(đánh máy lại từ nguyệt san Thời Tập 15-4-1974 do nhà thơ Viên Linh làm chủ nhiệm)
VIÊN LINH
NHẬT KÝ
17-2
Chuyến đi được bảo trước không hơn nửa ngày. Anh Ngy Cao Uyên muốn có một vài anh em ở Saigon vào đêm ra mắt những tác phẩm do Con Đuông ấn hành tại Cần Thơ. Anh Cung Trầm Tưởng cũng muốn có thêm một bạn đồng hành trong chuyến đi đúng 3 giờ sáng hôm sau. Bàn lại công việc tờ tập san và nhà in với anh Lê Tài Điền và Nguyễn Mai, tôi nhận. Vả chăng cái tiếng cười của Cung Trầm Tưởng nghe nhột quả: tiếng cười hăng hắc khi nghe tôi nói hình như tôi chưa tới Cần Thơ bao giờ, Không, đã một lần, tôi nói lại. Bao giờ ? Nếu không lầm thì cách đây khoảng… mười sáu năm (Có phải cuộc đua xe đạp vòng quanh 6 tỉnh miền Tây Nam Việt trong một chiến dịch gì đó như là chiến dịch Phượng Hoàng do ông Trung Tả Dương Văn Minh làm Tư Lệnh đã diễn ra vào năm 1954 ?) Tôi đã đi theo cuộc đua ấy, và đã qua Cần Thơ. Trong trí nhớ tôi, đó là một cái tỉnh nhỏ nằm bên một con sông lớn, rất xanh bóng dừa… Cung Trầm Tưởng vẫn cười, vẫn không thay đổi tiếng cười, và có thêm : Anh càng nên đi để xem Cần Thơ bây giờ khác Cần Thơ hồi đó những gì. Tờ mờ sáng ngó ra đường. Mưa. Có điềm gì chăng mà suốt mấy tháng không mưa, hôm nay đột nhiên lại mưa, một thứ mưa ướt mặt đường ? Với chiếc sắc tay, hai bộ quần áo, tôi tới Tân Sơn Nhất. Có ông Trung Tả Hòe của tờ Cánh Thép cùng đi. Đây là lần thứ hai tôi trèo lên một chiếc Cessna 4 chỗ ngồi. Lần trước là chuyến đi chơi Miền Trung 8 ngày, tởi Nha Trang với Nguyễn Văn Định, đi Qui Nhơn thăm Lữ Quỳnh, vào Bình Định với Nguyễn Kim Phượng. Lần này, tôi ngờ rằng minh sẽ phải lên trước ánh đèn, với cái micro.
Dưới 1000 thước là Cai Lậy. Mỹ Tho. Ông Hoà chỉ cho chúng tôi xem những hố bom B52 trên một vùng cây cối, hai bên bờ một con sông. Trông như những miệng
núi lửa trên mặt trăng trong những tấm hình chụp từ Apollo, chỉ khác là có nước, kia là Vĩnh Long (Vĩnh Long, nơi tôi thế nào cũng trở lại. Mưa. Châu Thành vòng vòng. Nước trắng xóa).
Bốn mươi lăm phút sau khi cất cánh chúng tôi tới phi trường Bình Thủy. Người họa sĩ tốt bụng đưa xe Jeep tới mang cả bốn về căn phòng. Cần Thơ cũng mưa hôm đó. Vảo phòng tôi có nói tới Ngy Cao Uyên: Anh em ở Saigon rất ngạc nhiên, rất thích việc làm của anh qua Con Đuông: đó là những tác phẩm thật công phu bằng sức người. (1)
18-2
Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi tới qua Thằng Cuội nơi ra mặt những tác phẩm của Con Đuông. Tấm poster phía ngoài, dưới ánh đèn mờ, đọc thấy : Cung Trầm Tưởng. Viên Linh, Thanh Nam, Bùi Đức Long. Trần Hoài Thư, Ngy Cao Uyên. Trong số những người này không có Thanh Nam, và Trần Hoài Thư chỉ có mặt nửa tiếng sau đó. Anh vừa từ chiếc xe đò bước xuống, sau một lộ trình dài Huế – Saigon, Saigon – Cần Thơ. Anh lên đường từ sáng sớm, và may mắn về tới Cần Thơ chỉ trước nửa tiếng đồng hồ khi phải bước lên bục gỗ.
Ngy Cao Uyên khai mạc đêm Con Đuông. Vững chắc, khỏe mạnh, trẻ trung trong chiếc sơ mi hoa màu xanh tím, chặn lại bởi chiếc giày lưng da to bản, xuống đến chiếc quần ống rộng, anh là chàng trẻ tuổi của thủ đô lạc xuống Miền Tây. Và phát triển văn nghệ giữa đồng bằng. Anh nói với thính giả: Tại sao Cần Thơ chưa là một thành phố văn hóa ? Tại sao không đặt tượng giữa công viên ? Trong sân trường ? Nhóm Con Đuông hoạt động là cả một phần hy vọng góp mặt và thúc đẩy những cái tại sao ấy. Rồi Cung Trầm Tưởng được giới thiệu, thơ
(Click bìa để đọc flipbook Thơ Cung Trầm Tưởng)
Tưởng được đọc, được ngâm, bởi những người yêu thơ anh. Thơ thuần túy hoặc thơ do Phạm Duy phổ nhạc. Giọng Nguyễn Hiền Lương rất khoẻ. Lúc Tưởng được mời lên bục gỗ, chàng bốc ngay, bởi vì lâu lắm mới lại thấy một không khi văn nghệ bất vụ lợi như thế. Rồi chàng đọc thơ mình, những bài lục bát dẫn đầu việc làm mới lục bát ở Miền Nam cách đây trên mười năm. Sau tới tôi. Cũng được giới thiệu, được đọc, được ngâm. Trần Kiêu Bạt yêu lục bát lắm mới đọc lục bát được như thế. Lúc lên bục gố, tôi nói : những câu hỏi tại sao của Ngy Cao Uyên đang được trả lời. bởi vì Cần Thơ bây giờ khác Cần Thơ những năm trước, Miền Tây bây giờ khác Miền Tây thủa xưa. Bây giờ các tỉnh đã có Đại học, sinh viên viên đã về học ở tỉnh nhà, ở miền nhà, không còn đổ tới Saigon, không còn phải “du học” Huế hay Đà Lạt nũa. (Như 30 năm trước, Sinh Viên Miền Nam phải đi học Hà nội). Bây giờ đại học đã có ở gần khắp, bây giờ văn hóa ở tỉnh phải lên. Sau đó là thơ Thanh Nam, thơ Bùi Đức Long. Trần Hoài Thư và Ngy Cao Nguyên lên bục gỗ. Xen lẫn giọng ca rất vững và ấm của Dũng, màn độc tấu Tây Ban Cầm của một chàng chuẩn úy trung niên rất mê văn Thanh Tâm Tuyền (những nhân vật gì lạ quá) . Cũng có nữ ca sĩ. Cũng có tiếng sáo tiếng tiêu, và sau hết, có một màn phụ lụccủa ông Trung Tá Dương Diên Nghị, cảm vịnh Cần Thơ phong phú và Quốc Lộ 4 nhộn nhịp xe pháo.
Đêm đó, chúng tôi thức thật khuya trong ngôi nhà thanh vắng của Ngy Cao Uyên — cách Cần Thơ 10 cây số. Lúc về thấy trăng trong và trời đêm xanh. Ông Hòe nói chuyện hội họa thật hăng. Tử hội họa Đức với Kee tới hội họa Huê kỳ với Pollock. Từ hội họa Nga với Kandinsky tới hội họa Hòa Lan vớii Mondrian. Từ hội họa có hình đến hội họa trừu tượng. Rồi ngừng lại ở Leonard de Vinci với danh tác la Joconde vẽ nàng Mona Lisa. Ngy Cao Uyên hỏi chúng tôi : phải giải thích thể náo với tấm tranh được cả thế giới nói đến đó ? Mỗi người một giải thích. (Về Saigòn tôi hỏi lại Lê Tàii Điển, người cũng như Uyên đã được thấy tận mắt tác phẩm trên, tại Bảo Tàng Louvre; Điền nói tại cặp mắt Mona Lisa, cặp mắt nhìn theo ta mãi dù ta xoay trở thế nào mặc lòng.) chê Bà Huyện Thanh Quan không biết màu sắc là gì, cả bài thơ tả cảnh Đèo Ngang không tìm thấy một tí màu nào hết trọi.
23-2
Tại Thời Tập, chúng tôi bàn bởi nhau: sẽ thay phiên về các tỉnh tham dự những buổi họp mặt văn nghệ, những đêm đọc thơ được tổ chức tại các địa phương.Gần nhất : rất mong được anh em Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn hay Nha Trang nhắn gọi. Thế nào cũng có mặt.
25-2
9 giờ đêm, tới Huỳnh Phan Anh. Thấy nhà giáo đang xoay trần soạn cours tâm lý học. Nhờ bạn viết một bài cho tập đặc biệt về Bình Nguyên Lộc. Bao giờ ? Kỳ tới. Đó là tập đặc biệt nhất của Thời Tập, viết dài bao nhiêu cũng được. Đó là tập đặc biệt về nhà văn điền hình của miền Nam này., Thời Tập sẽ liên tiếp làm những số đặc biệt khác về Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, Sơn Nami, Doãn Quốc Sỉ, những nhà văn, nhà thơ của miền Nam Hiện Đại. Khi viết những dòng này, tôi càng thấy đó là điều cần thiết. Những năm trước khi làm tờ Khởi Hành, loạt bài như thế đã được thực hiện, song chỉ là loạt bài, vì KH là luần báo. Bây giờ chúng ta có thể làm hơn: nguyên một tập dầy – có thể dầy hơn kỳ thường – về một tác giả đang còn sống. Công việc này sẽ được mở đầu bởi tập Bình Nguyên Lộc, nhà văn của Cuộc Đời Binh Dị.
(nguồn: Tập san Thời Tập 15-4-1974)
_____
(1) Sách Con Đuông chỉ in có chữ bìa, còn tranh vẽ tay từng cái một của Lê Triều Điển, ruột quay roneo trên giấy trắng dầy, mỹ thuật và đứng đắn, nghiêm cẩn. Mới tác phẩm chỉ ấn hànhh từ 60 tới 100 bản không bán. Có bài giới thiệu của Ngy Cao Uyên, có tiểu sử và chân dung tác giả (hình chụp dán vào bìa) do chính tác giả viết lấy
_____