Chủ nhật trong tiệm sách Mỹ

 

  1. Trưa nay lại tìm đến quán sách. Mang theo Laptop. Vào khu cà phê, thèm gọi lại cốc xây chừng mà uống những cánh bướm trắng ngày xưa trên con đường dẫn về trường Nữ. Thèm mấy chiếc ghế đẩu, trên đầu là bóng mát cổ thụ, lá ngâu vàng rụng vĩa hè, và những đứa bạn luân lạc giang hồ, cùng nhau chia mồi chung điếu thuốc.
    Thôi thì ôm lấy nỗi sầu ly hương mà gọi coffee au lait, please. Cô hàng Mỹ đen, tóc mới nhú, và đôi lông mày như hai con đỉa trâu, đen, đậm, no nê, hỏi: Ông muốn loại gì ? Lớn, trung bình, hay nhỏ. “Lớn”. Rồi chờ. Bây giờ ta là người bản xứ, hay tập thành người bản xứ. Hãy quên đừng mếu máo một thời tuổi trẻ. Dù lận đận, lao đao, dù trên đôi vai của tuổi trẻ là cả một định mệnh oan khiên, nhưng chính trong tăm tối ấy, người ta mới hiểu được thế nào là sợi khói tình thân. Thử hỏi, một nhà triệu phú mời bạn một bửa cơm, và một chút thịt nhường nhau trong ngày khốn khó, bạn nhớ gì? Có phải nỗi nhớ không còn khuấy động trong chuổi năm tháng 20 năm dài đã ngủ yên hay là một thoáng nào cô độc khiến ta phải chạnh lòng.
    Dù sao thì cũng phải viết. Cable đã gắn vào computer và ổ điện. Cốc cà phê sữa cho thấm miệng thấm môi. Ngón tay dù gần hai mươi năm đã chai mòn trên phiếm gõ, đau buốt cả khớp xương đầu trỏ ngón, cũng vẫn tìm theo hơi thở văn chương.
    Hơi thở văn chương. Lữ Kiều với bài Thử Bút đọc đến bồi hồi, và nghẹn. Cao Vị Khanh hỏi thăm Lữ Kiều là ai. Cô độc giả cũng viết thư hỏi về LK. Ngoài nước hỏi thăm trong nước. Trong nước cũng hỏi thăm người xa.
    Góc khu cà phê chỉ chiếm một khoảnh nhỏ trong nhà sách rộng bao la. Những chiếc bàn tròn, và những chiếc ghế tỉnh vật. Ngồi cạnh chỗ tường sơn màu đỏ gạch, treo những bức tranh của một nữ hoạ sĩ còn rất trẻ. Porello. Sinh ở Argentina, trang tiểu sử bắt đầu và cuối cùng là
    At present, Porello is living and working in New
    Jersey, enduring distance and homesickness…
    Trời ơi, giữa Argentina và New Jersey mà còn làm người nghệ sĩ quay quắt như vậy huống hồ gì xứ Mỹ và Việt Nam, hơn hai mươi năm xa xứ ?
    Một người đến từ Argentina, và một kẻ đến từ VN, hai kẻ cùng chung nỗi niềm cùng khoảng cách xa và nỗi nhớ nhà. Cô họa sĩ, cô được may mắn lắm. Bởi vì tranh của cô còn được người bản xứ nhìn và chiêm ngưỡng, còn tôi, một người viết văn đang lánh nạn trong chốn cô độc trần gian này.
    May mà tôi có bạn. Cám ơn bạn.

  2. Ban nhạc gồm hai người nghệ sĩ. Họ vừa đàn vừa hát. Người nghe chỉ vài người. Những chiếc bàn vắng lặng. Những cuốn sách ngủ yên. Am nhạc vẫn chảy theo từng nhịp thinh không. Ngày chủ nhật. Trời đẹp đầy ân lượng. Nắng không lớn lắm bên ngoài. Bầu trời mây u u. Bài hát nức nở. Giọng hát khàn. Slow. Hay folk song. Cám ơn nghệ thuật đã cho đời lên hương lên phấn. Cám ơn nỗi vui nỗi buồn nức nở rưng rưng đọng theo từng giọt nhỏ âm thanh quyện vào tim vào óc. Nghệ thuật. Phục vụ nhân sinh hay vị nhân sinh. Không cần thắc mắc. Không cần bận tâm. Chỉ biết ta đang ngây ngất. Chân ta đập theo. Tim ta cũng đập theo. Như theo một nhịp luân vũ. Mùa xuân.
    Cũng cám ơn chiếc Laptop nhẹ chưa đầy 4 lb này. Nó thay giấy. Nó thay lòng. Nó là vô tri nhưng nó không phải vô tri. Bởi những bit 1 và 0 đang quyện cùng ý nghĩ. Cùng hạnh phúc ta. Cùng hạnh phúc người.
    That you make me happy…
    Lời ca vang lên, oà vở cả khu cà phê. Và những bit 1 và 0 cũng đang nhảy múa.

 

Tôi hớp từng hớp cà phê nhỏ. Ngón tay đau buốt khi gõ vào bàn keyboard. Mặc. Bit 1 và 0 đang bắt tôi nhảy múa cùng chúng. Như hai chân của người nghệ sĩ đang dồn dập trên nền xi măng. Nghệ thuật. Tôi sẽ nói với em, tha thiết, và ngàn lần tha thiết môi hôn. Tôi sẽ kể với em, dịu dàng và ngàn lần dịu dàng như lòng người thánh nữ. Nước mắt thì cũng phải khô mà vị lệ sẽ thấm mãi. Tôi nói rằng, tôi đã đi xa, rất xa quê nhà, rất xa Việt Nam, rất xa bạn bè, nhưng lòng tôi đất dai thơm mùi cỏ mùi rau quế hung mùi ngò gai, mùi xả, mùi râm…
Em có biết là tôi bây giờ hạnh phúc bao nhiêu không.

Nhạc vẫn vang lên. Lời ca vẫn vang lên. Còn lại chỉ bốn người giữa khu hiu quạnh. Một cặp vợ chồng đã rời khỏi. Tôi bỗng buồn. Đời sống vẫn như vậy. Niềm vui muốn chia xẽ mà nỗi buồn lại cứ mông mênh.

%d