Người rừng trung quốc, người rừng việt nam

Lời chũ Blog:  Mấy hôm nay, tôi đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Nobel về văn chương 2000), bản dịch của Trà Nguyễn. Tôi nhận thấy nhà văn họ Cao đã chú tâm đên một nhân vật  là Người Rừng qua một số truyện.
Đọc để học hỏi. Nhưng đọc cũng để so sánh. Không phải chỉ ở Trung Quốc mới có NGƯỜI RỪNG, nhưng ở VN vẫn xuất hiện một loại NGƯỜI RỪNG “biến thể”. Bằng cớ  là từ một bản tin trên báo chí trong nước vào khoảng cuối năm 1998 cho hay
 chính quyền Quảng Ngãi mới đây vừa bắt giữ một người Rừng. Anh ta nguyên là một hạ sĩ quan thuộc tiểu đoàn 70 Biệt Động Quân Biên Phòng. Anh và hai người bạn vượt ngục vào năm 1979. Khi bị bắt, người lính VNCH, gốc Hré, đã không còn gì hết, trừ chiếc khố bằng vải rằn. Các phóng viên diễn tả anh như một người tiền sử nửa người nửa vượn. Anh ta rất khó khăn khi nói trở lại tiếng mẹ đẻ của mình… Anh chỉ hú lên những tiếng hú ai oán.

Chúng tôi xin post cả hai. Một từ Linh Sơn của Cao Hành Kiện. Một từ Mặc Niệm Chiến Tranh của Trần Hoài Thư.

 

 

CAO HÀNH KIỆN

NGƯỜI RỪNG
(trích từ Linh Sơn, bản dịch của Trà Nguyễn)

 

– Để tôi kể chuyện vui cho bạn nghe: Khi tham-gia một toán địa-chất được phái đi núi tìm vàng, chúng tôi đã bắt được một người rừng.
Tôi chận lời anh ta:
– Đừng có đùa ông bạn! Ông có thấy tận mắt không mà nói?
– Nếu thấy thì sao? Chúng tôi còn bắt giữ nó nữa! Lúc ấy chúng tôi đi dọc theo một triền núi để cắt đường đi tắt về lều trại trước khi trời tối. Một mảng rừng đã được đốt cháy để trồng bắp phía trước. Khi tiến đến gần, tôi thấy có vật gì động đậy. Cả toán đều thấy một con thú hoang đang di-chuyển trong rẫy bắp. Chúng tôi có mang súng để giữ an-toàn trong núi. Trưởng toán nói nó có thể là một con gấu đen hay một con heo rừng, con nào cũng tốt. Nếu không tìm được vàng, ít nhất chúng ta cũng có thịt để ăn! Nghĩ như thế có lý, chúng tôi chia toán ra đến bao vây con vật. Nghe tiếng động, con thú bỏ chạy vào mé rừng. Lúc ấy vào khoảng ba giờ chiều, mặt trời đã ngã về hướng Tây nhưng hãy còn quá sáng. Con vật chạy, tôi thấy đầu hắn nhấp nhô giữa những trái bắp, rõ ràng là một người rừng rú tóc dài tới vai. Tất cả mọi người đều thấy và ai cũng la to “Ngươì rừng! Người rừng! Đừng để nó chạy thoát!“ Tiếng súng shotgun nổ trước, rồi tiếng súng nhỏ đi kèm theo sau. Lội suốt ngày qua đèo qua suối rục chân chưa có dịp nổ súng nên mạnh ai người ấy tha hồ bắn. Chúng tôi sống-động vô cùng, vừa chạy vừa bắn, vừa hô to như đang dự một trận giặc. Sau khi vây hãm chúng tôi ra lịnh cho nó bước ra khỏi rẫy bắp. Dưới ánh nắng, ai cũng thấy nó trần truồng thật tội nghiệp. Nó giơ tay đầu hàng rồi quì xuống đất. Tôi thấy rõ cặp mắt kính còn dính trên đầu do sợi dây thun cột hai chiếc gọng lại với nhau. Tròng kính đã mờ như tấm gương bị ám hơi nước.
– Mày dựng chuyện đấy hả thằng ôn?
Từ trong buồng, vợ hắn không ngủ được, vọt miệng ra hỏi:
– Tất cả chuyện đó xảy ra thật vậy sao?
Hắn trả lời tỉnh bơ :
– Nếu dựng chuyện, tao không dựng hay bằng mày, vì mày là một tiểu-thuyết gia.
Tôi nói vọng vào trong:
– Anh chàng này quả thật là một người kể chuyện có duyên chị ạ! Ngày xưa không ai qua mặt nó về tài kể chuyên. Một khi hắn bắt đầu kể, ai cũng phải lắng nghe. Nhưng chẳng may, câu chuyện hắn viết ra đã bị kết án trước khi được xuất-bản. Tôi thật lấy làm tiếc cho anh.
– Anh ấy chỉ nói nhiều như vậy vì sự có mặt của anh ở đây. Bình thường anh không bao giờ nói quá một câu.
Anh ta quay sang nói với vợ :
– Thì bây giờ bà nghe cho đã đi! – Nói xong anh ta hớp miếng rượu rồi nghỉ xả hơi để kể tiếp.
“Họ đến gần lột cặp kính và chĩa súng vào hắn nạt lớn. Nếu là người, tại sao anh bỏ chạy? Hắn lắc đầu lia lịa và nói một tràng tiếng gì nghe không hiểu được. Tức quá, có một người chĩa súng thẳng vô đầu anh ta doạ: nếu mày còn làm vậy, tao sẽ nổ súng. Đến lúc đó anh ta mới khóc và nói anh đã trốn từ trại lao-động, rất sợ bị bắt trở về. Chúng tôi hỏi anh phạm tội gì? Hắn bảo là phần-tử hữu-khuynh. Một người đàn ông hỏi phong-trào khuynh hữu xảy ra nằm nào? Người ta đã thay đổi quyết-định từ lâu, tại sao anh không chịu trở về? Anh ta bảo gia-đình rất sợ anh trở về nên phải trốn lánh trong núi. Người khác hỏi quê quán ở đâu thì anh ta trả lời là Thượng Hải. Có người hỏi lớn: gia-đình anh sống mập rửng mỡ ra, tại sao họ không nhận anh trở về? Anh bảo họ sợ bị liên-lụy. Người đó nói: liên-lụy cái đách khỉ gì, những phần-tử hữu khuynh đã nhận bồi-thường, cộng thêm số tiền trả phụ trội khá lớn. Bây giờ gia-đình nào cũng ước có con là phần-tử hữu khuynh cả! Rồi họ lại hỏi anh ta có mang chứng bệnh tâm-thần nào không. Anh trả lời chẳng bệnh hoạn gì cả, chỉ có điều là bị cận-thị quá nặng! Cả toán chúng tôi, ai cũng cảm thấy một sự khôi-hài tột độ“
Kể đến đó vợ anh bạn tếu của tôi cười ầm trong phòng ngủ:
– Chính anh là đồ quỷ! Chỉ có anh mới kể được một câu chuyện như vậy!
Tôi cũng không nín cười được. Đã lâu lắm rồi tôi chưa có được một lần vui như đêm nay!

(Trich Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Bản dịch: Trà Nguyễn)

Trần Hoài Thư

Người rừng

Suốt một ngày chúng tôi mới di chuyển khoảng chừng bốn cây số. Người dẫn đường, từng tự hào một thời là lính trinh sát Bắc Việt, trở nên buồn bã thấy rõ. Nỗi ngậm ngùi đọng trên ánh mắt lời nói, dáng bộ của hắn. Mỗi lần hắn dẫn chúng tôi qua một khu vục đầy hoa dại, thì hắn lại nhắc đến những xác bạn bè và đồng chí cũ. Tôi cũng vậy, không có khác gì hắn đâu. Tôi cũng có những thằng bạn bị bỏ rơi, hay thất lạc, hay bị giết, tại chiến trường này. Chúng tôi trở lại chiến trường xưa, trong lòng mỗi thằng một tâm tư khác nhau, nhưng chung qui, vẫn là nỗi kinh hoàng còn ám ảnh từ một cuộc chiến. Chúng tôi qua đây, mới thấm thía được hai chữ phù du của kiếp người trong chiến tranh. Chiến tranh ở cùng khắp. Ngay tại một nơi heo hút như thế này, nó cũng đã có mặt. Mà sao hoa lại rộ nở cả một vùng mênh mông như thế này. Hoa cúc, hoa quì, một màu vàng rực như tấm thảm vĩ đại. Hay là Thượng Đế vì động lòng những người trẻ tuổi chết trong oan nghiệt nên đã tạo riêng một nghĩa địa hoa.

Vâng, tôi đang trở về chốn cũ. Tôi trở về nhưng không phải là vị trí của một tên lính thám báo ngày nào. Nhưng về để nhìn lại đại ngàn, nhớ bạn bè đã chiến đấu cô đơn và cũng đã chết trong câm nín tức tưởi.

oOo

Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân đến khu rừng mà ông tư lệnh quân đoàn CS Hoàng Minh Thảo đã một lần  quả quyết là có sự xuất hiện của người rừng.

Người hướng dẫn chỉ tay về phía Tây, nói: Đây là vùng tam biên, nơi giáp ranh ba nước Việt Kampuchia và Lào. Ở đây, ngày xưa, bộ đội chúng tôi đã dừng lại trước khi xuống miền Quảng Ngãi, hoặc về Kontum, Pleiku. Bề kính trên trăm ki lô mét, đầy đường mòn, và những hố bom do B52 trải thảm trước năm 1973.  Phía ông tư lệnh nói là phía sâu vào nội địa Lào…Bởi vậy, xin các ngài hãy cẩn thận khi bước đi. Tuyệt đối tránh đụng chạm đến những vật bằng thép, có thể là những ngòi nổ chậm còn sót…

Tôi dịch lại tiếng Anh cho tiến sĩ Mano và tiến sĩ Kenny.  Rồi chúng tôi cùng nhìn về hướng người dẫn đường chỉ. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp thấy lại những cánh rừng già bạt ngàn như thế. Cả một màu xanh thẩm, mờ nhạt in trên nền trời mây xám đục, che khuất cả một đường chân trời. Lâu lắm tôi mới bắt gặp những ngọn núi chạm trời, mây trắng như những đàn cừu trở về chuồng, chạm mình trên những đỉnh cao như đụng phải trời. Lâu lắm, tôi mới trở lại một nơi mà ngày xưa, tôi đã từng có mặt cùng bao nhiêu âu lo, kinh hãi. Nhìn thấy nó êm ả, tịch lặng như thế, nhưng thật sự không phải như vậy. Những cây cổ thụ thuộc loại quí hiếm như sao, trắc bá, mun, cẩm lai… cao ngất, thân to bằng cả hai người ôm không xuể, những sợi dây leo chằng chịt rủ xuống, hay bò trên đất như những con trăn u thịt, những đụn gò mối, những tiếng chim kêu thảng thốt vang dậy, những con suối đen ngòm, do từ rong rêu hay lá mục lâu ngày, mà khi lội qua, chúng tôi phải run lên cầm cập, không hiểu vì muỗi rừng, hay vì nước thiếu ánh mặt trời, chất chứa bao nhiêu âm khí độc địa như từ thiên cổ, hay những rừng lá thấp, che khuất cả đất đá không thấy một vết chân người. Lạc vào trong đó, khó mà tìm thấy hướng. Những tàn lá cổ thụ chất chồng nhau, xếp trên xếp dưới, che cả tầm mắt, có khoảng ánh sáng không thể xuyên, như thể chìm ngập trong bóng tối. Ngoài ra, sương mù che phủ dầy dặc. Người ta muốn nhìn hướng phải trèo lên chóp cây, cao đến mấy mươi thước. Thân cây mọc lên san sát, bên những bụi gai um tùm, những sợi dây leo chằng chịt cùng những hốc đá âm u, tất cả toát ra một vẽ thần linh đến lạnh mình. Đó là nơi mà ngày xưa người ta thả chúng tôi xuống, rình mò, để lấy những tin tức từ các đơn vị mới xâm nhập. Chúng tôi phải tự đối phó trong cô đơn. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào địa bàn hay máy truyền tin liên lạc. Dù vậy, nơi đây, cách hai ba cây số, bìa rừng vẫn còn bãi để trực thăng đáp. Còn  ở phía Tây kia, chắc rừng còn hung bạo đến mức nào. Qua ống nhòm tôi không thể nhận ra một khoảng nào trống trải, hay thưa thớt để gọi là rừng non, rừng thưa, hay rừng cỏ tranh. Trái lại, chỉ là những cánh rừng già nguyên sơ tiếp nhau như trải dài bất tận .Ở đó máy bay khó lòng nhìn thấy những gì phía dưới màu xanh bạt trùng bất tận.

Tôi hỏi người dẫn đường:

– Anh có bao giờ đến đấy chưa.

– Thưa ngài, chưa. Theo tôi biết, không ai dám vào những khu rừng đấy cả.

– Tại sao?

– Tôi đã nói mà. Chính đại tướng Hoàng Minh Thảo của chúng tôi cũng đã từng đề cập vào năm 1974 mà.

– Tại vì có người rừng, phải không ?

– Vâng. Chúng tôi sợ họ thật sự. Bộ đội chúng tôi đồn nhau, họ là thần linh, họ có mặt cả ngàn năm, không ai có thể tiêu diệt họ được.

– Bộ đội các anh lại tin thần linh sao ?

-Tại sao lại không? Trong chiến tranh, người ta chết nhiều quá. Cả rừng đầy ngập oan hồn. Ngài thấy không, cái bãi trống đầy hoa dại vàng rực kia, trước đây là cả một bãi mồ. Chúng tôi nhớ có những lần phải đạp trên những lối lót đầy xương người mà đi. Còn nữa…

Giọng nói của hắn ràn rụa xúc động:

– Còn những toán thám báo biệt kích của ngụy lúc nào cũng có mặt bên chúng tôi không rời. Mỗi khi chúng phát giác chúng tôi, chúng kêu pháo đài bay B52 bay đến trải thảm. Có khi cả tiểu đoàn không còn một người sống sót.

– Thì đổi lại, các ông cũng đuổi Mỹ cút ngụy nhào.

Tôi trả lời, chua chát. Nhưng tôi hiểu tôi hơi tàn nhẫn. Đáng lẽ tôi sẽ không nói những lời như thế. Với cương vị một người sinh viên tiến sĩ về nhân chủng học, tôi phải dành mọi nỗ lực để tìm tòi, khảo cứu cho dự án ra trường của tôi. Tôi phải cúi đầu, và có thể nuốt cay đắng nếu hắn vô tình xúc phạm đến hàng ngũ mà một thời tôi đã có mặt. Sự thật, qua lời thú nhận của hắn, hắn cũng như tôi. Chiến tranh như một cơn mộng dữ. Bạn bè hắn cũng như bạn bè tôi, hôm qua đã nằm ở đấy, vô danh, lạnh lẽo, trong khi những tên bán buôn chiến tranh xương máu tuổi trẻ đang ung dung hưởng thụ vàng son danh vọng trong những cấm đình hay nơi ngoại quốc.

Tôi lại dịch cho hai ông bạn cùng nhóm. Ông ta gật đầu có vẽ ngạc nhiên trước những lời tiết lộ của người hướng dẫn.

Tuy nhiên, họ cũng như tôi đều có một công việc chung phải làm. Không phải số tiền đóng góp của hội viên thuộc Hội Bảo Vệ Người Rừng dùng cho nỗi buồn  xương cốt này. Chúng tôi bằng mọi giá phải đến những cánh rừng phía nằm sâu trong vùng đất Lào. Chúng tôi phải có bổn phận tìm kiếm một giống sinh vật quí hiếm nhất còn sót lại trên địa cầu. Đó là Forest people, một họ của Hairy Hominids, được gọi chung là Bigfoot. Liệu giống loại nửa người nửa khỉ đột này còn tồn tại không. Liệu những tài liệu, những bản tin liên quan đến những “người tuyết”, “người vượn”, là sự thật hay không. Từ lâu nay, người ta bàn tán hơi nhiều, thậm chí trên truyền hình, người ta còn đưa ra hình ảnh chụp người rừng, trong những chương trình Unsolved Mistery. Tuy vậy, những cố gắng vẫn không thể chứng minh được sự có mặt của giống loại bigfoot, như lời phát biểu của ông Richard Greenwell, chủ tịch Cơ quan quốc tế khảo sát giống người Rừng:

Vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, tôi mạnh mẽ tin có người Rừng sau khi đánh giá và đọc các bản tin tức.  Vào những ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, tôi cho chuyện người Rừng là vô lý. Vào những ngày Chủ nhật, tôi nghỉ.

Bởi vậy, sau khi có tin ở Việt Nam,  một giáo sư đại học đã chụp được hình những dấu chân khác thường, giống như bàn chân người, nhưng to lớn hơn, để chứng tỏ rằng có một giống vật tiền sử vẫn còn sót lại trong những rừng già, chúng tôi đã tức tốc xin ngân khoản của  cơ quan bảo vệ giống vật hiếm quí trên thế giới, và nhiều tổ chức tư nhân hay tôn giáo để bảo trợ chương trình khảo sát của chúng tôi. Họ rất sốt sắng, thứ nhất, sau khi họ nghe tin ở bên Trung Hoa lục địa, người ta đổ xô đi tìm bắt người rừng để lảnh thưởng. Họ lưu tâm đến sự tuyệt chủng của một chủng loại mà đến bây giờ nhà khoa học vẫn không thể tìm ra hay xếp hạng người hay vượn.

Và nhóm chúng tôi lên đường cách đây một tuần lể như thể một cuộc ra quân. Những dụng cụ khoa học hiện đại nhất như máy cảm nhận hơi người, máy chụp hình bằng tia laser, máy quay phim, máy truyền tin, cả trực thăng nếu cần, đều được trang bị. Riêng cá nhân tôi, tôi đã hy sinh bỏ công việc hiện tại, để tình nguyện làm một kẻ thông dịch. Hai tiến sĩ của nhóm, một trưởng đoàn, một phó trưởng đoàn đều là giáo sư đỡ đầu cho luận án ra trường của tôi, dĩ nhiên họ rất vui mừng và khuyến khích tôi không ít.  Làm sao họ hiểu được tận cùng bề sâu thẩm của lòng tôi, là tôi không thể để một ngày nào đó, đất nước tôi không còn một cái gì hết. Bây giờ, không phải là thời chiến tranh, nhưng từ rừng xuống biển, tài nguyên quí giá nhất của  quốc gia đã càng ngày càng vơi cạn. Những kẻ chiến thắng đang điên cuồng tận hưởng sau những năm gian khổ trong rừng, nơi bưng biền. Bây giờ là lúc họ hiểu thế nào là mãnh lực đồng tiền. Lại thêm những tay con buôn Đài Loan, Nhật, Hồng Kông, Tân Gia Ba… đang đứng ngoài cửa, sẵn sàng bỏ tiền ra, để gom góp hết những gì quí giá nhất, hiếm hoi nhất mà mang về nước. Ngay cả những con sếu, giống hạc hiếm nhất của quả đất, trở về vùng Đồng Tháp Mười sau khi chiến tranh chấm dứt, cũng lại thêm một lần phải bỏ mà đi tìm chỗ trú ẩn… Dự án khu bảo vệ sếu phải bỏ ngang bởi vì những hồ ao nuôi cá trong khu vực bị vét không còn một con cá lòng tong. Một đất nước mà ngay cả Rùa Thần trong Hồ Hoàn Kiếm còn có thể bị bắt mang đi bán bất cứ lúc nào, thì nói gì đến giống sếu hay Người Rừng hiếm hoi này.

Bởi vậy, chúng tôi phải góp một tay để bảo vệ giống người tiền sử. Chúng tôi phải báo động lên Liên Hiệp Quốc, cùng các nhà lãnh đạo trên thế giới. Chúng tôi phải thuyết phục họ lập một khu an toàn riêng, chẳng những là tài sản của quốc gia, nhưng còn là tài sản chung của cả nhân loại.

Năm ngày đầu tiên khi đến Việt Nam quả hết sức bận rộn cho chúng tôi. Phải gặp các viên chức trung ương, rồi địa phương, phải trao đổi ý kiến với các nhà khoa học Việt Nam, phải đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến người rừng, phải đi phỏng vấn một số dân thiểu số. Dù vậy, chứng liệu vẫn còn mơ hồ. Bởi khi nói đến Người Rừng, người ta chỉ nói đến những huyền thoại như chuyện ma cổ mà tôi đã từng đọc trong tiểu thuyết của Lan Khai hay Thế Lữ ngày trước. Họ nói đến chuyện một người bị lạc vào rừng, và bị một đàn khỉ đột bắt và con vượn cái – một chúa đầu đàn – bắt làm chồng. Họ nói về những tiếng hú lanh lãnh suốt đêm nghe từ xa lắm, và tiếng cây rung chuyển, lá rụng đầy, dù chẳng có một cơn mưa hay gió bão có mặt trên vùng. Một người lính phục viên cũng nhắc lại, anh đã nghe cả tiếng Sát trong đêm khi đơn vị anh đóng quân dưới một cánh rừng già. Không phải một mình anh nghe mà nhiều người cũng nghe như anh.

Chỉ có bức hình chụp dấu chân người của một chuyên gia đại học mới là một chứng cớ có thể tin được. Bàn chân quá kích thước của bàn chân người. Những ngón chân ấn in trên nền đất rõ nét, rồi mất hẵn về phía Tây. Chính bức hình này đã khiến chúng tôi phải lặn lội tìm đến, hôm nay.

oOo

Đêm ấy chúng tôi đóng trại bên con suối. Nhìn bản đồ, không nhận ra nó, nhưng rõ ràng nó là một chướng ngại cho cuộc hành trình của người muốn qua phía bên phần đất Lào. Nước chảy xiết, vang dội ầm ầm vào vách đá phía xa. Không, đúng ra nó là một ngọn thác. Không biết nó bắt nguồn từ đâu và chấm dứt từ đâu. Chúng tôi phải mang áo ấm, vì gió và sương lạnh. Hai ông tiến sĩ đã lo lắng không ít trước khung cảnh lạ lẩm. Các ông thoa thuốc trừ muỗi đầy mình, lại chụp cả cái mùng trùm đầu. Riêng tôi thì quá quen thuộc với những đêm ngủ bờ ngủ bụi như thế này. Từng là một người lính scout ranger, tôi đã trải qua nhiều đêm trong rừng, biết phân biệt thế nào là tiếng động của chân người hay của loài thú, biết chỗ nào an toàn nhất khi muốn dừng chân qua đêm. Chúng tôi phải ôm tim ôm ngực chui rúc trong bụi trong lùm, sợ cả dấu chân của chính mình. Chúng tôi phải tự bảo vệ cho nhau. Như vậy mà nhà văn Bảo Ninh trong Nỗi Buồn Chiến Tranh lại kể lại lời của viên trung úy ngụy toán trưởng toán thám báo xâm nhập mật khu bắt 3 chị nuôi dẫn ra sông trấn nước, rồi trả lời tỉnh bơ:”Ba nhứ ủó, trợnh quỷ anh, tửi nọy lọm thẩt cựng họ bô rắi. M¤y nhứ khóc quô trấi”… Như vậy mà bà Dương Thu Hương trong Tiểu thuyết Vô đề lại tả  những miếng thịt vú, cửa mình của các chị nuôi bị thám báo xẻo cắt nằm vương vãi trong rừng. Téi vũc cô hắn, g£p sôu côi xôc truắng, xôc ủọn bọ, vự vọ cĩa mợnh bẩ xỡo nờm vung vồi khàp ủôm cứ xung quanh….Cýng có thã hừ ủi kiªm mỗng…rắi v¤p bừn thôm bôo. Chựng ủồ hiªp côc cô tọn bÕo trõéc khi giªt.”  Cứ như lính ngụy chỉ biết ghiền hãm hiếp, lắt xẻo các phần kín của phụ nữ làm thú vui. Như vậy mà mấy tay phê bình Việt Nam và Mỹ lại tung hô là tác phẩm chiến tranh trung thực.

Thôi, đừng tức giận nữa. Được làm vua thua làm giặc.  Chỉ có một điều, là bây giờ, không còn địch để ta phải bận tâm. Nếu có là những loài thú rừng như cọp, beo, trăn, rắn… Nhất là cọp. Ở xứ này, cọp có tiếng có bộ da đẹp nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, cũng vì có tiếng, nên chúng cũng hầu như tuyệt giống. Súng đạn ngày xưa dùng để giết người, bây giờ, dư thừa, dùng để giết thú kiếm tiền, tiện lợi nhất. Có phải vậy không?

Chúng tôi đã đốt lên bếp lửa. Máy nghe tiếng động và cảm nhận hơi người cũng bắt đầu làm việc. Vầng trăng đã nhô lên, tròn vằng vặc. Tiếng nước chảy xiết nghe rỏ mồn một. ?nh trăng làm một khúc suối sáng loáng như giát bạc. Lâu lắm rồi, dễ chừng hai mươi lăm năm, tôi mới được dịp ngồi lại chiêm ngưỡng một đêm trong rừng mà không còn phải để trí não căng thẳng tột cùng. Tôi lại nhớ đến người con gái Thượng nào đã tắm chung cùng tôi trong một đêm trăng xa xưa. Cả thân hình của nàng lồ lộ ngực vú. Bây giờ nàng ở đâu. Tôi đốt thuốc và rưng rưng cùng kỷ niệm. Kỷ niệm với bạn bè, đồng đội. Kỷ niệm với rừng núi. Kỷ niệm với tuổi trẻ lao lung.  Cũng trái giang, trái măng để làm thức ăn tạm trong ngày hết lương thực. Một thời đó gian khổ lắm…Mà hôm nay tôi trở về, âm thầm dấu tông dấu tích.

Người dẫn đường ngồi bên tôi. Tôi mời hắn điếu thuốc. Tôi lại nghe hắn kể về cuộc vượt Trường Sơn, với những đơn vị bị xóa tên, và nỗi kinh hoàng khi từng đoàn B52 xuất hiện.  Những hoài niệm của hắn đầy buồn bã. “Ngày xưa, tôi thấy những bãi hoa rừng như thế, và bây giờ, chúng vẫn như xưa.  Có lẽ tươi tốt hơn là đằng khác. Các đồng chí của tôi nằm xuống, yên lặng, tức tưởi như thế đó”… “Thú thật với ngài, lâu lắm tôi không dám ăn loại cá trê. Cứ nghĩ đến cảnh chúng thi nhau rỉa thịt người trong những hố bom…” Hắn còn kể về những người bạn của hắn đào ngũ trong chiến tranh. “Ngài không biết, tôi có một đứa bạn rất thân. Nó đào ngũ sau khi  đơn vị bị trúng bom. ”

Người dẫn đường run đôi vai, giọng buồn buồn: “Tôi hiểu là những người B Quay này chỉ còn cách là trốn trong rừng già. Bởi vì họ không bao giờ dám trở lại Bắc. Nếu mà họ bị bắt, hoặc là họ sẽ bị xử tử hay là bị chết rục trong trại cải tạo. Không biết đến bây giờ họ có nghe chiến tranh chấm dứt chưa?”

oOo

Khoảng hai giờ sáng tôi tự dưng thức giấc. Tôi không thể ngủ được. Sương bốc lai láng trên mặt suối, hòa lẫn cùng ánh trăng, như làm cả khung cảnh phải chìm ngập trong một giòng sữa bạc. Tiếng dội của thác từ xa, vọng về càng rõ. Hàng đàn muỗi rừng li ti trong ánh trăng kêu vo ve. Vâng, cũng con suối như thế này, tuyệt vời như thế, nên thơ như thế, nhưng, nó chính là giòng nước tai họa, đánh gục chúng tôi khi chúng tôi lội qua. Tôi nhớ đến thằng bạn đã dìu tôi đi, có khi cõng tôi, để cố trở lại điểm hẹn. Tôi nhớ…

…Và có lẽ mắt tôi hoa lên rồi. Rõ ràng trước mắt tôi, bên kia bờ suối, một đám dã thú đang hiện mập mờ. Trong sương và trong ánh trăng, chúng như những dã nhân với thân hình đầy lông lá. Tóc phủ dài đến tận mông. Và râu chúng tua tủa. Có con thật cao lớn như Mỹ. Có con nhỏ và thấp như người Việt Nam bình thường. Mỗi con đều mang khố vải. Loại vải rằn Biệt động quân, hay màu tro xám của phi công hay cả vải màu nylong xanh bộ đội Bắc Việt. Chúng đứng sắp hàng như một đội quân tập họp. Sau đó chúng vừa đập loạn xạ vào ngực chúng.

Tôi chạy đến lều gọi hai ông tiến sĩ trưởng đoàn và phó trưởng đoàn. Họ cùng chạy ra bờ. Nhưng họ không thấy gì. Chỉ có chăng là một giòng trăng và tiếng ầm ầm của dòng thác từ xa dội về. Chỉ có chăng là những thân  đại thụ vươn lên như hàng quân bên kia bờ suối. Họ ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi cố gắng thuyết phục họ, nhưng họ vẫn không tin. Ông Mano ái ngại dùm tôi:

Xem chừng anh bị bệnh rồi đấy.

Có thật vậy không. Suốt cả nửa tháng, đoàn cũng không thể tìm ra dấu vết người rừng. Đại ngàn này quá thâm sâu, quá man dã, và quá sức bí ẩn, để chúng tôi không thể nghĩ là công trình sẽ được hoàn thành trong một tháng công tác. May ra cả 6 tháng, công trình mới khả dĩ có chút triển vọng.

Bây giờ chúng tôi phải trả lại niềm bí ẩn về lại cho rừng. Và như vậy, những câu hỏi lại tiếp tục như ông chủ tịch Cơ quan quốc tế khảo sát về Người Rừng:

Vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, tôi mạnh mẽ tin có người Rừng sau khi đánh giá và đọc các bản tin tức.  Vào những ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, tôi cho chuyện người Rừng là  vô lý. Vào những ngày Chủ nhật, tôi nghỉ.

oOo

Cách đây không lâu, vào cuối năm 1998,  tôi được đọc một bản tin ngắn đánh đi từ trong nước. Bản tin ấy cho hay chính quyền Quảng Ngãi mới đây vừa bắt giữ một người Rừng. Anh ta nguyên là một hạ sĩ quan thuộc tiểu đoàn 70 Biệt Động Quân Biên Phòng. Anh và hai người bạn vượt ngục vào năm 1979. Khi bị bắt, người lính VNCH, gốc Hré, đã không còn gì hết, trừ chiếc khố bằng vải rằn. Các phóng viên diễn tả anh như một người tiền sử nửa người nửa vượn. Anh ta rất khó khăn khi nói trở lại tiếng mẹ đẻ của mình… Anh chỉ hú lên những tiếng hú ai oán.

Quả thật vậy không? Nhưng làm sao tôi có thể thuyết phục được hai vị tiến sĩ, giáo sư của tôi về một sự xuất hiện của một chủng loại người rừng mới, chỉ có mặt tại Việt Nam.

(trích Mặc Niệm Chiến Tranh)

 

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading