Viết lúc 4AM: Vũ Hữu Định, Hoài Khanh và văn chương thời chiến …

tản mạn của THT
“…Những câu thơ Nguyên Sa trở thành một xa xí phẩm. Những câu thơ của Quang Dũng trở thành một chuyện xa vời không tưởng. Chỉ có những Vũ Hữu Định,  Nguyễn Tất Nhiên, Linh Phương, Nguyễn Bắc Sơn hay Trịnh Công Sơn   mới có thể “cảm” được.  Bởi vì họ cùng một một lứa, một thế hệ,  cùng nỗi buồn ta hỏng tú tài ta đợi ngày đi đau lòng ta muốn khóc. Nỗi đau của họ là nỗi đau chung….”

I. Có lẽ đây là lần đầu, những bài thơ Vũ Hữu Định được đọc lên nơi đất Mỹ. Những bài thơ mới được sưu tập, được Thư Ấn Quán xuất bản, nay mới được dịp chia xẻ cùng nhau. Từ Biên Trấn Ca đến Một Nơi Nào Để Nhớ Để Thương. Và những tâm tình chân thành nhất mà chủ gia, nhà thơ Võ Đình Tuyết đã bày tỏ: Mong rằng đêm nay là đêm Vũ Hữu Định. Đêm chúng ta trân trọng Vũ Hữu Định.
Đêm thơ không chuẩn bị, không sửa sọan, không quan khách. Đêm thơ đến rất tình cờ khi chúng tôi họp mặt tại nhà anh chị Võ Đình Tuyết. Mà cần gì chuẩn bị đình đám. Bởi trong chúng ta, ai lại không một lần nghe Phố Núi cao phố núi đầy sương hay Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em mướt nên mắt em ướt…
Trước hết, Võ Đình Tuyết và Phạm Tấn Phước bắt đầu bằng bài hát mà Phạm Duy đã  phổ thơ. VĐT  đệm dương cầm. Còn PTP thì đệm Tây Ban Cầm. Cả phòng nín thở. Hai anh đã hát xuất thần. Có lẽ hai anh đã dành tất cả con tim về một người mà hai anh đã trân trọng. Tiếng hát đẩy đưa chúng tôi về một thành phố núi, trong thời chiến tranh. Có gì ở đó không, trừ bụi đỏ và nắng lửa cùng những cơn gió Lào khô khốc. Có gì ở đó không trừ tiềng dội ầm ầm của trọng pháo hay phi cơ phản lực xé mây. Có gì ở đó không, trong cung đình kia, có câu lạc bộ Phượng Hòa người ta du hí, trong khi những người lính cấp thấp  phải cam khổ không thấy cả mặt trời vì phải chui rúc trong hầm tránh pháo. Không có gì cả. Chỉ có bầu khơng khí chuẩn bị chiến tranh và bị ảnh hưởng của chiến tranh. Chỉ có thành phố của lính. Đủ sắc phục. Đủ binh chủng. Thế mà ta lại yêu nó. Yêu bởi vì có thơ Vũ Hữu Định. Có nhạc Phạm Duy.
Giờ đây, nơi chốn ấy đã trở lại trong tâm khảm. Làm sao mà quên những ngày đơn vị di chuyển từ Bình Định lên Kontum, dừng nghỉ tại Pleiku trước khi di chuyển tiếp. Khi ấy, đám lính chúng tôi vẫn hay tìm đến một quán cà phê bên đường. Và đốt thuốc nhìn cô hàng đôi mắt hồ ly, thấy như em Pleiku má đỏ môi hồng qua làn khói ảo. Ít ra phải giữ gìn một điều gì đó trước khi lao vào cõi dữ.
Thời ấy, lính miền cao  cô độc lắm và cũng gian khổ lắm.  Xung quanh chỉ núi và rừng,  dưới thấp là lũng tranh, lũng cỏ, xa hơn là những cuộn khói bốc lên từ những nương rẩy, nhưng cũng đầy những đôi mắt của âm binh rình rập.  Khó lắm mới được cơ hội theo một chuyến bay về Kontum hay Pleiku, vì đường bộ  nguy hiểm.  Những câu thơ Nguyên Sa trở thành một xa xí phẩm. Những câu thơ của Quang Dũng trở thành một chuyện xa vời không tưởng.
Chỉ có những Vũ Hữu Định,  Nguyễn Tất Nhiên, Linh Phương, Nguyễn Bắc Sơn hay Trịnh Công Sơn   mới có thể “cảm” được.  Bởi vì họ cùng một một lứa, một thế hệ,  cùng nỗi buồn ta hỏng tú tài ta đợi ngày đi đau lòng ta muốn khóc. Nỗi đau của họ là nỗi đau chung. Vui buồn hạnh phúc của họ là vui buồn hạnh phúc chung.
Căn phòng mờ  với lời thơ và tiếng hát. Đêm tháng tư  năm nay trời vẫn còn lạnh. Nhưng ở trong này đã đầy ngập những ngọn gió tình thân. Ấm áp lắm. Như thơ  tình của Vũ Hữu Định.
II.
“rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”
(trích từ tập thơ Thân Phận)
hay:
Bến sông này, bến sông này
Trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết về đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ…
(trích từ tập thơ Thân Phận)
Những câu thơ mà có lẽ những người yêu thơ thời trước 1975  không ai lại không say mê, lại không mang vào tâm trí. Chúng  mang cái âm hưởng rất đặc biệt : đọc là biết  ngay của Hoài Khanh. Tôi muốn nói tới tập Thân Phận mà một thời gây rất nhiều xôn xao ngay lần xuất bản đầu tiên vào năm 1962. Và nó đã tái bản đến lần thứ ba, vào năm 1973.
Sự đóng góp về văn học, văn hóa của Hoài  Khanh  vào giòng văn học miền Nam không phải là không nhỏ. Từ thi ca đến dịch thuật, đến nhà xuất bản Ca Dao do ông chủ trương với những tác phẩm dịch rất giá trị từng được coi là gối đầu giường của giới trẻ thời bấy giờ của Hermann Hesse hay Krisnamurti v.v…
Đó. Một nhà thơ có tập thơ đầu tay xuất bản lúc 20 tuổi, năm 1957. Sau đó là Thân Phận (1962) và Lục Bát (1968)  đã được người yêu thơ đón nhận yêu mến, đến nỗi Thân Phận đã được tái bản đến lần thứ ba.
Đó. Một người  đã cống hiến trọn đời mình trong lảnh vực văn chương chữ nghĩa như thế,  nhưng lại không được một tạp chí văn học thời bấy giờ trân trọng dành cho một vòng hoa, hay chế độ bấy giờ cũng chẳng dành cho ông ít ra một giải thưởng văn học.
Ngay cả hiện nay, ở hải ngọai này, có tác phẩm kê hàng ngàn nhà thơ trong và ngoài nước, ngoài Bắc trong Nam, chứng tỏ tác giả là người đọc rất nhiều. Thế mà chẳng thấy một giòng cho Hoài Khanh.
Trong nước đã quên ông. Ngoài nước cũng quên ông hay sao ?.
Người ta bảo tại vì ông thích im lặng. Ông là nhà thơ ẩn dật. Càng ẩn dật sau 1975.
Nhưng đó là cách sống. Tác phẩm của ông không ẩn dật. Thơ ông không ẩn dật.
Thơ ông ở trong trong lòng những kẻ yêu thơ ông, khắp nơi, khắp chốn. Ông không cần, nhưng chúng tôi và độc giả của ông cần.
Như trường hợp của nhà thơ Vũ Hữu Định.
Chúng tôi đã in xong tập thơ VHĐ thứ hai.
Bởi vì thơ của VHĐ ở cùng khắp. Không cần ở VN mới có 120 bài!
III. Tại sao ? Tôi không hiểu nổi người ta lại không trao HK vòng hoa.
Chính vì không hiểu nổi nên tôi mới gởi 6 câu phỏng vấn về HK ở trong nước. Đầu tiên ông hứa là trả lời. Ông không muốn lập lại một nỗi ân hận thứ hai là không chịu trả lời. Trong thư riêng ông cho biết trước 1975, một nữ sinh viên văn khoa làm luận án về HK, đã gởi  đến ông những câu hỏi. Nhưng ông từ chối. Ông biết là cô sinh viên ấy phải thất vọng ghê gớm và lòng cứ bâng khuâng bức rức. Sau 1975, ông tìm đến địa chỉ của cô sinh viên thì được hay cô sinh viên đã bị chết trong một chuyến vượt biển. Điều ấy đã làm ông rất khổ tâm.
Nhưng rồi sau đó, ông lại gởi thư xin lỗi. (PVN có cho đi lại lá thơ này) . Hiện tại ông vẫn sống ẩn dật cùng công đất  vườn rau như  ông đã sống từ sau năm 1975. Riêng tình trạng sức khỏe thì đã sa sút, không còn minh mẩn như trước nữa.
Ông vẫn làm thơ. Và tập thơ mới nhất là Hương Sắc mong manh mà Thư Quán Bản Thảo đã đăng rải rác và xuất bản.
Thư Quán Bản Thảo tập 24, chủ đề viết về Hoài Khanh như là tấm lòng của chúng tôi, những người viết trẻ của thời trước 1975. Ngày trước, vì hoàn cảnh đất nước, vì chiến tranh lính tráng, dù gần ông, nhưng không làm được. Bây giờ làm được, thì lại xa ông vạn dậm.
Chỉ mong tập này được đến tay ông để chứng tỏ tấm lòng của chúng tôi về một người đã cống hiến cả cuộc đời cho văn chương chữ nghĩa, cho thi ca Việt Nam.
III.   Để chủ đề về Hoài Khanh được phong phú, đặc biệt để quí bạn có cái nhìn rõ hơn về tập thơ Thân Phận, chúng tôi đã cố gắng lái xe lên đại học Cornell để sưu tập và sao lại tập thơ này cùng với tập thơ nhan đề Lục Bát của ông.
Đồng thời chúng tôi cũng đã ấn hành tập thơ  mới nhất của Hoài Khanh là tập Hương Sắc Mong Manh. Thi tập này vốn được thầy Thanh Tuệ của An Tiêm dự trù in, nhưng thầy đã qua đời. Và tập thơ Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế. Tập thơ này được nhà thơ Khê Kinh Kha giữ gìn hơn ba mươi năm và tặng lại chúng tôi.
 Sau đây là những tác phẩm  mới được Thư Ấn Quán sưu tập và ấn hành trong thời gian  qua:
1. Một Thời Ý Thức, dày 260 trang. Tuyển truyện sưu tập từ tạp chí Ý Thức trước 1975 của các tác giả trẻ của miền Nam: Trần Hữu Ngũ * Nguyên Minh * Lữ Kiều * Lữ Quỳnh * Hồ Thủy Giũ * Châu văn Thuận * Hồ Thanh Ngạn * Trần Hữu Lục * V Tấn Khanh * Trần Hồi Thư * Ngụy Ngữ * Nguyễn Mộng Giác * Trần Duy Phiên * Phạm Ngọc Lư * Nguyễn Lệ Uyên * Mường Mán * Thế Vũ * Kinh Dương Vương * Hồ Minh Dũng * Vũ Hữu Định * Phan Tấn Uẩn * Lê văn Thiện * Mang Viên Long …
2. Thơ Vũ Hữu Định tập II  thêm 40 bài mới được sưu tập để cọng vào Thơ Vũ Hữu Định (80 bài) do Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản vào tháng 4-2006 trước đây.
3. Thân Phận của Hoài Khanh (copy lại từ lần tái bản thứ ba, 1973)
4. Lục Bát của Hoài Khanh (copy lại từ tập xb năm 1968 )
5. Gió bấc Trẻ nhỏ Đóa hồng và Dế  thơ Hoài Khanh(copy lại từ tập gốc do Ca dao xuất bản 7/1970)
6. Hương sắc mong manh của Hoài Khanh (tập thơ mới nhất của HK)
Vì các tác phẩm này được in theo phương pháp Book-On-Demand (in theo nhu cầu) nên quí bạn nào muốn được biếu tặng xin vui lòng cho chúng tôi biết  để chúng tôi in và gởi đến quí bạn.
Xin cứ cho chúng tôi biết. Đừng ngại. Nói theo Bùi Giáng:Vui thôi mà.
Chúc quí bạn những ngày êm đềm và an lành.
(trích từ Thư Quán Bản Thảo số 24)
%d bloggers like this: