Viết lúc 4AM – Kinh nghiệm và thưởng ngoạn thi ca

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là có một sự khác biệt giữa văn và thơ. Một bài văn phải diễn đạt làm sao để độc giả hiểu và cảm nhận những gì mà tác giả muốn chuyên chở. Ví dụ khi kể về nồi cơm nửa cháy khê nửa sống  kia, tác giả phải tả là  thời tiết rất xấu, nhiều gió mạnh, vùng hành quân không có nhà cửa để trú tạm nấu nướng khi dừng quân. Còn thơ thì khác. Không cần giải thích rườm rà. Nó như một cái nhếch môi cười của cô nàng Mona Lisa trên tranh. Sự rung động của người đọc thơ tùy vào sự cảm nhận riêng của mỗi cá nhân.

 

 

nón sắt thay nồi thuốc bồi mồi lửa
cơm dọn ra nửa sống nửa khê vàng
miếng được miếng không nuốt ngày sống vội
như nữa đây chết vội đến phiên chăng ?

(Lính thú – thơ Ngô Đình Khoa)

(Ngô đình Khoa là bút danh của nhà thơ Khoa Hữu trước năm 1975. Mời đọc Phụ blog THT về Khoa Hữu)

Khi đọc những câu thơ này, chắc có người sẽ hỏi: tại sao lại nửa sống nửa khê vàng? Có lẽ người ấy không có một kinh nghiệm gì về chiến trường, về những cuộc hành quân ở những vùng không có nhà cửa, chỉ có núi rừng, sông rạch hay đầm lầy. Hình ảnh ấy nhắc nhở tôi đến những buổi mưa thúi trời thúi đất ở Bình Định, dưới những chân núi dọc theo quốc lộ Một. Chẳng những mưa mà còn gió. Đơn vị được lệnh dừng quân, nấu cơm. Làm sao mà tìm được một chỗ khô ráo kín gió? Chỉ còn cách là ba người lính đứng sát vào nhau để che đỡ những cơn gió cuồng nộ thốc vào. Gió quất Poncho đập phì phạch. Mưa thì xối xả. Củi thì ướt. Mắt người lính cay sè vì khói bốc. Ngọn lửa thì quá yếu. Nửa sống nửa khê vàng là vậy đó.

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là có một sự khác biệt giữa văn và thơ. Một bài văn phải diễn đạt làm sao để độc giả hiểu và cảm nhận những gì mà tác giả muốn chuyên chở. Ví dụ khi kể về nồi cơm nửa cháy khê nửa sống  kia, tác giả phải tả là  thời tiết rất xấu, nhiều gió mạnh, vùng hành quân không có nhà cửa để trú tạm nấu nướng khi dừng quân. Còn thơ thì khác. Không cần giải thích rườm rà. Nó như một cái nhếch môi cười của cô nàng Mona Lisa trên tranh. Sự rung động của người đọc thơ tùy vào sự cảm nhận riêng của mỗi cá nhân.

Ví dụ qua những câu thơ vừa trích, đối với người không có tí gì kinh nghiệm của thời lính tráng, thì chắc chắc sẽ không hiểu tại sao, hay nếu có hiểu thì cũng chỉ hiểu một cách mơ hồ, về cái nồi nón sắt nấu cơm nửa sống nửa khê vàng này. Còn đối với người trong cuộc thì khác. Da diết, bồi hồi… Nó nhắc về một cõi hoạn nạn lao lung câm nín mà người lính phải cắn răng chịu đựng. Thương cho những phận người thấp hèn, thấy lại những buổi trời mưa gió, những chiếc poncho trùm nhau để lấy thân người che lấy gió bão Trường Sơn.

Như vậy, chính kinh nghiệm đã giúp tôi được yêu thêm thơ tác giả. Và cũng chính kinh nghiệm có khi nó làm mình không thể nào thích nổi mặc dù bài thơ được thi nhau truyền tụng. Ví dụ bài Tây Tiến.

Xin được đăng lại bài tản mạn về Kinh nghiệm và văn chương:

1.

Thời còn talawas, tôi có post lên một bài, đại ý tôi xem Tây Tiến của Quang Dũng  là một bài thơ có giá trị nghệ thuật tuyệt vời, nhưng  trên phương diện kinh nghiệm, tôi  không đồng ý  khi nhà thơ kể về cái hào khí ngất trời của một đoàn binh “không mọc tóc”.

Nếu họ như  những tay anh hùng Lương Sơn Bạc, thì khỏi nói làm gì. Nhưng ở đây, từ  nhà phê bình đến người đọc, thảy thảy đều cho những chiếc đầu không một sợi tóc kia là do hậu quả của bệnh sốt rét rừng.

Sau khi post, chẳng có ai trả lời hay phản biện.

Sau này, một người bạn, chia mừng dùm tôi:

“Thú thật, sau khi đọc bài của anh, tôi cứ lo là anh bị đánh tơi tả. Anh quả gan thật, nhè Quang Dũng mà phê bình…”

Tôi trả lời: Tôi đang chờ. Sao không thấy ai  đánh. Tôi thách đấy.

Cám ơn trường học Mỹ, và English 102, môn học chuyên về research, đã giúp tôi hiểu rằng, muốn đưa một ý kiến hay một quan niệm gì cho công cộng, trước hết phải thuyết phục bằng tài liệu hay kinh nghiệm. Kinh nghiệm tôi có đầy mình. Nhưng trước khi mang kinh nghiệm của mình ra làm bằng chứng, tôi xin dùng kinh nghiệm của một người khác để xin trích dẫn:

Đoạn này trích từ hồi ký của một người cựu lính Bắc Việt:

…Phía trước là đường dài thăm thẳm, những dốc đứng cao, trên vai mang rất nặng, quá sức chịu đựng của từng người. Sao cậu ta lại chọn sốt vào thời điểm khó khăn này để hành hạ anh em chúng tôi? Lẽ ra cứ để qua ngày mai khi cả đơn vị vượt qua được con dốc này, rổi lúc đó hãy sốt!

Khó khăn, vất và, mệt nhọc chúng tôi nói vậy thôi, chứ như  tất  cả mọi người trong tiểu đội ai nấy đều thương Lượng vô cùng khi tận mắt chứng kiến cậu ta lên cơn sốt hầm hập, người run bần bật, không ăn được một tí gì vào  bụng, chỉ có húp một ít nước cơm.

Cơn sốt của Lượng đã được dự đoán trước đó mấy hôm, nhưng nó không biết sẽ xảy ra trong thời điểm nào? Vì mấy ngày qua cậu ta đòi ăn nhiều và liên tục kêu đói. Đây là biểu hiện của những người sắp lên cơn sốt và sau khi cắt cơn sốt.

Đầu tiên là cái rét đến rất nhanh, rét tận trong ruột rét ra. Rét rùng mình, rét đến gai cả người. Hai hàm răng va đập vào nhau nghe cầm cập liên hồi. Hai mắt trắng dã, môi tím tái, người nằm co quắp run rẩy và giật theo từng cơn. Mặc dù đã đốt đống lửa bên cạnh nhưng vẫn không có một tác dụng gì.

Chúng tôi mặc hết áo quần cho Lượng và tập trung hết cả chăn, màn phủ kín, nhưng cậu ta vẫn run cầm cập, rên hừ hừ, liên tục kêu rét, thỉnh thoảng người lại lên từng cơn co giật…

(Võ Minh, Có Một Thời Như Thế, Hồi ký,  tái bản lần thứ ba)

Tác giả còn thiếu ở chỗ, nếu  con bệnh bị  sốt rét ở vào thời kỳ nặng,  thì tóc rụng, như những người lính mà Quang Dũng đã mô tả trong bài thơ Tây Tiến của ông:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Có điều là với một đoàn binh như vậy, liệu họ có thể trèo những ngọn núi cao thăm thẳm, cả nghìn thước lên, nghìn thước xuống để mà đêm mơ Hà Nội Dáng Kiều Thơm ?

2.

 

Đối với người đọc, một câu hỏi là:  có nên mang kinh nghiệm ra để thẩm định giá trị một tác phẩm văn chương, hay cần phải bỏ qua khi thưởng thức một tác phẩm văn chương?

Mấy câu thơ trên, nếu mang kinh nghiệm để thẩm định, thì với tôi, một kẻ từng là lính núi, từng nằm quân y viện, chỉ hiểu “không mọc tóc”  là hậu quả của căn bệnh sốt rét  ác nghiệt, thì kinh nghiệm không giúp được gì để tôi có thể tưởng tượng về cái hào khí ngất trời này. Làm sao mà hào khí được khi con bệnh tóc không mọc, da xanh mét, mỗi ngày lên cơn đắp mấy cái mền cũng phát run. Hồng huyết cầu bị xâm nhập tấn công. Có khi nguy kịch đến tính mạng như:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Người bệnh phải được chữa trị lâu dài mới có cơ hồi phục trọn vẹn.  Với sức tàn phá gây bởi những con vi trùng cực kỳ nguy hiểm như vậy, thì làm sao mà có sức để trèo lên những ngọn núi cao cả ngàn thước như thế này  để mà còn “Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm” ?

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi


Hình ảnh những con ma bệnh  từ một bệnh xá miền núi trước 1975. Hay bóng những người lính run lẩy bẩy  sau khi lội qua những con suối đen ngòm lạnh ngắt vì không thấy ánh mặt trời vẫn như lờn vờn trong tâm trí tôi.

Tôi ước ao đừng có những kinh nghiệm như thế để có thể thưởng thức trọn vẹn một bài thơ để đời của Quang Dũng. Nhưng mà,  tha lỗi cho tôi. Tôi không thể. Thiên hạ có thể chê trách tôi không biết thưởng thức thơ, nhất là thơ Quang Dũng. Tôi đành chịu lỗi làm kẻ ngu dốt …

3.

Tôi không biết giờ này, những chàng trai trẻ cỡ tuổi tôi trong thời chiến,  đã nghĩ gì về những bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận trong thời “chống Mỹ cứu nước”? Những bài thơ xúi giục cả một thế hệ trẻ miền Bắc điên cuồng cùng trái tim rực lửa để vào miền Nam  mà sinh Bắc tử Nam. Cuối cùng họ thấy gì, và rút ra bài học gì. Ngay cả con của nhà thơ Huy Cận cũng đã bị nhốt vào tù. Sao mà ngày xưa quí vị đánh giặc hăng như vậy, bây giờ thì ngồi sờ vết sẹo mà chửi đổng?

Chung qui cũng vì không có kinh nghiệm. Không có kinh nghiêm nên cứ nghĩ bài thơ Kéo Pháo của Tố Hữu là sự thật. Trong khi nó chỉ là một sản phẩm bịa đặt như lời thú nhận của chính tác giả sau này.

Trí thức ít ra cũng là một phần của kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm mới sinh ra mù quáng, mê muội, như những con ngựa bị che mắt bằng hai tấm da trâu, và bị roi quất vào đít. Để  khi biết rồi thì đã muộn. Phải không?

4.

Tôi đã tự  đặt ra câu hỏi và tìm lời giải cho cái kinh nghiệm thưởng ngoạn văn chương của tôi.  Hãy để người yêu thơ Quang Dũng yêu thơ ông trọn vẹn. Hãy để “không mọc tóc” chỉ là một biểu trưng cho một đoàn quân “oai hùng”. Cũng như hãy để đằng sau cánh cửa sổ kia, những hình ảnh thật đẹp “áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, thay vì những chiếc chiếu bó thây, với những người trẻ tóc còn xanh, nhưng thân thể bị loét lở bởi sức nóng của bom và hỏa tiễn hay những lỗ hổng ghê rợn do sức công phá từ những viên đạn đồng được du nhập từ Mỹ, Nga, Tàu, Tiệp Khắc… Hãy để những cái chết oan khiên mà lẽ ra không phải vậy, trong một cuộc chiến bẩn thỉu, chẳng phải hào hùng một tí nào.

Vâng. Tôi nhắm mắt khi nghe một người ngâm bài thơ Tây Tiến. Tôi tôn trọng những người xung quanh. Tôi không bắt họ trèo núi, trèo đồi, bị sốt rét như tôi. Tôi không ép họ, đừng tin cái áo bào kia. Thời Quang Dũng đẹp lắm.

Đó là  thời kháng chiến chống Pháp, chống xâm lăng.

Bài thơ Tây Tiến chỉ nói lên cái đẹp của lịch sử.

Nó không xúi giục, kích động bằng những chữ nghĩa giết người.

Nó không phải là từ  những bộ óc vắt cạn để tìm ra những con chữ càng nhuộm máu nhiều càng tốt như những bài thơ trước 1975 mà than ôi, thế hệ chúng tôi ở miền Nam phải bị buộc học nhồi vào đầu óc những bài thơ bài văn của họ, nếu không thì: Ta hỏng tú tài. Ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc (thơ NTN).

%d bloggers like this: