Trên tạp chí Văn Nghệ số 15 tháng 5 năm 1962 có một truyện ngắn của Yên Chi mang tên là Ảo Tượng, đã làm tôi phải bàng hoàng vì văn tài của tác giả. Chẳng những ở văn phong trong sáng mà còn ở cái tài năng khi mỗ xẻ nội tâm chẳng khác một nhà phân tâm học thượng thặng. Nhất là tác giả đã nói về một bệnh lý thuộc về não bộ thần kinh:
Phía sau tôi, trong kiếng, tôi có thể thấy cả phòng ngủ phản chiếu vào trong kiếng như thường lệ; chiếc giường của tôi, tấm ảnh bán thân của chị Thúy, và cả chiếc áo tôi mới thay ra để trên giường vẫn được phản chiếu rõ ràng. Mọi vật đều có thể nhìn thấy trong kiếng. Chỉ trừ có khuôn mặt của tôi. Chỗ mà thay vì tôi phải thấy khuôn mặt của chính tôi, tôi chỉ thấy hư vô. Không có gì cả. Không mặt, không người, không tay, không có lối trong kiếng. Tôi nghiêng qua nghiêng lại nhiều cách để nhìn vào kiếng, nhưng vô hiệu. Tôi không thấy tôi. Tôi cúi sát mặt vào kiếng củng chỉ thấy hơi thở của tôi đọng lại như sương mờ mờ trong kiếng. Hình tôi không được phản chiếu trong kính. Tôi không có mặt tại đây
(Yên Chi – Ảo Tượng, Văn Nghệ số 15 tháng 5 năm 1962)
Truyện được chọn vào Bộ Văn Miền Nam (tập 3) Thư Ấn Quán xuất bản vào năm 2009. .
Chỉ tiếc là cái bút danh Yên Chi xuất hiện quá ít. Tôi không hiểu sao một nhà văn đầy đủ phong độ như vậy lại chỉ xuất hiện một lần, vào năm 1962. Sau đó không còn thấy xuất hiện nữa.
Mãi đến năm 1965, Lá Bối xuất bản tập truyện nhiều tác giả mang tên là Ảo Tượng, thì tôi mới biết Nhất Hạnh chính là Yên Chi. Như vậy, bút hiệu Yên Chi đã bị chính Nhất Hạnh đảo chánh, truát phế. Cho dù nội dung của truyện chẳng mang chút gì của tư tưởng Phật Giáo mà là ý niệm về hư vô, không lốt thoát, không lời giải:
…Câu chuyện của tôi chấm dứt ngang đây. Đã sáu tháng qua tôi chẳng thấy có gì lạ. Tôi vẫn sống với anh tôi, và với cháu. Nhưng không buổi tối nào trước khi đi ngủ mà tôi lại không tự hỏi rằng ngày mai tôi có còn sống không, còn được nấu cho anh tôi ăn không, nếu ngày mai có chuyện gì xảy ra, thì người viết tiếp câu chuyện này cố nhiên không phải là tôi. Tôi không còn hiện hữu, thì làm sao mà viêt tiếp được. Có lẽ là anh tôi, và có lẽ là cháu Yên-Chi, hoặc có lẽ là nàng, người thiếu phụ tôi trông thấy lần trước . Anh ơi? Ngày mai em có còn được trông thấy anh nữa không? Con ơi, ngày mai mẹ có còn được mặt áo cho con nữa không? Hay mai tôi sẽ không có ơ đây nữa. Tình thương của anh tôi và con tôi có đủ sức bảo bọc tôi, giữ gìn tôi, trống lại cùng hư vô chăng?
Những vòng hoa trắng, những lời tiết thương…Không, tôi không muốn được tiếc thương, tôi không muons được tưởng nhớ. Tôi muốn, trời ơi, tôi muốn hiện hữu, tôi muốn có mặt ở đây, hôm nay, và mãi mãi. Tôi muốn được có mặt, dù mà có mặt để mà khổ đau. Tôi sợ hư vô … Chấp tay tôi lạy, tôi nguyện cầu rằng dù có chịu bao nhiêu khổ đau, tôi vẫn ước ao được hiện hữu. Ngày mai, ôi ngày mai, tôi có còn được có mặt ở đây chăng? Trả lời cho em, anh ơi! Trả lời cho mẹ, con ơi!
Nhà xuất bản Lá Bối đã lấy Ảo Tượng làm nhan đề cho tập truyện, với tên tác giả là Nhất Hạnh, không phải là không có lý do. Chẳng lẽ lấy tên là Yên Chi, trong khi Nhất Hạnh như một tinh cầu chói sáng trong làng văn chương Phật Giáo bấy giờ. Nhưng riêng tôi, tự nhiên tôi thấy thương xót cho cái bút hiệu đầu đời ấy. Nó đã được khai sinh trong lúc tác giả là sinh viên du học tại Princeton, và để kỷ niệm ngày nó chào đời, tác giả đã ghi dưới cùng bài là Princeton, 1962. (Trong tập truyện Ảo Tượng, hàng chữ Princeton 1962 được rút ra).
Không thể có Yên Chi đứng bên cạnh Nhất Hạnh được. Tác phẩm của Yên Chi không có ai mua nhưng của Nhất Hạnh thì người đứng sắp hàng. Có phải ?