Viết lúc 4 AM (7) – Chung và riêng

Trước 1975, tôi viết rất nhiều. Có thể nói, con số ấy có thể lên đến hàng trăm truyện ngắn. Bạn hỏi tôi tại sao  không có một truyện dài. Tại vì tôi không thích hay vì tôi chịu thua?

Vâng, tôi thích lắm chứ. Truyện dài mới có thể chuyên chở trọn vẹn ý tưởng của tác giả về một chủ đề hay một vấn đề gì đó.

Chắc chắn là chịu thua.

Lý do  chính là tôi  không đủ bình tỉnh để mà tiếp tục cùng những trang giấy, tiếp tục viết từ chương này qua chương khác. Làm sao mà tôi có đủ can đảm nắn nót, đọc đi đọc lại, hay ngồi đánh máy lại bản thảo của mình, trong khi cái ám ảnh về cái chết thì đè nặng? Khi mình cứ nghĩ là mỗi lần ra đi là mỗi lần không có ngày về. Bạn hẳn biết, binh chủng thám kích là thứ binh chủng rất đặc biệt. Họ được xử dụng trong những công tác nguy hiểm. Họ phải đi đầu và dĩ nhiên là chết trước.

Chính vì cái ám ảnh ấy mà tôi viết rất nhiều. Viết như  chưa bao giờ được dịp đề viết. Tôi không cần xây dựng nhân vật, suy nghĩ cốt chuyện, bởi vì nhân vật thì  đã có sẵn: đồng bào giữa hai lằn đạn, đồng đội, những người lính thấp cổ bé miệng, và chính cả tôi nữa. Còn cốt chuyện thì có quá nhiều. Khi ngòi bút của mình viết đến đâu, thì cốt chuyện như lóe lên như ánh đèn trong cõi tối, dẫn dắt mình đi.

Tôi viết rất dễ dàng. Bởi lẽ tôi có quá nhiều chất liệu. Qua vốn sống của mình. Cái khó thứ nhất là làm sao trong cái kho tàng chất liệu ấy, mình tìm ra chất liệu nào để mà khai thác cho sáng tác của mình, hầu có thể   thuyết phục được người đọc. Đừng bắt người đọc, phải đọc một bài văn không đầu không đuôi, nhàm chán.

Điều khó thứ hai là làm sao mang cái chung vào truyện ngắn của mình. Người đọc đâu phải hoàn toàn là lính. Mà nếu là lính thì cũng có người lính văn phòng, kẻ lính tác chiến. Nếu bắt họ phải đọc  những Anh dũng Sơn Tây Non Nuớc, hay tôi nghe 5 trên 5…. Bắc Bình Rạch Giá… thì người đọc làm sao mà hiểu nổi.

Cái chung là gì. Có phải là con người? Có phải là trong trái tim người lính là hình bóng người yêu, người mẹ, hay người con? Có phải là cái tàn bạo của chiến tranh, khủng khiếp của bom đạn, và những nỗi chịu đựng vô bờ gian khổ vô bờ của người lính. Người lính ấy có thể là Bắc, hay là Nam.

Cái chung ấy là cái chung của Public hay Globalization trong ngôn ngữ điện toán. Nó không phải là localization mà bất cứ một programmer nào đều phải suy nghĩ đến, trước khi bắt tay vào việc thảo ra một chương trình hay chuẩn bị cho một dự án điện toán… Nó vượt ra ngoài ranh giới địa phương, để đến với đám đông quần chúng.

Có nghĩa là khi anh viết, dù cho anh đi nữa, nhưng anh phải nhắm vào người đọc trước đã.

“Chiến tranh trang điểm sắc đẹp mà ông thầy”.  Một câu nói của người thương phế binh gởi cho một người thượng cấp của anh ở Mỹ, vậy mà đã làm thấm thía cho mọi lứa tuổi, kể cả những người không biết gì về chiến tranh. Đó không phải là cái chung hay sao ?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading