1.
Cuối cùng TQBT số 59 “Tưởng Niệm Phùng Thăng” đã về đến VN, và đã được bạn bè chuyền nhau đọc và ngợi khen hết lòng.
Đối với cá nhân tôi, việc thực hiện được một cuốn báo in dày 280 trang này còn mang theo những gì khó có thể tin được.
.
Thử nghĩ đến một kẻ đang bận bịu tối tăm mặt mày với việc chăm sóc người bạn đời bị stroke : không thể xa nhà một buổi, để có thể tìm đến các thư viện Cornell, Yale… Trong khi đó những dữ liệu về PT thì mơ hồ. Ngay cả cái chết thảm của mẹ con PT tại Kampuchiea cũng không thể kiểm chứng để viết ra mà lòng không bị áy náy, bất an.
Tiểu sử không có. Văn liệu, tư liệu không có. Hoàn cảnh thì khó khăn, Vậy thì làm sao để thực hiện một số báo dày đến gần 300 trang ?
Biết vậy, nhưng có một cái gì thôi thúc tôi làm số chủ đề này. Tôi gởi thư cho một số bạn, nhờ giúp đở. Trong thư tôi nói nếu mà không làm được tôi sẽ chừa một trang giấy trắng trên báo, như lời tạ lỗi với PT: Rằng tôi chịu thua. Xin hương hồn PT tha lỗi.
Không ngờ, tôi gặp được những bạn quí. Như anh ĐC, nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, hai bạn trẻ ở trong nước đã sốt sắng gởi copy cuốn Những Ruồi của J. Paul Sartre, đôi bạn Bửu Nam – Anh Nga. Và cô NM. Và nhà nhận định văn học Trần văn Nam…, nhà văn Đào Anh Dũng…, nhà thơ Thành Tôn v.v,,, (Xin tha lỗi nếu tôi bỏ sót tên).Đó là chưa kể những thân hữu giúp đánh máy…
Một chuyện rất lạ, có vẽ như thuộc về tâm linh, là vào trung tuần tháng giêng 2014, nhắc lại là tháng giêng 2014, trên trang mạng của báo Tuổi trẻ, có một bài ký sự nhiều kỳ kể lại sự thật về 515 người bị Khmer Rouge bắt ở đảo THổ Chu vào ngày 10-5-1975. Tac giả Bùi văn Bồng đã ghi lại những tội ác, nhất là chuyện hai mẹ con bị trói chặt vào nhau và đập vào sọ…
Bài báo đã mở ra những chi tiết về cái chết của 515 người trong số có mẹ con PT.
Rồi hình ảnh liên quan đến PT từ các bạn cũ, hay thầy cũ của PT. Rồi những trang sưu tầm trên Tư Tưởng hay trong một thư viện xa xôi ở miền Trung của quê tôi… Rồi hàng trăm E Mail liên lạc giữa chúng tôi về những câu hỏi, thắc mắc…Chúng tôi khôntg thể trích bài từ những cuốn sách mới xb vì họ đã tự ý sửa từ ngữ, ngay cả tiếm đọat hay sửa lại tên dịch giả…Muốn vậy, chúng tôi phải tìm những tài liệu gốc, có nghĩa là trước 1975….
Không ngờ, những khó khăn tất cả đều vượt qua. Bạn bè giúp, người ở trong nước kẻ ở ngoài nước đã sưu tập dùm tôi. Dần dần số trang dành cho PT nhảy vọt, buộc lòng phải rút một số bài của thân hữu cho số sau..
PT chết thảm với con gái 9 tuổi. Chị mới 32 tuổi. Một bài văn/thơ để lại cho đời cũng là phải tri ân, huống hồ chị đã để lại nhựng tác phẩm dịch nổi tiếng như Câu Chuyện một Giòng Sông (dịch chung với Phùng Khánh), Lão Ngư Ông và Biển Cả (dịch chung với PK), Sói đồng hoang (dịch chung với Chơn Hạnh), Buồn Nôn, Những Ruồi, Kẻ Lạ ở thiên đường, hai tập triết luận là Chỉnh lý Tư Tưởng Tây Phương và Theo dấu tình yêu… Cái công mang tư tưởng thế giới từ những triết gia lẫy lừng về cho một đất nước trong khi tuổi trẻ thì không có hy vọng, luôn luôn bị ám ảnh bởi con quái vật là chiến tranh, giúp cho chúng tôi rút ra những bài học, làm phong phú thêm kiến thức và chữ nghĩa của mình… Cái công to tát ấy lẽ nào quên.. Lại thêm cái chết thảm khốc của một người mẹ ôm con, bị đập bể sọ… làm sao chúng ta có thể nào lại làm ngơ cho được ?
Nay mai, bạn tôi sẽ mang tập TQBT này đến chùa Pháp Hoa để đặt trước tấm hình hai mẹ con PT chụp tạp Blao vào năm 1968, như là tấm lòng của chúng tôi.
(1) Thật sự không phải PT và con gái bị giết ngay ở đảo Thổ Chu, nhưng ở đảo Koh Tang.
Chúng tôi đã viết rõ về vụ thảm sát này trên tạp chí TQBT.