Căn bệnh văn chương thời chiến

Trước năm 1975, văn chương miền Nam dù ngập tràn khói lửa, dù hầu hết những sáng tác đến từ ngoài vòng đai Saigon, nhưng  tư lệnh văn học vẫn là những tên tuổi quen thuộc ở thủ đô. Đó là các vị chủ bút, thư ký tòa soạn. Đó là những người có thẩm quyền cho đăng bài hay không, tùy theo ý kiến cá nhân, hay theo quan niệm về văn học của họ. Vì vậy, khi tìm hiểu các khuynh hướng văn chương thời chiến thật khó khăn.  Lấy ví dụ tạp chí Văn Học của Phan Kim Thịnh. Từ Dương Kiền với hai năm làm chủ bút, đến Phan Kim Thịnh  chúng ta được đọc những bài vở  có tính cách nhập cuộc, và nghe được tiếng nói của những người trẻ trong một xã hội đầy biến động, sau đó, có một thời Nguyễn Đình Toàn, chúng ta ít tìm dược tiếng nói này, trái lại là tiếng nói của một khuynh hướng mang văn chương  xa rời thật tế, rồi đến Nguyễn Xuân Hoàng, chỉ vỏn vẹn một vái kỳ báo, sau đó tự động rút lui vì thấy khuynh hướng ấy không thích hợp cho một tờ báo lấy tiếng kêu trầm thống của tuổi trẻ là chính yêu…Sự rút lui này xem như sự công nhận về một giòng thác từ một đội ngũ sống và viết ngoài vòng đai.

Điều này được chứng tỏ qua sự lớn mạnh của tuần báo Khỡi Hành, tạp chí Văn… và cuối cùng là Thời Tập…,,

Tuy nhiên sự rút lui này lại không phải cắm cờ trắng . Nhà văn vẫn là nhà văn. Tên tuổi vẫn là tên tuổi. Ừ thì ta bất lực với chữ nghĩa và héo hon trong sáng tạo, nhưng không ai qua mặt được ta đâu. Ta là tư lệnh, là mặt trời là sao đại hùng… Tên ta phải được ghi ngoài bìa, phải trân trọng chứ không phải để bên cạnh một tên tuổi xa lạ nào đó…  .Mai Thảo, Võ Phiến , Thanh Tâm Tuyền không thể để ngang hàng với Trần Hoài Thư, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn  dù xét ra Thanh Tâm Tuyền chỉ có  một thời: đó là thời của Sáng Tạo, đưa thơ tự do lên ngôi vị,  còn sau khi Sáng Tạo chết, thì ông không làm nổi  nữa. Điều này được chứng tỏ qua lời thú nhận của ông trên mục Âm bản của tuần báo Khởi Hành vào đầu thập niên 70. Theo đó ông cho biết có đến 10 năm ông không làm thơ. Chẳng những để tên ngoài trang bìa, chữ in phải “bold” khổ chữ lớn, màu… Mặc dù, nội dung có khi chẳng ra gì. ..
Tại sao tôi lại dám múa rìu để phê phán như vậy.
THứ nhất, sáng tác không được thai nghén như chúng tôi thai nghén. Chúng tôi xem mỗi sáng tác là đứa con ruột rà của mình. Chúng tôi gởi gấm và đắt cả tim và óc vào nó. Còn sáng tác của  Saigon là sáng tác vì đòi hỏi của chủ bút, tổng thư ký tòa soạn. Mặt khác những nhà văn như Nguyễn thị Thụy Vũ, Nhã Ca, hay Nguyễn thị Hoàng viết mỗi ngày cho ba bốn tờ nhật báo, mệt lã người, còn sức nào để  sáng tạo câu văn hay ý lạ. Họ chỉ là thợ giỏi, không hơn không kém.

Trang bìa của tuần báo Khởi Hành số ra mắt vào năm 1969, với giòng chữ lớn dành cho chủ đề về nhân vật người lính trong văn chương, nhưng tên tuổi Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyềnvẫn chói sáng dù sáng tác của Thanh Tâm Tuyền là truyện dài trong khi TTT được nhắc nhở là nhà thơ chứ không phải nhà văn. Chẳng dính dáng gì đến chủ đề một chút nào. Đấy, bạn xem tên tuổi quan trọng biết chừng nào.

 

khoihanh-bia4

 

 

Làm như tờ báo có những tên tuổi này mới là tờ báo có uy tín, đáng tin cậy, có giá trị về mảng văn chương chữ nghĩa !

Và luôn luôn, những cây bút trẻ dù sáng tác tuyệt vời đến đâu cũng được gọi là “triển vọng mới”, xếp vào trang “giới thiệu tài năng mới” “Những người viết mới”… Người có công trong khám phá tài năngCó  và Rõ ràng Chúng ta ,,, Chúng ta thấy điều này Đó là mục thường xuyên trên Nghệ THuật, Khởi Hành… Làm như tên tuổi của những người viết trẻ kia là do công tìm tòi của tờ báo.

Để phản bác lại hiện tượng này, có nhiều tiếng nói được cất lên.  Nguyễn Đức Sơn là một thí dụ điển hình.

 

Có lẽ so với Cao Bá Quát, cái cao ngạo của Nguyễn Đức Sơn còn trội hơn một bậc. Xin đọc lá thư  gởi vợ viết từ nhà lao  tỉnh Bảo Lộc ngày 25 tháng 8 năm 1972,  được dùng làm tựa trong thi phẩm Du Sỹ Ca, mới thấy cái mức độ cao ngạo này:

“Anh tin rằng tất cả những  đứa làm thơ từ đây trở về sau đã vang danh thi sỹ từ bao kiếp trước nếu không đọc thuộc lòng ít nhiều bài Du Sỹ Ca này đều chẳng phải là thi sỹ nữa… (Du Sỹ Ca – An Tiêm xuất bản)..

Có một người thơ khác, cũng kiêu ngạo không kém.

Người ấy là Nguyễn Bắc Sơn. Trong một lá thư gởi đi từ Phan Thiết đăng trên một tạp chí văn nghệ do những người viết trẻ chủ trương, và chỉ sống được vài số, ông xem  những người đàn anh mà ông cho là những lý thuyết gia khuyến hành ngây thơ, những kẻ chưa giác ngộ về mục đích đời sống.

Ông viết:

” Khi anh chưa biết ” Sống để làm gì”, anh không thể khuyên bảo người khác nên sống như thế này hay nên sống như thế kia, nên tranh đấu cho lý tưởng này hay tranh đấu cho lý tưởng kia.

Các bậc đàn anh tôi kể tên (Kim Định, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn) giống như những kẻ chỉ đường sốt sắng trong câu chuyện sau đây:

Có một người khách lạ đi ngang qua một thị trấn. Trong thị trấn ấy có ba người sốt sắng. Ba anh chàng này chặn ông khách lại. Anh chàng thứ nhất bảo ông khách : “anh nên đi đường này”, trong khi anh chàng thứ hai bảo: ” không, đi đường kia mới đúng:. Nhưng anh chàng thứ ba lại bảo con đường anh ta chỉ cho ông khách mới thật là “con đường đúng nhất”. Ba người thi nhau vẽ bản đồ tỉ mỉ trình bày con đường mình đề nghị cho đến khi ông khách chậm rãi hỏi: ” Các anh có biết tôi định đi đến đâu không mà các anh sốt sắng chỉ đường thế ?”

Và chắc chắn cũng có rất nhiều người khác nữa như Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn. Không phải họ theo cái mốt thời thượng như buồn nôn, nổi lọan, hay tuổi trẻ phản kháng… Đừng buộc tội họ như vậy, trong khi tuổi trẻ của họ như thế này:

…Bức thư đến đây tưởng có thể chấm dứt được nhưng tư nhiên tôi thấy hứng thú mời anh rời bỏ thế giới tư tưởng để đi vào cỏi thế giới thi ca. Vì anh cũng là một kẻ làm thơ. Tôi muốn đọc những bài thơ tôi viết sau những giờ thiền định. Tôi cũng sẽ kể cho anh nghe một vài quảng đời của một người tuổi trẻ tại thành phố Phan Thiết trong đó y đã say mê tình yêu, say mê bạo động, say mê thi ca, say mê triết học, say mê câu cá. Y đã từng mang theo chiếc lưởi lam leo lên ngọn đồi nghĩa địa để cắt đứt mạch máu vì triết lý. Y đã từng đọc sách  cả tháng không bước ra khỏi nhà. Y đã từng bán”sôn”  tất cả sách quí để say sưa cùng bằng hữu. Y đã đi làm thông dịch viên Lực Lượng Đặc Biệt đến nhìn tận mắt chiến tranh Việt Nam. Y đã thiền định. Y đã ăn gạo lức muối mè…

(Thư Nguyễn Bắc Sơn gởi Nhất Hạnh, tạp chí Sóng, năm 1972, trang 38-39)

Với Nguyễn Kim Phượng thì càng  nhắm vào Saigon và đám nhà văn nhà thơ mang áo lính nhưng thật sự là lính kiểng, để mà tấn kích qua những bài văn trên tuần báo Tinh Hoa:

Xét cho cùng, chúng ta cũng nên thông cảm ở nỗi bất mãn của họ. Khi mà chiến tranh cận kề, khi mà miệng lưỡi họ câm, khi “phần chết thì dành cho thanh niên còn phần sống thì dành cho những ngài hàn lâm áo thụng”, khi mà văn học chỉ  được nhắc nhở ở SG, qua những chiếu trên chíêu dưới,thì dĩ nhiên, tiếng kêu cần phải thoát ra cổ họng, phải tuôn trên giấy, cho dù tiếng kêu của loài ểnh ương đi nữa.

Bản thân tôi cũng vậy. Cận thị gần 6  độ, tôi chọn đơn vị ngay từ quân trường Thủ Đức: đại đội 405 thám kích sư đoàn 22 BB tại Bình Định.  Thám kích đã có tiếng là  nguy hiểm rồi, mà thêm Bình Định càng ghê gờm gấp bội. Nó là nơi cứ địa của Sư đoàn Sao Vàng, là lảnh thổ của Liên Khu 5 thời kháng chiến, nơi các tàu Ba Lan ghé vào bốc các đơn vị VM ra ngoài Bắc. Nó là nơi mà hầu hết người dân đều có thân nhân tập kết ra Bắc. Nó là quê nhà của Võ Phiến. Là những tháp chàm  của Chế Lan Viên. Là quê hương của Xuân Diệu,  Yến Lan… Tôi đã có mặt ở đó, nơi  đầy dẫy những ổ kiến lửa của du kích hay bộ đội địa phương hay cảm tình viên VC, sẵn sàng mổ tim chặt đầu chúng tôi bất cứ lúc nào. Tôi đã nhận lại cái gia tài đổ nát từ cha anh, và từ những người mà tuổi trẻ tôi hết lòng ngưỡng mộ. Họ là Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan.   Họ tập kết ra Bắc, và suốt thời gian  chiến tranh, họ dành thì giờ moi tim, moi óc để tìm những vần thơ xách động, khuyến khích tuổi trẻ miền Bắc càng giết tuổi trẻ miền Nam chúng tôi  càng nhiều càng tốt. Họ là Võ Phiến, nhà văn với những bài tùy bút hay tản mạn tuyệt vời. Tôi đã đến những nơi mà ông kể, Không phải đến để chiêm ngưỡng vùng đất đã sinh sản ra một văn tài, nhưng là để bảo vệ và gìn giữ nó. Ngay cả gốc đa bên cầu mà ông đã từng mô tả trong một bài tùy bút nào đó ,  cũng làm tôi xúc động vô chừng:

Thị trấn nằm hai bờ quốc lộ
Vỉa hè loang lở đường mương con
Những quán bên đường nghèo trống gió
Những cô hàng buồn như tản cư

Bồng Sơn mùa nước dâng sông Lại
Ngày sủng loang trên những mảng dừa
Mặt trận đổ theo bìa Đệ Đức
Nghe cận kề lửa hướng Tam Quan

Bồng Sơn, mây ám toàn tin dữ
Chiều chưa buông, quận đóng năm giờ
Giặc chiếm cận sơn, người chạy loạn
Còn bên cầu, trơ trọi cây đa

Cây đa. Có mặt khi nào nhỉ
Có phải nơi này là quê hương
Có phải mỗi con người trôi dạt
Cất trong tim:  bóng mát thiên đường

Cây đa. Vươn giữa trời bi lụy
Những thổ thần hoang lạnh lư nhang
Lửa cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị ra sông, ơi ới đoạn trường

Cây đa. Ngàn rể đâm lòng đất
Như tấm lòng người với Bồng Sơn
Đa bám làng, tôi đi bám đất
Đất và làng, thương quá quê hương…

(Trần Hoài Thư : Cây đa bên cầu – thi tập Ô Cửa)

Tôi tự hỏi, có bao giờ ông nghĩ đến bọn trẻ này đã gìn giữ bảo vệ quê nhà của ông hay không.

Đấy, nỗi bất mãn của chúng tôi không phải là căn bệnh thời đại, mà có thật, dựa vào sự thật. Nhưng làm sao mà nói ra, khi bom đạn ì ầm xung quanh và nổi chết rình rập từng bờ đê, ụ đất, từng ngọn cỏ, bụi cây… Khi mà chúng tôi không có quyền được nói trừ  quyền được chết ?

Làm như đấy là nhiệm vụ và bổn phận của chúng tôi.

Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn lảnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…

(thơ THT)

Có thể những nỗi kiêu mạn này gây dị ứng cho một số người. Tuy nhiên, chúng là  phản ánh những suy nghĩ thầm kín nhất của một thế hệ bị thiệt thòi về mọi phương diện trong chiến tranh và ngay cả sau khi hết chiến tranh. Chúng  cũng  phản ánh một nền văn học tự do ” yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét…” trái ngược với văn học miền Bắc,  giả dối,  tuyên truyền, một chiều, dựa và đơn đặt hàng, triệt tiêu cảm xúc.

%d