Ga đêm quạnh quẽ

Nhớ lắm, Nguyễn Sa Mạc ơi. Ngôi nhà gạch đầy bóng tối, bên con đường rầy xe lửa, nơi hai thằng vẫn hay ngồi trên đường sắt, đốt thuốc. Bạn kể về một người con gái đằng sau khung cửa, và tiếng hát của nàng đng sau hàng giậu. Gương mặt bạn nghiêng gầy, thuốc không ngớt thả khói… thấy càng già nua khắc khổ. Tôi đã tìm ở bạn tấm lòng, tấm lòng của bằng hữu, của văn chương.
Bạn có biết truyện ngắn  Ga đêm Quạnh Quẽ mà tôi đã đăng trên Văn, là lấy chất liệu từ những ngày chúng ta có mặt tại khu vực trong nhà ga Nha Trang không?

Tôi rất thích truyện này.  Xin được đăng lại ( kể cả 1/2 trang phân ưu trên báo ) để bạn có đọc được, thì xin xem đây là tấm lòng của tôi về một người bạn năm xưa. (THT)

Ga đêm quạnh quẽ

Tặng Nguyễn Sa Mạc

KHU MÁY NƯỚC, XÓM ĐƯỜNG NẦY, NHÀ GA XE LỬA. NHỮNG dãy nhà mọc lên chi chít như bàn cờ, bên cạnh những đống rác nhão nhẹt dưới những trận mưa mùa đông. Rác, rác ngập bốn bề, trong lòng sân ga quạnh quẽ, rác nổi lên giữa những toa tàu xám đã bị bỏ quên từ một ngày binh lửa. Cũng như những chiếc đầu máy đã nằm yên trong dãy cơ xưởng và những đống rỉ sắt chồng chất trên bãi cỏ dại, chưa một lần bốc đi về một chân trời xa. Ở đây, là một cõi lãng quên. Ở đây, có những người chờ chực, mong đợi một ngày như những chiếc tàu bỏ không chờ ngày hú hồi còi vạn lý. Ở đây, chiến tranh không đến, nhưng chiến tranh bủa xuống ngậm ngùi. Sân ga năm nào, cột đèn vàng, người phụ việc đội mũ kê-pi, hành lang thăm thẳm, vang động gót giày, những bàn tay vẫy, những nụ hôn ràn rụa. Con tàu huýt hồi còi trong sương…Tất cả đều bay biệt mù tăm, để lại bây giờ một bãi nghĩa địa hoang phế.

*

            Có một người thanh niên trở về khu máy nước như một kẻ bí mật. Chàng xuất hiện trước ngôi nhà cạnh đường ray vào một đêm mùa đông. Tay  phải là chiếc xắc. Chiếc xắc độc nhất, bạc màu được vá víu bằng mảnh vải nhựa. Xắc nhẹ tênh. Một bộ quần áo và dăm bảy quyển sách. Một quyển vở bọc bìa nhựa, cái bàn chải đánh răng, và thêm cái khẩu cầm bé nhỏ. Rồi hết. Đó là cơ nghiệp của một thằng con lưu lạc trở về, sau những năm miệt mài Trường Sơn chất ngất. Cửa nhà đóng kín. Gã cúi đầu yên lặng một chút, rồi đưa tay gõ cửa.

–         Ai đó?

–         Con.

–         Ai?

–         Con, Tân đây!

Cửa mở. Người thanh niên đứng giữa khung cửa, dáng gầy guộc. Người đàn ông già, cầm chiếc đèn dầu soi lên:

–         Trời ơi, thằng Tân. Mày về lúc nào vậy?

–         Con mới về tức thì. Các cháu đâu?

–         Chúng ngủ hết cả trong phòng.

–         Anh chị con đâu, ba?

–         Cũng ngủ rồi.

–         Sao đêm nay không có điện, ba?

–         Tối nay điện cúp.

Ông già vẫn còn cầm chiếc đèn dầu hỏa. Vẫn cái dáng quen thuộc năm nao khi ông đứng trên sân ga, xách đèn lồng, vào một buổi sáng tinh sương, trước khi con tàu ra sân. Những nét nhăn nheo, hằn in trên vầng trán. Gió mùa đông bật tung cánh cửa. Ánh đèn dầu trở nên lập lòe.

–         Sao con về tối vậy?

Người thanh niên không đáp. Chàng bước vào nhà, đôi mắt quan sát từng đồ vật. Vẫn chiếc bàn cũ, vẫn chiếc tủ kính năm nào, vẫn những chồng báo kê trên chiếc bục nhỏ, vẫn những chiếc ghế bành độn rơm.

–         Con về thăm nhà, mai con đi.

–         Sao đi sớm vậy. Ở lại vài bữa với các cháu. Chúng nhắc đến mày luôn.

–         Con phải dời nơi này thật sớm. Về lại căn nhà này, thấy ba bình yên là con mừng rồi.

Ông già bỏ chiếc đèn lồng xuống. Trời đổ cơn mưa lớn. Mùa đông hay là cơn bão rớt.

–         Có lẽ bão.

–         Con nghe đài nói bão ở Đà nẵng. Má con đâu rồi ba?

Người đàn ông già nhìn xuống đất. Mưa đổ trên mái tôn, kêu lộp bộp. Người thanh niên lấy bao thuốc.

–         Mời ba điếu thuốc.

–         Xem mày thay đổi nhiều quá.

–         Con thay đổi thế nào, ba?

–         Mày nom già cằn già cỗi. Hình như đầu mày có tóc bạc rồi.

–         Những ngày ở Trường Sơn, những ngày xuống dưới biển, vượt biên giới, ba xem, chính những ngày đó…

–         Tao vẫn biết. Nhưng tao không ngờ mày già đến đó, tao muốn chảy nước mắt… Mày mệt mỏi lắm phải không?

–         Dạ, con mệt mỏi lắm rồi. Con đã trở về.

Người đàn ông già, bước đến cái bàn nước:

–         Con uống cà phê nhé. Ba pha cà phê cho con nhé.

–         Để con pha cho ba.

–         Tau pha.

Người thanh niên nhìn lên trần nhà. Bóng cây đèn, in trên vách tường vôi trắng. Những tiếng kêu buồn bã của con thằn lằn nào đó ở trần nhà, đều đều.

–         Má con đâu rồi, ba?

Người đàn ông già vẫn im lặng. Ông ta lui cui soạn tách, pha cà phê, và đổ nước sôi.

–         Má con đâu rồi ba?

Đôi mắt ông già quay lại, soi vào gương mắt người thanh niên. Ông lắc đầu:

–         Má con bỏ đi lâu rồi.

–         Sao vậy, ba? – Người thanh niên la lên, hốt hoảng.

–         Mỗi người đều có cuộc sống riêng, lý do riêng, đời tư riêng…Không ai ngăn cấm nổi hết. Má con có sự lựa chọn riêng, cũng như ba có sự lựa chọn riêng của ba. Ba để cho má tự do, và má để cho ba tự do.

Người thanh niên cúi xuống, nói như muốn khóc:

–         Mỗi người đều có lý do riêng, lựa chọn riêng của hắn, cũng như con. Nhưng con không ngờ cái ngày trở lại thế này… Chẳng thà con biệt tăm, biệt xứ luôn. Chẳng thà con lận đận lao đao ở quê người, ở cái miền biên khu mù mịt kia, chẳng thà con sống để như chết, để buông thả tất cả cuộc đời con cho gió, cát, núi, rừng, cho chiến tranh, cho đồng đội, cho súng đạn, hành quân… Chẳng thà con lưu thân ở một cõi nào biệt tăm biệt tích… Ba có biết, tại sao con lại về căn nhà của khu máy nước này không. Ba có biết, trên chặng đường con trở lại, phải qua bao nhiêu gian lao, khổ ải này không…

–         Ba vẫn không hiểu con nổi. Con dạo này, như một người lớn trước tuổi.

Tiếng nói của người đàn ông già bị át hẳn bởi tiếng mưa. Mưa mùa đông. Trận bão rớt, từ ngoài khơi eo biển, bắt đầu thổi về ào ạt. Mái tôn thốc ầm ầm, và những miếng vải bạt ngoài hiên, vang lên một âm thanh cuồng nộ.

–         Con biết một ngày như thế này, thì có lẽ con không trở về. Ba, cho con thưa một điều. Con khinh ba, con khinh má. Chính ba má, chính gia đình, chính sự vô ý thức của mỗi người, đã làm con phải khổ tâm như thế này.

–         Ba biết thế. Tại ba nhu nhược.

Ông ngừng nói, nhìn chằm vào đứa con trai.

–         Bây giờ, con nom già quá. Da đen, má lại hóp. Cả gương mặt thơ ngây năm nào, bỗng nhiên thay đổi lạ lùng. Ba nhìn con, ba ngỡ là một người lạ nào. Nếu con không nói, ba chắc không biết…

Có tiếng dép kéo lê từ trên cầu thang. Người đàn ông già nói nhỏ:

–         Dì con xuống.

Một người đàn bà cỡ 39, 40 tuổi xuất hiện trong phòng khách. Bà mang bộ áo quần hoa tím, vải lụa. Nom bà sung mãn, như một người đàn bà hồi xuân, và biết chưng diện. Người thanh niên cúi đầu chào.

–         Thằng Tân, con trai đầu lòng của  tôi đấy, mình.

–         Thế à. Anh mới về?

–         Vâng, con mới về.

–         Anh đi lính, về phép?

Anh trả lời gượng gạo:

–         Vâng, con về phép.

–         Chừng nào anh đi?

–         Mai sớm, thưa dì.

–         Sao gấp vậy?

Người thanh niên lặng lẽ đốt thêm điếu thuốc. Khói thuốc xanh, lượn vòng bay trong thinh không. Một chiếc xe Honda băng qua con đường trước ngõ, tiếng máy lẫn trong tiếng mưa gầm thét. Trước mặt anh, là một nỗi đớn đau vô biên chưa từng có. Dì anh, người đàn bà sắc sảo ấy: đôi lông mày cạo nhẵn thín, những móng tay sơn đỏ chót, và bộ quần áo lụa mỏng sặc sỡ. Anh đoán không lầm, bà ta là một người làm sở Mỹ. Căn nhà, bây giờ trở nên khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn. Ngày nào, tấm trần ủ mốc, những chiếc cửa sổ, mốc meo, cũ kỹ, chiếc tủ gương chưa một lần đánh thêm nước sơn mới, cùng những ngăn kệ chưa kê, bày một bộ ly chén đắt tiền. Nhưng bây giờ, sự việc trái hẳn. Anh trở về, để chứng kiến một sự thay đổi đau lòng trên từng gương mặt của những người thân yêu, đến từng đồ vật ở từng vị trí, ngõ ngách. Đây là bộ ly chén mua từ PX, đây là những chai whisky đắt tiền, đây là những con búp bê xinh xinh, những radio, pickup, những quyển lịch Playboy, những chai dầu thơm đắt tiền… Tự nhiên anh đâm ra nhớ mẹ anh. Người đàn bà, sống bằng những ngày gian khổ, mà cuộc sống chỉ biết mỗi sáng mỗi chiều, xách những rổ chuối, những rổ trái cây, những gánh gồng, cho phiên chợ sớm, chiều. Người đàn bà, hy sinh trọn tuổi thanh xuân cho chồng, cho con, chưa bao giờ thở dài một tiếng. Anh nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ khi tiễn đưa anh lên đường, những món quà nhỏ mọn khi anh trở nên một tên tân binh trong quân trường nắng cháy. Những ngón tay nhăn nheo, run run mở từng món đồ, dúi từng số bạc ít ỏi vào túi anh và những giọt lệ long lanh trên gò má, khi người nhận ra anh ốm và đen hơn. Anh còn nghe như thể, từ chiếc giường kê ở bên trong căn buồng nhỏ, tối, tiếng thở dài của mẹ anh, tiếng mẹ anh cắn chí, để lo toan những việc gia đình. Và anh còn thấy ánh đèn dầu hỏa bà thắp lên trong đêm khuya khoắt, khi bà rửa chùi những nải chuối, những quả thanh long đỏ ửng, những quả trứng gà, trứng vịt. Anh lại thấy gương mặt người đen đúa, xấu xí như hai trái táo, như thể mang nặng một nỗi bất hạnh suốt đời trên vai người. Bây giờ bà đã bỏ ra đi. Anh nhìn ra song cửa. Đêm tối bưng kín. Ánh đèn dầu hỏa của căn nhà bên cạnh vẫn còn thắp. Cơn mưa đột ngột đã dứt, cơn mưa, của Trường sơn hay cơn mưa trong lòng anh, bão bùng sầu muộn. Cơn mưa của khu máy nước hay cơn mưa của những ngày sương lũng núi mù, bom đạn triền miên, hay những ngày những đêm, co ro, run rẩy trong chiếc poncho phập phồng gió bấc… Chắc là cơn mưa trong hồn anh rồi. Nó đến, như một dòng nước mắt, ràn rụa tâm hồn. Nó đến, đớn đau, để anh nhận ra sự hiện hữu của một đời con trai, trở lại cùng quê huơng.

Người đàn bà và cha anh đã lên căn gác. Bây giờ, chỉ còn một mình anh lủi thủi quạnh hiu. Tiếng tắc kè của con kỳ nhông năm nào vẫn vọng về trong một hang hốc nào đó ngoài sân. Có lẽ, nó là chứng nhân… Nhưng, tội nghiệp, nó đang than vãn một kiếp sống. Ai hơn ai.

*

      Anh ra ngoài hành lang. Bên kia con đường đất, cách hàng rào, Liên đang ngồi học dưới ánh đèn dầu. Mái tóc của nàng phủ ngập trên bờ vai. Và khuôn mặt nàng lung linh dưới ánh đèn vàng vọt. Anh ngồi trên bực thành xi măng, lạnh lẽo.

Căn nhà bên cạnh, khóm hoa huỳnh nhạt nhòa trong ánh sáng mù mờ từ song cửa hắt ra. Anh vừa nghe một bản nhạc từ chiếc máy thu thanh.

“ … Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”

Tự nhiên, mắt anh muốn ràn rụa. Người ca sĩ, đôi mắt than chì mở lớn như một cô gái da đen man dại. Người ca sĩ để chân trần, ru ngủ bao cõi lòng phiền muộn, đem lại những nỗi buồn vui trong lứa tuổi thanh xuân. Người ca sĩ, mang mùa thu, mang ly biệt, mang tình yêu, và ngăn cách, mang cuộc chiến và râu tóc Trường sơn… Ôi, còn anh, anh vẫn như thế này. Điếu thuốc đốt lên. Đây là điếu thứ bao nhiêu, cho vơi đi bao nỗi sầu muộn lê thê trên mặt đất. Trường sơn, đỉnh cao chót vót. Bảy ngày gạo mang theo, bảy ngày gạo tiếp tế. Những bước chân thất thểu, những bộ quần áo tơi tả, chiếc áo ấm chưa giữ được hơi hướm cho những ngày mùa đông hàn thử biểu xuống mức tối thiểu, những viên đạn bắn đi, những vỏ đạn rơi rớt dọc đường, những lá thư viết không gởi. Gởi ai. Máy thu thanh nghe lúc dừng quân. Hòa bình, ngưng chiến, ngày sum họp, mẹ con, mừng tủi… Anh ngồi, nghe như mình đang trôi bềnh bồng trong một cõi chết. Liên hát theo. Giọng Liên cao, và sành sõi. Anh đứng dậy, bước qua và vịn tay ở khung cửa. Liên la lên một tiếng khe khẽ, sững sờ. Anh hơi mỉm cười, nói lạt giọng:

–         Biết ai đây không, Liên?

Liên ngước mặt, đôi mắt ngạc nhiên, rồi la lên:

–         A, anh Tân. Anh Tân, về hồi nào vậy?

–         Suỵt. Khe khẽ. Kẻo nhà dậy.

Liên rối rít:

–         Mời anh vào.

Anh cười:

–         Anh vừa nghe em hát xong. Thật là một giọng tuyệt vời.

Liên xịu mặt xuống. Đôi mi chớp chớp:

–         Anh ngạo em hoài.

–         Em xem anh thế nào.

–         Anh đen và gầy nhiều quá. Sao anh ít về vậy?

–         Trường sơn chôn chân anh rồi. Anh sắp trở thành người Thượng rồi.

–         Độ này anh ốm quá.

–         Chắc, lần bị thương này, máu anh đổ ra nhiều quá. Dễ gì cả chai máu.

–         Anh mới xuất viện?

–         Không, anh bỏ quân y viện. Anh trốn đi.

–         Sao kỳ vậy?

–         Em là con gái, em không hiểu. Và anh cười ném mẩu thuốc ra ngoài cửa. Mỗi người đều có lý do riêng để sống, phải không em?

Cô gái cúi đầu trên trang giấy học trò. Một hình vẽ quang phổ bên cạnh những công thức.

–         Cho anh đoán nhé. Em học ban A phải không?

–         Dạ

–         Quang phổ có bao nhiêu văn? Mấy màu?

–         Anh lại đố em nữa à?

–          Anh hỏi em vì anh quên, 5,6 năm rời Đại học, rời cái phòng thí nghiệm, rời tính toán, công thức, bây giờ anh đã trả bài giảng về giáo sư hết cả rồi. Bây giờ, chỉ có lệnh, có nghiêm nghỉ, chỉ có sáng thứ hai chào cờ, chỉ có đêm dẫn lính đi kích, chỉ có trái khói, lựu đạn, có những hét hò, xung phong, sát….., chỉ có những gương mặt giòng họ Y, Nay, Blunk….

–         Anh đi lính có khác.

–         Anh thay đổi nhiều lắm, hở Liên?

–         Dạ.

–         Em vẫn không thay đổi. Khi anh nghe em hát, anh ngỡ ngày nào, anh còn ngồi lại, bên hành lang. Anh đang học bài, đang dõi mắt nhìn em. Em lớn hẳn ra, lại đẹp nữa.

Liên chớp mắt.

–         Chừng nào anh hết phép.

–         Anh không có phép. Anh trốn đi. Nhưng mai anh sẽ rời đây sớm.

–         Sao gấp vậy, anh. Ở lại một thời gian, đi anh.

–         Em không hiểu anh đâu.

Anh nhìn kỹ vào khuôn mặt người con gái. Năm nào, anh làm một tên si dại, mở cửa mỗi ngày, mong chờ một tà áo trắng và chiếc nón nghiêng nghiêng. Người qua nhà tôi mỗi ngày hai bận, nón che nghiêng nên chẳng thấy tôi buồn. Năm nào, anh trao lá thư trong quyển sách học, tỏ tình yêu qua bờ giậu cách ngăn và em đôi mắt biết thẹn thùng, trao cho anh bao lời âu yếm. Khi em ngồi, mở cửa. Khi em khoe áo mới mỗi bận tung tăng, khi em gửi trao bài ca tiếng hát ở bên kia khung cửa. Khi em theo anh về miền xa, dưới hàng phi lao rậm bóng, để lần đầu tiên anh hôn em, biết được tất cả hơi hướm con gái.

Anh nói:

–         Em ra ngoài đường ray, cùng anh chốc lát. Anh chỉ còn đêm nay. Tiếc rằng đêm không trăng, không sao, để anh chỉ cho em nơi anh ở đó. Nơi Trường sơn anh lưu thân. Em biết Trường sơn không?

–         Trường sơn hả anh. Ghê quá đi. Bộ anh ở trên đó sao?

–         Bây giờ mỗi người lính đều có quê hương của họ. Đó là Trường sơn. Đó là biên giới. Đó là nỗi sống và chết.

Đêm hầu như đã khuya. Hai người cầm tay nhau bước ra khu sân ga. Người thanh niên thầm thì:

–         Bàn tay em lạnh.

–         Em sợ anh

–         Sao mà sợ. Anh vẫn nhớ những đêm trăng, hai đứa mình trốn cha trốn mẹ ra ngồi trên đường sắt, nhìn ra sân ga.

–         Em cảm thấy sợ. Anh thì biền biệt, mù tăm. Khi trở về thì vội vàng, bí mật, và khi đi thì gấp rút, lạ lùng. Em không hiểu anh.

–         Em không hiểu anh đâu. Nhưng đêm nay, dù ngắn, dù muộn màng, dù không một bóng trăng sao, anh vẫn coi là một kỷ niệm vĩnh cửu cho đời anh.

Gió đêm trở nên lạnh, hai người bước đi trên con đường đất ướt, đầy vũng nước. Hai bên nhà đã đóng cửa. Một con chó sủa. Người thanh niên cười, siết chặt bàn tay người con gái:

–         Nó sủa, vì nó ghen chúng ta.

–         Hay nó xua đuổi ta.

– Cả hai, trong thời chiến tranh mỗi người là một kẻ bị xua đuổi, bị dồn bức. Mỗi người là một kẻ trốn chạy. Nhất là cuộc chiến trên quê hương đầy buồn bã này. Có ai thỏa mãn niềm khao khát của mình đâu.

Hai người ra sân ga. Đêm dầy và hình như đã khuya lắm. Bầu trời đen tối. Những ánh đèn ở phía thành phố lấp lánh trên những building cao ngất. Dãy núi ngoài biển, nhìn thấy bởi một dải ánh sáng nhòa nhạt trong hơi sương. Trên cao, con tàu chớp xanh đỏ, rù rì một âm điệu bất tận. Một chuyến bay đêm. Hai người trẻ ngồi trên thanh sắt đường ray. Trước mặt, chiếc château d’eau cao ngất, vàng vọt dưới ánh đèn. Anh nói:

–         Bốn năm ra đi, khi trở về mọi sự thay đổi hết, từ cái sân ga này, đến khu xóm kia, từ những người thân yêu đến kẻ hàng xóm. Họ sống, đóng khung như những cù lao nhỏ cô độc… Họ sống, bởi nghi kỵ và tham lam.

Người con gái gục đầu trên vai anh, khóc:

–         Còn em thì sao? Anh không biết, nếu khổ thì khổ những người ở lại mà thôi.

–         Anh xin lỗi em. Anh hiểu tình em đối với anh. Nhưng trên quê hương chúng ta, tất cả những người con gái đều là những cô phụ vàng võ. Biết làm sao bây giờ. Chỉ có thời  gian…

Hai người yên lặng. Nguời con gái bỗng run:

–         Em lạnh.

–         Em mang áo ấm của anh đỡ một lát.

–         Sao anh đi mãi hoài?

–         Em hỏi mặt trận, súng đạn. Em hỏi tiền tuyến, em hỏi dãy Trường sơn, thì biết.

Người thanh niên quay mặt lại. Nhưng anh không nhận ra khuôn mặt của người yêu. Anh chỉ nghe hơi nóng của người con gái. Anh chỉ nghe cánh tay, bờ vai mềm mại ở trên bờ vai anh. Anh kéo đầu người yêu xuống, và hôn ràn rụa vào mặt và môi nàng. Anh cắn rát môi người yêu. Người con gái rên khe khẽ, hai bàn tay bấu chặt lấy vai người nam. Các móng tay sắc cào sâu vào da anh. Đêm vẫn trôi. Cơn mưa để lại bầu thinh không lạnh lẽo. Nhà ga đã ngủ, thỉnh thoảng trên con đường từ cổng vào sân, một đốm lửa lập lòe nổi lên trong cõi đêm đen. Hai người lặng thiếp trong vòng tay siết cứng. Hai người ôm nhau, như thể lần cuối được ôm. Hai người thở hổn hển, phả hơi trên mỗi gương mặt mỗi người. Bây giờ, người con trai mới buông thả vòng tay của anh. Hình như trong cõi vắng lặng vô biên này, anh đã nghe tiếng phong hồ cầm nổi lên, lướt đi trong gió lạnh. Và một bản nhạc về một mùa thu, về một mùa lá vàng, về những tờ lịch cuốn trôi trong gió, về những quán tối, với những nhân tình, yêu nhau, khóc với nhau trong một đêm cuối cùng. Anh cũng vậy, anh cầm chiếc cằm người yêu nâng lên:

–         Em ca cho em một bài hát đi. Rồi anh sẽ ngâm cho em bài thơ khi anh còn ở trên Trường sơn, em nhé.

Người con gái nói:

–         Em ca, nhưng anh đừng cười, em tặng riêng anh, để mai anh trở lại chiến trường. Nếu anh nhớ em, yêu em, nếu anh nghĩ đến em, đứa học trò bé bỏng của anh, thì anh nhớ con bé không có gì tặng anh, trừ bài ca này.

Và nàng bắt đầu hát. Một bản nhạc về tình yêu ngăn cách và nỗi chờ đợi mòn mỏi đẫm đầy nước mắt: Đêm nay thu sang cùng heo may, đêm nay sương lam mờ chân mây… Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu…

*

Bây giờ chỉ còn lại người thanh niên, lặng lẽ ngồi trên con đường sắt. Người thanh niên, sân ga, và bóng tối. Anh ngồi bất động mà nước mắt đầy hồn. Anh đang ở giữa một cõi chết, hay cõi quên lãng cũng nên. Xe ngựa, tiếng động cơ, con đường xuôi Nam ngược Bắc, đầy sương muối. Ạnh đã trở về vùng xóm cũ, cùng bến ga xưa. Nhưng anh không còn tìm ra được một hình bóng nào có thể an ủi được con tim trống vắng của anh. Con tàu nào, đưa mẹ anh đi.  Phương trời nào mẹ anh trốn chạy. Góc biển, chân mây nào người lận đận lao đao. Và anh nữa, cõi trời mù mịt nào để anh tìm đến, ẩn thân như một chàng ẩn sĩ, để tìm bình an sau những năm tháng nổi trôi. Quê hương nào anh trở lại để anh uống cốc cà phê, mà tuổi thanh xuân đã bỏ quên trên rừng Trường sơn cao ngất, để anh tìm lại cái hạnh phúc nhỏ nhen của một đời người trẻ tuổi. Ở đâu? Ở đâu bây giờ? Trước mặt anh các toa tầu vẫn nằm yên ngủ  từ một ngày ly loạn, các đầu máy vẫn nằm lỳ trong góc tối của cơ xưởng, các con đường sắt vẫn yên lặng ngủ thiếp trong đám cỏ dại mọc lên tự do.

Còn ba anh, người xếp tàu của một thời xuôi Nam ngược Bắc, có còn xác đèn lồng mỗi buổi sáng, kiểm soát lại một chuyến đi, hay chờ đợi một chuyến đi. Của ai, của căn nhà phiền muộn.

   Trần Hoài Thư

( ở Tòa án Mặt trận Quân khu 2,  Nha trang, 27-10-70)

Phân ưu

Được tin trễ:

Thân phụ

 

Nhà học giả Nguyễn văn Thư,

Hội thẩm Tòa Thượng – thẩm Huế,

đã thất lộc tại Sài gòn, ngày 9 tháng 3 năm 1971, chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng Ông bà Nguyễn Văn Thư, tang quyến, và xin cầu chúc linh hồn Cụ sớm được tiêu diêu nơi cõi Bồng nước Nhược.

Nguyễn–đình Vượng, Giản-Chi,

 Nguyễn Mạnh-Côn, Trần Phong-Giao

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading