Lời chủ Blog:
Bắt đầu từ lần post này trang Blog THT xin được trích đăng lại những bài thơ viết về Huế trong thời chiến tranh do chúng tôi sưu tầm từ thư viện đại học Hoa Kỳ như Cornell, Yale. Kỳ này chúng tôi giới thiệu 4 nhà thơ miền Nam:
Trần Dạ Từ, Hoàng Bảo Việt, Trần Đình Sơn Cước, Thái Ngọc San với bốn bài thơ tự do.
Mỗi bài thơ là một bài điếu tang. Khóc cho Huế. Khóc cho giòng sông. Khóc trên những xác người. Khóc cho những hầm chôn tập thể. Ngay cả Thái Ngọc San, một nhà thơ miền Nam, sau này ngả theo phe thắng trận cũng đã khóc. Vậy mà chỉ có hai kẻ ở Huế, ăn cơm Huế, uống nuớc Huế lại tung hô. Lại viết hồi ký Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn Lâu để ca ngợi tội ác tày đình này: Đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân…
Trần Dạ Từ
Ký ức về Huế
Một con đường bắt đầu từ mùa đông
Băng ngang vườn hoa nhỏ
Ăn thẳng vào trí nhớ
Nơi đi về của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu cành khô
Bao nhiêu lần thức dậy
Một hòn đá trên đỉnh núi ném xuống
Tiếng còi xe lửa đều đặn những buổi chiều
Và những toa tàu hiền lành, chậm chạp
Mang anh tới
Trong sương lam và khói
Dưới chân núi
Cơn mê sảng của em
Từng ấy năm
Từng ấy bao nhiêu đêm
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu lời nguyền rủa
Một khách sạn tồi tàn giữa khu phố sầm uất
Phòng số 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và hành lang
Với mùng nệm chăn gối bàn ghế
Và mắc áo
Tro bụi của chiến tranh
Nơi khua động của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu lo âu
Bao nhiêu lần trở lại
Một dòng sông bắt đầu từ giấc mộng
Cắt đôi thành phố
Chảy thẳng vào anh
Cùng tiếng chuông với bọt bèo mưa lũ
Nơi trôi nổi của em
Từng ấy năm
Từng ấy năm bao nhiêu đêm
Bao nhiêu chìm đắm
Bao nhiêu lần sống chết
Bao nhiêu anh và em.
Trần Đình Sơn Cước
Ngày tục giảng ở Huế
1
ngày tục giảng khởi đầu bằng buổi thượng kỳ
học trò xây thành hàng tròn quanh cột cờ
im lặng
lá quốc kỳ leo dần mệt mỏi
bài quốc ca không ai hát nổi say sưa
năm phút mặc niệm những người đã chết
học trò ứa nước mắt không dám nhớ
nơi chỗ đứng này
hai mươi ngày đầu năm
hàng trăm người gục chết
xác ngổn ngang như củi
đàn bà trẻ con ông già bà lão
lính quốc gia cộng sản
lính mỹ đại hàn
chồng sấp chồng ngửa lên nhau
nơi chỗ đứng này
hai mươi ngày đầu năm
công chức mất máu
công chức mất đầu
hai hầm chôn sống gần năm chục
người bỏ vợ bỏ con
người xa cha xa mẹ
người bị giết vì lầm
học trò cúi mặt không dám nhìn
thầy giáo cho nhanh vào lớp
2.
buổi học khởi đầu bằng thầy công dân
học trò nhìn thầy thầy nhìn học trò
chua xót
lớp học còn lại năm bảy đứa
phờ phạc như chim bị bão
như kẻ mất hồn
thầy hỏi những đứa kia đâu hết
học trò ngồi chết cứng nhìn nhau
có những trò đã chết
xác còn chôn trên các vỉa hè
bên mũi cầu trong công viên trong rãnh nước
có những trò đi biệt
chưa biết được ngày về
bỏ sách vở bạn bè thành phố
gởi cuộc đời vui gian nan
có những trò nghỉ học
hoặc đã đi lính cũng nên
bởi cửa nhà cháy rụi
cha mẹ không đủ tiền
nuôi con…
thầy giáo như đã khóc
học trò ngồi nín lặng
lớp học vội vàng tan…
(4-1968)
HOÀNG BẢO VIỆT
Chúng Tôi Chợt Nghe Hoa khóc trong đêm
Chúng tôi chợt nghe hoa khóc trong đêm
Ngỡ chính lòng mình đang rưng
nước mắt…
Hoa khóc thay lời người tiếc thương chim
Mái ngói vô tình tiếng mưa nặng bước
Chim chết như ngôi sao tan rã giữa trời
Những chùm lông trắng kéo mây qua
đỉnh núi
Giọt sương nào của đài hoa
Tuổi thơ nào của chúng tôi
Bình minh nào của loài chim
Hoa khóc tự do hơn cái chết
Trả đau thương không giữ một lời
Trả cho đêm tất cả thi hài vô danh
Nằm úp mặt dưới những cột nhà cháy
Khối trái phá bắt đội trên đầu
Nổ liên hồi tận đáy đêm trong
Mũi tên lửa lao thẳng vô ngực
đập tan bầu không gian thủy tinh
………
Các anh ở Prague giờ chắc cũng qua đêm
Nếu chỉ nói thầm chắc sao chịu nổi
Nghe trong tâm tư giông bão nhiều hơn
Từ giã đỉnh cô đơn ra ngó xuống phố buồn
Hồi tỉnh lại những đường tim tan nát
Sớm mai nào ấm hơi con trẻ
Cỏ non nào in dấu chân chim
Mùa thu nào anh em kết nghĩa
Tình tự nào cứu lấy quê hương
Mỗi lần nói các anh đều nghe tiếng vọng
Như sóng ngoài sông như gió ngang trời
Sài gòn từng gọi Huế
Huế tương tư Hà nội
Như Prague gọi Budapest
Như các anh hằng nhắc nhở chúng tôi
Dầu chúng tôi muốn sống bằng kỷ niệm
Nhưng đêm nay đêm nay không còn là hôm qua
Và Sài gòn khốn khổ Sài gòn vô tội
………
Không muốn thấy Huế đẹp Huế thơ trở thành ác mộng
Như Prague ốm yếu nhưng Prague yêu nước Prague anh hùng
Không muốn thấy hơn một lần Budapest…
Các anh thừa biết chịu ơn những người đã chết
Chúng tôi vừa nghe rõ mỗi lời hoa tiếc thương chim
Ngỡ chính lòng mình đang rưng nước mắt.
(1968 )
Thái Ngọc San
nói với Huế
bom đạn nổ trong lòng tay em trong lòng tim em
bước chân loài vô tri dẫm nát thân thể em từng phần dẫm nát thân thể em từng khúc
em hết cả rồi, thân thể em ngã xuống vỡ tan tành,
những ngây thơ vụn rữa, những đôi mắt bàn tay trôi đi
tôi quỳ xuống bên thân xác em mân mê tìm dấu vết
tôi quỳ xuống bên thân xác em không nói được một lời
tôi không khóc bằng những hạt lệ u buồn nhưng tôi khóc bằng máu
màu đỏ như tấm lòng em như trái tim em
này em, còn gì đâu, con chim buổi sớm mai không còn hót
dòng sông cau mày khóc nghẹn ngào
này em, còn gì đâu, nụ cười vỡ tan làm môi hồng ngọt úa
rồi suốt đời em nỗi buồn này ăn sâu
tôi níu làm sao được em
tôi khóc làm sao tôi được em
máu trong tim tôi đang ngừng chảy
dĩ vãng đôi mắt em, cuộc đời trên thân xác em, bão biển ngoài khơi và chiến tranh trên lục địa
chiến tranh đang vằm nát quê hương, xót xa bao nhiêu năm rồi
này em, những hồn ma còn lai vãng đâu đây — trong lòng tôi trong lòng em khốn nạn
em còn gì để nuối tiếc ngày xưa
em còn ít giận hờn nào không về những bước chân tàn nhẫn đó
em còn ít giận hờn nào về cuộc chiến tranh bẩn thỉu này
bây giờ chúng ta còn gì đâu, thân xác em cũng mất
tâm hồn tôi cũng mất
này em, quả tim tôi ngừng đập