Thư Quán Bản Thảo số 83 tháng 1-2019 chủ đề: “10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận”

Sau nhiều tháng chuẩn bị, cuối cùng tạp chí TQBT với chủ đề “10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận” được thực hiện và bắt đầu khởi công in.
Đây là một số báo  tưởng niệm đầy đủ nhất, công phu nhất. Đầy đủ vì từ trước đến nay ít có ai, cá nhân hay tập thể  có thể làm nổi, cho dù họ có lòng đi nữa. Nếu có chăng, họ chỉ làm cho một hoặc hai người…Công phu vì chúng tôi phải mượn những microfilm, sách báo cũ, đánh máy lại (dù bằng hai ngón tay). Tiền bạc công sức đổ ra hơi nhiều. Nhưng mà không sao. Xem như là một trò chơi trong tuổi già xế bóng này.

Bạn xa:
Bạn hỏi tôi, vậy thì “ 10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận” chủ đề của số báo 83  này có gì đặc biệt?

Tôi xin trả lời: Có chứ.

Một Nghiêm Sỹ Tuấn, người y sĩ tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, với ba bài tiêu biểu 3 lãnh vực khác nhau. Một thuộc lãnh vực sáng tác. Một thuộc nhận định biên khảo. Và một thuộc dịch thuật. Ông thông thạo Đức Ngữ, dù trẻ nhưng bảo thủ.  Có một chuyện bên lề là khi sưu tập về tác giả Nghiêm Sỹ Tuấn, tôi may mắn có một người bạn đồng hành. Đó là nhà văn/ bác sĩ Ngô Thế Vinh. Chúng tôi đã chia nhau đánh máy bài vở. Cả hai chúng tôi đều chỉ gõ bằng hai ngón. Và tôi nói đùa là 4 ngón chúng ta họp lại gõ đại hồng chung để kêu cố bác sĩ Tuấn về hầu giúp chúng ta có được hình ảnh bài vở tư liệu về ông!

Và đây là một tấm hình quý giá của Nghiêm Sỹ Tuấn, chụp lúc ông là sinh viên y khoa năm cuối, để chúng ta thấy hình ảnh một ông đồ hơn là một sinh viên y khoa và sau này là trung úy y sĩ nhảy dù.
Rồi đến nhà thơ Trầm Kha – bút hiệu của cố đại úy hải quân Nguyễn văn Đồng, người nằm xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa. Chỉ có tạp chí này mới  sưu tập được 6 bài thơ quý hiếm của Trầm Kha – trong số có hai bài lục bát. Bạn sẽ có dịp đọc những câu mà hồn phách của Lục Bát và của ngôn ngữ như nhập vào từng chữ một cách diệu kỳ!Ví dụ 2 câu sau đây của Trầm Kha tôi rất tâm đắc:

Lưng ngàn tóc có xanh mây?
Em ơi! Áo phủ cho gầy thời gian!

 

  Rồi đến Nguyễn Phương Loan, người pháo thủ chết ở Pleime, thơ làm nhiều nhưng thơ bay vào cát bụi và hư vô. Tôi quen NPL, và từng ngưỡng mộ NPL qua những bài thơ mà tôi được đọc trước đây. Tôi muốn NPL có mặt trong số báo này. Vì NPL là một thi sĩ. Nhưng biết tìm thơ NPL ở đâu? Lục thư mục Cornell thấy họ có lưu trữ tạp chí Sóng số 1 xuất bản lúc NPL làm thơ ký tòa soạn. Mừng quá, vội làm thủ tục mượn qua Interlibrary loan, nhưng thư viện cho biết là có người khác đã mượn trước rồi! Nhưng may mắn tôi tìm được hai bài đăng trên báo Tình Thương!

Rồi một Doãn Dân, với giấc mơ tập truyện Bàn tay cho Yến. Anh mong được mấy ngày phép  để về  Saigon nhìn mặt mũi đứa con tinh thần của mình, nhưng giấc mơ ấy đã bị vụn vỡ tan tành cùng với thịt da banh ra như xác pháo trên đường Huế- Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. Thêm một lần Bàn tay cho Yến có mặt, để bạn thấy ngòi bút của người cựu sĩ quan sư đoàn 22 BB, được đổi về Saigon nhưng sau đó bị đày ra sư đoàn 3 ngoài Quảng Trị.

Một Song Linh, một sĩ quan của tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đã tìm được bài đầu tiên trong đời viết văn của anh và bài cuối cùng trước khi anh nằm xuống. Bài đầu đăng trên Sáng Tạo và bài cuối đăng trên Khởi Hành. Mặt khác có một bài viết của Tuấn Huy về cái chết của Song Linh rất cảm động. Tôi đã đánh máy bài này. Vừa gõ vừa rưng rưng.

Một Hoàng Yên Trang/ Trần Như Liên Phượng, một thầy giáo gầy guộc như lau sậy, vậy mà vẫn chấp nhận vào nơi gió cát, đầu quân vào đơn vị tác chiến. Không phải vì muốn trở thành người hùng, nhưng vì cái tiết tháo của kẻ sĩ! Và truyện “Lên Đường” chỉ gởi đến tòa soạn Văn Học hai ngày trước khi anh nằm xuống!
Rồi Hoài Lữ, Phan Huy Mộng, Dzũng Chinh, rồi Y Uyên…

bia blog

 

 

%d bloggers like this: