Đây là cỏi nào ?
(Tạp ghi Tiền Tuyến 27-3-1973)
Đây là cỏi nào ? mà nghe lồng lộng gió từ Thất Sơn, tích lũy từ trong động Ma Thiên Lãnh, đỉnh Cô Cô, đỉnh Trời Gầm. Mỗi một bờ đá dựng, mỗi một hang đá thâm sâu, chắc chắn ngày nào xa xưa, đã có người hành giả, tóc râu bạc phơ , tham thiền tìm đạo…
Đây là cỏi nào ? Không. Chẳng có gì lạ lùng cả ở ngọn Núi Dài này. Trước mặt là biên thùy. Và bên kia là đất Miên. Xung quanh, là những mõm núi trong mây. Còn ở một chỗ đứng này, là cả một cỏi hung bạo, nơi vừa xảy ra một cuộc chiến đẩm máu, thần sầu qủi khốc…
Không, không có gì lạ cả. Muốn bắt chước một câu: à l’ouest rien de nouveaux, nhưng lại ngại thiên hạ bảo mình là tên học lỏm, đành thôi. Muốn đứng thẳng dậy, như một tên tráng sĩ thời chiến quốc nhưng cũng ngại ngùng xấu hổ. Bởi vì, mới vượt con dốc đường này, mà đã mệt là người. Đầu gối đã run, mắt đã hoa, ngực đã hổn hển.
Đây là cỏi nào. Một trận gió từ đâu lại. Tưởng như có một bài thơ đạo chợt vọng về, và lời sấm truyền còn vang rền cả một lừng không. Có người đạo sĩ hôm qua vừa xuống núi, áo vàng, bình bát, gây trúc, gập ghềnh cùng vách đá cheo leo, mà nước mắt lưng tròng theo từng bước chân xiêu đổ. Bởi vì, sao chổi đã ló bóng hôm qua.
Đỉnh núi Dài. Đứng thật cao để thấy trời thậtt gần, và đất thật xa. Người bạn bên cạnh mời điếu thuốc, và kể niềm mơ ước. Lòng tự dưng chùng lạnh. Đây là cỏi nào ? Sao ở vách đá kia còn ám đen mùi thuốc nổ. Sao ở lủng kia còn gọi là Thung lũng Tử thần. Sao ở thân cây khô cằn đen đúa kia còn chênh vênh một chiếc nón sắt hoen rỉ, mà lỗ dạn còn chi chít đầy vành ?
Nếu một trăm năm sau, cỏ người trở lại ngọn Núi Dài, không biết người ấy có nhận ra một phim kịch của lịch sử này không ? Và chắc gì, ở đây đã có thêm một tượng đả sườn non. Tượng đá của một người lính thời chiến quốc.
TRẦN HOÀI THƯ