Cuối cùng, sau Truyện từ Bách Khoa, Truyện từ Văn được ra đời. Nó được ra đời từ tấm lòng của vài người mà tôi chưa bao giờ thấy mặt. Những người ấy, ở Hà Nội, Saigon. Họ sưu tầm và bỏ công đánh máy gần 20 truyện trên tạp chí Văn từ năm 1967 đến 1975. Và một người bạn ở Mỹ, bỏ công ngày đêm sửa dùm lỗi chánh tả, hầu tác phẩm có thể ra cho kịp ngày phát hành tạp chí Thư Quán Bản Thảo số tháng 8 chủ đề tạp chí Văn như là ấn bản đặc biệt…
Vì sách dày gần 300 trang nên mỗi ngày, tôi chỉ in khoảng 10 tập. Mỗi ngày tôi tìm được niềm vui trên từng trang giấy được in ra. Cám ơn khoa học kỹ thuật. Cám ơn điện toán. Nhờ điện toán, tôi mới có thể viết những program để tự động hóa công việc. Từ việc tiết kiệm giấy, mực, đến cách dàn trang. Từ việc báo động khi giấy bị jammed… Nhờ điện toán tôi mới tự do chọn chữ, chọn font, size, space… Điện toán kích thích trí óc của tôi, bắt tôi phải tìm tòi nghiên cứu. Tại sao dùng acrobat thay vì WORD để in. Và mới đây tôi khám phá thêm là Microsoft có một nhu liệu tuyệt vời giúp tôi layout dễ dàng những bìa sách…
Nhờ điện toán, 300 trang được chuyển đến máy in. Nghe xôn xao đầu kia, vì hai chiếc máy in đồng lượt trỗi lên tiếng động khi tín hiệu nhận được từ computer. Âm thanh rộn ràng, lòng tôi cũng rộn ràng. Mùi khét của bột laser (toner) khi bị nướng bởi fuser không còn làm tôi khó chịu nữa, trái lại nó bắt mình ngất ngây… Rồi từng tờ, từng tờ nhả ra… Tôi cầm một tờ kiểm soát. Chữ rõ. Có nghĩa mực vẫn còn nhiều. Có trang chữ nhạt mờ. Nhưng có thể đọc được. Không, tôi phải bỏ. Dù là báo tặng, nhưng tôi yêu chữ nghĩa, tôi mong cống hiến cho người đọc niềm yêu mến của tôi.
Mấy hôm nay, tôi có thêm một cái máy in màu khác nữa. Tuyệt vời. Tôi phải lái xe cả tiếng đồng hồ để tìm đến địa chỉ rao vặt bán chiếc OKIDATA C5150 với giá $50. Người rao cho biết vì mực hết nên bán rẻ. Một cái máy in $50 có lẽ là máy vất đi không ai thèm lượm. Bởi vì lượm về nội chuyện mua phụ tùng để sửa chữa cũng đã quá số tiền mua máy mới.
Nhưng đối với tôi, đây là một cái máy mà tôi hằng mong đợi nhất. Tôi có thể in được bề dài tha hồ. Nó không giống như hầu hết các loại máy in color laser thông thường khác như HP, Dell, Brother, Lemark… Kích thước bề dài tối đa là 14 inch (legal). Hay nếu là máy lớn, đắt tiền thì kích thước là khổ tabloid (11×17 inch) (giá ít nhất phải $1000 trở lên).
Hơn mười năm, tôi chỉ ao ước có một cái máy color laser có thể in chiều dài hơn 18 inch để tôi có thể thực hiện những cái bìa bọc sách (jacket cover) như chúng ta thường thấy ở những cuốn sách bìa cứng (hardcover book). Và tôi đã đạt được, với cái OKI $50 này.
(Như các bạn thấy một phần 2 bìa trên, khổ bề rộng 8.5 inch và bề dài 19 inch!)
Như vậy, những cuốn sách Truyện Từ Văn, Truyện từ Bách Khoa của tôi, do tôi sáng tác, do tôi tự in, tự đóng và cắt lấy, sẽ có thêm cái bìa bọc ngoài được ép bằng phim laminate lạnh (Cold laminating film) rất mắc tiền. Đã trót chơi thì chơi cho hết mình. Điếc không sợ súng mà… Dân thám báo mà.
Xin lỗi tôi phải ngưng viết. Có một sự im lặng khả nghi ở chiếc máy in. Một là giấy hết. Hai là bị jammed. Nó đang chờ chủ nó đấy.