở Sài Gòn, mà các tỉnh lẻ cũng phát hành những tạp chí văn học có giá trị thời ấy nữa. Những cây viết trẻ “nở rộ” trong vòng sau 10 năm của 20 năm chia đôi đất nước. Và, trong 10 năm đó chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, lấy từ cái mốc năm 1964 đến 1975. Lớp trẻ được tung ra chiến trường càng nhiều thì  làm cho nền văn học miền Nam thêm khởi sắc. Không biết sự suy nghĩ của tôi có đúng không, nhưng phải nói thời điểm này, ngoài chiến trường, những nhà văn, nhà thơ trẻ  như những ánh lửa thắp sáng lên trong đêm trường ngút ngàn khói lửa. Họ đã tạo nên một nền văn học nghệ thuật đầy hoài bão và khát vọng của chính mỗi con người sống trong sự phân hóa của chiến tranh mà họ tham dự. Từ đó, văn học miền Nam có thêm nhiều cây viết mới.

Sau tháng 4-1975, nền văn học miền Nam được chuyển tiếp ra hải ngoại. Nhưng các tạp chí văn học có giá trị cũng chỉ đếm được chẳng là bao nhiêu, rồi cũng “dẹp tiệm”. Có lẽ cũng vì cước phí bưu điện quá cao, rồi tiền in ấn không kham nổi chăng? Và, còn độc giả nữa. Vâng, đúng vậy, tờ báo sống được là nhờ độc giả. Không có độc giả là tờ báo đó “chết” ngay. Phát hành ra “chẳng ai” đọc. Thường thường độc giả ở Mỹ thích đọc những tờ báo chợ hơn, nhưng những tờ báo này không chuyên hẳn về văn học. Chỉ cần quảng cáo. Phát không ở những cửa tiệm và chợ của cộng đồng, không phải bỏ tiền ra mua. Sự kiện này đã khiến  những tạp chí chuyên về văn học, trong đó có TQBT càng gặp khó khăn. Nhất là với một tạp chí hoàn toàn văn học, không quảng cáo như TQBT thì chắc chắn phải đến một thời gian nào đó cũng phải “đóng cửa” thôi. Tuy nhiên, với quyết tâm làm sống lại nền văn học miền Nam cũ, qua sự “tái xuất giang hồ” của  những cây viết một thời trên văn đàn miền nam mà độc giả miền Nam đã biết, qua những số chủ đề giới thiệu về những nhà thơ, nhà văn hay những tạp chí quen thuộc trước 1975,  qua những lần độc giả gởi điện thư cũng như gọi phôn, ngay cả trong nước, khuyến khích, động viên  chúng tôi… Đó là những lý do chính giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, cố gắng duy trì một tạp chí văn học đúng nghĩa, không không làm thương mại, không bị chi phối bởi quảng cáo.

Tạp chí TQBT đã phát hành

11 năm qua, 48 số phát hành, một điều khích lệ rất lớn và rất vui với nhóm chủ trương; vì bên cạnh chúng tôi còn có những độc giả trẻ ủng hộ chúng tôi. Đó là nguồn hạnh phúc rất lớn đối với anh em chủ trương tờ báo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thêm nhiều cây viết mới. Những nhân tố mới này (người viết trẻ) đã làm cho nền văn học Việt nơi hải ngoại ngày càng  thêm khởi sắc ở vào thế hệ thứ hai. 48 số cũng chưa đủ nhiều. 11 năm cũng chưa đủ dài để đóng góp vào nền văn học Việt hải ngoại; vì lớn lao quá, nhưng làm được lúc nào hay lúc nấy để làm sống lại một nền văn học đích thực của miền nam cũ chuyển tiếp sau tháng 4 -1975 đã một thời đi vào lòng người, hay nói khác đi là đã đi vào lịch sử văn học miền Nam.

48 số đã phát hành, từ số 1 đầu tay, còn chập chững, còn sơ sài trong lối in ấn cho đến hôm nay đã đi vào chuyên nghiệp, phải nói như thế, là nhờ có anh Trần Hoài Thư, người có sáng kiến hình thành nên cơ sở Thư Ấn Quán để làm nơi in ấn TQBT và những đầu sách cho những nhà văn, nhà thơ nào cần yêu cầu. Có thế, dù có khó khăn như nói ở trên, nhưng TQBT vẫn sống,  để đến tay bạn bè, độc giả.

2/

11 năm kỷ niệm TQBT hình thành mà không nói đến cơ sở in và xuất bản Thư Ấn Quán có lẽ cũng là điều thiếu sót. TQBT hình thành cũng từ cơ sở này. Và những đầu sách của bạn bè cũng từ cơ sở này. Cơ sở in và phát hành, nói cho vui vậy thôi. Chứ cơ sở Thư Ấn Quán chẳng có văn phòng, chẳng có nhân viên, chẳng có máy móc. Chỉ là một căn hầm (basement) tại nhà của anh chị Trần Hoài Thư. Từ cơ sở này, lúc đầu chỉ có vài cái cái máy vi tính chạy rất chậm, một vài  cái máy in cá nhân, và một cái máy cắt xén giấy bằng tay, mà nhân viên kiêm ấn công, trình bày sách, layout, sưu tầm, shipping v.v… chỉ duy nhất một mình anh THT gánh vác, vậy mà giờ đây, hàng trăm đầu sách, trong đó có những bộ sách đồ sộ lần lượt ra đời… Tôi lại nghĩ đến một người bạn của chúng tôi, nhà văn Nguyên Minh còn trong nước. Ngày đó, lâu rồi, vào khoảng năm 1968-69. Tôi với anh THT về Phan Rang, cơ sở in của tạp chí Ý Thức, do Nguyên Minh và bạn bè của anh chủ trương. Cơ sở còn thô sơ của cái thời đó. Máy in chỉ là một cái máy quay ronéo, và một bàn máy đánh chữ. Thế mà Ý Thức cũng đã đến tay độc giả, một trong những tờ báo để lại tiếng vang một thời. Ý Thức sống tới 24 số thì lịch sử sang trang. Cơ sở Ý Thức cũng đã xuất bản nhiều đầu sách cho bạn bè. Trong đó có tập truyện đầu tay của THT.

Nghĩ đến Thư Ấn Quán, tôi nghĩ đến anh, đến những ngày đầu trăn trở, khó khăn, tìm kiếm để tạo nên một Thư Ấn Quán ngày hôm nay. Nghĩ đến công việc làm của anh dưới cái basement hôm nay, lại nghĩ đến anh ngày xưa, con người sống hết mình với bạn bè, chơi hết mình với bạn bè, có bao nhiêu chơi hết bấy nhiêu không tính toán. Sống nay chết mai, tính toán làm gì cho mệt. Nhiều khi, hết tiền hai đứa chia nhau một điếu thuốc…thế mà, những công việc tỉ mỉ, tẳn mẳn của một người chọn xếp từng trang báo đã in ra theo số trang, khâu từng xấp giấy bằng chỉ, đóng những trang bìa bằng giấy cứng. Tôi phục anh. Với anh và tôi, ngày xưa sống bất cần đời, thì hôm nay, anh làm được nhiều việc cho một tạp chí văn học, để lại cho “đời”- có thể nói như thế- những bài thơ, những truyện ngắn của những tác giả một thời của miền nam cũ sống lại, qua những trang giấy lên đến hằng ngàn trang thơ cũng như văn mà chúng tôi sưu tầm in thành sách.

Từ một người không biết gì về kỹ thuật in, đóng. Thế mà hôm nay, tôi có thể tự hào về người bạn của tôi, sau Nguyên Minh. Anh đã trở thành “chuyên nghiệp” nếu độc giả  nhìn thấy những bộ sách đã phát hành từ Thư Ấn Quán do anh làm ra.

Cũng vì muốn gìn giữ một nền văn học miền Nam trước 1975, mà chúng tôi gọi là: Văn học miền Nam trong thời chiến, đã thôi thúc chúng tôi, cũng như bạn bè cầm bút cũ, cũng như độc giả yêu cầu, chúng tôi đã làm và còn làm thêm nữa qua những bài văn, bài thơ mà chúng tôi đã sưu tầm được. Đây cũng là mục đích của TQBT. Ta thử nhìn lại từ năm 2006. Đầu tiên là tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, dầy khoảng trên 800 trang, bìa cứng, khâu bằng chỉ. Qua năm 2007 chúng tôi sưu tầm thêm thơ và quyết định phát hành tiếp chia làm 2 bộ: tập I và II cùng tên, có bổ sung. Mỗi bộ trên 700 trang. Bìa cứng. Qua năm 2008 những tập thơ được sưu tầm lần lược phát hành: Thơ Tình Miền Nam, dầy trên 700 trang. Thơ Tự Do Miền Nam trên 600 trang. Một Thời Lục Bát Miền Nam, 600 trang. Bìa có hai loại cứng và mềm. Sau đó một năm, năm 2009 cho phát hành Văn Miền Nam Trong Thời Chiến gồm  bốn bộ được đánh dấu từ bộ I đến bộ 4. Mỗi bộ dầy trên 700 trang, gồm khoảng 117 tác giả, mỗi tác giả chỉ lấy một truyện, dù chưa đầy đủ sẽ sưu tầm thêm để bổ sung. Bìa có hai loại: cứng và mềm. Từ sau tháng 4-1975 hầu hết những tác phẩm văn thơ miền nam cũ không còn, từ những tạp chí văn học một thời của miền nam sau hai mươi năm, từ năm 1954 đến 1975 cũng không còn. Chế độ đương đại hôm nay cho “đốt” sạch kể từ sau tháng 4 năm 1975 ấy. …Vì thế, với chủ trương của Thư Ấn Quán, cùng với một vài người bạn văn có tâm huyết trong và ngoài nước, như nhà thơ Thành Tôn ( Mỹ), nhà văn Nguyễn Lệ Uyên (VN) còn lưu giữ mỗi người một ít gởi đến cho chúng tôi. Dù cho những tờ báo, hay tạp chí mà hai anh gởi đến chúng tôi đã bị mọt ăn, gáy bìa không còn, vàng úa trông rất “thảm hại”. Đồng thời anh Trần Hoài Thư không kể mưa, tuyết vẫn phải lái xe thường xuyên đến thư viện “Quốc Hội Hoa Kỳ” để xin copy rồi về chia nhau đánh máy. (tôi và anh). Ngoài ra anh cũng phải nhờ đến một vài độc giả có “tâm” với nền văn học miền Nam cũ đánh máy. Có như thế chúng tôi mới hoàn thành được cái tâm nguyện là: làm sống lại và gìn giữ văn thơ miền Nam cũ.

Có một điều rất thú vị là Văn Miền Nam Trong Thời Chiến, 4 bộ dầy cộm như thế, vào năm 2010 tôi về thăm nhà, độc giả trong nước tiếp nhận bộ VMNTTC một cách rất nồng nhiệt. Một cô độc giả, rất trẻ, ngồi uống cà phê với chúng tôi nói là nhạc miền nam trước 1975 tôi thường hay nghe, nhưng văn thì không bao giờ đọc được. Thế mà cũng đến tay cô được bộ Văn Miền Nam Trong Thời Chiến.

Bên cạnh những đầu sách đã xuất bản ( chúng tôi chỉ là những người đi sưu tầm, in lại và gìn giữ). Có những tác giả, chúng tôi cũng không biết mặt, sống hay chết sau tháng 4-1975. Cũng như có những tác giả mà chúng tôi biết họ không còn nhớ cái truyện họ viết đi trên báo nào, năm nào vì là truyện đầu tay của họ, lâu quá rồi quên mất đi. Thế mà chúng tôi tìm được. Với mục đích lưu giữ lại những tác phẩm một thời đó, cho nên, không lấy sự phát hành làm nguồn sống cho bản thân ( in và bán), chỉ yêu cầu, độc giả nào yêu thích văn chương miền nam chỉ hộ trợ cho chút phí bưu điện và giấy mực. In theo yêu cầu. Cũng như tạp chí Thư Quán Bản Thảo mà 11 năm qua, chúng tôi cũng làm việc ấy. Không bán và chỉ yêu cầu hổ trợ cho chút  phí bưu điện hay tem mà thôi.

Ngày hôm nay, ngồi viết lại, trong số những người bạn của tôi, trong nước cũng như ngoài nước, những độc giả một thời gắn bó với Thư Quán Bản Thảo cũng như những đầu sách được in ra từ Thư Ấn Quán. Tôi phải cám ơn những bạn bè cầm bút cũ một thời đã đến với chúng tôi, bên cạnh đó, cũng phải cám ơn những người viết trẻ nơi hải ngoại này, đã đến với TQBT. Và, ngày hôm nay: TQBT và Thư Ấn Quán vẫn còn là nhờ công sức của nhà văn Trần Hoài Thư, một người bạn “ cùng khổ” với tôi  một thời “lận đận” khi còn khoác trên người bộ quân phục. Lúc nào và lúc nào anh cũng tha thiết với : văn chương chữ nghĩa. Hôm nay, tôi nghĩ 11 năm qua, TQBT và Thư Ấn Quán đã làm cho anh vui. Vui trên từng con chữ. Phải vậy không, người bạn “bên trời lận đận”?

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading