Lời chũ Blog:
Mấy hôm nay, tôi miệt mài thực hiện dự án “Vấn Đề”, hầu một ngày nào đó tôi có thể upload lên mạng toàn bộ tạp chí Vấn Đề mà tôi đang lưu trử trong máy.
Tôi đã làm xong khoảng 15 tập trên tổng số 54 tập. Đặc biệt là tập 15, tôi lạnh mình trước một bài văn của Mai Thảo. Ở chiều sâu của tư tưởng, ở lối viết tài hoa của ông. Vì vậy, tôi đánh máy lại. xin được gởi đến quí bạn bài sau đây:
Mai Thảo
CON ĐƯỜNG QUA RỪNG
Những chùm lá trên đầu, dầy đặc, im phắc. Con đường nhỏ nằm dưới những chùm lá ẩm ước và tối thẳm. Tháng chín của rừng xanh biếc và đen. Tôi không nhìn thấy một phiến lá rụng nào. Mùa thu của rừng không vàng, không rơi, mà nín lặng, ngột ngạt dưới những mái lá kín mít tầng tầng dăng lưới, Tôi thở chung một nhịp thở của rừng, một nhịp thở quần và nặng, giữa vây bọc dồn ép của hơi rừng choáng váng. Rừng đang đồ mồ hôi trên muôn triệu lỗ chân lông đầm đìa. Mùa thu tới và rừng đang ngây ngất sốt. Tôi nghĩ là gần chỗ tôi đứng, đâu đó, phải có một giòng suối thật độc chảy qua. Nước suối lạnh tanh rùng rợn xương tuỷ, vần vần cái rữa nát tích lũy nhiều mùa của lá chết theo giòng. Thiên nhiên không chỉ có những phố sao và những đường hương. Thiên nhiên còn có những cống rãnh sinh thôi là những giống suối độc tôi đã gặp những năm nào ở cuối đáy Nho quan và buổi trưa mùa thu năm đó, trên một con đường rừng mất hút dưới một bóng núi Thanh Hóa.
Bỗng một tiếng động lạ tai nổi lên ở ngoài cửa rừng. Tiếng động của một khua gõ khờ khạo và khô cứng. Tiếng động của một thứ va chạm hụt hẫng dội đập loạng choạng thoạt đầu khởi lên ở thật xa rồi lớn và gần lại dần dần. Một phút sau tôi đã đứng trên một gò đất cao, và nhìn thấy trên con đường trãi đá người thương binh thứ nhất. Con đường ấy lượn quanh một quả đồi nhỏ. Người thương binh đầu đoàn chống nạng leo lên. Dừng lại. Và thở. Cái nạng gỗ vàng tươi màu gỗ mới kẹp chặt vào nách anh ta chống đỡ cho một đường vai gầy rủ liệt. Cái sự sống sượt được chống giữ cực nhọc cho đứng thẳng bởi một cây nạng cắm chặt trên đất rừng ấy vừa đứng lại, thì bóng người thương binh thứ hai từ sau quả đồi trọc hiện ra. Rồi người thứ ba. Người thứ tư. Trong khoảng khắc, tàn phế và thương tích thời chiến đã lần lượt hiện xong trước mắt tôi thành một hàng dài. Tới chỗ người thương binh thứ nhất đứng lại, cả đoàn người cùng đứng lại theo. Nạng gỗ ngừng khua cắm chi chít trên đoạn đường rừng đột ngột rơi chìm vào một bàng hoàng im lặng. Không bao giờ tôi quên được cái cảnh tượng lạ lùng đó. Đám người ấy không nói với nhau một lời nào. Họ cùng đứng đó, bên cạnh nhau, sát vai, sắt lưng, nạng kề nạng, nhưng không nói, cũng chẳng ai nhìn nhau hết. Họ đứng đó. và thở. Thở. Thở. Rừng rậm chấm dứt với con đường đi. Phía bên kia đường là một thứ thung lũng thấp trũng, phút đó đã mờ mờ hơi sương. Bên kia thung lũng những triền núi trùng điệp của Thạch Thành đã tím lại. Một vài tảng mây sau vài đỉnh núi. Cảnh tượng trời đất tháng chín vào chiều toát ra một vẻ gì ngưng đọng, mà lắng nhận lâu kỹ, thấy từng lớp dồn đánh vào cảm giác khẩn trương như những luồng điện ngầm dữ dội. Nhưng đám thương binh thì hình như xa lạ và cách biệt hoàn toàn với tạo vật sinh động quanh mình. Nhiều phút trôi qua. Những phút tròn và vút nhọn và cứng trôi từ đỉnh núi xa, đọng lại nơi khẳng khiu nghiêng đồ những cây nạng cắm chặt, lách đi và mất hút. Rồi cái tiếng động lạ tai lại nổi lên, một tiếng, thêm một tiếng, thành một rừng tiếng động què. Đám thương binh đã thở xong rồi. Họ thở bằng tỳ lên mạng. Họ thở bằng gục đầu xuống. Họ thở bằng mất một tay lìa một chân, mù cả hai mắt bịt băng, cụt cả một đùi treo hẫng. Nhưng họ thở. Tập thể. Và đã thở xong. Chiếc nạng gỗ thứ nhất nhấc lên, làm hiệu cho một rừng nạng loạng choạng dò tới. Tôi đứng chôn chân trên gò đất, nhìn cái rừng nạng di động trên con đường nối khuất lánh và tôi nghĩ đến một cánh rừng. Một cánh rừng quái đản, mỗi cây nạng vượt qua mặt tôi là một loài cây. Cái cây không rễ, không lá, trong khai sinh dị thường đã có mầm hủy diệt què cụt, mọc trên những vùng đất đai nhàu nát, tưới đẫm bằng máu và nước mắt lênh láng chan hòa trên Việt Nam chiến tranh. Cánh rừng kinh dị đó đang chuyền qua trước mặt tôi và buổi chiều mùa thu Thanh Hóa như chết cứng lại trong một xúc động bàng hoàng và đột ngột. Những đám mây treo hẫng trên những viền núi. Im lặng địu dàng của tháng chín giữa rừng mắt biến, nhường chỗ cho thứ âm thanh chất chứa đó là điệp điệp hàng hàng những tiếng nạng vật vã trên mặt đá đường rắn đanh. Đoàn người lầm lũi bước qua. Không một ai nhìn thấy tôi đứng nhìn trên gò đất. Người đầu đoàn đã tới cuối đường. Bờ vai anh ta gầy, manh áo nâu lả lay trên cánh tay cụt. Cái bóng dáng bất toàn của anh xa nhỏ dần dần trong bóng chiều xuống thấp. Rồi là anh thương binh cuối đoàn đi tới. Khuôn mặt anh thương binh cuối đoàn này ngửa lên như muốn hứng đón lấy cả một vùng trời mùa thu bát ngát trên đầu. Anh ta trẻ măng. Chừng mười bảy mười tám tuổi là cùng. Nét mặt hiền. Đôi mắt anh ta mở lớn. Cái nhìn vô tội ngơ ngác. Vừa tới trước mặt tôi, bỗng anh ta chúi đầu như muốn ngã xấp xuống. Cái nạng gỗ đã đặt nhầm vào một khoảng trũng, anh thương binh trẻ mất đà cố gắng gượng lấy lại một thế quân bình và cố gắng này làm cho anh ta nhắn mặt đau đớn. Giây phút đó, tôi mới nhìn thấy vết thương của anh ta. Một trái lựu đạn nào nổ ngang tầm đầu gối trên một chiến trường nào đã cưa đứt chân trái anh ta, cưa sát tới bẹn. Cái ống quần lủng lẳng, quét lết trên nền đá. vết thương còn nguyên. Máu thấm loang từ trên quần xuống tới gối, và những giọt máu nhỏ xuống mặt đá đường theo nhịp di chuyền của người.
Tôi bước vội từ trên gò đất xuống. Sau cố gắng phi thường người. thrơng binh trẻ tuổi chừng như không còn một mảy may sức lực nào nữa. Chừng như anh ta đã kiệt quệ hoàn toàn. Chừng như những giọt máu thắm hồng đời sống đang nhỏ ra từng giọt, từng giọt không ngừng kia đã nhỏ xuống không biết bao nhiêu sỏi đá dọc đường của một con đường không cùng không tận, và trên thước đường anh ta vừa đứng lại, cuộc sống trút thoát mong manh chỉ còn là cây nạng cắm nghiêng. Và cây nạng đó cũng sắp rời khỏi tay người, sắp văng đi.
Tôi đưa tay, vừa vặn đỡ kịp cái thân thể run rẩy muốn ngã vật xuống. Người thương binh trẻ tuổi há miệng thở dốc, mái tóc anh ta rũ rượi, ướt đẫm mồ hôi. Tôi nhẹ nhàng nhấc đầu nạng gỗ lên khỏi cái hố đá. Chiếc nạng đứng thẳng lại, đỡ người thương binh đứng thẳng được lên. Anh ta mở mắt, nhìn tôi. Và không nhìn thấy gì hết.
– Anh về đâu?
Một cái hất hàm trả lời tôi chỉ về một phía mịt mùng trước mặt. Tôi nhìn theo. Không một bóng nhà. Chỉ là con đường núi đá thẫm màu dưới dạng chiều xuống thấp mất hút về phía những triền núi tím thẫm. Đầy nhẹ tôi ra, người thương binh trẻ bước tiếp. Chiếc nạng nhấc lên, thận trọng dò tìm một mặt phẳng của con đường mà bóng núi và sương mù bắt đầu làm cho nhòa nhạt, Những tiếng nạng ném trả lại chỗ tôi đứng một lần nữa. Một lần cuối cùng. Những cái bóng mất dần cho đến khi tôi không còn nghe không còn nhìn thấy gì nữa. Đoàn thương binh hiện ra, tới gần, đi qua và mất hút, những hình ảnh và những âm thanh, những giọt máu trên đường, những chiếc nặng gỗ mới, những phất phơ tay cụt và những lả tả chân gẫy kia chỉ còn là một ấn tượng, một giấc mộng.
Lúc tôi trở về tới căn nhà sàn của gia đình anh chị Định ở phía bên kia của rừng, một đêm miền núi đã xuống. Căn nhà nằm ần dưới những hàng cây lớn. Tôi bước trên từng bực thang rung rinh. Vai áo tôi tự một lúc nào đã ướt đẫm sương mùa. Những giọt máu của người thương binh nhỏ trên đường đuổi theo ý nghĩ tôi, sáng rực thành từng điểm sáng chói gắt, long lanh trong đầu óc choáng váng, nhức buốt. Tôi đứng lại trên đầu thang, nhìn chung quanh. Lửa trong nhà sàn đã được thắp lên. Anh lửa lung linh lay tạt, ném cái bóng tối tan vỡ trên những chùm lá to bản buông rủ kín khắp một phía trước nhà sàn. Mịt mùng rừng và trùng điệp núi của cả một vùng Kim Tân Thạch Thành chìm hẳn vào một thứ đêm tối rậm rạp đặc quánh. Tôi lại thấy tôi thở chung trở lại với cái thứ hơi thở đó của rừng. Một thứ hơi thở quẫn và nặng.Sương xanh biếc khắp bốn phía. Căn nhà sàn như trôi nổi lập lờ trên một biển sương thấm lách vào rừng gốc cây, từng kẽ lá.
Chị Định ngồi thu mình vào một góc nhà. Anh lửa sàn vời múa trên những đường rắn và trên quầng mắt của khuôn mặt chị xanh như tàu lá. Từ ngày khởi chiến, chị Định đem gia đình tản cư khỏi căn nhà cổ của gia đình chị ở cuối đường Hàng Bông Thợ Ruộm trong Hà Nội tới sống những ngày tháng dấu lánh lủi thủi dưới bóng núi chùa Hương, rồi tản cư nữa, di chuyển nữa, cho tới khi tới vùng Kim Tân Thạch Thành, rất nhiều mùa thu hắt hiu của núi và thê lương của rừng đã phủ xuống mái tóc của người đàn bà thành phố nổi tiếng thanh lịch một thời. Tôi đeo bạc đà trên vai, đi cùng khắp những ngả đường, những lúc được tin gia đình chị Định ở đâu, lại tìm tới thăm chị và ở lại dưới mái nhà chị một vài ngày. Anh Định làm giám đốc một viện bào chế. Chị Định lặng lẽ theo chồng, theo cơ quan. Và xa dần mãi căn nhà của chị ở cuối đường Hàng Bông Thợ Ruộm.
– Em đi đâu về?
– Ra ngoài cửa rừng.
Tôi ngồi xuống, hơ tay trên ánh lửa. Mới tháng chín, mới dấy mưa phùn, mới chớm heo may, mà đêm mùa thu vây quanh một mái nhà sàn và ngoi lên từ một biển sương mù đã lạnh buốt. Tôi nhìn những ngón tay tôi. Những ngón tay gầy. Tôi nhìn cái bóng tôi và cái bóng chị Định trên vách, Những cái bóng đổ ngã giữa cùng thẳm của một cánh rừng lạ, một triền núi lạ. Hình ảnh của những người thương binh gục đầu trên mạng trở lại trong ý nghĩ. Tôi kểcho chị Định về những hình thù và những điệu dáng của thương tích què quặt và chiến tranh in dấu tôi vừa gặp trên một con đường đã trước của rừng.
Chị Định nhìn ngọn lửa:
– Họ từ khu ngoài vào.
– Chắc đã xảy ra nhiều trận đánh lớn.
– Phải. Nhiều trận đánh lớn.
Trên những địa hình Việt Nam, không có gì nữa. Chị còn những trận đánh lớn. Khuôn mặt trẻ thơ vô tội của người thương binh cuối đoàn nói cho tôi biết thật nhiều về thế nào là những trận đánh lớn đó.
Tôi hỏi :
– Thương binh phải bắt buộc về qua đây ?
– Phải. Nếu họ muốn tới bệnh viện. Muốn tới bệnh viện phải qua con đường ngoài cửa rừng này. Không có con đường nào khác.
– Bệnh viện chắc gần đây? Tôi hỏi.
– Tận phía cuối dãy núi. Chừng mười cây số.
Tôi không dằng được kêu lên:
– Mười cây số.
– Ít nhứt là thế. Sao ?
– Họ không thể nào tới được.
– Loại người nào sống được với chiến tranh đều trở thành một loại người phi thường. Chị ngày xưa, một bước một bước xe, giờ đi bộ mỗi một ngày ba mươi cây số. Em cũng vậy chứ. Những con người phi thường mới có được một sức chịu đựng không bờ bến. Đám thương binh ấy, hệt như những đám thương binh khác, cũng phải tới được bệnh viện của họ. Dù họ muốn sống. Dù họ muốn chết. Thôi, em đi ngủ.
Ảnh lửa tàn. Đêm thăm thẳm. Tôi sống một cảm giác rừng một cảm giác xanh biếc và đen. Hình ảnh một giòng suối độc. Dưới lá, một vực thẳm, giữa núi. Tôi nằm xuống, gối đầu lên bạc đà. Cái bóng tôi trên vách nhà sàn biến mất,
Giọng chị Định, lạnh, nhỏ, bay thật xa trong đêm rừng:
– Mai em đi ?
– Dạ. Sớm mai.
Sớm mai. Những sớm mai hắt hiu của những tháng chín buồn rầu. Những sớm mai lất phất mưa phùn của những mùa thu làm ngút tròng mắt, làm vút nỗi nhớ, những sớm mai của những tan vỡ nghe từ thân thề, những tiếng tan vỡ gọn và khô, với mùa thu giăng lưới trên đầu, mùa thu dịu dàng mà dữ dội, lững lờ mà ngây ngất, mùa thu như một giòng suối độc chảy,vần vần trong nó nỗi chết kia của những phiến lá rữ nát tích lũy nhiều mùa. Đêm rừng bắn bặt mà mở lớn hàn nghìn cặp mắt thao thức thầm lặng. Tôi nằm nhưng không ngủ.
Trong một góc nhà, thinh thoảng tiếng ho khan của chị Định lại nổi lên. Tiếng một hòn đá lăn trên một bờ đốc. Sương lan kín dưới chỗ tôi nằm. Căn nhà sàn bập bồng như một đời thuyền không có khởi hành. Trên mái một phiến lá chợt rụng. Rừng thánh thót những hình thái thả giọt to nhỏ không lường đoản, hình dáng. Của mưa. Của sương của bóng tối và của lá. Chiến tranh. Những trận đánh lớn. Từ một một khúc quanh kín.khuất của một con đường chạy men theo rừng già, người thương binh hiện ra. Một phiến đời sống khốn nạn treo ở đó, trên một đầu nạng mỏi. Tôi không tham dự một trận đánh lớn nào, nhưng tôi cũng đã là một thương binh. Và con đường đến một bệnh viện ở triền núi phía bên kia xa lắm. Như chị Định cho biết. Những mười cây số.
Buổi sáng mùa thu năm đó, tôi rời khỏi căn nhà sàn giữa vùng rừng núi Kim Tân Thạch Thành của gia đình chị Định để đi sâu thêm nữa và những vùng rừng núi khác của miền nam Trung phần. Sáng rừng lạnh buốt. Bóng tối đã tan nhưng sương mù còn kín đặc trên con đường nhỏ đưa tôi ra tới cửa rừng. Trận mưa phùn đêm qua vẫn còn kéo dài chưa dứt. Tôi đi theo hướng đi buổi chiều hôm trước của những người thương binh. Điều làm tôi lạ lùng là mười rồi mười lăm cây số, vẫn không có một bệnh viện nào hết. Tôi nhớ như thế. Chi là núi tiếp núi rừng tiếp rừng. Không có một bệnh viện nào hết.
MAI THẢO
(Vấn Đề số 15 tháng 10-1968)
31
30
29