Houston ngày hội ngộ

Thời gian tuổi tác dù đã làm thay đổi con người, cướp mất đi nhựa đời, nhưng có một thứ không thay đổi. Nó bất biến. Nó không cần áo lớn, cà vạt chỉnh tề. Nó chẳng cần giữ gìn môi miệng. Nó cũng chẳng bắt ta nhìn người đối diện bằng một khoảng cách. Nó không trịnh trọng thái quá, nó thân tình, giản dị. Nó không cần trụ mốc thời gian để đo lường hay đánh dấu.
Nó chính là tình văn chương.
Như là lời ước ao cuối cùng của nhà thơ Tô Thùy Yên trước khi nhắm mắt.
 

Đó là l‎ý do tại sao có những trang đặc biệt này.

(TQBT)
 

 

 

  

 HOUSTON, NGÀY HỘI NGỘ

Phạm Văn Nhàn

( tạp ghi)

 

Những ngày đầu tháng 5, 2019. Tôi nhận được tin báo là có những người bạn từ Việt Nam qua tham dự buổi họp mặt của trường Quốc Học/ Đồng Khánh Huế vào ngày 26 tháng 5 năm 2019. Tin từ anh bạn Lữ Quỳnh, bên Cali gọi điện cho hay, ở Việt Nam qua có Từ Hoài Tấn và vợ chồng Lữ Kiều Thân Trong Minh + Thanh Hằng. Đối với ngày họp của cựu học sinh QH/ĐK với tôi không là gì cả; vì tôi không phải là cựu học sinh trường này. Nhưng, có những người bạn  từ Việt Nam qua, là tôi rất vui; vì lâu quá, kể từ năm 2014 cho đến hôm nay cũng đã 5 năm rồi, không gặp lại bạn bè. Tôi báo tin cho hai người bạn của tôi: anh Tô Thẩm Huy và  Cái Trọng Ty hay. Không ngờ, anh Cái Trọng Ty cũng đã biết qua email của Từ Hoài Tấn. Vài ngày sau, nhận được email của anh Từ Hoài Tấn từ Việt Nam gởi qua cho biết ngày giờ anh đến Houston., và nhờ tôi với anh Cái Trọng Ty sắp xếp cho chỗ ở ( mướn phòng ngủ). Từ Hoài Tấn nói là chỉ ở Houston ba ngày thôi. Hội họp đối với anh không thành vấn đề. Chủ yếu là gặp anh em. Tôi nói chuyện với anh Phan Xuân Sinh. Anh chị Sinh rất vui và mời anh Từ Hoài Tấn về nhà ở; mặc dù trước đó anh Sinh chưa biết anh Từ Hoài Tấn. Đây mới là cái tình văn nghệ mà chỉ có người cầm bút miền Nam trước 1975  mới thể hiện được, dù trước đó chưa quen biết. Nhưng với chỉ cái tên thôi là anh em tự thân đã thấy quen nhau rồi. Tôi mừng quá, gọi điện cho hai anh Cái Trong Ty và Tô Thẩm Huy hay ngay và báo qua email cho Từ Hoài Tấn biết; mặc dù trước đó anh Tô Thẩm Huy nói với tôi là để anh Từ Hoài Tấn về ở nhà anh Huy cũng được.

 

Việc chỗ ở cho Từ Hoài Tấn đã xong. Một buổi sáng thứ bảy, vào khoảng ngày11/5/2019. Ba chúng tôi gồm PVN, Tô Thẩm Huy và Cái Trọng Ty ngồi uống cà phê ở Magic Cup. Nghe Từ Hoài Tấn qua Cali ở nhà của Nguyễn Đình Thuần ( họa sĩ) mà cũng quen với Phan Xuân Sinh. Thế là Cái Trọng Ty gợi ý là mời Thuần qua chơi. Mời thì phải mua vé máy bay. Việc này, tôi đề nghị là anh Huy nói với anh Phan Xuân Sinh để hỏi email và số điện thoại của anh Nguyễn Đình Thuần; vì thật sự là hai anh Tô Thẳn Huy và Cái Trong Ty cũng như tôi chưa biết anh Thuần, ngoại trừ anh PXS. Sau đó chúng tôi giao cho anh Huy lo từ A đến Z. Cuối cùng rồi cũng book vé máy bay cho Nguyễn Đình Thuần đi cùng một chuyến máy bay với Từ Hoài Tấn.

Bên canh đó, ba chúng tôi bàn với nhau gọi cho Trần Hoài Thư cố gắng thu xếp ( lo cho chị Yến trong nursing home)  làm sao qua được Houston trong những ngày này thì vui lắm. Tôi gọi điện thoại cho THT .

 

Có Lữ Quỳnh, có Lữ Kiều, có Thanh Hằng, có Từ Hoài Tấn, có Nguyễn Đình Thuần. Bây giờ phải có Trần Hoài Thư. Tôi gọi điện cho Trần Hoài Thư và Phạm cao Hoàng, mong hai người bạn của tôi đồng ý qua Houston vài ba ngày. Nhưng PCH bận, không đi được. Còn Trần Hoài Thư phải lo cho chị Yến ở nursing home. Không biết có đi được không. Qua những lần gọi điện nói chuyện với nhau, THT háo hức lắm. Cũng như lần trước, tôi với Tô Thẩm Huy cù THT qua Houston chơi. THT mua vé máy bay để đi, và chúng tôi chuẩn bị đón người bạn . Ai ngờ chị Yến trở bịnh và phải đưa vào bịnh viện, THT phải hũy chuyến bay. Cho nên lần này tôi vẫn nuôi hy vọng chị Yến khỏe để anh em chúng tôi gặp nhau, và kết quả rất vui là THT đã mua vé máy bay báo cho tôi và Tô Thẩm Huy hay là sẽ qua ngày thứ bảy ( 25/5 và về lại NJ sáng 27/5 ) . Như vậy cũng đủ vui lắm rối, dù thời gian rất ngắn ngủi.

 

Đêm 22 tháng 5 

Lữ Quỳnh báo cho tôi biết tối ngày thứ tư ( 22/5) anh và Lữ Kiều cùng với Thanh Hằng đã đến Houston. Lữ Quỳnh gọi tôi lúc 10 giờ đêm cho biết đã tới khách sạn Marriott. Vợ chồng Lữ Kiều đã về nhà anh Tôn Thất Hoa. Tôi báo ngay cho anh Tô Thẩm Huy nắm tình hình.

Trước đó một tuần, tôi gọi cho Hà Thúc Sinh sẽ gặp nhau tại tiệm Cà Phê Pháp ( La Madelaine ) theo đề nghị của Tô Thẩm Huy vì có các bạn cầm bút  từ Việt Nam qua. Tô Thẩm Huy sẽ đến nhà đón anh. Tôi đi đón vợ chồng Lữ Kiều và Lữ Quỳnh. Nhưng, ngày thứ tư, 22/5 Hà Thúc Sinh đến nhà thăm vợ chồng tôi và báo là ngày thứ sáu 24/5 anh và các cháu phải đi N. Carolina. Tôi nói với Cái Trọng Ty, Hà Thúc Sinh không thể đi được. Anh Ty nói chuyện với Hà Thúc Sinh sao đó, cuối cùng Hà Thúc Sinh cũng thu xếp đến tham dự gặp bạn bè tại quán cà phê Madelaine vào sáng ngày 23 tháng 5 năm 2019..

( Hàng đứng: Thanh Hằng. Lữ Quỳnh. Phan Xuân Sinh. Phạm Văn Nhàn. Tô Thẩm Huy. Hàng ngồi: Thiên Nga. Cái Trọng Ty. Lương Thư Trung. Lữ Kiều. Hà Thúc Sinh – Từ trái qua phải ). Chụp tại tiệm Cà Phê La Madelaine.

 Tôi cũng phải nói thêm trong những ngày này. Ngày mà những anh em cầm bút quen biết nhau buồn nhất. Và cũng là ngày bận rộn nhất đối với anh Tô Thẩm Huy  và với gia đình anh chị Tô Thùy Yên và các cháu. Đó là ngày mất của anh Tô Thùy Yên. Anh mất vào ngày 21 tháng 5 năm 2019.

Trước đó 2 ngày, vào ngày 19/5 anh Huy đến nhà tôi và báo tin theo như chị Bích ( vợ anh TTY) cho anh Huy hay, là anh TTY yếu lắm. Hai chúng tôi buồn. Không ngờ 10 giờ tối đêm 21 tháng 5, anh Tô Thẩm Huy gọi điện cho tôi và nói anh TTY đã ra đi vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 21/5/2019.

Sao lạ vậy. Đối với tôi, có hai tin đến cùng một lúc. Vui: ngày họp mặt bạn bè tại Houston. Buồn: ngày anh Tô Thùy Yên đi vào cõi vĩnh hằng. Vĩnh viễn không còn gặp gia đình và anh em nữa. Cũng như mấy năm trước khi anh chị Đặng Tiến từ Pháp qua Houston. Anh ĐT gọi tôi tới nhà chơi và hôm sau cũng tại ngôi quán cà phê Pháp này ( La Madelaine ) anh Tô Thùy Yên, anh Đặng Tiến và những anh em khác trong nhóm cũng ngồi uống ca phê nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Vui lắm. Nhưng, hôm nay, cũng tại quán cà phê này những người bạn của tôi lại ngồi đây, mà anh ( TTY ) lại bỏ anh em ra đi.

 

Thứ sáu. Ngày 24/5/2019.

 Những ngày trước đó , đầu tháng 5, tất cả mọi việc đều xếp đặt để anh Tô Thẩm Huy đi đón Từ Hoài Tấn và Trần Hoài Thư từ phi trường về. Nhưng, sự ra đi của anh TTY, anh TTH rất bận không biết ai ra phi trường đón hai anh Trần Hoài Thư và Từ Hoài Tấn?. Nhưng, không hiểu sao, anh TTY vẫn còn nằm lại trong nhà thương ( phòng lạnh) có lẽ nhà quàn “kẹt chỗ”???. Vì thế anh Tô Thẩm Huy bận một ngày với gia đình anh TTY không đi đón Từ Hoài Tấn và Nguyễn Đình Thuần được. Phải nhờ anh Phan Xuân Sinh.

Sáng cùng ngày, tôi đến nhà anh Tôn Thất Hoa để đón Lữ Kiều + Thanh Hằng đi uống cà phê cùng với Lữ Quỳnh. lại một tin bất ngờ nữa khi Lữ Kiều hỏi tôi có biết cô em gái Tuyên không? Hiện Tuyên ở Houston. Tôi chờ. Tuyên đến nhà anh chị Tôn Thất Hoa. Cô em gái trước 1975 và bây giờ mấy chục năm rồi vẫn không thay đổi. vẫn nhỏ người. mảnh khảnh, tôi xem như cô em gái nhỏ trong nhà năm xưa. Anh em vui quá. Từ đó đến khách sạn đón Lữ Quỳnh có trễ. Rồi cũng gặp nhau. Đưa về nhà thăm vợ tôi. Bà ngồi trên chiếc xe lăn. Thấy bạn bè đến thăm, vợ tôi ứa nước mắt.

 

Ngày 25/5/2019

 

Vào lúc 9 giờ sáng, ngày thứ bảy, anh Trần Hoài Thư đến phi trường và anh Tô Thẩm Huy ra đón. 11 giờ trưa, Tô Thẩm Huy đưa THT đến nhà thăm vợ chồng tôi; vì dù sao giữa hai gia đình cũng biết nhau khi còn ở Huế. Tôi gọi cho vợ chồng Lê Thị Hoài Niệm và cô em gái Tuyên đến nhà sớm trước khi anh Huy đưaTHT đến. Một cuộc gặp rất vui. Tôi trổ tài nấu ăn ( nấu bánh canh xương heo với chả cá ) không ngờ tài nấu của tôi khoái khẩu người bạn già THT. Khen quá để. Ăn hai tô. Tôi vui.

Một chập. Phan Xuân Sinh đưa Từ Hoài Tấn, Nguyễn Đình Thuần đến. Còn có cuộc vui nào vui hơn.

 

 ( Từ trái qua. Hàng đứng: PVN. Lê Thị Hoài Niệm. Hàng ngồi: Nguyễn Đình Thuần. Cái Trọng Ty. Từ Hoài Tấn. Tô Thẩm Huy. Trần Hoài Thư). Chụp ngoài patio.

 

Tối thứ bảy ( 25/5/2019)

 

Một buổi tiệc được tổ chức và lúc 4 giờ 30 chiều tại nhà anh chị Phan Xuân Sinh. Các anh em cầm bút họp mặt để đón mấy người bạn. Nhưng hai anh Lữ Kiều và Lữ Quỳnh bận đi thăm  San Antonio về trễ. Không tới dự được. Đến 6 giờ chiều cùng  ngày, anh Tô Thẩm Huy phải đưa Trần Hoài Thư  và tôi đến nhà gia đình của anh Thư; vì nơi đây có một buổi họp mặt gia đình mừng ngày tốt nghiệp (?) đứa cháu của Trần Hoài Thư. Nhưng Thư không thông báo trước cho gia đình là sẽ có mặt. Tiệc tổ chức lúc 6 giờ chiều. Anh TTH đưa chúng tôi đến cũng gần 7 giờ tối.

Ở đạy cũng cần nói thêm một chút. Khoảng hơn 6 giờ chiều, chúng tôi đang trên xa lộ để đến gia đình anh THT. thì Lữ Quỳnh gọi tôi. Cần gặp gấp. Đến khách sạn Mariott. LQ đang chờ. Tôi nói với Lữ Quỳnh là chúng đang trên đường tới nhà anh của THT. Tôi đưa điện thoại cho Huy nói chuyện với LQ. Và sau đó Huy gọi cho Cái Trong Ty phải đến khách sạn Mariott gấp để gặp LQ. Cái Trọng Ty từ giã buổi tiệc ở nhà PXS tới gặp LQ. May quá, có Cái Trọng Ty giải quyết.

Tới nhà của các anh THT. THT bấm chuông cửa. Anh bước vào nhà  nơi phòng tiệc. Mọi người đang ăn uống vui vẻ. THT nói chuyện huyên thuyên. Không cần xưng tên, xưng tuổi. Anh giơ tay. Cười nói rất ư là tự nhiên. Tất cả mọi người trong gia đình ai cũng ngạc nhiên. Không biết cái ông già nào, tóc bạc phơ, quen ai trong nhà mà ăn nói, cười đùa hồn nhiên quá.  Tất cả ai cũng trố mắt ra nhìn. Thì có người từ trong phòng ra. Nhìn thấy ông già tóc bạc trắng đang vui vẻ nói cười rất hồn nhiên. Người đàn ông ôm chầm lấy Thư là nói to: Chú  Sách đây này. Sao em tới không cho các anh chị hay biết? Mấy cô cháu gái nghe nói tên chạy tới mừng chú Sách. Cả nhà mừng vui. Tôi với Huy đứng sau cũng thấy vui lây. Tôi thấy người ngồi thứ hai, bàn đầu đứng dậy, trên gương mặt rất vui, nói: Sách, em đây sao? Người này, tôi với Huy mới biết là anh Trần Quý Phiệt, anh cả của Trần Hoài Thư. Người ôm THT là anh Trần Quý Trâm, anh thứ hai của THT.  Có lẽ  cái chất lính thám kích vẫn còn trong máu của bạn tôi chăng. Tôi nhớ thời gian tôi ở Amarillo, TX, cách đây khá lâu. THT  từ NJ bay qua thăm mà không báo trước. Chúng tôi không có nhà, nên bạn tôi  tỉnh bơ đánh một giấc trên sân cỏ trước nhà chờ chúng tôi về!.
Sau đó ba chúng tôi ngồi ăn món cơm hến và món chả ốc đặc trưng của Huế do các bà vợ của hai anh Phiệt và Trâm làm. Món cơm hến thật ngon. Còn ngon hơn ở những nơi tôi với Viêm Tịnh đi ăn ở Huế. Gần 10 giờ đêm chúng tôi ra về, chị Vân, vợ anh Trần Quý Trâm còn lo cho tôi một phần cơm hến có cả chả ốc. Chị nói,  mang về cho vợ tôi. Một món ăn rất Huế.

 

10 giờ đêm. Chúng tôi tới nhà anh Tôn Thất Hoa để gặp vợ chồng Lữ Kiều Thân Trọng Minh. Lâu lắm, Trần Hoài Thư không gặp Lữ Kiều. Gần 50 năm thì phải. 50 năm hai người bạn gặp lại nhau., mà trước đó một ngày, LK nói với tôi bằng giá nào PVN cũng phải cho tôi gặp THT. Ngày xưa còn rất trẻ. Trần Hoài thư là một anh chàng lính Thám Kích. Còn Lữ Liều là một bác sĩ quân y. Thân nhau trên con đường viết lách. Mỗi lần tôi gặp hai người bạn này, tôi lại nhớ đến tác phẩm đầu tay của Thư. Tác phẩm Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang do Ý Thức xuất bản. Lê Ký Thương trình bày bìa, và Lữ Kiều làm bản kẽm. Hơn nữa mỗi lần gặp lại Lữ Kiều, tôi lại nhớ đến Ý Thức Bản Thảo phát hành sau tháng 4/1975. Sống đươc 6 số thì phải ( trong nước). Có đúng thế không Lữ Kiều??? Cũng vì cái tên ÝTBT và sau này tôi với Trần Hoài Thư có cái tên Thư Quán Bản Thảo. Cho đến hôm nay đã 85 số. Anh em cầm bút trong nước nói với tôi và THT cố gắng làm TQBT tới số 100. Về VN, tổ chức kỷ niệm 100 số. Sức tàn lực mọn. Tuổi càng cao. Không biết có theo nổi không?

PVN, Tô Thẩm Huy, THT, Lữ Kiều (tại nhà anh Tôn Thất Hoa)

 

Đêm THT và Lữ Kiều gặp nhau, sau gần 50 năm. Hai người bạn mừng quá, ôm nhau thật chặt. Tôi nói: sao hai bạn giống “gay” quá. Những nụ cười vui trong đêm hôm tại nhà anh chị Tôn Thất Hoa. Những ly rượu vang cụng nhau, cùng với tiếng cười tiếng nói. Chỉ có 5 người: PVN. Tô Thẩm Huy. Trần Hoài Thư. Lữ Kiều

Thân Trọng Minh. Thanh Hằng.  Bao kỷ niệm vui được nhắc đến. Tình bạn ấm nồng qua những cốc rượu vang trong đêm.


Chủ nhật 26/ tháng 5

 

Chiều 4 giờ tại nhà Tô Thẩm Huy. Anh chị Phan Xuân Sinh phải đưa Từ Hoài Tấn và Nguyễn Đình Thuần ra phi trường để về lại Cali. Sau anh chị Phan Xuân Sinh đến trễ.

( Hàng đứng từ trái: Lê Cần Thơ. Lữ Kiều. Trần bang Thạch. Phạm Văn Nhàn.Hàng ngồi từ trái: Cái Trọng Ty. Trần Hoài Thư. Lữ Quỳnh. Lê Thị Hoài Niệm. Cô Dung. Tô Thẩm Huy )Hình chụp tại nhà Tô Thẩm Huy, trước khi vợ chồng PXS đến.

 

Buổi họp mặt cuối cùng tại nhà vợ chồng Tô Thẩm Huy thât vui. Gồm: Lữ Quỳnh. Lữ Kiều Thân Trọng Minh. Trần Hoài Thư. Cái Trọng Ty. Vợ chồng Lê Thị Hoài Niệm. Trần Bang Thạch. Lê Cần Thơ. Phạm văn Nhàn. Lương Thư Trung.

Đêm họp tại nhà Tô Thẩm Huy là đêm họp cuối cùng để sáng ngày mai, thứ hai 27/5 Trần Hoài Thư về lại New Jersey. Lữ Quỳnh về lại San Jose. Còn vợ chồng Lữ Kiều Thân Trọng Minh về Cali ngày thứ ba 28/5.

Thật tiếc, các anh không có dịp  đến thắp cho anh Tô Thùy Yên một nén nhang, vì ngày thứ năm 30/5 nhập quan và phát tang. Ngày thứ sáu 31/5 mới thăm viếng và tưởng niệm.

 

Với tôi. Trong những ngày gặp bạn bè đến Houston, dù thời gian có ngắn, nhưng tôi vui lắm. Rất vui. Dù it thời gian để hàn huyên tâm sự cho riêng mình một cõi. Nhưng trải lòng thật ấm áp.

Và buồn cho những người bạn của tôi không đến để tiễn đưa anh TTY về chốn vĩnh hằng; vì tất cả chúng tôi ai cũng đều mến anh ấy.

Xin ghi lại những gì mà tôi đã gặp bạn bè tôi,  trên xứ người.

 

Houston, những ngày cuối tháng 6 /2019.

 

 

 

 

 

 

 

Houston hội ngộ…

Lê thị Hoài Niệm.

 

 

Lần thứ ba tôi được “diện kiến” Thi-Văn sĩ Trần Hoài Thư, nhân dịp anh đến Houston thăm viếng gia đình và bạn hữu.

Hai lần trước tôi đến nơi có anh hiện diện qua làn sóng…radio. Lần đầu tiên anh về Houston ra mắt sách ngay trung tâm thành phố, trong một buổi chiều mưa tầm tả, nhưng vẫn có nhiều người đến tham dự, chắc là họ đã quen biết thi văn sĩ từ trước(?), nhưng cũng có người mới nghe danh nên tìm đến để gặp tác giả và mua tác phẩm. Và lần thứ hai tại khu sinh hoạt Beechnut, hai lần đều có phu nhân của anh đi cùng, và ngay chiều hôm đó, thi văn sĩ Phan Xuân Sinh đã mời một số thân hữu đến tham dự buổi họp mặt tại tư gia thật đông vui. Nhưng dù có mặt, cá nhân tôi vẫn …kính nhi viễn chi với anh chị Trần hoài Thư, ngoại trừ lời hỏi thăm…sức khỏe…

Tôi biết đến anh Trần Hoài Thư trên đất Mỹ nhiều là  qua “Thư quán bản Thảo”. Với anh, Sách báo là niềm vui như tên “cúng cơm” của anh do cha mẹ đặt cho. Ngoài những tác phẩm văn xuôi viết từ những ngày tháng cũ hay là về cuộc sống hiện tại trên xứ sở này hoặc là những tập thơ mang nhiều nỗi trăn trở, niềm đau nỗi buồn hay vui muộn do chính anh in ấn và phân phối đến người đọc, còn chính là “Thư quán bản thảo”. Thư quán là tâm huyết, là đời sống, là đứa con tinh thần dù anh phải miệt mài ngày đêm gõ từng con chữ, in từng tập sách đóng gáy bẻ bìa, là lặn lội từ thư viện này qua thư viện khác để tìm tài liệu cũ, là một kết nối với bạn bè, với người bạn..nối khố là nhà văn Phạm văn Nhàn, hai người (phụ trách chính) đã hy sinh hết cả thời gian còn lại sau việc kiếm cơm để sống, và Thư quán bản thảo ra đời để những người đọc biết được rằng trước năm 75, trong giới văn chương chữ nghĩa, đã có quá nhiều người tuổi trẻ vừa cầm súng chiến đấu ngoài tiền tuyến, vừa cầm bút viết nên những áng văn sinh động vừa bi thương vừa chan chứa tình người…, những vần thơ ray rứt, trăn trở của người tuổi trẻ trước thời cuộc, những vần thơ đi vào lòng người bằng hơi thở, bằng mồ hôi có khi bằng máu của chính họ. Và đến nay TQBT đã được 84 số rồi. Một kỳ công trong văn đàn hải ngoại.

 

Nhưng tôi có cơ duyên “biết tên” anh từ những ngày anh còn là người Lính trận viết văn trong số những người viết trẻ đó. Đọc văn của anh ư?, hình như…chưa có cơ hội vì những sách báo bọn con gái chúng tôi đọc thời bấy giờ chỉ là Tiền phong, phổ thông, kịch ảnh, điện ảnh, tuổi hoa hay tiểu thuyết thứ năm…làm sao có truyện của các nhà văn quân đội(?). Nhưng từ một ngày hè về thăm gia đình Cậu mợ ở Tuy Hòa. Trong lúc chị họ tôi dọn dẹp quét nhà, chị rủ tôi có muốn đi theo coi “cái am” của ông anh họ…thi sĩ P.C.H không?  Tôi hỏi chị sao gọi là am? chị cười nói đi lên rồi biết. Thì ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ với nhiều sách báo vương vãi trên nền nhà, trên bàn là những ly cà phê chưa kịp dọn rửa, một mớ tàn thuốc từ trên bàn tràn xuống đất còn vương nồng nặc mùi….thuốc lá. Nói chung là căn phòng nhỏ bề bộn theo …kiểu sống của những người có “tâm hồn nghệ sĩ”. Chị vừa quét dọn vừa than: mấy ông thi sĩ, văn sĩ gì mà “hút thuốc như đốt đuốc”!. Cũng bởi ông anh thi sĩ của tôi thời đó đã…nổi tiếng tuổi trẻ tài cao, không những có những vần thơ hay, mà anh còn có giọng ngâm thơ rất tuyệt vời, lại hát hay nữa, nên chung quanh anh có rất nhiều bạn bè, mà giới thi văn sĩ là nhiều nhất, nên họ thường rủ nhau… ghé lại tụ hội với anh khi có dịp. Chị nói nghe đâu mấy ông văn thi sĩ này ở trong nhóm Ý THỨC(?) và họ vừa ra đi, mà bà chị cứ tiếc phải chi em về sớm một buổi đã gặp được họ rồi, trong đó có nhà văn Trần Hoài Thư.

 

Nhưng kỳ này thì không có tiếc rẻ hay trễ tràng gì cả. Nhà văn anh cả Phạm Văn Nhàn đã “thông báo” ngày anh Trần hoài Thư về Houston, chắc chắn là sẽ về, chứ không về…hụt như lần trước. Lần đó, dù đã gần đến giờ ra phi trường, nhưng Chị Yến trở bệnh nặng, anh đành hủy vé máy bay. Tuy “lỡ hẹn” với bạn văn ở Houston, nhưng ai cũng cầu nguyện cho anh có đầy đủ sức khỏe để lo cho chị và luôn cầu nguyện cho bệnh tình chị Yến thuyên giảm.

 

Chúng tôi đến nhà anh Nhàn buổi trưa thứ bảy và gặp ngay “Tiên ông đạo cốt” cũng vừa được anh Bùi Huy (nhà thơ Tô Thẩm Huy) chở đến. Với mái tóc bạc phơ, nhưng trông anh “đẹp lão” và còn nhanh nhẹn lắm. Chúng tôi nhìn anh cười nói mà rưng rưng muốn khóc. Anh em gặp nhau là mừng vui lắm chứ, nhưng sao trong lòng nó cứ quặn lại, xót xa làm sao, chạnh nghĩ đến cảnh một “ông già” gần tám mươi tuổi, ngày ngày ra vô viện dưỡng lão hai lần đã mấy năm qua dù mưa nắng tuyết lạnh tê người, để săn sóc người vợ không thể điểu khiển mọi sinh hoạt cá nhân trong cuộc sống. Động lực nào đã giúp anh đứng vững trên đôi chân và tinh thần vững mạnh để vượt qua bao nhiêu ngày nắng mưa gió tuyết bão bùng? Chắc không ngoài hai chữ “Tình yêu” mà anh đã dành cho chị….(luôn mong anh có đầy đủ sức khỏe và mong chị Yến được bình an trong những ngày tháng tới, trong khi ông anh Phạm Văn Nhàn cũng lo cho chị Thu từng bữa cơm, giấc ngủ…vì chị chưa đi đứng được bình thuờng. Phục lăn hai …ông già!))

Hình như cái nóng của Houston không làm người về từ xứ lạnh cảm thấy khó chịu, cản bước chân đi, có chăng vì anh phải mang nhiều tập thơ “Đá” quá. Đó là tập thơ “tâm sự” của riêng anh Trần hoài Thư, anh “giới thiệu” bìa tập thơ in bằng những hoa văn như đá nổi rất đặc biệt. Cầm tập thơ anh trao tận tay, chúng tôi cảm động lắm nhưng rất xót xa nhất là thấy anh nói chuyện vui mà như muốn che lấp niềm u uẩn nào đó, nhất là khi đọc hai câu thơ từ bài “Đá”:

Và bây giờ anh cũng mong được làm phiến đá

Để chai lì với những bọt sủi niềm đau…”

(THT)

Ở đó là những cam chịu mà anh cố vượt qua và hình như anh đã, để anh còn làm thơ tặng đời như lời anh tâm sự :

Xin tặng đời, một món quà hèn mọn

Tôi không biết lấy gì đền đáp chỉ thơ

Tôi đang ở tận cùng những mất mát tuổi già

Xin rộng lượng để bàn tay tôi khỏi vuột !

(THT)

(Xin cảm ơn anh đã tặng cho vợ chồng em tập thơ Đá).

Căn nhà anh chị Nhàn Thu đông vui thêm khi có các anh nhà văn Cái trọng Ty (Houston), Anh Từ Hòa Tấn đến từ Việt nam, hoạ sĩ Thuần từ Cali sang, sau đó có anh chị Phan Xuân Sinh đến tham gia “hội nghị bàn vuông” cùng với chị Ng cũng từ Cali sang để được gặp anh Trần Hoài Thư, chị đến mang theo thức ăn ngon, và chị Thu, phu nhân anh Nhàn đã…hướng dẫn cho anh nấu món bánh canh rất đậm đà, thơm nức mũi đâu thua gì nhà hàng…chuyên nghiệp, nên người nào cũng… không nỡ từ chối. (Cảm ơn anh chị cho ăn ngon).

 

Chúng tôi được anh Cái Trọng Ty cho biết anh là “sư huynh” khóa 4 của trường Sư phạm Qui Nhơn, nên đâu đó có những thân tình từ những ngày tháng cũ. Quý anh Nhàn, anh Thư, anh Ty ngồi nhắc lại những kỷ niệm xưa tại ngả sáu, khu hai thành phố Qui nhơn với nhiều vui buồn lẫn lộn nhưng ai cũng muốn nghe, Anh Thư còn đọc bài thơ dành cho “nàng” năm xưa của trường Sư phạm nghe thật mượt mà, tình tự nhưng cũng..buồn man mác. Đúng là Thi Văn sĩ lão thành có khác, hễ xuất khẩu là thành thi, nhưng anh vẫn đùa sao ngày đó không có nàng nào…gánh nợ? hahahha..

 

Sáng chủ nhật đẹp trời, mới tám giờ, anh Nhàn đã gọi “tập trung” tại quán “bánh mì Ng.Ngọ”. Anh Thư bắt đầu kể chuyện đêm thứ bảy anh về thăm gia đình người anh ruột đang có “party” khách khứa đông đảo mà không báo trước, đến nỗi người anh …không nhận ra đứa em út của mình, vì anh vừa bước vô nhà là nói đủ thứ chuyện, nói cười huyên thuyên, vui vẻ (khác hẳn với thời gian trước) khiến cả nhà rất ngạc nhiên tưởng …tiên ông nào đi lạc. Khi họ nhận ra anh là những niềm vui òa vỡ, những cái ôm thân tình, những giọt nước mắt mừng vui ngày hội ngộ và cuối cùng là những vòng tay quyến luyến không muốn lìa xa.

Buổi sáng rồi cũng đi qua khi chúng tôi đưa anh vào …chợ để tìm mua một số thực phẩm dành cho “nấu bếp gia” nhằm “phục vụ” cho người bệnh.

 

Buổi chiều, chúng tôi đưa anh Nhàn, anh Thư đến tư gia của anh Tô Thẩm Huy. Qwào! Căn nhà đẹp với lối trang trí rất nghệ thuật, trang nhã nhưng có chất lãng mạn của nhà thơ….cổ. Chúng tôi hân hạnh được gặp các anh Trần Bang Thạch, Lê Cần Thơ, Ngô Du Trung, Lữ Kiều (Bác sĩ Thân Trọng Minh từ Việt nam sang)) và Lữ Quỳnh. Tất cả là những nhà văn thơ một thời với nhiều tác phẩm rất có giá trị, trong số họ đã được hai anh Thư, Nhàn đưa vào từng số Thư quán bản thảo, nên chúng tôi mới có cơ duyên được đọc, để rồi khi gặp họ không thấy ngỡ ngàng mà như có một mối dây thân tình gần gũi.

Anh chị Tô Thẩm Huy rất nhiệt tình với khách, nhưng chúng tôi phải đưa quí Anh họ Lữ ra về vì họ có thêm những buổi họp mặt với bạn bè thân hữu khác.

 

Họp rồi phải tan. Có đến rồi cũng có đi. Các anh Tấn, Thuần về lại Cali sớm nhất. Hai anh Lữ còn ở với hội Quốc Học Huế, chỉ có anh Thư về lại NJ sáng sớm hôm sau chắc là hành trang…nặng hơn lúc ra đi vì chứa thêm tình cảm của những người em, người bạn thân

 

TÔ THẨM HUY

tháng 5 hội ngộ

 

9 giờ sáng thứ Bảy, 25 tháng 5, tôi ra phi trường Bush Intercontinental đón Trần Hoài Thư từ New Jersey hạ sơn về thăm bạn bè.  Kia rồi, Kim Mao Sư Vương đang đứng cạnh mấy xe taxi.  Mới hai năm không gặp, anh trông già hẳn đi. Nhưng vẫn mái tóc ấy, tuy có cắt ngắn hơn. Vừa lên xe là không gian tràn đầy tiếng anh cười nói sang sảng. Liên tục, không ngừng. Tôi yên tâm. Trần Hoài Thư còn khỏe lắm.  Mọi khổ nhọc, phiền toái ở trần gian này chẳng làm gì được chàng viễn thám ngày xưa. Vẫn lừng lững, vẫn tưng bừng, ào ạt tuôn chẩy.

 

Ghé Starbucks đầu ngõ lấy 2 ly Americano trước khi về nhà. Vừa vào phòng là mở valise nặng chình chịch. Đá. Đá trên giấy, bìa có vân sần sùi, nhám như đá. Valise tuyền là sách, là thơ. Ngồi ngay trên giường ký tặng tôi tập thơ mới của anh. Vừa viết vừa nói: Bạn là người đầu tiên nhận được Đá. Rồi anh và tôi ra đằng sau nơi tôi có căn phòng Hấp Yên thất.  Tôi ngồi hút thuốc. Anh ngồi nói. Nói hăng say về người anh thường nhắc đến trong văn chương bằng một mẫu tự, Y., về bạn bè, về sách vở, về bộ 1 của tờ Nghệ Thuật đang nằm trên bàn, mà anh sẽ in thêm cho tôi 3 bộ nữa cho đủ 4 bộ, về môn võ công mà anh mới học được.  Không phải Sư Tử Hống, món này từ lâu đã là nghề của chàng rồi, mà bây giờ là Hoạt Kê Ngâm.  Dùng tài ngân nga hát vịnh để chọc cười người bệnh, đem thơ nhạc ra để đánh thức phần não bộ đã tắt máy, lấy lời đường mật không được thì đem tài hoạt náo ra để dụ khị người nằm trên giường há miệng ra ăn.  Trần Hoài Thư là người độc nhất vô nhị trên cõi đời này có khả năng đem mọi điều bất hạnh, buồn phiền, khổ não trên đời ra làm điều gay cấn, thú vị để mà hào hứng bày ra một cuộc mừng chào chúng chơi. Tôi không biết anh lấy từ cõi trời nào một nguồn năng lực tưởng như đến vô tận, lúc nào cũng ăm ắp.

 

Rồi đưa anh đến nhà bạn bè cũ. Trước tiên bắt buộc phải là Phạm Văn Nhàn. Có thêm mấy người quen biết cũ từ ngày xửa ngày xưa. Rồi là nhà Phan Xuân Sinh, có cuộc họp quần hùng đại hội. Rồi tiếc là ngồi chưa hóng gió, rượu chưa ướt cổ là chạy, chạy, chạy. Chạy đến nhà người cháu ở mãi tít Pearland đang có buổi gia đình họp mặt mừng cậu quý tử mới ra trường.  Chàng viễn thám muốn chơi trò hú tim, không báo cho ai biết chàng đang ở Houston.  Đột nhập bất ngờ xem mọi người phản ứng ra sao.  Nào ngờ bị tổ trác.  Chẳng ai ngạc nhiên, chẳng ai hoan hô, mừng rỡ, vì chẳng ai nhận ra, chẳng ai biết 3 kẻ mới bước vào trong nhà đang đầy người là ai, quen biết với ai, cứ mời ăn mời uống thoải mái như mời…người lạ.  Kim Mao Sư Vương phải chặn một ông anh lại. Anh có biết ai đây không ?  A ! A ! Sách… Về bao giờ vậy ? Rồi gọi người anh cả đến. Anh trông Sách này.  Lạ quá, không nhận ra nó.  Rồi 3 anh em ôm nhau tươi cười mừng rỡ. Rồi bày ra ăn cơm hến, uống rượu, đến là vui. Rồi rượu chưa ướt bao tử lại phải chạy, chạy, chạy.  Chạy về Sugarland gặp Thân Trọng Minh từ Viêt Nam sang.  Trời đã tối sẫm. Đến nhà đã gần nửa đêm.  Tôi nhìn hai người bạn nửa thế kỷ xa nhau mới gặp lại ôm chầm lấy nhau như không muốn rời mà vui lây cái vui của họ.  Và bây giờ là được thong thả ngồi uống rượu rồi đây. Là được cùng Lữ Kiều Thân Trọng Minh, Thanh Hằng, Phạm Văn Nhàn, Trần Hoài Thư ngồi uống rượu, nghe nhắc lại chuyện ngày xưa còn trẻ. Nghe Lữ Kiều nói về đam mê hội họa.  Mấy năm về trước, lúc chưa gặp mặt, chưa viết cho nhau một lời thăm, anh Minh đã gửi tặng tôi một bức tranh anh vẽ trên nền đen có 3 có cá bơi lòng vòng cạnh con chim đang đứng suy tìm ý nghĩa cuộc đời dưới chữ OM viết bằng tiếng Sanskit gồm cả quá khứ, hiện tại, tương lai.  Hai hôm trước khi anh Thư đến Houston, chúng tôi một nhóm đã gặp nhau ở Medeleine. Có Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, Cái Trọng Ty của Quốc Học… đông lắm. Anh Quỳnh hiền như ông Bụt. Gặp một lần là đã gặp từ thiên cổ đến ngàn sau.

 

Ngày hôm sau tụ họp ở nhà tôi. Đông đủ bạn bè. Cười vui như Tết. Trong bữa cơm tối anh Thư nhắc đến hai chữ “Vàng Khanh” của Cái Trọng Ty. Anh Ty làm thơ có tài ảo thuật biến hóa. Nhiều chữ dùng đến là lạ đời. Anh Trần Bang Thạch đúng là nhà ngôn ngữ hỏi ngay: Vàng Khanh? Một Nôm một Hán? Vậy là sao? Nghĩa là gì? Tôi trả lời điều này phải hỏi anh Thư. Anh Thư có dùng hai chữ ấy trong một bài lục bát hay lắm, tôi chỉ nhớ một câu là Khanh vàng lai láng một dòng vàng khanh. Hỏi anh Thư anh cũng không nhớ. Tôi ngồi ăn cơm vắt óc cũng không nhớ ra. Bèn chạy lên lầu, lục bài Đùa Với Lục Bát tôi viết cho tập thơ của Trần Hoài Thư. A đây rồi:

Nước lên, trời thổ mật vàng
Nửa lan mây núi

Nửa tràn bãi sông

Trời thổ mật vàng? Mật của trời? Nghe chua xót tự tâm can, tỳ vị trào lên men cay đắng.

Nước lên kéo mặt trời gần
Khanh vàng lai láng một giòng vàng khanh

Lại nghe như thổ lộ cả tấm lòng nhớ thương, tha thiết, cả một giòng vàng khanh lai láng.

Vàng Khanh.  Vàng Khanh.  Nửa Nôm nửa Hán.  Nghe sao âu yếm lời quân vương đang gọi giai nhân sủng ái.  Vàng Khanh, Vàng Khanh ơi,  lòng ta cùng với con nước thuỷ triều đang rướn mình dâng cao, ôm lấy khanh mà chan hoà trong sắc vàng long lanh, óng ánh.

 

Hôm sau 4 giờ sáng là đã phải ra phi trường.  Hai ngày ngắn ngủi mà dồn chặt bao nhiêu chuyện, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu điều đã nói, bao nhiêu điều chưa nói, bao nhiêu món tôi muốn đưa Trần Hoài Thư đi ăn mà chưa đi được. Cháo cá, bào ngư ngon tuyệt trần đời, sủi cảo ngon đến mức dám độ với những tiệm ăn ngon nhất ở phố Tầu San Francisco, đùi bê Osso Bucco có tủy ngọt lịm cả hồn, linguini đen làm bằng mực của cá mực, Cá halibut nhồi thịt cua thơm đến chin tầng trời … Hẹn môt ngày vậy.

 

Tôi đưa Trần Hoài Thư ra phi trường về mấy hôm thì nhận đươc thư anh gửi đầy nhớ thương. Kèm thêm một video chàng viễn thám đang ca múa bên chị Y. Anh viết: THT bây giờ vui lắm. Đóng kịch hay lắm. Và hiện đang là một chuyên gia về tâm thần học. 

Tôi nghe và xem, vừa cười vừa lặng rơi nước mắt. Lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng, lòng độ lượng, sức yêu đời của anh đã thăng hoa tình nghĩa vợ chồng. Từ nay tôi xin sửa lại cái biệt danh tôi tặng anh ngày nào. Tôi xin đặt thêm một nét phẩy lên đầu chữ vương 王 thành chữ chủ, hay chúa 主,và bỏ bộ khuyển ra khỏi con sư tử 獅 để còn lại là 師, ông sư, rồi nhân đó vinh danh cho anh thêm một nấc, đắc đạo thành Phật 佛.

Vậy từ nay với tôi,  Trần Hoài Thư là Kim Mao Phật Chủ.

Và xin chép tặng anh hai câu trong truyện Quan Âm Thị Kính:

Chữ rằng nhẫn nại nhiệm hòa
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu

 

Tô Thẩm Huy
Tiết Hạ Chí, Kỷ Hợi

 

  

Về Houston
Trần Hoài Thư

 

Về Houston lần này mọi sự được êm đẹp ngoài sự tưởng tượng của tôi. Trước hết là tình trạng sức khỏe của Y. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ để tôi quan ngại. Năm ngoái, đã mua vé tàu đành bỏ vì đến gần ngày đi thì Y. phải được đưa vào Emergency và phải nằm trong phòng đặc biệt mất một tuần lễ, mạng sống như sợi chỉ mành treo chuông. May mắn thứ hai là con tôi được mấy ngày nghỉ. Nó lái xe từ tiểu bang cạnh qua NJ để thay mặt tôi chăm sóc mẹ.

Như vậy là tôi lên đường như một kẻ ẩn sĩ xuống núi. Buổi sáng tinh sương lành lạnh, phi trường ít người, ít xe vì quá sớm, khiến tôi dễ dàng tìm bãi gởi xe rẻ tiền để từ đây xe bus bốc đưa về phi trường. Tôi gởi vali hành lý vì nó quá nặng, quá khó mang theo bên mình. Hành lý chỉ là những tập thơ tôi mới in. Nhất là lần in này, tôi làm bìa có vân nổi trên giấy láng. Nhan tựa của tập thơ mới nhất là Đá, lấy từ tựa một bài thơ hiện diện ở trong thi phẩm:

Em có bao giờ thấy một người nào chắn đạn ?
Em có bao giờ nhìn những khói đá bốc lên
Và những tia lửa hồng tức tối xẹt cuồng điên
khi trăm ngàn đầu đạn đâm vào thân thể đá ?

Và bây giờ anh cũng mong được làm phiến đá
Để chai lì với những bọt sủi niềm đau !

 

Đó là những gì tôi chỉ có thể có được trong đời sống hiện nay. Bạn bè thương tôi, cảm thông hoàn cảnh của tôi, tôi biết làm sao mà đền đáp. Chỉ có tập thơ này. Nó do chính tự tay tôi làm, từ đầu đến cuối, từ A đến Z. Nó hèn mọn lắm:

Xin tặng đời, một món quà hèn mọn
Tôi không biết lấy gì đền đáp chỉ thơ
Tôi đang ở tận cùng những mất mát tuổi già
Xin rộng lượng để bàn tay tôi khỏi vuột !

Sau gần bốn giờ bay, tôi đã được thở trong một cõi đất trời khác, thế giới khác. Những ngôi lầu, building, những con đường tấp nập xe cộ đã thay thế những hàng cây xanh, những con nai, hay những ngôi giáo đường … Người đón tôi ở phi trường là Bùi Huy tức là nhà thơ Tô Thẩm Huy. Vẫn là mái tóc bồng bềnh, dù kỳ này thấy anh mập hơn xưa. Cám ơn đất trời đã cho tôi có những bạn bè tốt. Và cảm tạ văn chương đã cho đời những tâm hồn đồng điệu. Quen biết là một sợi dây buộc hai người, nhưng với những kẻ mang giòng máu thơ văn, sợi dây ấy càng buộc chặt hơn…
Có phải ?

Tôi nói lên niềm mong mỏi lớn nhất của tôi trong kỳ về Houston này là được đến nhà quàn để nhìn nhà thơ Tô Thùy Yên một lần cuối. Tôi muốn cảm ơn anh, dù trong tình trạng bệnh hoạn trầm kha nhưng vẫn còn nhớ đến tôi, tặng tôi thi tập cuối đời của anh. Giòng chữ run rẩy trên trang đầu, chứng tỏ là anh phải rất khó khăn lắm mới cầm bút và viết..

Nhưng Huy cho biết, xác anh TTY chưa được tải về nhà quàn vì nhà quàn hết chỗ. Phải dời lại một tuần.

Việc dời lại này đã giúp Huy – người mà gia đình xem như là người nhà, và anh TTY xem như là một bào đệ, một người bạn tri kỷ về văn chương- mới được rảnh tay để “take care” toàn phần tôi trong hai ngày ở Houston.
Có lẽ có người cho việc dời ngày tang lễ hay ngày thăm viếng nhà quàn chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ. Riêng tôi thì khác. Bởi chính tôi nhận được món quà vô hình vô giá này. Sự giao cảm giữa những thi sĩ thì lạ lùng lắm. Hình như họ bắt được mạch nhau. Đó là cái mạch mà đời thường không thể thấy hay cảm nhận nổi.

Gặp lại bằng hữu

Sau khi ghé nhà Huy để bỏ lại cái vali nặng trĩu Đá, Huy buổi trưa chở tôi đến nhà PVN để dùng cơm. Gặp lại bạn cũ. Gặp lại chị Nh. Gặp lại Tuyên, người mà chúng tôi xem là em gái, vui như chợ Tết. Tôi như thằng bị khóa miệng lâu năm, giờ mới được tự do. Nói cười thả dàn. Và ăn cũng thả dàn. Món gì cũng “double”. Dù răng chẳng còn một chiếc ! Nhất là món Bánh Canh mà PVN là đầu bếp. Tôi hỏi về cách nấu. Và PVN thì cặn kẻ dạy tôi. Hai phút bỏ trong Microwave. Một phút trụng nước sôi…Văn chương văn nghệ thi phú giờ này là gia chánh. Nghĩ lại, có lẽ không có một ai có cùng một hoàn cảnh giống nhau – rất giống nhau – như PVN và tôi… Cùng sinh vào tuổi ngựa. Cùng đi lính ở Bình Định. Cùng tốt nghiệp lò “khu Sáu” Qui Nhơn. Cùng lưu lạc ở Nha Trang, Tháp chàm… Cùng chủ trương tờ tạp chí “có một không hai” là TQBT suốt 18 năm nay. Cùng bị bệnh ở chân nên phải chống gậy. Cùng có vợ bị bệnh không thể di chuyển. Và bây giờ cùng trở thành nội tướng nấu ăn bất đắc dĩ. Chỉ có khác là bạn tôi đã trở thành ông cố. Còn tôi thì mới lên chức ông nội.

5 giờ chiều, anh chị Phan Xuân Sinh mở tiệc khoản đãi bạn bè. Có người đến từ VN như nhà thơ Từ Hoài Tấn. Có người mãi tận CA như họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Hay từ NJ là tôi. Hay từ Dallas như anh chị Trần Doãn Nho. Ở địa phương có anh Lương Thư Trung, CTT, PVN, TTH v.v.. Ngoài ra còn có một số bạn khác mà tôi quên mất tên. Tôi mang Đá ra tặng. Bởi tôi chỉ có bấy nhiêu đề làm quà cho bạn bè. Như nhà thơ Tô Thùy Yên, dù bệnh nặng, vẫn cố gượng viết vài giòng chữ tặng anh em. Hai người bạn tôi mong đợi là Lữ Quỳnh và Lữ Kiều không có mặt. Lí‎ do: họ không về kịp.

6 giờ chiều, bạn Huy làm tài xế chở tôi và PVN ra ngoại ô Houston để tôi tham dự một party “reunion” mà người tổ chức là cháu gái tôi. Tôi không thông báo việc tôi đến Houston. Tôi muốn cả đại gia đình có mặt phải ngạc nhiên về một ông chú bụi, chú hoang đàng, chú đãng tử, chú bất cần, chú đi lính dữ, chú viết văn làm thơ… Tưởng tượng hai ông anh ruột và hai bà chị dâu của tôi sẽ phải ngạc nhiên lắm lắm. Và cả nhà sẽ phải òa vỡ niềm vui đoàn tụ…
Vậy mà khi tôi xuất hiện trước những bàn tiệc đông đảo người, bi bô huyên thuyên cười nói múa tay múa chân nhưng chẳng ai buồn ngó hay quan tâm. Đến nỗi tôi phải chặn ông anh thứ hai, nhìn ổng và hỏi: Anh biết ai không ?

Trời ơi, tôi đã trở thành một con người khác rồi. 6 năm chăm sóc Y. đã làm tôi thay đổi đến thế sao ? Mỗi ngày phải nuốt vào bao nhiêu muối lệ. Và mỗi ngày cũng phải nhỏ ra bao nhiêu lệ muối. Mỗi ngày tôi đóng kịch, để trở thành người bạn đồng hành với người loạn trí. Hay là tôi cũng trở thành một lão gìa điên loạn cũng nên.

Các bạn ở Houston của tôi ơi. Từ lâu tôi chưa bao giờ soi gương, nhưng kỳ về này, tôi đã được soi gương để thấy rõ hơn về mình. Tôi vẫn bụi như thời trẻ. Ngay cả chụp hình với nữ họa sĩ Thanh Hằng, áo vẫn không hề  cài khuy trọn vẹn !

như  tấm hình dưới đây,  chụp với bà xã, hai tay thọc túi quần, áo  vẫn banh ra trước ống kính,  ngang tàng như thằng lính bụi ngày xưa:
Nghe như bùn ướt còn vương  tóc
Lính bụi mà em có thương không ?

 

Ngay cả chụp  trước chùa, cách đây 6 năm, khi đưa bà xã viếng chùa cách nhà khoảng 2 tiếng đồng hồ:

Tuổi trẻ  áo banh  vào trận mạc
Tuổi già  banh áo  đẩy xe lăn !
(chụp tại chùa Thái Lan, 2013)

 

Nhìn xung quanh ai cũng quần áo chỉnh tề,  cung kính. nhìn mình thấy như môt tay du côn, xem chỗ tôn nghiêm không ra gì. Lại ưởn ngực, để người khác chụp hình mới anh chị chứ !
Không phải thế đâu !

Nếu kết tội thì kết tội  cái thói quen.

Cái thói quen từ  thời đánh giặc. Trong khi có kẻ gân cổ xem cái chết tựa lông hồng,  nhưng áo giáp thì che thân, áo bào che ngực, nón sắt che đầu còn  ta thì mũ rừng nhẹ hẩng, không áo giáp che mình, đưa bộ ngực lép ra mà hứng đầu tên mũi đạn trước hết vì là lính thám kích, khi gặp bạn thì mặc  bom dội pháo rền, rũ vào quán tiếp tục banh áo:

Chiến tranh thì vẫn là tranh chiến
Mặc. Kéo nhau vào quán chị Hai
Mặt trời đỏ ối trên vàm xáng
Banh áoNgâm bài thơ Cổ Lai

 Hớp rượu cay cay chiều nhạt nhạt
Rừng lau trắng bạc dòng kinh xa
Ai ngồi đốt thuốc trên bờ xáng
Hay lính bộ binh quá nhớ nhà?

 

Cái thói quen banh áo, vì để hứng gió, cũng như vì ngứa ngáy mấy thứ phù vân trên người, muốn trần truồng, muốn kêu gào tự do muôn năm, muốn thơ phải nóng với rượu để cuồn cuộn chảy trong người… Không ngờ nó lại nằm trong máu thật, khổng chiu rời để bây giờ lại thêm một lần banh áo  thì chẳng lịch sự chút nào !
Chị TH, xin lỗi chị nhé.

Người tôi được soi gương thứ hai là Lê thị Hoài Niệm mà tôi xem là em gái. LTHN là độc giả của tạp chí TQBT từ số đầu tiên. Nhưng mãi sau 17 năm, tôi mới được cơ duyên gặp mặt. Thú thật tôi rất e dè trước phái nữ khi phải đứng ra ưởn ngực chụp hình, bởi hầu hết những cô những chị đều tỏ lòng thương hại, hay sụt sùi, hay kêu trời ơi sao anh Thư lại thảm vậy hà ! Nhưng với cô em gái tôi, ví tôi như một tiên ông đạo cốt – 4 chữ mà thật lòng tôi không hề dám nhận  bởi xét ra mình quá trần tục – đã làm tôi càng thấy mỗi giao cảm kỳ diệu của những tấm lòng văn chương với nhau. Chúng tôi có cái nhìn khác cái nhìn thường tình. Và cũng vì cái nhìn này nên  Houston có một ngày hội ngộ. Từ VN qua. từ CA  đến. Từ NJ về. Và những triền miên lai láng tình thân chảy từ ngày đầu đến ngày cuối. Nó  không phải là cái nhìn thương hại, mũi lòng. Dù hôm ấy, LTHN đã không ngừng bỏ vào cart trong một tiệm thực phẩm VN, hết đòn bánh ú này đến gói chã lụa khác, hết hộp bột nấu phở này đến hộp súp khác cho tôi, vì biết là ở chỗ tôi không có tiệm VN mà tôi rất cần để nấu ăn cho Y. Buổi trưa ở Houston nóng kinh khủng, vậy mà  tôi cảm thấy mát dịu lạ thường, vì bóng mát  tình bằng hữu văn chương đã rợp ngát cả lòng  tôi!

Còn nữa. Còn rất nhiều những người bạn quí để tôi phải nhớ mãi trong chuyến đi này. Bùi Huy thì lo cho tôi từng giây từng phút, và can đảm để nghe tôi nói, tôi kể, tôi đọc thơ suốt dọc đường đưa và đón… Lữ Kiều thì ngồi cạnh tôi, vẫn dáng dấp khoan hòa, thỉnh thoảng nói lên một vài ý‎ nghĩ về văn học nghệ thuật và sự trường cửu của nó. Nữ họa sĩ Thanh Hằng cũng vậy. Ít nói. Ít bàn. Chỉ lắng nghe. Chỉ nói với ông xã để Lữ Kiều cứ tấm tức nhắc nhở hoài một bài thơ trong Đá. Và Dung, hiền nội của Bùi Huy cũng vậy. Anh chị PXS đôi bạn không rời, luôn luôn có mặt. Rồi anh Lương Thư Trung, Lê Hoàng Viện, Trần Bang Thạch.. Họ đến. Và chỉ cần cái bắt tay thật chặt. Là đủ.
Tuổi già chỉ cần bấy nhiêu. Phải vậy không ?


Trần Hoài Thư

(Nguồn: TQBT số 85 phát hành tháng 7-2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading