Hôm nay đúng 3 tháng kể từ buổi sáng cuối năm thảm khốc ấy. Hôm nay cũng đúng một tháng kể từ khi tôi đưa Y. về nhà. Hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của một nurse, nurse aide, lo việc nội trợ, ứng chiến 100 phần trăm đêm cũng như ngày. Hôm nay tôi cũng đã trở thành một chuyên viên về physical Therapy, để thay John và Debbie tập lại Y. những bài học mà họ đã hướng dẫn.
Hôm nay tôi vẫn còn ngồi trước máy để viết tiếp Theo Em.
Có nghĩa là tôi vẫn còn đứng vững.
Như đã đứng trên đinh đồi nào đó sau lần đột kích.
Như đã đứng sau những tháng năm thay trâu kéo cày trên cánh đồng Trà Tiên nào đó.
Như đã đứng trong cơn bão biển.
Như đã đứng ở xứ người, đêm lau chùi nhà vệ sinh và ngày làm một sinh viên già.
Dù mắt có mờ hẵn.
Dù đôi chân đã run.
Dù trí nhớ đã lú lẩn.
Nhưng mà có sao đâu.
Tôi vẫn có thể chứng tỏ, một người sinh trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, bị tù đày khổ sai, trằm bề cơ cực, vẫn đứng thẳng.
Không phải vịn thơ, vịn văn mà vịn vào cái kiêu hãnh của một người lính thám báo dạo nào.
Tôi đã quá quen cái job một đêm dậy ba, bốn lần giúp người bệnh uống thuốc hay đi vệ sinh. Giờ giấc không còn ý nghĩa nữa. Bởi bây giờ ngày cũng như đêm, tấ cả đều như nhau. Tôi không còn làm chủ mình nữa. Và bạn đã thấy lý do tôi không có thì giờ để cho Theo Em một cách liên tục và đều đặn như trước. Giờ đây, hơi thở của Y. là của tôi. Những trận ho cuồng bạo dữ dội, nhiểm từ nursing home, cũng là của tôi. Tôi không sống cho tôi mà cho người bệnh. No way. No choice. Xin đừng nghĩ là tôi có tình có nghĩa bậc nhất trên đời. THử nghĩ đến một căn nhà với cặp vợ chồng già hiu hắt nương tựa, nếu tôi không làm thì ai làm ?
Trong máu huyết và trên da thịt tôi vẫn mãi còn căn gốct của một người lính thám kích mà.
May mắn là tôi có niềm vui khi thấy rằng nỗi vất vả của mình được đền bù. Nó làm tôi vượt qua những lúc tuyệt vọng, buồn đến chảy nước mắt. Nó giúp tôi còn đứng thẳng khi tưởng mình đã quị xuống. Râu ria tôi không buồn cạo nữa. Tóc tai tôi cũng chẳng đi tiệm để sửa sang nữa. Nằm không phải là dỗ giấc ngủ mà cố nghĩ ra cách để giúp Y. tiến triển trong việc tập luyện, hay mong đợi sáng để có thể đóng thêm thanh vịn, sửa sang lại nhà vệ sinh… Có khi đứng ngẩn ngơ tự hỏi cuối cùng cuộc đời của mình chỉ là bóng tối này sao? Vậy thì sống để làm gì chứ ?
May mắn bên cạnh những biến chứng do từ cơn bệnh quái ác hay từ bầu không khí nặng nề ô nhiểm của nhà dưỡng lão mang lại, là mỗi ngày, sự tiến triển càng đậm rõ đến kinh ngạc. Mới ba tháng mà giờ đây, Y có lúc có thể tự đi một mình mà khỏi cần người kèm sát nữa. Bước chân bắt đầu vững và dài hơn. Điều này khiến John rất kinh ngạc. Nhất là hôm qua, lần đầu tiên tập Y. bước xuống tam cấp, và bước lên tam cấp. Y. có thể vịn vào chiếc gậy hay cái thanh vịn để bước. Dù hơi khó khăn khi phải bỏ chân trái xuống hay nhấc chân trái lên thềm, nhưng cuối cùng, nhờ người dìu, Y. cũng có thể “pass” được bài học.
Chính sự kiện này đã giúp tôi quyết định không còn mua ramp nữa. Ramp giúp mang xe lăn từ nhà ra ngoài sân và ngược lại. Nó tạo nên sự dễ dàng cho người bệnh và cho tôi – người chăm sóc. Đúng vậy. Chỉ việc đưa Y. ngồi vào xe và đẩy xuống hay đẩy lên. Khỏe ru.
Nhưng mà cứu cánh không phải là sự dễ dàng này, mà là ở việc làm sao có thể giúp cho những bước chân trở lại bình thường.
Dĩ nhiên nó đòi hỏi một sự cố gắng phi thường của người bệnh. Và của tôi về sự thử thách.
Liệu một mình tôi có thể giúp Y. tập bước thấp bước cao bước lên bước xuống từ trong nhà ra ngoài nhà và ngược lại mà khỏi cần xe lăn hay một người tiếp trợ?
Tôi tin tôi sẽ làm được.
Bằng sáng kiến và phương pháp của riêng tôi.
Như tôi đã làm khi giúp John và Debbie rút ngắn thời gian tập luyện một cách kỳ diệu.
Có phải vậy không ?