…Quân số lúc đó là hơn hai nghìn sáu trăm người. Thế mà giờ đây, ngồi điểm lại, không biết có còn được ba trăm người nữa không? Dẫu biết rằng: Sau gần bốn chục năm, có rất nhiều người do vết thương tái phát, hay di chứng của những cơn sốt rét giữa rừng Trường Sơn hoặc một lý do nào đấy đã đưa họ về thế giới bên kia vĩnh hằng. Để về cùng với tổ tiên, về với những người đồng đội, đã mãi mãi nằm lại ở nơi chiến trường xa mà chưa hề được hưởng một giây phút của ngày toàn thắng, hoà bình, thống nhất đất nước.
Chúng tôi trích lại một đọan trong Lời Tác Giả của hồi ký chiến trường Có Một Thời Như Thế của Võ Minh – một cựu chiến binh miền Bắc – để được chia sẻ cùng ông những đau đớn mất mát mà ông đã mang sau khi chiến tranh chấm dứt. Nỗi mất mát ấy đã rỉ máu trong trái tìm ông, cũng như trái tim của tôi.
Dù sao, những nổi mất mát kia, cũng được đền bù. Lý do là hàng ngũ của ông là hàng ngũ chiến thắng. Mà chiến thắng thì làm chủ, và kẻ thua thì làm nô lệ. Mà chiến thắng thì nghĩa trang được dọn cỏ, khói hương nghi ngút, hài cốt được chôn cất đàng hoàng, gia đình thì được phong là gia đình liệt sĩ, và ông thì được đảng trả ơn cho trở lại mái trường, để được tốt nghiệp bằng kỹ sư… Còn kẻ thua, thì nghĩa trang bị cày xới, mộ bị bốc đào, sách vở bị truy diệt, hàng hàng lớp bị chôn vùi dưới đáy biển hay trên rừng sâu…..
Bây giờ, xin phép ông tôi được mượn một vài đọan, vài trang trong tác phẩm để đề cập về một vai trò mà Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Dương Thu Hương, đã mô tả trong các tác phẩm của họ. Đó là vai trò thám báo của quân đội miền Nam.
3-11-1973
Khoảng 7 giờ tối, trung đoàn 271 cùng với các đơn vị khác trong đoàn 95 đồng loạt hành quân tập kết chiếm lĩnh các mục tiêu mà mình đảm nhiệm.
Đêm nay, tất cả bộ máy của các trung đoàn hoạt động hết công suất. Đơn vị bộ binh đổ quân đến những điểm trọng yếu, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.
Bộ đội đặc công tiền nhập ém sát cạnh các lô cốt và sở chỉ huy quân địch ở bên trong cứ điểm, chờ khi được lệnh cùng đồng loạt dùng bộc phá, thủ pháo tiêu diệt mục tiêu, với chiến thuật: “Đánh nở hoa trong lòng địch”.
Bộ đội pháo binh chỉnh lại tầm hướng pháo lần cuối cùng đến các mục tiêu đã xác định từ trước.
Bộ đội thiết giáp vào các vị trí tập kết ở ngoài cứ điểm.
Tất cả đều chờ đợi đến giờ G của hợp đồng chiến đấu, cùng đồng loạt nổ súng, theo chiến thuật “Từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào”.
11 giờ 30, đường dây thông tin liên lạc từ Ban chỉ huy trung đoàn 271 đến các tiểu đoàn bị đứt liên tục. Mặc dù lúc đó, trên tuyến dây không có pháo và bom địch dội vào. Đại đội thông tin (C20) đã cử một tốp ba chiến sĩ có mang theo súng tiểu liên AK và một khẩu B40 đi kiểm tra nối lại, nhưng đường dây vẫn bị đứt và không thấy ba chiến sĩ đó trở về.
Trước tình hình đó, chiến sĩ Nguyễn Văn Thành người Thanh Hoá, là tân binh vừa từ miền Bắc vào, được phân công mang theo một cuộn dây sau lưng và một khẩu súng AK lên đường, tìm bằng được vị trí để nối thông tuyến liên lạc bị đứt đó.
Lần theo đường đi, Thành cứ mải mê cầm dây điện đang nằm dưới đất giật nhẹ theo từng đoạn một. Khi anh đã vượt qua khoảng nửa quãng đường, bỗng nhiên sợi dây trong tay đang cầm để giật bị chững lại. Anh cố gắng mấy lần giật mạnh hơn, nhưng nó vẫn không hề di chuyển.
Dưới ánh trăng của ngày gần rằm, Thành đã tìm được vị trí. Ai đó đã cột chặt đoạn dây bị đứt vào thân cây mọc lúp xúp ngay sát canh lối đi.
Đang cúi xuống loay hoay gỡ đầu dây đó, anh giật mình khi có tiếng hô to cạnh kề sau lưng: “Đứng dậy giơ tay lên!”
Anh bàng hoàng ngước mặt lên: Xung quanh mình lúc này đầy lính đối phương đang chĩa súng vào. Cũng ngay sau đó bọn họ đấm đá vào người anh túi bụi, khẩu súng AK bật văng ra xa.
Quá bất ngờ, anh không có một phản ứng nào để tự vệ cả. Chúng đánh anh lăn lộn mấy vòng trên mặt đất, rồi sau đó lấy thắt lưng quần trói chặt hai tay về phía sau lại.
– Mày tên gì? Thuộc đơn vị nào?
– Tôi là lính mới nhập ngũ! – Thành gượng đau để trả lời.
Chúng lại tiếp tục đấm đá anh.
– Đ. má… Tao hỏi mày tên gì? Thuộc đơn vị nào?
– Tôi tên Chiến vừa từ ngoài Bắc vào đến đây chiều nay, nên không biết đơn vị tên gì?
– Sao chỉ có một mình mày đi nối dây?
– Các anh ở nhà bảo đi là đi, chứ tôi đâu biết gì?
– Mày quê ở đâu?
– Tôi quê ở Thanh Hoá!
– Đ. má … Tao hỏi mày ở ấp nào, huyện nào?
– Tôi ở Nga Hùng, Nga Sơn!
– Ba, má mày thế nào? Tên gì?
– Bố mẹ mất sớm, tôi mồ côi từ lúc còn nhỏ.
Không khai thác được một chút thông tin nào, chúng lại thi nhau đấm đá anh lăn lộn dưới mặt đất.
– “Báo Rừng” báo về Trung tâm, đã bắt được một tên Việt cộng. Nhưng nó không khai báo gì, xin chỉ thị! Hết!” – Cách nơi anh nằm độ 5 mét, một tên lính thông tin mang máy bộ đàm đang điện về xin lệnh của chỉ huy.
Tại Chỉ huy sở của tướng Hoàng Cầm, trong lúc ông đang đứng bên cạnh tấm bản đồ tác chiến, chăm chú theo dõi các mũi tiến quân của bộ đội ta tiền nhập vào cứ điểm Bù Boong, bất ngờ một sĩ quan thông tin, xông thẳng đến:
– Báo cáo thủ trưởng, bộ phận đài kỹ thuật (Bộ phận chuyên nghe đài địch) vừa nhận được tin: Một toán biệt kích đã bắt được một chiến sĩ thông tin của ta, nhưng đồng chí đó vẫn chưa khai báo gì!
Mới vừa nghe đến đây, một thoáng trên gương mặt ông chùng lại. Cũng ngay sau đó, ông lấy lại bình tĩnh, rồi giơ tay lên để xem đồng hồ. Thời điểm lúc đó mới là 0 giờ của ngày 4 tháng 11 năm 1973. Đang còn hơn bốn giờ nữa mới đến giờ G, giờ các đơn vị đã hợp đồng đồng loạt nổ súng.
Chỉ cần chiến sĩ bị bắt đó để lộ một chút thông tin về ta đang chuẩn bị đánh cứ điểm Bù Boong trong đêm nay thì tổn thất của quân mình sẽ lớn vô cùng. Vì đúng lúc này, tất cả bộ đội đặc công của ta đã vào hết phía bên trong hàng rào cứ điểm, không có một vật che chắn nào.
Ông quay mặt về phía sĩ quan tham mưu và sĩ quan thông tin đứng bên cạnh rồi chỉ đạo: Tăng cường theo dõi sát sao các nguồn tin của địch về diễn biến của chiến sĩ bị bắt đó. Mọi sự việc xảy ra như thế nào, phải báo cáo trực tiếp ngay cho ông.
Tốp lính biệt kích của địch gồm có chín người. Trong đó viên chỉ huy mặt gầy xương xương, râu quai nón phủ đầy mặt. Chính người này đã đấm đá tra khảo Thành nhiều nhất.
Nhiều lúc đau quá tưởng như không chịu được, anh vẫn cố kìm lại, nén chịu những cơn đau để cho đầu mình luôn tỉnh táo, trước những đòn tra khảo của lính đối phương. Không thể phản bội đồng đội bạn bè của mình được, những người luôn bên anh, đã cùng vào sinh ra tử.
Anh hiểu rằng: Chỉ cần để lộ một chút thông tin, về trận đánh của ta trong đêm nay, chắc chắn sẽ có rất nhiều, rất nhiều đồng đội của mình phải hy sinh. Còn ở đây, nếu có phải hy sinh, thì chỉ riêng một anh chịu.
Bọn địch cứ điên cuồng đấm đá vào bất cứ vị trí nào trên người, có lúc đau quá nên đã mấy lần anh gục xuống suýt ngất. Lo sợ mình một lúc nào đó không làm chủ được rồi buột miệng để lộ thông tin, anh liên tục lẩm bẩm, lặp đi, lặp lại những câu đã khai cho chúng.
Biết rằng không khai thác được tin tức gì về bộ đội ta, chúng đã nản chí và điện về xin lệnh chỉ huy.
– “Báo Rừng” gọi trung tâm! “Báo Rừng” gọi trung tâm! Tên Việt cộng cứng đầu đó vẫn không khai báo gì, xin chỉ thị! Hết.”
Tốp biệt kích được cấp trên chỉ thị cho phải đưa Thành về sở chỉ huy ở Khánh Hoà. Đúng 7 giờ sáng sẽ có máy bay trực thăng đến đón tại ngã ba Tuy Đức.
Lúc này, ở sở chỉ huy tướng Hoàng Cầm, các đơn vị đặc công đã báo về: Bộ đội ta đã ép sát mục tiêu, đang chờ lệnh tấn công. Các trung đoàn bộ binh, pháo binh, xe tăng đã chiếm lĩnh xong trận địa. Tất cả đang sẵn sàng đợi lệnh.
Cứ 10 đến 15 phút, một sỹ quan thông tin lại báo về diễn biến người chiến sĩ đã bị địch bắt đó. Kim đồng hồ chẳng chiều ông tý nào, mà cứ chậm rãi nhích dần, nhích dần…
Đã 3 giờ 30, cả mặt trận vẫn yên lặng, thỉnh thoảng mới có một loạt pháo cầm canh từ các cứ điểm Đắc Song; Đắc RLấp bắn về khu rừng xung quanh. Còn một tiếng nữa mới đến giờ nổ súng. Ông và Ban chỉ huy Đoàn 95 căng mắt chờ đợi, trong lòng thầm mong sao, thời gian giờ G đã đến.
4 giờ… Quá lo lắng cho trận đánh bị lộ, một sĩ quan đứng cạnh ông đã thốt lên:
– Báo cáo thủ trưởng, hay ta cho thời điểm nổ súng sớm hơn 30 phút.
Trong lòng ông đã có lúc muốn quyết định theo phương án đó, nhưng những kinh nghiệm chỉ huy từng trải đã mách bảo: Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn cố chờ đợi thêm.
Đến giờ này cả mặt trận vẫn yên lặng không một chút động tĩnh bất thường. Như vậy, chiến sĩ bị bắt vẫn chưa hề khai báo gì cho địch.
4 giờ 15… 4 giờ 25 rồi đến 4 giờ 30, ông thở phào nhẹ nhõm, trên gương mặt nở một nụ cười rạng rỡ, rồi đĩnh đạc ra lệnh cho các đơn vị nổ súng tấn công căn cứ Bù Boong.
“Ùng ùng, oàng oàng”… Cả tuyến đường Trương Tấn Bửu từ ngã ba Tuy Đức đến cứ điểm Bù Boong ầm ầm rung chuyển. Giờ G đã đến, quân ta đồng loạt phát hoả. Những tiếng nổ liên tiếp đanh vang, những cột lửa thay nhau bùng sáng lên cả một góc trời ở phía cứ điểm Bù Boong.
Các căn cứ pháo binh địch ở cứ điểm Đắc Song, Đắc RLấp lúc này câm tịt, không có cơ hội bắn pháo về trận địa ta. Chúng hoàn toàn bị khống chế, khi những loạt pháo đầu tiên của trung đoàn pháo binh 262 đang áp đảo mạnh liệt. Trận đánh hợp đồng binh chủng đã diễn ra đúng như phương án tác chiến ban đầu mà ông đã chỉ đạo.
Đầu tiên là bộ đội đặc công bất ngờ đánh thủ pháo vào sở chỉ huy, các lô cốt, trại lính, sau đó rút quân ra ngoài. Bộ đội pháo binh nã đạn tới tấp vào cứ điểm. Dưới làn pháo của ta, xe tăng và bộ binh đồng loạt xung phong tấn công áp đảo quân địch đang còn sống sót cố thủ trong cứ điểm Bù Boong…
Trời vừa sáng, chúng ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch đang chốt giữ trong cứ điểm.
Tốp thám báo đang trên đường dẫn Thành về tập kết tại ngã ba Tuy Đức để chờ máy bay trực thăng đón về Khánh Hoà, bất ngờ nghe tiếng súng nổ bao quanh, chúng bối rối hoảng sợ, nhưng một lúc sau đó mới trấn tĩnh được, kéo nhau rút sâu vào trong rừng.
Trên đường chạy, để đảm bảo an toàn, chúng trói hai khuỷ tay Thành về sau lưng, bắt anh vác một khẩu súng B40 có lắp đầu đạn, nhưng đã tháo liều phóng, để không thể bắn quả đạn đi được. Rồi đẩy anh đi trước tốp biệt kích một khoảng cách (khẩu súng B40 này là của nhóm chiến sĩ thông tin đi nối dây trước Thành bị chúng phục kích giết chết).
Suốt cả ngày hôm đó, chúng nó nằm im trong rừng không dám ra ngoài sợ gặp bộ đội ta tiêu diệt.
Khoảng 5 giờ 30 phút chiều, chúng lại bắt Thành vác súng B40 đi trước để tìm đường về. Khi vừa từ trong rừng rậm ra ngoài gặp bãi sình, anh nhìn xuống mặt đất có lối mòn nhỏ, rất nhiều dấu dép ca rô (dép cao su Trung Quốc phía dưới khía cạnh ca rô). Biết chắc là đường chuyển quân của bộ đội mình, anh dẫn chúng đi theo lối mòn đó.
Khi đến chân một đồi trọc, anh dự đoán: Nhất định trên đồi có bộ đội ta chốt giữ, tốp lính Sài Gòn không hề nhận biết được điều này, mà vẫn cứ thản nhiên đi theo sau.
Dưới ánh trăng sáng của đêm rằm, anh phát hiện ở phía trước độ khoảng gần 10 mét, có một mô đất nhô lên cao. Biết chắc là có quân ta ở đó, nhất là khi phát hiện thấy có người đang quan sát theo dõi mình đi cùng tốp lính.
Anh vội lăn mình xuống mặt đất và hô to:
– Em là Giải phóng đây! Phía sau là địch đấy!
Cũng ngay lúc đó, bộ đội ta ở các công sự xung quanh đồng loạt xông ra bắt sống toàn bộ tốp lính biệt kích.
Sau trận đại thắng của quân ta đánh chiếm căn cứ Bù Boong, tướng Hoàng Cầm đã quyết định đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Nguyễn Văn Thành, chiến sĩ thông tin C20 thuộc trung đoàn 271.
Trên đây là nhật ký của tác giả ghi lại để giải thích tại sao trung đoàn 271 của ông nói riêng và đại đơn vị Bắc Việt dưới quyền của tướng Hoàng Cầm nói chung lại chiến thắng trong trận đánh Bù Boong. Hãy tạm quên những chi tiết mà theo cá nhân tôi, có vẽ cường điệu và tiểu thuyết hóa, tôi muốn phân tích về vai trò thám báo qua đọan văn vừa được trích:
– Thứ nhất, tác giả cho biết toán thám báo gồm 9 người. Họ xâm nhập vào vùng mà đại đơn vị gồm trung đoàn 271 và những bộ phận lớn dưới quyền của tướng Hoàng Cầm, sau đó họ bị bắt sống …
Từ đó, ta mới có thể hiểu thêm về vai trò và nhiệm vụ của thám báo là gì.
Đấy một toán nhỏ dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cấp úy, có nhiệm vụ xâm nhập vào vùng địch, mục đích săn tin. Họ được huấn luyện rất kỷ về mưu sinh thoát hiểm, về cách chấm tọa độ để gọi pháo binh để rót vào các căn cứ địa của địch khi cần thiết. Họ phải hạn chế tối đa việc vệ sinh cá nhân, không đốt lửa. Lương khô của họ là những lon thịt nguội, là cơm vắt…Họ phải tự bảo vệ, tự lực mưu sinh và thoát hiểm. Muốn vậy, họ phải tuyệt đối bảo mật, bởi vì mạng sống của họ ở trong đường tơ kẻ tóc. Mỗi lần họ nhận nhiệm vụ là mỗi lần họ nghĩ là ra đi không có ngày về. Họ phải phải nương tựa để bảo vệ lẫn nhau. Thử đọc lại cảnh những họng súng Bắc quân chỉa về toán thám báo, chỉ cách 10 thước, dưới ánh trăng mới thấy lạnh mình!
– Trong một tình huống đầy nguy hiểm và bất trắc như vậy, vậy mà Hồ Anh Thái ( sinh năm 1960, năm 1975 mới 15 tuổi) đã tả một toán thám báo đốt lửanướng gan, nướng tim, tinh hoàn, như thể ở một nơi picnic như sau:
“Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn.
Bữa tiệc kéo dài quá sức chịu đựng cuối cùng cũng chấm dứt. Lũ thám báo bỏ xác Hùng lại trên bờ suối, rồi lôi thằng chiến hữu sống dở chết dở đi. (Cõi người rung chuông tận thế)”
Láo vừa chứ, ông Hồ Anh Thái ơi. Nổi lửa để mà “lạy ông tôi ở bụi này à ?”. Tưởng tượng gì mà độc địa ghê gớm như vậy, hở Trời ?
Bài cùng chủ đề: