Hai giai đoạn thi ca cũa 3 nhà thơ: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Nguyên Sa.

Nhận đinh văn chương của Trần Hoài Thư

Lời mở  đầu:
Vào ngày 19-4-2021, ở Hà Nội, có một buổi tọa đàm do nhà xuất bản Nhã Nam và Đại học Văn Hóa phối hợp tổ chức, với chủ đề: “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: trường hợp Nguyễn Thị Hoàng”, nhân dịp tái bản 5 tác phẩm viết trước 1975. Người ta thấy nhà văn NTH đang hân hoan ký sách. Một điều bà không thích là cụm từ “sự trở lại” mà phải là “sự trở về”!
Như vậy bà NTH  mặc nhiên công nhận  văn chương thời chiến miền Nam  là văn chương đô thị.

Đúng hay không đúng , đó là mục đích của bài viết này. Trước hết chúng tôi nhận định về thơ. Bài thư hai chúng tôi sẽ nhận định về văn.
(THT)

 

Có hai thời kỳ để nhìn văn chương miền Nam. Thử xét từng thời kỳ một.

I. Thời kỳ I (1955-1961): Văn chương thời bình:

Đó là vào những năm của thời đệ nhất cộng hòa (từ 1955-1961) lúc mà con quái vật chiến tranh chưa thật sự vồ chụp miền Nam. Sài Gòn vẫn là nơi dung thân của nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu, cùng với báo chí, nhà phát hành, nhà in… Đó là những năm mà Sáng Tạo được mùa. Từ số đầu xuất hiện vào năm 1956 đến số cuối phát hành vào năm 1961 không thấy  những từ  như bom đạn, chết chóc, lửa khói, pháo kích…

Đến nỗi Mai Thảo đã phải dành trang đầu của số đầu tiên để đội vương miện cho Sài Gòn, gọi nó là thủ đô văn hóa của Việt Nam:

“Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thể. được minh định : Văn Hóa Việt Nam thực hiện hôm nay và sẽ được  kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành : Thủ đô Sài Gòn.”

(Mai Thảo: Sai Gon Thủ đô văn hóa VN, Sáng Tạo số 1)

Riêng về lảnh vực thi ca,  nỗ lực của Sáng Tạo là làm mới thi ca, chú trọng thơ tự do. Với 30 nhà thơ góp mặt trên Sáng Tạo, thì hầu hết các sáng tác của họ  là thơ tư do.

Sau khi Sáng Tạo dình bản,  nguyệt san Hiện Đại do NGuyên Sa chủ trương, ra đời. Năm 1960, năm với 8 số Hiện Đại hiện diện, là năm yên bình, chiến tranh không hề được nhắc nhở.  Khác với Sáng Tạo, Hiện đại không đặt nặng phần canh tân thi ca, mà chú trọng vào nghệ thuật thi ca – ở đây là tình yêu và cái đẹp.
Những bài thơ được nhắc nhở nhiều trong văn học miền Nam thời kỳ Đệ Nhất Cọng Hòa  như Áo lụa Hà Đông (Nguyên Sa) ,Tình Sử, sau đổi thành “Đường vào Tình sử ( Đinh Hùng)  hay Một nửa (Hoàng Anh Tuấn) đều bắt nguồn từ  Hiện Đại. (1)

Saigon bấy giờ không những là thủ đô văn hòa mà là viên ngọc quí, tha thiết  làm sao qua cái nhìn của Nguyên Sa vào năm 1960:

Thủ đô của một thành phố bao giờ cũng hiện ra trong tâm tưởng những con người ngang dọc trên khắp các nẻo đường đất nước với hình ảnh của một viên ngọc quí. Nó chói sáng, nó có một hào quang, một sức điện hấp dẫn ghê gớm. Người đi trong cuộc đời quay cuồng trong không gian thành phố với những con đường lớn, bé dựa vào nhau, những âm thanh, những sinh họat, đổi thay lien tục, cũng như người đứng nhìn thành phố ấy từ đồng rộng, núi cao đều dành cho thành phố  này những tình cảm thân yêu, sâu mạnh….
(Hiên Đại số 4)

 _____
Nguồn: TQBT 66. Xin mời đọc  ở phần :”Thơ văn Hiện Đại”  với tất cả  bài thơ của Nguyên Sa, Đinh Hùng, Hoàng Anh Tuấn  do chúng tôi sưu tầm và đánh máy lại, từ  bản gốc ).
___

Nói tóm lại, thời kỳ Đệ nhất Cọng Hòa, 1955-1961 là thời kỳ văn chương xuất phát từ đô thị, những tên tuổi lớn trong sinh hoat văn học miền Nam đều sống và viết ở Saigon.

Ba nhà thơ tiêu biểu ở giai đoạn này là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Nguyên Sa.

  1. Thanh Tâm Tuyền

Chúng tôi xin trích vài đoạn thơ tiêu biểu của TTT, để bạn đọc có cái nhìn về phong cách thơ ông. Có thể nói ông là ngọn cờ đầu trong mang thể thơ tự do lên cao điểm, và thời bình là môi trường thích hợp khiến cờ ông phất phới  lồng lộng.

Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì?)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả

( Bao giờ – Sáng Tạo số 7 tháng 4 năm 1957)

…Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng

(Đen –Sáng Tạo số 8 tháng 5 năm 1957)

…Buổi chiều vào chật khoang xe. Đèn thắp lên
Tiếng máy nổ bỗng thành tiếng cười dài
Mưa xuống bên ngoài, ngoài cửa sổ. Những bàn tay níu lấy vòng sắt lạnh
Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau
Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya
Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ
Sau một ngày làm việc em mơ về khói ấm khuôn mặt riêng

( MỘT CHỖ TRÊN Ô TÔ BUÝT Sáng tạo số 15)

...Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng

(những cuộc tình duyên Budapest – ST số 4)

 

2. Tô Thùy Yên

Kế đến , phải kể là nhà thơ  Tô Thùy Yên.  Bài thơ “CÁNH ĐỒNG CON NGỰA CHUYẾN TÀU” (Sáng Tạo số 7 tháng 4 năm 1957)đã gây rúng động trong sinh hoạt văn học nghệ thuật bấy giờ. Cả bài thơ  là một sự canh tân chữ nghĩa và ý tưởng. Qua bài thơ này ta nhận ra sự phóng túng của chữ nghĩa. 

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt


Thơ Tô Thùy yên thường là những dấu hỏi về thân phận con người. Nội dung bí hiểm, khó hiểu bởi mang tinh chất siêu hình. Người đọc phải suy nghĩ thật lung. Vì vậy ít người nhớ thơ ông vào thời này.

ví dụ:

…Một đêm, tôi tuyệt vọng vòng ôm người đàn bà không hề yêu nhau, vòng ôm cõi trống không. Bản tính ngây thơ làm tôi khóc nức nở. Đôi cánh tay ngắn và yếu mỏi; hạnh phúc thì giẫy dụa và trơn. Tuổi trẻ tôi bị ném vào bệnh tật lầm than âm thầm của ngoại thành; vô lý là không biết tại sao. Thượng Đế làm thinh để còn là Thượng đế phải không? Gió bấc lên cơn thổi trùng trùng vào hàng cây hở hang chịu khuất phục. Ngực tôi có bao giờ đủ khí trời hồng. Em hãy nói dối yêu anh và là mối tình thứ nhất. Anh thề chưa người con gái trong sạch nào nói yêu anh. Người ta nhăn mặt ư? Luân lý dành riêng cho những người thắng thế. Còn tôi – hừ! – tôi có gì ngoài tấm thân đã vô tri giác và sự thật ở trong nó mà cả cái chết vốn sẵn sàng của bom đạn vô tình cũng không thèm muốn đến. Hòa bình (là gì? tôi tự hỏi). Đoàn quân trở về khiêu vũ ngoài đường – vạn tuế! – và thiên hạ tin vào buổi thôi nôi của bình minh. Vậy chỉ còn mỗi linh hồn tôi lê dương tuy nao núng, vẫn xông xáo vào bóng tối hư vô. Tôi chóng mặt, thét: Thế nào là cuộc đời? Dân tộc phải đi, đành bịt kín tai mà giẫm lên tôi. Bằng hữu nhủ thầm nhau làm cách mạng. Thôi, loài côn trùng, chúng ta đừng nguyền rủa gót giày đinh! Cho anh giết em, hỡi chiếc gương soi của hình anh, anh không còn muốn thấy nữa!

(VẺ BUỒN CỦA TÌNH YÊU -Sáng Tạo số 22 tháng 7 năm 1958)

3. Nguyên Sa

Có thể nói thời bình là thời vàng son của thơ Nguyên Sa. Nguyên Sa, trong thời bình, đã có những bài thơ để đời về tinh yêu, như bào Áo lụa Hà Dông, Tuổi 13 v.vvv. Nhưng  cũng chính thời bình, giống như Tô Thùy Yên, thơ NS la nhưng dấu hỏi lớn: Về tuổi trẻ, thân phận. Chúng tôi đăng một bài thơ tiêu biểu:

Bây giờ

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực
Phải vác theo trăm tuổi đường dài
Nên có gửi cho ai vài giọng nói
Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao
Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn

Chúng tôi trót ngẩng đầu nhìn trước mặt
Trán mênh mông va chạm cửa chân trời
Ngoảnh mặt lại đột nhiên thơ mầu nhiệm
Tiếng hát buồn đè xuống nặng đôi vai.

(Hiện Đại 5 tháng 8-60)

Trên đây là 3 nhà thơi  tiêu biểu trong thời bình. Cho dù mỗi người tự tạo cho mình lối đi riêng để đạt đến đỉnh cao, nhung họ có chung một bầu trời. Nột bầu trời có tinh tú thay vì trái sáng. Một bầu trời an bình thay vì bất an. Một bầu trời mộng mị thay vì ám ảnh bởi những cơn ác mộng. Vì vậy, nếu gọi họ là nhưng nhà thơ đô thị thì hợp lý. Bởi thơ họ đến từ bầu trời đô  thị, Dĩ nhiên.

II, Thời kỳ II (1962 – 1975): Văn chương chiến tranh

Rồi bắt đầu năm 1962, chiến tranh bắt đầu thật sự ló mặt công khai. Mức độ xâm nhập người và vũ khí từ miền Bắc vào Nam đến mức quan ngại đến nỗi vào năm 1962, Mỹ bắt đầu dùng thuốc khai quang thả xuống đường mòn HCM. Các toán lực lượng đặc biệt Mỹ bắt đầu huấn luyện những đơn vị người Thượng để chống lại sự xâm nhập của bộ đội Bắc Việt qua ngả cao nguyên.

Chiến tranh đã ảnh hưởng từng đời sống cá nhân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Doãn Dân, Lê Tất Điều, Thảo Trường, Tạ Tỵ, Song Linh, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Y Uyên… kẻ trước người sau bị động viên. Có người thì may mắn được ở lại SG tiếp tục viết văn viết báo như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Tạ Tỵ… Có người phải mang ba-lô về nơi heo hút và tử trận như Doãn Dân, Y Uyên, Hoàng Yên Trang, Song Linh…

Từ 1962 trở đi, văn học thành thị đã thấy rã ra từng mảng. Cho đến năm 1964 thì coi như bị chết hẳn.

Riêng ba nhà thơ chúng ta vừa giới thiệu, họ còn tiếp tục hay im lặng ?

Thanh Tâm Tuyền, 10 năm không làm thơ

Thanh Tâm Tuyền thú nhận sự bất lực khi ông cho biết ông đã không làm một bài thơ nào trong suốt 10 năm. Trong bài đầu tiên của lọat bài mang tên Âm Bản trên Khởi Hành số 52 ngày 7-5-1970, ông thú nhận : “Đã lâu lắm rồi tôi không làm thơ. Có đến mười năm. Tập thơ cuối cùng đã làm hồi 1959/1960. Không làm thơ và cũng không đọc thơ.”

Vì vây, thời bình chỉ thích hợp vơi ông. Chỉ tiếc là nếu ông chịu đi như Tô Thùy Yên, thì chúng ta sẽ có những bài thơ để đời tuyệt vời khác của TTT.

Tô Thùy Yên, chuyển hương thi ca

Còn Tô Thùy Yên thì sao ?
Ông lấy chất liệu từ  chiến trường, đồng dội, những hy sinh thầm lặng cũa người lính tiển đồn. Ông mang cây bút ra ải địa đầu Làng Vei Quảng Trị, hay ở hải đảo mông quạnh Trường Sa….Ông sáng tác ở Saigon, nhưng chất liệu ngoài mặt trận.

Thơ ông bây giờ không còn cao siêu với những từ ngữ như thượng đế, linh hồn, những tuyên ngôn, những câu hỏi đầy triết lý nữa. Trái lại thơ ông bây giờ ở dưới tận cùng của nỗi đau, như thây sình, mặt nát, sâu dòi lúc nhúc…

Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên.
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh.

(Qua sông)

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

(Trường Sa hành)

hay:

Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc gì thân thế
Có vợ con mà như độc thân
(Anh hùng tận)

Hay là Chiều trện phá Tam Giang :

Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi…

Nguyên Sa xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng

Một nhà thơ đô thị khác là Nguyên Sa. Nguyên Sa đã có những bài thơ tình mà miền Nam rất mến mộ như bài Áo lụa Hà Đông. Vậy mà ông phải ăn năn hối hận cho những nhầm lẫn dĩ vãng của mình:

bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
bây giờ đứng gác đêm ở rừng già gió lạnh thấu xương
ta mới biết rằng sương lạnh như thế
ta mới biết rằng gió lạnh như thế

ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát
ta là một thằng dốt nát
vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết
anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ bao nhiêu năm
bây giờ di chuyển đêm di chuyển ngày di chuyển nắng di chuyển mưa
ăn không được ngủ không được cười không được khóc không được
hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế nhà trường
hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu quý
ta nào đã làm được gì
để anh em cười được khóc được ăn được ngủ được
để anh em tìm thấy tọa độ trong rừng già
để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
để đạn đừng xuyên qua phổi
để đạn đừng xuyên qua tim
hãy tha thứ cho ta
hãy tha thứ cho ta

những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu

những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em học giỏi như thần đồng
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
cũng chết
những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
cũng chết
những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
cũng chết
những anh em mẹ già còn yếu hơn mẹ già ta
cũng chết
những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
đã chết
đang chết
và còn chết
hãy tha thứ cho ta

8/1967

(Nguyên Sa: Xin Lỗi Về Những Nhầm Lẫn Dĩ Vãng)

Kết luận

Qua  ba nhà thơ trên , chúng ta nhận thấy thứ nhất là văn chương đô thị đã bị bức tử từ năm 1962, Nhương lại là văn chương chiến tranh. Và chỉ mỗi nhà thơ Tô Thùy Yên mới là nhà thơ chuyển hướng sáng tác. Và ông đã thành công.
Người yêu thơ ông không phải là những bài thơ từ thời Sáng Tạo mà trong thời chiến tranh.
Như bài Chiều trên phá Tam Giang, Trường Sa hành, Qua Sông, Anh Hùng Tận…

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading