Tiếng ve sầu

(Đăng lại một bài văn cũ viết cách đây khoảng 15 năm)

 

Trần Hoài Thư

Thế là tôi đã xa Huế đến gần hai mươi lăm năm. Thời gian quá dài cho một đời người và quá lâu cho một ký ức. Nỗi nhớ về quê chỉ là nỗi nhớ bàng bạc. Không da diết như vết thương. Không nồng nàn như nụ hôn si dại. Chắc con tim của mình đã trở thành chai sạn. Chắc trí não của mình đã bị hao mòn. Chắc nỗi lo toan của cuộc sống tất bật ở quê người đã lấn đi những thoáng nhậy bén của sợi tơ đàn tâm tưởng. Đôi khi gặp một người cùng quê, nói cùng giọng Huế, thì câu chuyện cũng quanh quẩn với Bún Bò, Cơm Hến, trái vả, trái ớt cay nồng, hay những tên quen thuộc của bạn bè, hay thầy cô. Nói để mà ôn lại kỷ niệm, để mà vơi đi một phần nào nỗi buồn xa xứ. Có khi gặp nhau, kéo vào một quán Huế, kêu một món ăn Huế, để cùng nhau hít hà, cùng chảy nước mắt sống, cùng nhau ôn lại một giờ một phút cho quê nhà, cho Huế, cho ngày tháng cũ, trong khi bên ngoài, tuyết trắng mịt mùng, và sừng sững lầu cao vách dựng. Sau đó, bánh xe cũ tiếp tục lại lăn trên những xa lộ dập dìu, và áo cơm mệt lã, để con nhớ con thương ngủ yên trong tâm xó. Tôi vẫn chưa đánh giá hay đo lường được mức độ nhớ nhung của người con xa hương. Ngay cả bản thân mình, nỗi nhớ kia chỉ cồn cào trong giây lát, rồi sau đó, nó lại ngủ quên, rồi thức, rồi lại ngủ…

Chiều nay, tôi đến nhà một người bạn. Buổi họp mặt được tổ chức ngoài trời trên một khoảnh sân vườn rộng mênh mông với những thân cây dẻ, sồi um tùm lá. Kế cận là đường tiểu bang 22, với một biển âm động xe cộ dội về vào một thời điểm của giờ tan việc. Những hàng ghế đặt ngay ngắn trong vườn. Tôi ngồi bên cạnh chị Th., người thiếu phụ xứ Huế. Mái tóc cắt ngắn, môi luôn luôn nở nụ cười, và một đôi mắt thật sáng. Và chúng tôi cùng nói chuyện. Về Huế. Thưa chị, ở Huế chị ở mô. Còn anh, anh ở mô…Chị học trường mô. Anh học trường mô. Chị học năm nào. Anh học năm nào…Những câu thăm hỏi mà bất cứ một người xa hương nào đều đặt lên, đều nằm lòng, để chuẩn bị cho một giòng sông kỷ niệm, cho một sợi dây thân tình vô hình vô tướng, cho một sự gần gũi thân mật giữa những người cùng chung một số phận ly hương.. Và từ thăm hỏi đến tay bắt mặt mừng, huyên thuyên trò chuyện. Bây giờ quê hương mới thật sự trở về. Trời đang hoàng hôn, mà cứ ngỡ những cơn mưa ủ dột, trắng xoá cả vành cầu, cả giòng sông, cả những người học trò Đồng Khánh đi học về…Trời đang lạnh của mùa viễn xứ mà sao lại cứ thấy cả một mặt trời chói lọi và cả một con đường rợp màu hoa phượng vĩ đỏ rực bên trời. Chị Th. nhắc lại hoài niệm. Và tôi cũng vậy. Thỉnh thoảng chị lại tiếng cười khúc khích. Cả đám người xung quanh vẫn tiếp tục ồn ào với những chuyện thời sự, những chuyện job, hay con cái. Bỗng một lúc nào đó, chị Th. ngừng nói. Chị quay mặt nhìn lên trời, nhìn về lùm bụi, lên chòm lá xanh. Chị ngước đôi mắt về phía vườn sau, rồi lại quay mặt về phía trái, sang phía phải. Rõ ràng có một điều gì kỳ lạ đã làm thôi miên, hớp hồn chị rồi. Chị không còn để ý đến đám đông đang sôi nổi trò chuyện. Có lẽ chị đã khám phá một điều gì đó trong buổi hoàng hôn này. Và quả vậy, chị hỏi tôi:
– Anh Thư, anh nghe gì không?
– Thưa chị, nghe gì ?…
– Không. Hình như có thứ tiếng gì mà em đã nghe đâu đó rất quen.
Một cơn gió thổi qua. Và chị Th. reo lên:
– Đó, anh nghe không?
– Hình như tiếng ve sầu.
Chị Th. cầm chặt lấy tay tôi, thốt lên, quá vui mừng:
– Phải rồi. Tiếng ve anh ơi. Em không thể ngờ ở Mỹ này lại có cả tiếng ve sầu nữa.
Chị nói oang oang, bất chấp cả buổi nói chuyện. Đôi mắt chị sáng ngời. Lúc này, chị chẳng khác một người vừa bắt gặp lại một thứ gì hiếm hoi đã mất.

Rồi chị ngồi bất động, như tê dại cùng âm thanh ngày cũ. Đôi mắt chị vẫn nhìn, nhưng tôi biết chị đang nhìn về quá khứ. Đôi tai chị đang nghe nhưng có lẽ chị đang nghe lại dư âm xưa. Nó là hôm nay nhưng nó là hôm qua, và chắc chắn hôm qua đã chế ngự hết ngày hôm nay của chúng tôi. Như tiếng ve bây giờ. Dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, ve cũng vẫn một loài côn trùng, cũng vẫn sống rất lâu dưới đất, khi gần mọc cánh thì chờ mùa hè xoi đất mà chui lên để có mặt cùng trần gian. Rồi cánh được mọc thêm. Ve bắt đầu nhã tụng cho ban nhạc triệu ức tỉ nhạc công bất tận suốt trong ba ngày đêm trùng trùng điệp điệp trước khi bị lột xác…Nơi đâu cũng vậy. Nhưng có một nơi loài côn trùng kia đã đánh thức giấc ngủ của đứa bé, đã chớm vào lòng người học trò nỗi buồn ly biệt, hay nỗi hồi hộp của một mùa thi oan khiên. Có một nơi mà tiếng ve nương nhờ vào trận gió, và gió nương nhờ vào tiếng ve, để đưa âm thanh của đất trời trở thành một tấu khúc, khi thì dìu dịu, khi thì rộn rả, khi thì như im ắng như một cơn mưa rào, rồi lại bắt đầu ào ạt như một niềm vui quá độ, làm cả một thinh không chói chan đầy ấp những cung bậc vang lừng.

Ôi, tiếng ve. Bản nhạc trổi lên trong một ngày mùa hạ, để nắng thêm chói loà, để mây thêm xanh biếc, để càng rực rở thêm niềm vui tuổi nhỏ, để ngà ngọc thêm hương vị cuộc đời. Có một nơi, người ta còn gìn giữ, còn nưng niu như những kỷ niệm ngọc ngà. Để một lần như buổi chiều này, cung bậc xưa, được nghe lại như làm òa vỡ cả lòng người xa hương. Giữa lúc người xa xứ không ngờ, hay vô tình quên bẵng.

Chị làm lòng tôi cũng xôn xao không kém. Chúng tôi cùng ngồi yên, không ai còn nói với ai một lời. Hình như đôi mắt của chị Th. ngấn lệ. Tôi biết quê hương đã về cùng chị chiều nay.

Rõ ràng, chúng tôi đang sống ở đây, mà tâm trí đang trở lại một phương trời nào. Ôi, chao, tiếng ve ! Nó chỉ là âm thanh từ đôi cánh mỏng sao lại chở mang cả trùng trùng tấn nhớ. Nơi này, nó rất vô danh, không ai nhắc như là một báu vật của tuổi thơ.

Con tôi không thể hiểu được thế nào là một buổi trưa trốn ngủ, ra ngoài vườn, hồn cũng đầy ấp âm thanh hạnh phúc. Con tôi chỉ biết những chương trình hoạt họa trên màn ảnh truyền hình, không hề biết một khung cửa mở ra cho cơn gió mang tiếng ve vào, như nhắc rằng, mùa hè thiên đường lại đến. Con tôi không hề cảm nhận được những nỗi buồn của học trò trong giờ ly biệt, mà hoa phượng đỏ thắm cùng với tiếng nhạc ve rộn rả ngoài sân…
oOo

Trời bỗng nhiên nổi mưa. Những hạt mưa thật hiếm hoi của mùa hè. Người ta đã hấp tấp mang ghế vào khu nhà trong, để tiếp tục cuộc vui bị gián đoạn. Chỉ riêng tôi và chị Th. là vẫn còn đứng yên dưới mưa. Mưa rơi tên tóc chị, tóc tôi. Hay là chúng tôi mang cùng tâm trạng chung. Tâm trạng của những người con xa hương bỗng một lần bắt gặp lại một điều gì quá thân thiết đã từ lâu mất biệt trong một đời xa xứ.

 

%d bloggers like this: