Hai đêm Y. bảo cả toàn thân bị ngứa nên không thể chợp mắt. Lên Net, tìm hiểu nguyên do. Đây là một triệu chứng post stroke, ảnh hưởng bởi phần não bộ – nơi có những sợi dây thần kinh cảm giác, cảm xúc…
Không biết gì hơn là gải, và gải. Hết tay, chân, rồi đến lưng. Mong cho người bệnh đi vào giấc ngủ.
Bây giờ việc bật dậy giữa đêm thì xem như quá quen. Đêm nào cũng phải dậy tối thiểu là một lần để đưa Y. đi tiểu. Có đêm ba bốn lần như hai đêm qua. Bật dậy cùng với cơn ngái ngủ làm người hơi choáng váng như say sóng. Sau đó vài phút, người tỉnh táo. Hỏi Y. ngứa chỗ nào, gải. Hỏi Y. đau chỗ nào, xoa. Bàn tay ta làm sao mang theo hơi ấm kỳ diệu, làm sao truyền khí công, sức mạnh để làm dịu nỗi đau. Stroke ơi là stroke. Một định mệnh hay là một tai nạn hay là một món nợ phải trả cho đời này.
Mấy hôm nay, tập Y. đi bằng chiếc gậy có 4 chấu. John – người được Home Care gởi đến để chuyên tập về Physical Therapy – đã tập cho Y. cách chống gậy, cách bước. Debbie thì lo về OC (Occupational Therapy) thì tập cho Y. cách lên giường xuống giường. Nhưng Y. vẫn thích lối của tôi sáng tạo hơn. Y bảo, dễ hơn cách cô Debbie nhiều.
Riêng hai bà nurse thì chỉ đến để hỏi thăm sức khỏe, đo nhịp tim và áp huyết. Họ đến chừng khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi rút lui. Nhưng ít ra, sự chăm sóc của họ là sự chăm sóc rất thật tế, gần gũi với người bệnh hơn bao giờ. Nếu mà còn ở nursing home thì biết đến bao giờ mới chống chiếc gậy có 4 chân này. Chắn chắn là vậy. Bởi ở đấy, không phải riêng một mình Y. mà có hàng chục người bệnh khác cần tập như Y. Đó là không kể, người bệnh có thể bị một cơn bão khác quật xuống. Cơn bão của những đêm mất ngủ. Cơn bão phải sống trong một nơi chứa những chiếc quan tài chưa đậy nắp.
Bởi vậy, quyết định mang Y. về nhà của tôi là một quyết định rất hợp lý. Bạn bè khi nghe tôi mang Y. về nhà để tự tập luyện, họ đều ái ngại cho tôi. Làm sao tôi có thể chăm sóc người bệnh đêm hôm khuya khoắc. Làm sao tôi có thể tập Y. đi đứng như một chuyên viên về Physical Therapy. Làm sao tôi có thể nấu nướng, giặc giũ. Và trường hợp giả dụ tôi ngã bệnh thì ai lo cho người bệnh ?
Cảm tạ Ơn Trên đã giúp tôi được đứng vững. Dù có khi cũng muốn quị, muốn đầu hàng, muốn đập cả nồi cơm điện, hay nồi kho cá… Dù cõi lòng có vĩ đại tình thương nhưng nồi cá quá mặn, nồi cơm quá khô thì cũng chỉ là vô ích. Dù bàn tay cứ xoa bóp nhưng đôi mắt người bệnh cứ ánh lên nỗi đau xé ruột xé gan, thì bàn tayyêu thuơng ấy cũng chẳng giúp gì cho người thân yêu của mình.
May mà còn có những niềm vui mọc cánh. Khi mỗi ngày nhận ra, bên những khổ nạn mà người bệnh phải chịu đựng như những cơn đau nhức xé bầm thân xác, thì bước chân bắt đầu đã thấy vững vàng hơn trước, bàn tay tôi gìn giữ thân thể người bệnh đã bắt đầu nới lỏng, bước chân đã thấy nhịp nhàng, chiếc gậy bốn chân đã trở thanh chiếc gậy thần… Mỗi ngày, niềm vui nở hoa, trên cánh tay, cái chân mà hai tháng 12 ngày trước đây, như hai khúc cây. Nhựa đã chảy lại trong sớ thịt. Dù thịt có đau nhức nhưng máu đã lưu thông trở lại. Để mỗi ngày chúng tôi có thể chứng kiến sự hồi phục trở về dù rất chậm và nhỏ.
Du rất nhỏ, rất chậm, nhưng niềm vui nẩy nở trong lòng chúng tôi thì quá chừng to lớn.
Bởi vì chúng tôi tin cái ngày mà sự phục hồi trọn vẹn hay ít ra cùng gần trọn vẹn ấy trước sau rồi cũng sẽ đến. Phép lạ không phải switch on-off. Phép lạ đến từ nghị lực. Tôi nghĩ như vậy.
Có phải vậy không?